Thứ bảy 20/04/2024 04:13

Những điểm mới từ dự thảo Nghị định Luật Chứng khoán

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau 20 năm thị trường chứng khoán trong nước đi vào vận hành, nhiều tổ chức kinh doanh chứng khoán đã bày tỏ mong muốn nhà quản lý mở rộng không gian hoạt động để các Cty chứng khoán chủ động và triển khai đa dạng hơn các hoạt động đầu tư, kinh doanh, phát triển sản phẩm...

Cho phép Cty chứng khoán chào bán sản phẩm tài chính

Do đó, việc thông qua Luật Chứng khoán năm 2019 và ban hành dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán là phù hợp với thực tiễn thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là chủ trương kịp thời, đúng đắn, được đồng tình và đánh giá cao của các thành viên thị trường. Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, đáp ứng phần nào những mong muốn đó, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đã mở ra cơ chế cho phép Cty chứng khoán được chào bán sản phẩm tài chính.

Theo đó, để được chào bán sản phẩm tài chính, Cty chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện như: được cấp phép nghiệp vụ tự doanh; tuân thủ nghĩa vụ thanh toán của sản phẩm; có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán; không bị đặt trong tình trạng tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động hoặc trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản; không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trong 6 tháng gần nhất tính đến ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được hồ sơ...

Ngoài ra, để được chào bán sản phẩm tài chính, Cty chứng khoán còn phải đáp ứng điều kiện: báo cáo tài chính kỳ gần nhất đã được kiểm toán không có ngoại trừ, trường hợp ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; tổ chức phát hành có tài liệu giải trình hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ. Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị, hoặc chủ sở hữu Cty cũng phải thông qua việc chào bán sản phẩm tài chính, chấp thuận quyền của người sở hữu sản phẩm tài chính, các nghĩa vụ của Cty chứng khoán đối với người sở hữu sản phẩm tài chính trong trường hợp Cty chứng khoán bị mất khả năng thanh toán, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản...

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cho biết, Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán mở ra cơ chế cho phép Cty chứng khoán được chào bán sản phẩm tài chính là một bước cởi mở về chính sách. Tuy nhiên, dự thảo quy định Cty chứng khoán chỉ được phát hành sản phẩm này khi Bộ Tài chính có hướng dẫn về sản phẩm, hồ sơ, trình tự, thủ tục chào bán sản phẩm tài chính... là chưa được hợp lý, cần xem xét sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, cũng như bối cảnh của quy định pháp lý mới. Theo đó, tại Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, Quốc hội đã trao nhiều quyền hơn cho UBCK trong điều hành, phát triển thị trường để phù hợp với tính chất biến động nhanh chóng của bối cảnh trong nước và quốc tế.

Bởi vậy, dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng cần tiếp nối tinh thần này bằng cách thay vì Bộ Tài chính, cần trao quyền cho UBCK hướng dẫn về sản phẩm; hồ sơ, trình tự, thủ tục chào bán sản phẩm tài chính... Điều này vừa giúp cho việc quyết định chính sách giảm bớt các khâu, tiết kiệm thời gian, vừa phù hợp với thực tiễn, bởi với tư cách là cơ quan chuyên quản về thị trường chứng khoán, hơn ai hết, UBCK nắm biến động hàng ngày, hàng giờ về thị trường; thấu hiểu sức khỏe của từng Cty chứng khoán, nên biết ở thời điểm nào thì cho phép Cty chứng khoán chào bán sản phẩm tài chính là tốt cho Cty chứng khoán lẫn thị trường, nhà đầu tư.

nhung diem moi tu du thao nghi dinh luat chung khoan
Thị trường chứng khoán trong nước đi vào vận hành trải qua hai thập kỷ. Ảnh tư liệu

Tăng cường công tác thanh tra

Góp ý về Dự thảo Nghị định, Cty CP Quản lý quỹ VinaCapital có ý kiến liên quan đến việc nhận biết khách hàng qua phương thức điện tử. Quy định tại Nghị Định Số 87/2019/NĐ-CP cho phép nhận diện khách hàng đơn giản qua công nghệ xác thực. Đây là một bước tiến lớn trong việc đơn giản hoá thủ tục KYC (quá trình xác minh danh tính của các thành viên nhằm giúp cho hệ thống tuân thủ luật chống rửa tiền), đặc biệt là với khách hàng nước ngoài không cư trú tại Việt Nam.

Tuy nhiên theo quy định tại khoản 1, Điều 90 của Luật Chứng khoán 2019 thì Cty quản lý quỹ phải ký hợp đồng bằng văn bản với khách hàng khi cung cấp dịch vụ. VinaCapital cho rằng điều này gây khó khăn và cản trở khi khách hàng ở nước ngoài và không thể đến Việt Nam, đặc biệt khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai và những lý do bất khả kháng khác. Do vậy, VinaCaptal đề nghị quy định rõ, cụ thể, cho phép Cty chứng khoán, quản lý quỹ ký hợp đồng bằng văn bản hoặc những hình thức khác có xác thực và đồng ý các bên tham gia hợp đồng như: email, e-signature...

Đáng chú ý, với quy định liên quan tới các Cty trá hình hoạt động như mô hình Cty quản lý quỹ, VinaCapital cho rằng, hiện nay, không khó để thấy một số Cty hoạt động không phép, đa cấp, ponzi, huy động trái phép tiền của nhà đầu tư với hứa hẹn sinh lời và lãi suất cao phi lý. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của những Cty chứng khoán, quản lý quỹ. Cty này đề nghị Chính phủ thực hiện nhiều hơn nữa việc thanh kiểm tra, bài trừ, ngăn chặn, đẩy mạnh tuyên truyền và làm trong sạch môi trường đầu tư của Việt Nam.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động