Dệt Ước mơtừ tình yêu thương |
Năm 2007, cậu con trai thứ hai của chị Đào Thanh Hoàn chào đời bụ bẫm, khỏe mạnh. Cho đến khi con được 14 tháng tuổi thì gia đình phát hiện con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Lúc đó mạng xã hội chưa phát triển nên để tìm kiếm thông tin về chứng rối loạn tự kỷ chị Hoàn đã đi khắp nơi tìm tài liệu, nghiên cứu và tham gia các chương trình, hội thảo về chứng tự kỷ để đồng hành cùng con. Chị đã từng nghỉ việc 2 năm trời không hưởng lương để ở nhà chăm sóc, đưa con đi thăm khám thường xuyên với chi phí không hề nhỏ, chồng chị đã phải một mình gánh vác kinh tế của gia đình. Bởi vậy, chị Hoàn càng thấu hiểu việc có con khuyết tật hay mắc chứng tự kỷ là cả một gánh nặng lớn với mỗi gia đình và xã hội. Những năm gần đây, công nghệ thông tin phát triển, phụ huynh có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về chứng tự kỷ và cũng nắm được một phần kiến thức để chăm sóc con em mình. Bên cạnh đó, các trung tâm chăm sóc và can thiệp trẻ tự kỷ được thành lập rất nhiều. Nhưng đa phần các trung tâm đang chỉ hoạt động ở lĩnh vực can thiệp sớm, can thiệp tiền tiểu học, hỗ trợ giáo dục hoà nhập. Còn chị Hoàn lại có một cái nhìn xa hơn, chị mong muốn các con tự kỷ không chỉ được can thiệp sớm, can thiệp tiền tiểu học, hỗ trợ giáo dục hoà nhập… mà giúp trẻ có cơ hội học tập kỹ năng sống, thực nghiệm hướng nghiệp, được làm việc, có thu nhập trở thành những người có ích, tìm được giá trị của mình trong xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại chưa có trung tâm nào làm được điều đó một cách trọn vẹn. |
Chị Hoàn chia sẻ: “Con là đứa trẻ “đặc biệt” nên phải có cách giáo dục đặc biệt, đi trên con đường đặc biệt. Muốn thành công thì mình phải tìm hiểu, tìm giải pháp, góp sức định hướng cho con để con có được thành quả trên chặng đường tiếp theo…”. Từ những nỗi niềm, suy nghĩ đó, thôi thúc chị Hoàn phải hiện thực hóa ước mơ. Và sau cả một hành trình đầy gian nan và thử thách, với biết bao khó khăn thì Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân ra đời. Đi vào hoạt động từ tháng 9/2020, Trung tâm Ngọc Ân đã xây dựng hệ thống giáo dục đặc biệt với mô hình giáo dục toàn diện cho trẻ khuyết tật, tự kỷ từ sàng lọc, đánh giá phát triển, giáo dục can thiệp sớm, giáo dục tiểu học, hỗ trợ hòa nhập đến giáo dục kỹ năng sống. Đặc biệt, trung tâm có mô hình thực nghiệp hướng nghiệp và kết nối với các tổ chức, cá nhân tạo việc làm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người rối loạn phát triển, yếu thế trong xã hội. Đến nay, Trung tâm Ngọc Ân đã có 6 cơ sở hoạt động ở Hà Nội, Đắk Lắk, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trung tâm đều được tuyển chọn kỹ càng, ngoài chuyên môn cao, giáo viên của trung tâm đòi hỏi phải là những người yêu nghề và có trái tim tràn ngập yêu thương đối với trẻ. |
Khi chúng tôi đến thăm Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân ở số 51 Liền kề 6 - KĐT An Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, nhìn cách các thầy cô giáo tại trung tâm ân cần, kiên nhẫn chăm sóc, dạy dỗ các con tự kỷ mới thấy hết tấm lòng yêu thương đó. Cô giáo Phạm Thanh Dung là người đã đồng hành cùng Trung tâm Ngọc Ân từ những ngày đầu thanh lập chia sẻ: “Chăm sóc, dạy dỗ một đứa trẻ tự kỷ vất vả hơn chăm sóc 2 - 3 đứa trẻ bình thường khác nên nếu không có đủ tình thương yêu với các con thì không thể tiếp tục làm được công việc này”. Với phương pháp kết hợp hài hòa giữa “y tế + giáo dục + gia đình” trong quá trình giáo dục can thiệp sớm, hòa nhập; giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp đã mang lại hiệu quả tốt nhất, do đó Trung tâm Ngọc Ân đã trở gia đình thứ hai của rất nhiều trẻ tự kỷ. Trước sự tiến bộ vượt bậc của các con khi được can thiệp tại trung tâm, nhiều gia đình tin tưởng, gửi gắm con mình tại đây và đã có những đánh giá tích cực. |
Mô hình thực nghiệm hướng nghiệptạo việc làmcho trẻ khuyết tật |
Từ những khởi sắc ban đầu, chị Hoàn bắt tay phát triển Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc, nơi dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, tự kỷ. “Trung tâm đã nghiên cứu thành công và triển khai mô hình thực nghiệm hướng nghiệp cho người tự kỷ, khuyết tật với nghề thủ công sắp lễ, làm oản nghệ thuật và đưa vào ứng dụng giúp người khuyết tật, tự kỷ được học tập suốt đời và có việc làm, tạo thu nhập ổn định”, chị Hoàn cho biết. Theo chị Hoàn, mô hình này đã được Cục bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 0299/2023/QTG ngày 10/1/2023, được Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam ghi nhận và khen thưởng tặng Bằng khen, Giấy khen cho tập thể và nhiều cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tri thức tâm lý học và giáo dục học cho trẻ rối loạn phát triển năm 2022. Tháng 2/2022, Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc chính thức đi vào hoạt động và đây cũng đã trở thành ngôi nhà đầy ắp tiếng cười hạnh phúc của nhiều trẻ tự kỷ, khuyết tật. Ở đây các con không chỉ được trải nghiệm, giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp mà còn được các thầy cô dạy những kỹ năng sống hàng ngày. Giúp các con hình thành những thói quen sống tích cực hơn, chăm chỉ học tập, lao động để định hướng nghề nghiệp trong tương lai, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Để có được “quả ngọt” phải trải qua nhiều chông gai. Từ những mục tiêu, định hướng đặt ra, chị Đào Thanh Hoàn đã đi khắp nơi tìm kiếm các mô hình làm nghề thủ công để học tập nhằm phát triển cho mô hình thực nghiệm hướng nghiệp của mình. Nhiều nghề thủ công được chị đưa vào thử nghiệm nhưng thất bại, trong đó có nghề dát vàng trên sản phẩm gốm vì chi phí đầu tư rất lớn, hàng lại dễ vỡ, hư hỏng. Nghề này với người bình thường làm đã khó thì với trẻ khuyết tật khó hơn gấp nhiều lần. |
Tuy khó khăn, vất vả bủa vây nhưng chị bảo chưa bao giờ bản thân thấy nản chí, bởi cứ nghĩ đến tương lai của đứa con “đặc biệt” và những đứa trẻ khuyết tật khác, lòng quyết tâm của chị lại dâng cao. Tiếp tục mày mò và cuối cùng công sức của chị đã được đền đáp xứng đáng khi chị và các cộng sự đã đưa thành công nghề sắp lễ, làm oản nghệ thuật vào truyền dạy tại Trung tâm Ngọc Ân. Vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, các sản phẩm được chính tay những trẻ khuyết tật làm ra dần hoàn thiện, tính thẩm mỹ ngày cao càng và đã được thị trường đón nhận, đánh giá cao. Đến nay, Trung tâm Ngọc Ân đã phát triển được trên 7.000 mẫu sản phẩm oản nghệ thuật, đồ lễ các loại và có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu…. Trong đó, trung tâm cung cấp cho siêu thị Kim Anh ở tỉnh Thái Bình với hơn 1.000 sản phẩm oản nghệ thuật và đồ lễ. Nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân Đào Thanh Hoàn hạnh phúc chia sẻ: “Sản phẩm của các con làm ra được khách hàng đón nhận, hiện trung tâm chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng đã không đủ hết công suất nên không phải lo lắng về đầu ra. Hiện nay, trung tâm đang dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều học viên khuyết tật, tự kỷ tại Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc, hàng tháng các con đã được nhận lương để trang trải cho bản thân và gia đình”. |
Thắp sáng tương lai |
Có mặt tại Xưởng thực nghiệm Thiên Ngọc ở số N008, Liền kề 41, Khu đô thị Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi trước mắt mình là hàng trăm sản phẩm đồ lễ, oản nghệ thuật rất đẹp được bày biện trên các kệ hàng. Ngắm nhìn những sản phẩm từ các chi tiết nhỏ nhất, chúng tôi không nghĩ rằng những “kiệt tác nghệ thuật” đẹp xuất sắc thế này lại được làm nên từ chính đôi bàn tay của những đứa trẻ khuyết tật. Cho đến khi, được tận mắt chứng kiến những học viên ở xưởng đang cần mẫn chăm chút cho từng chi tiêt nhỏ để làm nên một sản phẩm hoàn mỹ. |
Bên chiếc bàn ở góc phải của xưởng, nhân viên Đỗ Văn Đạt, bị khiếm thị đang thực hiện phần chân đế của một sản phẩm oản nghệ thuật. Khi chúng tôi hỏi thăm, Đạt phấn khởi khoe rằng: “Giờ mỗi ngày em làm được hơn 10 chân đế oản bằng giấy màu và hơn 10 chiếc oản nghệ thuật hoàn chỉnh loại 300g. Em thấy thích mô hình hướng nghiệp này và biết ơn các thầy cô của Trung tâm Ngọc Ân rất nhiều. Bởi ở đây, em có việc làm mình thích, có thu nhập hàng tháng. Em còn được nhận tình yêu thương ấm áp từ các thầy cô và các học viên khác. Với em, trung tâm là ngồi nhà đầy ắp niềm vui và niềm hạnh phúc…”. Được biết, vào tháng 3/2022, Đạt được gia đình đưa đến thăm Trung tâm Ngọc Ân. Khi về nhà, Đạt đã xin gia đình cho mình vào trung tâm học nhưng sợ con bị khiếm thị không theo được, một phần kinh tế gia đình cũng eo hẹp. Nhưng trước sự quyết tâm của Đạt, gia đình đã đồng ý. Tháng 4/2022, Đỗ Văn Đạt trở thành học viên của Trung tâm Ngọc Ân, mỗi sáng Đạt được trung tâm sắp xếp xe đón từ Cơ sở giáo dục đặc biệt 2 ở ngã 3 Ngọc Hồi, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội lên xưởng thực nghiệm rồi tận tụy dạy nghề sắp lễ, làm oản nghệ thuật, chiều xe lại đưa về. Bằng sự quyết tâm, nỗ lực, từ một học viên, nay Đạt đã trở thành nhân viên chính thức của trung tâm với mức lương 4 triệu đồng/ tháng đã bao gồm chi phí ăn uống, đi lại. |
Mắc hội chứng tự kỷ, hạn chế về ngôn ngữ, cô bé Nguyễn Thị Phương ngồi tỉ mẩn với những mảnh giấy và keo dán để kết thành những chi tiết tạo nên một ông oản nghệ thuật. Mỗi khi xếp thành công một chi tiết, gương mặt Phương lại ánh lên niềm vui, tủm tỉm cười với thành quả mình làm được. Có lẽ với Phương đó là nụ cười của thành công, của chiến thắng xen lẫn hạnh phúc. Ngoài Đạt, Phương còn nhiều học viên khác ở Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc ngày ngày vẫn cần mẫn, vừa học, vừa làm, chăm chút cho từng sản phẩm mình làm ra đẹp cả về mẫu mã lẫn chất lượng. Đến lúc này, chúng tôi mới hiểu vì sao những con người khiếm khuyến nhưng lại làm nên những sản phẩm hoàn hảo như thế. Bởi họ đã gửi gắm tâm huyết, đam mê và cả tấm lòng của mình vào đó. |
Từng tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học giáo dục đặc biệt, được tiếp xúc với trẻ tự kỷ, khuyết tật khi còn là sinh viên đại học, cô giáo Nguyễn Thị Phương Oanh, giáo viên thực nghiệm hướng nghiệp tại Trung tâm Ngọc Ân chia sẻ: “Giáo dục trẻ tự kỷ, khuyết tật chưa bao giờ là dễ dàng, các trung tâm hiện nay chỉ có thể can thiệp giai đoạn “vàng” nhưng không phải trẻ nào cũng tiến bộ như mình mong muốn. Còn khi đã qua giai đoạn vàng thì việc giáo dục với trẻ tự kỷ rất chậm tiến bộ. Do đó, khi biết đến Trung tâm Ngọc Ân tôi đã tìm hiểu và nhận thấy mô hình giáo dục khép kín từ sàng lọc đánh giá ban đầu cho đến thực nghiệm hướng nghiệp cho các bạn đã qua giai đoạn can thiệp là một hướng đi đúng đắn, một trong các giải pháp mang tính lâu dài cho trẻ khuyết tật, tự kỷ”. Hiện tại, cô Oanh là một trong những giáo viên hướng nghiệp hàng đầu của Trung tâm Ngọc Ân, không chỉ giỏi chuyên môn, cô Oanh còn là người sáng tạo, thiết kế các mẫu sản phẩm hướng nghiệp cho người khuyết tật tại trung tâm. Khi đã lên mẫu thành công, cô Oanh cùng các giáo viên hướng nghiệp của trung tâm sẽ truyền dạy lại cho các em khuyết tật, tự kỷ để tạo nên những sản phẩm oản nghệ thuật, đồ lễ hoàn hảo. Để giáo dục, dạy nghề cho những đứa trẻ “đặc biệt” không phải là điều dễ dàng, dù vất vả nhưng mỗi khi nhìn thành quả của học trò, cô Oanh lại lấy đó làm niềm vui, làm động lực để mình tiếp tục cống hiến, cùng với lòng nhiệt huyết, tình yêu thương đặc biệt với trẻ khuyết tật, tự kỷ, cô Oanh luôn cùng các thầy cô giáo Trung tâm Ngọc Ân mang những điều tốt đẹp nhất đến học trò của mình, chia sẻ bớt gánh nặng cho gia đình các em và xã hội. Với phương châm hoạt động: “Chân - Thiện - Mỹ - Hòa”, giáo dục tri thức, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách, giáo dục kỹ năng, Ngọc Ân hướng tới môi trường giáo dục đặc biệt như một mái nhà ấm áp, tràn đầy yêu thương để các thầy cô giáo dục đặc biệt được phát huy chuyên môn, năng lực của mình và lan tỏa tình yêu thương đến các trẻ thiếu may mắn, gặp nhiều thiệt thòi |
Hướng đi đúng, mang lại nhiềugiá trị tích cực cho cộng đồng |
Là người đã đồng hành và gắn bó với Trung tâm Ngọc Ân từ những ngày đầu thành lập, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, chuyên gia thuộc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia thông tin, qua khảo sát trên địa bàn TP Hà Nội có rất ít cơ sở chính thống về giáo dục hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật. Vì việc xin giấy cấp phép để mở mô hình giáo dục hướng nghiệp cho người khuyết tật cũng không hề đơn giản. Bởi, giáo dục cho người khuyết tật là thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT; giáo dục nghề lại thuộc về Bộ LĐTB&XH. Trong khi đó, nhu cầu hướng nghiệp và học nghề của trẻ em, người khuyết tật là rất nhiều nhưng họ không có đủ thông tin để tiếp cận, gia đình cũng không biết hướng nghiệp cho đối tượng trẻ khuyết tật là như thế nào. Tại Trung tâm bảo trợ xã hội ở một số tỉnh vẫn có một vài nghề phù hợp với học sinh khuyết tật vận động, khiếm thính nhưng lại chưa có nghề nào phù hợp với trẻ tự kỷ hay khuyết tật trí tuệ. Khi thực hiện công tác nghiên cứu và giáo dục hướng nghiệp tại Trung tâm Ngọc Ân để cho ra một số sản phẩm bước đầu, khó khăn lớn nhất chính là khâu tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của các thầy cô, việc tiêu thụ sản phẩm của trẻ tự kỷ, khuyết tật của trung tâm đã và đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Từ đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng đã kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành chính sách để hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp cho người khuyết tật, nhất là với trẻ tự kỷ. |
Mới đây, Trung tâm Ngọc Ân được đón tiếp các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cùng đoàn giáo viên đến từ Đan Mạch, Na Uy tới thăm, làm việc về mô hình thực nghiệm giáo dục hướng nghiệp thanh thiếu niên khuyết tật, tự kỷ. Điều đặc biệt, khi ngắm nhìn các sản phẩm đồ lễ do các em học viên khuyết tật, tự kỷ của Trung tâm Ngọc Ân làm ra, các thành viên trong đoàn vô cùng ấn tượng và thích thú. Các chuyên gia và đoàn giáo viên nước ngoài đã có buổi làm việc với Trung tâm Ngọc Ân về các cơ hội việc làm cho người khuyết tật, tự kỷ cũng như sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng của họ. Điều này đã mở ra cho Trung tâm Ngọc Ân nhiều cơ hội để hỗ trợ chăm sóc, giáo dục, hướng nghiệp cho người khuyết tật và tự kỷ. Tháng 12/2022, Trung tâm Ngọc Ân đã chính thức trở thành một trong 15 thành viên của Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam, góp phần tạo ra những cơ hội để người khuyết tật được hòa nhập nhanh hơn với xã hội. Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT khẳng định, thời gian qua, các cấp ủy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến người khuyết tật bằng nhiều chính sách cụ thể. Tuy nhiên, để phát huy cao độ mọi nguồn lực thì cần huy động sức mạnh của toàn xã hội vào việc chăm lo cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Nhà sáng lập Trung tâm Ngọc Ân cho biết: “Hiện nay, Trung tâm Ngọc Ân tiếp tục tuyển sinh học viên từ 13 tuổi trở lên để giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp. Xác định mục đích giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp là phát hiện ra những khả năng, điểm mạnh của từng học viên rối loạn phát triển để thực nghiệm hướng nghiệp và dạy nghề; tư vấn cho gia đình học viên trong việc chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng của học viên và nhu cầu của gia đình. Sau đó, chúng tôi sẽ kết nối các cơ hội việc làm để học viên có thu nhập, chi trả cho một phần nhu cầu của bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình”. |
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đánh giá, Trung tâm Ngọc Ân là một cơ sở nghiên cứu và giáo dục cho trẻ khuyết tật tại Hà Nội được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng học tập. Trung tâm có đội ngũ cán bộ, giáo viên được đào tạo bài bản và phù hợp với yêu cầu công việc. Ngoài ra, ở đây còn có lực lượng cộng tác viên là những chuyên gia đầu ngành về y tế, giáo dục và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Hiện chị Đào Thanh Hoàn đã hoàn thành đề án, hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, bản quyền và đang gấp rút hoàn thiện quy trình quản lý để nhân rộng mô hình của Ngọc Ân. “Với mong muốn mọi trẻ em khuyết tật, tự kỷ đều được hướng nghiệp, dạy nghề để trở thành những “viên ngọc” tỏa sáng. Tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ miễn phí cho các trung tâm giáo dục đặc biệt khác”, chị Hoàn chia sẻ. Bày tỏ sự vui mừng trước bước phát triển của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý Giáo dục Ngọc Ân, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Chánh Văn phòng Hội Khoa học Tâm lý, Giáo dục Việt Nam nhận định, việc xây dựng mô hình thực nghiệm hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, khuyết tật là một hướng đi đúng đắn, mang lại nhiều giá trị tích cực tới cộng đồng. Bà tin tưởng rằng, với định hướng đúng đắn cùng các giải pháp linh hoạt, áp dụng cho từng đối tượng trẻ, Trung tâm Ngọc Ân sẽ ngày càng đạt được thêm nhiều bước tiến mới trong công tác thực nghiệm hướng nghiệp… |
Lê Mận - Duy Anh Ảnh: Nhân vật cung cấp Kỹ thuật: Duy Anh |