Những bước chân lặng lẽ hỗ trợ F0 tại cộng đồng

Kiểm soát tốt bệnh nhân Covid-19

Dù đã đến ngày kỷ niệm của nghề nhưng có lẽ, đối với những bác sỹ, nhân viên y tế làm công tác chống dịch nói chung và đội ngũ trực tổng đài tư vấn tại Trạm Y tế lưu động phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nói riêng đều dành tâm trí để điều trị, hỗ trợ, tư vấn cho các người bệnh Covid-19. Với họ, có thể không tham gia hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của ngành cũng không sao bởi còn rất nhiều người bệnh cần họ hỗ trợ trong từng giây, từng phút.

Có mặt tại Trạm Y tế lưu động phường Tây Mỗ vào thời điểm sắp đến dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), tôi được chứng kiến không khí làm việc tất bật của tổ tư vấn, hỗ trợ F0 tại nhà. 3 nhân viên trực tổng đài liên tục tiếp nhận các cuộc gọi đến của F0: Tôi ho nhiều, mệt thì phải uống thuốc gì?; Người nhà tôi khó thở thì phải làm sao?; Bà cụ nhà tôi cao tuổi, có bệnh nền muốn uống thuốc kháng virus thì dùng như thế nào...?.

Bằng kiến thức, kinh nghiệm trong suốt 2 tháng tư vấn, hỗ trợ cho F0 tại nhà, các thành viên tổ tư vấn đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, chi tiết cho người bệnh. Nhờ vậy tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện, sức khoẻ hồi phục, tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng phải chuyển tuyến giảm đi rất nhiều.

Những bước chân lặng lẽ hỗ trợ F0 tại cộng đồng

Chị Ngô Thị Minh Thuý, Y sỹ Đông y của Trạm Y tế phường Tây Mỗ-người được giao phụ trách Trạm Y tế lưu động của phường chia sẻ: Đối với chúng tôi thì ngày lễ hay ngày tết công việc cũng vẫn vậy, mọi người chia ca để trực điện thoại. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngoài bộ phận trực hành chính thì điện thoại của các bạn trong tổ tư vấn cũng luôn mở và hỗ trợ kịp thời cho người bệnh.

Trạm Y tế lưu động phường Tây Mỗ có 1 bác sỹ, 4 y sỹ và 3 điều dưỡng, trong đó có 3 người thuộc trạm y tế còn lại là nhân lực hỗ trợ của của Bệnh viện Hữu nghị Quốc tế Hà Nội. Phường có 15 tổ dân phố thì chia ra làm 4 tổ bác sỹ tư vấn cho F0 trong nhóm Zalo. Khi bệnh nhân khai báo được xác minh thì chuyển sang Trạm Y tế lưu động thêm vào nhóm tư vấn nên không có bệnh nhân nào không được tư vấn trong nhóm. Người bệnh có biểu hiện gì thì hỏi trên nhóm và được nhân viên y tế gọi lại, hướng dẫn người nhà chuyển tuyến, phân tầng điều chuyển.

"Chúng tôi gần như kiểm soát tốt bệnh nhân trên địa bàn phường. Kể cả nửa đêm gà gáy hay sáng sớm người bệnh đều có thể gọi vào số cá nhân của nhân viên y tế và được tư vấn kịp thời", Chị Thuý nói.

Hàng trăm F0 trở nặng được hỗ trợ kịp thời

Trong suốt thời gian dịch Covid-19 hoành hành, nhân viên y tế tuyến cơ sở là lực lượng luôn phải làm việc với cường độ cao dẫn đến quá tải, mệt mỏi. Đặc biệt khi dịch bùng phát mạnh với số ca mắc gia tăng thì áp lực này lại càng trở nên nặng nề. Chị Thuý cho biết: Rất may mắn đối với đội ngũ cán bộ y tế của Trạm Y tế phường Tây Mỗ, từ khi dịch bùng phát mạnh thì BV Hữu nghị Quốc tế Hà Nội đã về hỗ trợ cho quận và phường rất nhiệt tình, giảm tải công việc cho trạm y tế cố định. Tổ cấp cứu lưu động với Tổ cấp cứu F0 phối hợp đến cùng khám, kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân để chuyển đi kịp thời. Nhờ đó đã chủ động vận chuyển F0 trở nặng mà không phải gọi đến Cấp cứu 115 do BV trang bị sẵn xe cứu thương. Đã có 152 bệnh nhân trở nặng được Tổ hỗ trợ cấp cứu F0 đã cấp cứu, chuyển viện thành công, an toàn-trong đó có nhiều trường hợp là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai.

Trong số hàng trăm F0 chuyển nặng được hỗ trợ kịp thời, chị Thuý vẫn nhớ như in 2 ca bệnh đều là người cao tuổi nhiễm Covid-19 trên địa bàn: một cụ 92 tuổi và một cụ 98 tuổi khó thở, mệt. Người nhà gọi điện đến đường dây nóng, trạm y tế lưu động và Tổ cấp cứu đã đến nhà bệnh nhân để thăm khám, kiểm tra, theo dõi. Trong khi đó bên phía bệnh viện báo không còn giường, Tổ cấp cứu đã mang bình ô xy đến nhà người bệnh để hỗ trợ và theo dõi tại chỗ, đến nay tình trạng cả 2 cụ đều ổn định.

Những bước chân lặng lẽ hỗ trợ F0 tại cộng đồng

Tổ cấp cứu đã hỗ trợ kịp thời nhiều bệnh nhân trở nặng ngay tại nhà

Những bước chân lặng lẽ hỗ trợ F0 tại cộng đồng

Là người Phụ trách Tổ cấp cứu vận chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng (Trạm Y tế lưu động phường Tây Mỗ), BS. Nguyễn Tứ Sơn-BV Hữu nghị Quốc tế Hà Nội cho biết: Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, hưởng ứng hiệu triệu của Tổng Bí thư, của Chính phủ nên anh em y tế từ trung ương đến địa phương, từ công lập đến dân lập đều chung tay bởi đây là công việc chung của ngành y, mình không thể tách riêng. Trong bối cảnh chung ấy, BV Hữu nghị Quốc tế Hà Nội đã huy động trên 20 y bác sỹ hỗ trợ quận Nam Từ Liêm trong phòng, chống dịch, từ việc tiêm chủng đến hỗ trợ trạm y tế lưu động của 5 phường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

"Ngoài việc hỗ trợ về nhân lực, cơ sở vật chất, BV đã mua thêm xe cứu thương, thành lập tổ cấp cứu vận chuyển miễn phí bệnh nhân F0 chuyển nặng do bác sỹ cấp cứu và lái xe của BV phụ trách. Dù làm việc ở cộng đồng vất vả hơn, áp lực phơi nhiễm tăng cao nhưng tình thần của nghề nghiệp, ngành y anh em chúng tôi vẫn làm vì cộng đồng với tinh thần hỗ trợ hết sức đầy đủ, nhiệt tình", BS. Sơn tâm sự.

Những bước chân lặng lẽ hỗ trợ F0 tại cộng đồng

Dù nửa đêm hay sáng sớm, ngày Tết hay ngày thường thì khi người bệnh cần họ đều nhanh chóng có mặt

Tình huống khó quên

Những bước chân lặng lẽ hỗ trợ F0 tại cộng đồng

Trong những ngày Tết vừa qua, Trạm Y tế lưu động và Tổ cấp cứu F0 nặng vẫn hoạt động bình thường. Mọi người đã phân chia lịch trực để ai cũng có thể tranh thủ quãng thời gian hiếm hoi đoàn tụ với gia đình nhưng vẫn đảm bảo công việc thông suốt. Mùng 2 Tết, BS. Sơn nhận được điện thoại gọi đến "cầu cứu" đưa một cụ già bị đau ổ bụng đi cấp cứu. Dù không phải là bệnh nhân Covid-19 nhưng trước tình thế cấp bách, Tổ cấp cứu vẫn đến nhà thăm khám và nhanh chóng chuyển bệnh nhân viêm tuỵ đến BV Hữu nghị Việt Đức.

Những bước chân lặng lẽ hỗ trợ F0 tại cộng đồng

Chưa xong ca bệnh này thì một trường hợp khác là F0 cao tuổi, béo phì đang có dấu hiệu suy hô hấp. Tổ cấp cứu lại nhanh chóng quay về đưa người bệnh đến cấp cứu tại BV Đa khoa Xanh-pôn. Trong những ngày tiếp theo của kỳ nghỉ Tết, mỗi ngày có khoảng 3-4 trường hợp F0 trở nặng được chuyển tuyến điều trị kịp thời. "Sau Tết, lượng F0 tăng nhưng chưa liên hệ được giường ở bệnh viện tầng trên khi có dấu hiệu khó thở đã được đưa ra Trạm Y tế lưu động nằm thở ô xy và uống thuốc theo dõi. Đã có 5 trường hợp được chăm sóc tại chỗ như vậy, tất cả đều ổn định"-BS. Sơn kể lại những ca bệnh đặc biệt trong quãng thời gian tham gia hỗ trợ F0 tại địa bàn.

Còn đối với BS. Phan Trí Nghĩa (thành viên Tổ cấp cứu F0 chuyển nặng) thì ca bệnh đang nhớ là vào tối 20-2, khi đang tham gia vận chuyển F0 đến cơ sở tuyến trên BS. Nghĩa nhận được điện thoại báo quay về để đưa một cháu bé 3 tuổi bị bỏng đi cấp cứu. "Em về đến trạm vôi thay đồ để đưa cháu bé đến BV Đa khoa Xanh-Pôn đánh giá mức độ bỏng. Rất may là trong quá trình chờ xe cấp cứu, các anh chị ở tổ tư vấn hotline đã hướng dẫn mẹ cháu bé cách sơ cứu nên cháu bé giảm được độ bỏng sâu, khi lên xe cháu không quấy khóc quá nhiều. Vào bệnh viện cháu bé đã được được thăm khám và cho điều trị tại nhà do mức độ bỏng không sâu, chúng em lại đi xe cấp cứu đến đón 2 mẹ con cháu về nhà. Đến nay tình trạng cháu ổn định".

Gắn bó với việc hỗ trợ cấp cứu, chuyển tuyến cho F0 nặng trên địa bàn suốt hơn 1 tháng qua, Điều dưỡng Nguyễn Quang Tùng trải lòng: Đến giờ em chưa cảm thấy quả tải so với mức đáp ứng công việc của mình nhưng có những ngày chạy liên tục từ 6g tối đến 12g với 6 chuyến đi các địa điểm khác nhau như BV Đa khoa Xanh-pôn, BV Hoài Đức, BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Đêm lại có đến nhà F0 phát thuốc cho người già. Nhiều lúc cũng mệt nhưng em cùng mọi người vẫn hỗ trợ nhiệt tình, hết mình vì em nghĩ mình cũng có thể nhiễm và cần được giúp đỡ.

Với quân số 4 bác sỹ, 6 điều dưỡng và 3 lái xe tham gia cấp cứu, đón bệnh nhân, đánh giá tình hình bệnh nhân, Tổ hỗ trợ cấp cứu F0 tại phường Tây Mỗ đã làm việc liên tục. Có những thời điểm mọi người cũng mệt bởi quá tải "nhưng rồi cũng quen và xác định đó là công việc thường ngày của ngành y. Mọi người đều cố gắng vì tình hình chung", BS. Sơn bày tỏ.

Thực hiện: Phong Châu