Thứ ba 23/04/2024 18:36

“Nhìn lại chặng đường đã qua và hướng đến 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 21-7, trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Bộ Ngoại giao đã chủ trì tổ chức Tọa đàm bàn tròn cấp cao trực tuyến với chủ đề “Nhìn lại chặng đường đã qua và hướng đến 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản”.
“Nhìn lại chặng đường đã qua và hướng đến 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản”
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài phát biểu khai mạc quan trọng tại Tọa đàm.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Quốc vụ thứ nhất Bộ Ngoại giao Nhật Bản Washio Eiichiro đã có bài phát biểu khai mạc quan trọng tại Tọa đàm.

Tọa đàm có sự tham dự và đóng góp của Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, các quan chức cao cấp các nước ASEAN và Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản và Đại sứ, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN tại Hà Nội, đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các chuyên gia học giả, nghiên cứu hàng đầu của khu vực.

Đây là sáng kiến của Việt Nam nhằm tạo cơ hội để các nước ASEAN và Nhật Bản cùng nhìn lại chặng đường gần 5 thập kỷ hợp tác và định hướng cho giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá Nhật Bản là người bạn, đối tác tin cậy của ASEAN, quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản là một trong những mối quan hệ ý nghĩa và toàn diện nhất của ASEAN với các Đối tác, trải rộng trên các lĩnh vực vì hòa bình, thịnh vượng, vì chất lượng cuộc sống và gắn kết từ trái tim đến trái tim.

Đề cập đến chủ thuyết được Thủ tướng Nhật Bản Fukuda khởi xướng từ năm 1977, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ đối tác dựa trên tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi với ASEAN.

Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng cho quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Bộ trưởng đánh giá cao hợp tác phát triển, hợp tác kỹ thuật và hỗ trợ kịp thời, quý báu của Nhật Bản dành cho các nước ASEAN và Việt Nam, nhất là trong thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển các tiểu vùng, trong đó có Mê Công, và trong ứng phó đại dịch COVID-19 hiện nay.

Bộ trưởng chỉ ra tiềm năng hợp tác còn rộng mở giữa ASEAN và Nhật Bản trong các thập kỷ tới, dựa trên các giá trị chung của liên kết kinh tế mở, thúc đẩy một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ và gắn kết người dân mà ASEAN và Nhật Bản cùng chia sẻ. Bộ trưởng khẳng định trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021 và trong thời gian tới, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp xây dựng mối quan hệ “từ trái tìm đến trái tim” trên cơ sở tin cậy lẫn nhau và quan hệ đối tác bình đẳng giữa ASEAN và Nhật Bản.

Đại diện cho Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc Vụ thứ nhất Washio Eiichiro bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của Việt Nam, trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản từ năm 2018, đạt được nhiều kết quả ý nghĩa và thực chất. Bộ trưởng Quốc vụ Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh với mong muốn “xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau từ trái tim đến trái tim với các nước Đông Nam Á như những người bạn chân thành”, Nhật Bản kiên định đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác hiệu quả với ASEAN, cùng ứng phó với các thách thức từ môi trường khu vực và quốc tế đang biến chuyển sâu sắc, khó lường.

Bộ trưởng Washio Eiichiro mong hai bên tập trung triển khai Tuyên bố chung về hợp tác ASEAN-Nhật Bản về Quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), chia sẻ kế hoạch của Nhật Bản về các hoạt động kỷ niệm mốc 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, trong đó có dự kiến tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản tại Nhật Bản năm 2023.

Các tham luận và trao đổi tại Tọa đàm đã tập trung chỉ rõ những bài học quý, những nền tảng quan trọng có được qua gần 5 thập kỷ hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản, đó là sự gắn kết về lợi ích, nhất là kinh tế, phát triển giữa hai bên, cam kết chính trị mạnh mẽ của Lãnh đạo, các cơ chế, khuôn khổ hợp tác được hình thành và củng cố, quan hệ gắn bó giữa người dân...

Các đại biểu khẳng định tin tưởng về triển vọng tươi sáng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản, trên cơ sở nền tảng đã tạo dựng được, và nhu cầu hợp tác gia tăng để cùng nhau hợp tác, ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức đặt ra, nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển thịnh vượng ở khu vực.

Phát biểu kết luận Toạ đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã nhấn mạnh lại các định hướng lớn thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nhật Bản thời gian tới, đồng thời bày tỏ tin tưởng Thái Lan, nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản tiếp theo, sẽ tiếp tục duy trì đà hợp tác và phát triển quan hệ lên tầm cao mới.

Về mối quan hệ giữa các Hà Nội và các tổ chức, đơn vị của Nhật Bản, gần đây nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Lễ công bố ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu giữa Viện Cơ khí, Viện Nghiên cứu công nghệ Hàn và Ghép nối (Đại học Osaka) và Tập đoàn IHI (Công ty Cổ phần IHI và Công ty TNHH IHI Infrastructure Asia) của Nhật Bản. Hoạt động này không chỉ góp phần đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa hai nước mà còn hứa hẹn mở ra bước phát triển mới cho ngành công nghiệp Việt Nam.

Bước đầu tiên của thỏa thuận ký kết giữa ba bên nêu rõ các nội dung hợp tác trong thực hiện các hoạt động nghiên cứu chung, cũng như phương án, kế hoạch trao đổi sinh viên, giảng viên.

PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại buổi lễ công bố ký kết: “Trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng. Việc hợp tác giữa ba bên Nhà trường - doanh nghiệp Nhật Bản - đại học Nhật Bản luôn là một hình mẫu tốt đẹp góp phần phát triểnnghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao.”

Đỗ Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động