Thứ năm 25/04/2024 15:32

Những bước chân nhọc nhằn để mưu sinh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cuộc sống, điều kiện hoàn cảnh và áp lực kinh tế đã khiến nhiều người phụ nữ đã và đang phải bươn chải tất bật. Ở bất kỳ vị trí công việc nào, điều kiện công việc nặng nhọc đến đâu, khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn luôn thấy hiện hữu bóng dáng những người phụ nữ căng mình mưu sinh trong thầm lặng.

Những “đội quân tóc dài thợ tiện”

Giữa lòng TP Vinh, luôn hiện hữu đâu đó những nhóm “chợ người lao động” nhỏ lẻ, họ thường tập trung 5-10 người với nhau ở nhiều địa điểm khác nhau tại các khu trung tâm trên địa bàn TP. Ăn vội bữa sáng đạm bạc, họ đến nơi thường đứng mỗi ngày để mong có ai thuê làm việc sớm và có một công việc làm kiếm tiền mưu sinh trong ngày. “Chợ người lao động” ấy thường nhật nhất vẫn là những người phụ nữ, đa số tuổi cũng đã khá nhiều, có người tóc đã lấm chấm hai màu.

Chẳng ai giành việc của ai, họ đứng cạnh nhau quanh năm suốt tháng, khi có ai thuê cả nhóm thì cùng đi, cùng chia sẻ công việc, còn không thì mỗi người lại mỗi ngả. Cứ ai thuê gì là làm nấy, từ việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đến những việc nặng nhọc mà dường như chỉ dành cho đàn ong như bốc vác, đội gạch, đá... những nữ lao động tự do ấy vẫn không nề hà, từ chối. Họ chỉ mong gắng sức kiếm chút tiền công sau mỗi việc để có thêm tiền mong đủ trang trải cho cuộc sống mỗi ngày.

Chính điều đó khiến họ được gọi là những đội quân thợ tiện, tiện gì làm nấy, ai thuê gì làm nấy, miễn rằng không vi phạm pháp luật. Đổ mồ hôi công sức, thậm chí cả máu và nước mắt, họ gồng gánh mọi việc như những người dàn ông thực thụ. Những bước chân ấy vẫn lặng lẽ mình mưu sinh mỗi ngày, dẫu trời nắng hay mưa, trưa hay tối.

Bắt gặp nhóm phụ nữ đang chuyển gạch xây lên một tòa nhà cao tầng trên đường Lê Lợi, tôi lặng người đứng nhìn trước sự lao lực của 4 người phụ nữ khá lớn tuổi. Họ là những lao động tự do được chủ công trình xây dựng thuê chuyển gạch từ tầng 1 lên tầng 3. Nhanh thoăn thoắt, họ chia nhau nhau công việc, 2 người ở trên tầng cao và 2 người dưới đất, sau khi bốc xếp vào chiếc xe rùa đầy gạch, chiếc ròng rọc kéo lên giúp họ đỡ bao công sức, người ở trên tầng với tay ra kéo chiếc xe chở gạch nặng nề nom hết sức nguy hiểm.

Những bước chân nhọc nhằn để mưu sinh
Trong guồng quay mưu sinh, những người phụ nữ như thế này đã và đang đối diện với nhiều khó khăn, rủi ro mỗi ngày và rất cần được sự quan tâm

Không đồ bảo hộ, không có bất kỳ một trang bị nào cho an toàn lao động, đầu vẫn đội chiếc nón lá cũ kỹ, mặt trùm kín chỉ còn lại đôi mắt, họ miệt mài lao đông trong điều kiện hết sức vất vả, nguy hiểm rình rập. Qua hỏi chuyện họ cho biết, từ sáng sớm, họ được thuê để bốc xếp gạch lên tầng, việc làm này tuy có vất vả nhưng do công khoán nên có cao hơn công nhật mỗi ngày.

Vất vả, nhọc nhằn nhưng đổi lại họ có thêm chút tiền, điều đó khiến họ rất vui và sẵn sàng làm việc cật lực. Nếu bốc xếp số lượng gạch hết sớm thì họ có thể về hoặc nếu thấy chưa mệt có thể tiếp tục quay lại địa điểm đứng để có thể tìm một công việc khác nếu ai đó thuê, chỉ khi trời đá nhá nhem tối, thì họ mới ra về mà chẳng còn bận tâm điều gì.

Trở về sau một ngày tất bật họ lại là người mẹ, người vợ của bếp núc, cơm nước cho cả nhà. Hoàn cảnh các chị chẳng ai giống ai, những cơ bản đều là những lao động tự do cuộc sống hết sức bấp bênh, vất vả, thiếu thốn đủ bề. Nghề lao động họ làm cũng chính như cuộc sống của họ vậy, bấp bênh ngày có việc ngày không. Có những ngày khá là tất bật, nhưng có những ngày họ lại lặng lẽ cùng nhau “ngắm xe cộ qua lại” giữa TP sầm uất, lòng nặng trĩu lo âu.

Những bước chân nhọc nhằn để mưu sinh
Sau những ngày mệt mỏi vì lao động, những người phụ nữ này lại về với gia đình, những bữa cơm rộn tiếng cười dù cuộc sống còn nhiều bấp bênh, nhọc nhằn

“Giờ cũng khá lớn tuổi rồi, bám việc này bao năm qua cũng khá uể oải rồi, nhưng vì mưu sinh, vì cuộc sống nên vẫn cứ phải theo. Dù bấp bênh, nhưng mỗi tháng chung quy lại vẫn thêm được 3 đến 5 triệu, số tiền đó sẽ đảm bảo cho sinh hoạt gia đình, đám bảo ít nhiều sẽ đủ trang trải cho cuộc sống qua mỗi ngày. Vất vả, cực lắm, có khi còn bị ép giá làm thấp, nhưng thà có việc, còn có tiền hơn đứng mòn mỏi cả ngày mà rảnh tay chân, nhiều khi ốm đau cũng gắng gượng, cuộc sống mà, mỗi người mỗi việc, vẫn phải lao động mà sống” - chị Ly (41 tuổi) một lao động tự do nở nụ cười tâm sự.

Nhọc nhằn mưu sinh sau dịch bệnh

Vừa cột thép vào dây ròng rọc để kéo lên cao, chị H một lao động tự do vừa cho biết, năm nay đã 35 tuổi, trú tại phường Trung Đô, cuộc sống gia đình cũng hết sức vất vả, chị là mẹ đơn thân, mọi gánh nặng sinh hoạt, tiền bạc đều một tay chị lo, ba đứa con chị cháu đầu cũng mới học lớp 9. Ba mẹ con thuê trọ ở với nhau, mỗi ngày chị đều đi theo tổ thợ xây dựng để vào các công trình làm việc. Có ngày phụ hồ, có khi làm thép, hôm TP dịch Covid-19 phức tạp thì cũng phải nghỉ ở nhà cả tháng trời, cuộc sống mẹ con khó khăn hơn vì không có việc để có tiền mà tran trải. Dịch vừa được kiểm soát, lại miệt mài, tất bật nơi những công trường xây dựng.

Là lao động nữ, cũng chẳng có phân việc nặng hay nhẹ, theo tốp thợ xây dựng ấy, công việc cứ thế quay cuồng với bao vất vả. Đã vậy, còn làm việc trong điều kiện rủi ro luôn rình rập, tai nạn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, vậy mà trên người cũng không có một dụng cụ bảo hộ nào. Nhìn chị và những người phụ nữ ấy quần quật với công việc sắt thép nơi công trường lớn, ít ai có thể hình dung được rằng họ là những lao động tự do, ngoài những đồng tiền công ít ỏi mỗi ngày, họ chẳng có gì khác.

Những bước chân nhọc nhằn để mưu sinh
Dẫu lao động trong điều kiện nhiều rủi ro nhưng họ đều là những lao động không hợp đồng lao động, họ đổ công sức chỉ để có những khoản thu nhập thấp, mong đủ trang trải cho cuộc sống gia đình thường nhật

“Tôi quen với những công việc như này rồi, ngày nào cũng như vậy, hết việc này sang việc khác, cứ có việc mà làm, kiếm tiền là vui rồi. Hoàn cảnh mẹ con khó khăn, con còn nhỏ, vừa qua các cháu học online cũng được hỗ trợ thiết bị học từ nhà trường, mẹ cũng đỡ đần phần nào. Giờ dịch ổn định, mới bắt đầu đi làm được một khoảng thời gian ngắn lại đây, dù răng công việc có mệt, vất vả nhưng sẽ có tiền để trang trải cuộc sống” - Chị H vui vẻ nói.

Khi được hỏi về các khoản hỗ trợ Covid, chị cho biết, vốn dĩ lao động tự do, không hợp đồng lao động nên chưa nhận được tiền hỗ trợ nào. Cũng đã có kê khai từ phường, xã rồi nhưng cũng chẳng thấy hồi âm gì. Cuộc sống khó khăn, dịch dã càng khiến vất vả hơn, nay dịch ổn định mới quay lại làm việc để có tiền trang trải cuộc sống cho mẹ con.

Tiếp lời chị H, một nam lao động đang điều khiển chiếc máy tời thép bên cạnh cho biết, mong là sẽ nhận được một sự hỗ trợ nào đó, cũng có kê khai lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì cả. Dịch dã khiến những lao động tự do như họ vốn khó khăn càng khó khăn hơn.

Những bước chân nhọc nhằn để mưu sinh
Những người phụ nữ này chỉ mong có những ngày lao động đầy việc và có tiền cho cuộc sống, sự khó khăn, nhọc nhằn và nguy hiểm là điều họ không màng tới.

Trên tầng 5 tòa nhà cao đang xây dựng trên đường Nguyễn Sỹ Sách, hiện hữu những bóng người phụ nữ đang tất bật mưu sinh trong điều kiện lao động hết sức nguy hiểm, vất vả. Qua hỏi chuyện được biết, họ đều là lao động tự do, và việc mưu sinh trong điều kiện như vậy là thường nhật.

Nhìn hình ảnh những phụ nữ trung tuổi chới với vươn tay ra đỡ lấy những cuộn thép được kéo từ dưới đất lên tầng cao, mà tôi đã không khỏi rùng mình. Họ đã có những ngày thật sự lao động cật lực, khó nhọc và đầy rủi ro.

Nhưng trong các chị vẫn luôn hiện hữu những niềm lạc quan, sự vui vẻ và quyết tâm vì cuộc sống. Giữa dịch dã, sau khi dịch Covid-19 họ lại hăng say trở lại với cuộc sống và công việc đời thường đầy gian truân, bấp bênh nhưng chẳng bao giờ thiếu đi niềm tin, nghị lực và lạc quan.

Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động