Những chuyện chưa kể của phóng viên ở tuyến đầu chống dịch

Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống. Các cơ quan báo chí cũng chịu sự tác động đó. Bên cạnh những yếu tố tiêu cực, COVID-19 cũng đem lại tín hiệu tích cực khi cơ quan báo chí đẩy mạnh hơn công cuộc chuyển đổi số. Từ mô hình làm việc truyền thống, toàn bộ quy trình làm việc cũng đã được các phóng viên “số hoá” hơn.

Nguyễn Khánh, Báo Tuổi Trẻ, một trong những phóng viên chạy tích cực trong đội nhóm phóng viên tại Hà Nội trong suốt thời điểm dịch COVID-19. Anh cùng với các đồng nghiệp của mình đã sớm có mặt tại các vùng biên giới như Lạng Sơn, Hà Giang (nơi có lượng người Việt Nam đi theo đường ngách từ Trung Quốc về nước rất lớn) để tác nghiệp.

Tại đây, Khánh cũng có cơ hội được gặp những nhân vật “canh giữ COVID-19” ở vùng biên cương, cùng sống và trải nghiệm cuộc sống, nhiệm vụ của những chiến sỹ phải dựng lều bạt, nếm gió phơi sương bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Khánh không thể quên khoảnh khắc mà anh xông pha tác nghiệp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai - ổ dịch lớn nhất Hà Nội trong thời điểm đó.

Những chuyện chưa kể của phóng viên ở tuyến đầu chống dịch

Phóng viên Nam Nguyễn, Báo điện tử Tổ Quốc, cũng là một trong những người chạy sớm nhất những tin bài về dịch COVID-19. Là một phóng viên làm việc tại báo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, anh hiểu hơn ai hết và có những đánh giá sớm về tác động của dịch COVID-19 lên các ngành nghề, đầu tiên là ngành dễ bị tổn thương như: Du lịch. Từ một phóng viên vốn “bận bịu” vào dịp đầu năm mới bởi các lễ hội dày đặc, Nam cũng chuyển mình một cách rõ rệt hơn trong thời đại dịch COVID-19.

Anh kể, dịch Covid 19 bùng phát, mật độ sản xuất tin bài có giảm nhưng cường độ làm việc thì nhiều hơn và vất vả hơn. Vì mỗi lần đi vào các vùng có dịch bệnh, anh đều phải mặc những bộ phòng dịch kín từ đầu đến chân. Mùa đông thì có đỡ, ngày nắng nóng thì vô cùng khó chịu.

Những chuyện chưa kể của phóng viên ở tuyến đầu chống dịch

Trong số những phóng viên tác nghiệp tại Hải Dương dịp Tết Tân Sửu vừa qua, hình ảnh cô phóng viên trẻ nhỏ bé, âm thầm nhưng luôn có những tác phẩm báo chí thể hiện rõ nét, sinh động mà chân thực, mộc mạc cuộc sống của người dân những ngày tháng cách ly toàn xã hội tại huyện Chí Linh, Hải Dương gây ấn tượng.

Thạch Thảo khi ấy là cộng tác viên Tạp chí điện tử Zing. Lúc đến Hải Dương tác nghiệp, cô nghĩ mình chỉ đi 1-2 ngày rồi về. Vì vậy, cô không mang theo đồ đạc cá nhân. Thảo không ngờ, chuyến công tác đó kéo dài cả tháng, xuyên qua Tết Nguyên Đán.

Những chuyện chưa kể của phóng viên ở tuyến đầu chống dịch

Giống như Thảo, Đinh Thị Kim Dung, phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, cùng với đồng nghiệp của mình cũng có 30 ngày tác nghiệp tại Hải Dương đáng nhớ.

Thời gian đầu tác nghiệp ở Hải Dương, nhóm của Dung làm việc quên cả thời gian, quên luôn cả ngày nghỉ thứ 7 hay Chủ nhật. Hàng ngày, công việc của nhóm bắt đầu vào khoảng 6-7g và kết thúc công việc cũng là lúc nửa đêm.

Thậm chí cả đoàn chỉ dành một buổi sáng mùng 1 Tết để nghỉ ngơi, buổi chiều lại tiếp tục khoác lên mình bộ đồ bảo hộ và ghi nhận thông tin dịch bệnh tại BV dã chiến số 2 Hải Dương. Thế nhưng chẳng ai kêu mệt mỏi hay nản lòng.

Những chuyện chưa kể của phóng viên ở tuyến đầu chống dịch
Những chuyện chưa kể của phóng viên ở tuyến đầu chống dịch

UAE tháng 6-2021, chứng kiến hành trình của đội tuyển Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022. Đây là chuyến tác nghiệp nước ngoài hiếm hoi và cũng vô cùng khó khăn với các phóng viên của mảng thể thao.

Phóng viên Lâm Thoả, Báo Vnexpess và Nguyễn Khánh, Báo Tuổi trẻ, là 2 trong số 14 phóng viên của đoàn báo chí Việt Nam đi theo đội tuyển Việt Nam. Chuyến công tác này khá đặc biệt với Thoả và Khánh khi tác nghiệp nước ngoài giữa mùa dịch COVID-19.

Lâm Thoả nói, dịch COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn công việc của anh. Chuyến công tác tại UAE cùng với đội tuyển Việt Nam là lần công tác nước ngoài duy nhất trong 2 năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 23 ngày tại Dubai, Thoả đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Từ hồi hộp, lo lắng, bực tức tới lo âu, sợ hãi và cả vỡ oà.

Phóng viên Nguyễn Khánh chia sẻ, tác nghiệp tại UAE có vô vàn những khó khăn. Điều đầu tiên là phải đối mặt nguy cơ có thể mắc COVID-19.

Các phóng viên khi tham gia tác nghiệp tại các trận đấu của tuyển Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện ngặt nghèo mà Ban tổ chức đưa ra. “Các phóng viên phải tuân thủ xét nghiệm PCR theo quy định. Đối với phóng viên ảnh và phóng viên truyền hình có bản quyền, tiến hành 3 ngày/lần, đối với phóng viên báo chí là 7 ngày/lần” – Nguyễn Khánh chia sẻ.

Ngay khi đặt chân đến sân bay, các phóng viên mới nắm được thông báo, FIFA quy định chỉ cho 5 phóng viên ảnh và 5 phóng viên viết tác nghiệp trong mỗi trận đấu.

Phóng viên Việt Nam đến từ các cơ quan báo chí theo chân đội tuyển đến UAE lần này có tổng số 14 người. Trong đó, có 8 phóng viên ảnh, 4 phóng viên truyền hình, 1 phóng viên viết và 1 Youtuber. Nếu đối chiếu với quy định, một số phóng viên sẽ không được vào sân.

Những chuyện chưa kể của phóng viên ở tuyến đầu chống dịch

Tác nghiệp trong thời kì dịch COVID-19, các phóng viên phải quen với cách thức làm việc trong tình hình mới. Vừa phải đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Không quá khi nói rằng, nếu các lực lượng y bác sỹ, an ninh làm nhiệm vụ ở tuyến đầu thì các phóng viên cũng là những chiến sỹ ở hậu trường COVID-19.

Với Nguyễn Khánh nói, 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, cách thức tác nghiệp có nhiều thay đổi, nhưng sự khác biệt lớn nhất đó là tâm thế khi tác nghiệp khi dịch bệnh, luôn luôn sẵn sàng lên đường.

“Là người đưa tin, chúng tôi phải làm đồng thời 2 việc, phải mang lại thông tin hình ảnh tốt vừa đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn ở đây là nếu có hình ảnh tốt thì phải lăn xả, tiếp cận gần và đó cũng là lúc nguy cơ ảnh hưởng cao hơn. Yếu tố an toàn là điều tiên quyết, nếu không đó chỉ là gây ra gánh nặng cho người khác” – Khánh cho biết.

Tuy nhiên, Nguyễn Khánh cũng tự đặt ra những quy định tác nghiệp cho bản thân. Anh luôn tìm hiểu trước sự kiện để đánh giá mức độ lây nhiễm, để biết mình có thể làm đến đâu và làm như thế nào.

Còn với Nam Nguyễn: “Cứ thấy đâu có tin, sự vụ sự việc là mình lao đến… Thế nên mình cũng gửi con về quê chơi với ông bà. Nhiều lúc nhớ chỉ biết Facetime về “cãi nhau” với ông con tí cho đỡ nhớ. Mình cũng phải đặt ra những yêu cầu đảm bảo an toàn nhất định khi tác nghiệp tại tâm dịch vì đằng sau còn là gia đình”.

Đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, thế nhưng các phóng viên chiến trường thì sao có thể nói trước được điều gì. Lâm Thoả kể lại, một buổi tối ngay trước trận Việt Nam gặp Malaysia, anh bất ngờ nhận tin người đồng nghiệp cùng đi tác nghiệp tại UAE đã dương tính với COVID-19.

“Chúng tôi đã cẩn thận tối đa, nhưng sao tránh được. Chúng tôi khi đi làm, vẫn phải gọi taxi, gặp các nhân viên ở sân, gặp vài CĐV nên vẫn có nguy cơ dính. Và điều chúng tôi lo ngại nhất cuối cùng cũng đến. Tôi vừa thương người em đó, vừa lo cho mình” – Lâm Thoả giãi bày.

Trong thời đại dịch COVID-19, nhiều nhà báo đã “xông pha” ở những điểm “nóng”, trong các bệnh viện, ở các khu cách ly, ở biên giới… để có những thông tin, hình ảnh chân thực, sống động, phong phú.

Thậm chí, các trường hợp nhà báo đã bị nhiễm Covid-19, đủ thấy nhiều người đã tác nghiệp trong tâm thế của những phóng viên “chiến trường” để kịp thời thông tin đến bạn đọc. "Nghề báo - nghề nguy hiểm" bài học các giảng viên nói ở trường nhưng đến thời điểm này các phóng viên mới thực sự thấm, hiểu và thêm yêu, thêm tự hào với nghề của mình.

Những chuyện chưa kể của phóng viên ở tuyến đầu chống dịch

Bài viết: Khánh Huy

Thiết kế: Thanh Tuấn

Ảnh: Nhân vật cung cấp