Thứ sáu 29/03/2024 05:06

Người phụ nữ có duyên với công tác hòa giải

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
"Tôi nghỉ hưu cũng không định tham gia công tác gì nhưng công tác hòa giải đến với tôi như cái duyên với mình", cô Trần Thị Thanh Sơn, tổ trưởng tổ hòa giải số 11 phường Ngọc Khánh chia sẻ.
Người phụ nữ có duyên với công tác hòa giải
Cô Sơn chia sẻ về công tác hòa giải trên địa bàn.

Bén duyên với công tác hòa giải

65 tuổi, vừa trải qua hàng chục năm lao động cống hiến, từng giữ chức chi hội trưởng hội phụ nữ, tham gia thường vụ phụ nữ phường và ban công tác mặt trận tại địa bàn dân cư, đến nay nghỉ hưu lại vì cái duyên mà tiếp tục gắn bó với công tác hòa giải.

Cô Trần Thị Thanh Sơn, tổ trưởng tổ hòa giải số 11 phường Ngọc Khánh vừa vui vừa tự hào khi được hỏi về những lần giúp hàng xóm hóa giải mâu thuẫn.

“Trước đó tuy đã công tác tại hội phụ nữ và ban mặt trận nhưng khi làm đến cái công việc này thì lại có nhiều cái khiến cô phải đặc biệt suy nghĩ hơn và cũng để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm hơn. Có rất nhiều vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh mỗi ngày trong đời sống, nó có thể chỉ đơn giản bởi nhà hàng xóm xây nhà lỡ đổ cát đá ra đường gây cản trở, khó chịu, xích mích giữa mẹ chồng nàng dâu, tình cảm vợ chồng, hay lớn hơn một chút thì là tranh chấp đất đai...”, cô Sơn chia sẻ.

Bén duyên với công tác hòa giải từ năm 2018, hơn ba năm nay, cô Sơn cùng với tổ hòa giải giống như “Bao Công” của tổ dân cư số 11, chỉ khác là tất cả các tranh chấp, mâu thuẫn sẽ đều được giải quyết bằng những phương án hòa giải, nghĩa tình nhưng vẫn có lý lẽ và đầy thuyết phục. Từ năm 2018 đến nay, cô Sơn đã phụ trách và giải quyết 8 vụ hòa giải, quá trình hòa giải tuy cũng có cuộc thành, cuộc không thành, nhưng đều để lại những ấn tượng khó quên với cô.

Cho đi là nhận lại

Cô Sơn cho biết, mỗi một vụ hòa giải được giải quyết không phải chỉ mất một hai ngày mà là cả một quá trình. Tuy nhiên, có những vụ hòa giải lại khiến cô cảm thấy mình đã nhận được nhiều hơn là cho đi, đây là động lực, niềm vui khó quên trong quá trình làm việc của cô.

Vụ hòa giải khiến cô Sơn nhớ nhất là trường hợp mâu thuẫn giữa một cặp mẹ chồng nàng dâu tại khu dân cư của cô, không biết vì lí do gì, mẹ chồng lại rất thường xuyên mắng chửi con dâu, thậm chí còn cản trở việc bán hàng của con dâu. cô Sơn chia sẻ rằng, ban đầu cô rất phân vân và khó nghĩ, vì cả hai mẹ con đều là thành viên sinh hoạt của hội phụ nữ mà cô từng phụ trách.

Sau khi khéo léo tiếp xúc và nói chuyện riêng cả với mẹ chồng và con dâu, cô mới biết được rằng, nguyên nhân của sự xích mích thường xuyên này lại chính bởi người con, người chồng trong gia đình. Anh này đã thất nghiệp một thời gian, cũng vì lý do buồn chán nên lại thường xuyên rượu chè. Điều này dẫn tới vợ chồng thường xuyên cãi cọ, rồi sự khó chịu này cũng lan qua mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Ngay khi biết được nguyên nhân, cô đã nhanh chóng về đề nghị với các bác trong tổ dân phố, ban mặt trận hỗ trợ tìm việc làm cho anh chồng. Sau đó, mọi người đã nhanh chóng giới thiệu cho anh này một công việc có mức thu nhập ổn định.

“Hơn hai năm qua, cuộc sống của vợ chồng cũng đã tốt lên, gia đình không còn to tiếng, mâu thuẫn xích mích nữa. Giờ mỗi khi cô đến nhà chơi là người mẹ chồng còn ra mừng rỡ bắt tay.” Cô Sơn vui vẻ kể lại.

Tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra là lúc tất cả các bên đều trong trạng thái căng thẳng, vì thế, cô Sơn luôn phải tỉ mỉ quan sát, lắng nghe để hiểu rõ và có những cách giải quyết vừa hợp tình lại hợp lý. Có những vụ việc xảy ra chỉ vì sự thiếu hiểu biết và người gây ra cũng không cố ý như trường hợp hai vợ chồng một cụ ông sống ở khu tập thể. Vì thấy tầng thượng để trống mà đã tỉ mỉ đưa đất lên trồng rau, gây ra thấm nước ở các tầng dưới, giải quyết thế nào? Không thể bắt hai cụ đào hết đất và mang xuống được. Cô Sơn đã định bỏ tiền ra thuê người đưa đất xuống khi cụ đồng ý, nhưng may mắn là ban công tác mặt trận địa phương luôn hỗ trợ và đồng hành cùng, bỏ ra kinh phí giúp giải quyết êm đẹp vụ việc.

Có lẽ cô Sơn cũng như rất nhiều người đang làm trong công tác hòa giải đều như thế, không lấy tiền bạc vật chất mà lại lấy sự bình yên, đoàn kết của mọi người làm động lực để tiếp tục cống hiến.

Có một nghề chỉ vui khi “thất nghiệp”
Hòa giải viên - người “hóa giải” mâu thuẫn vợ chồng
Hóa giải mâu thuẫn đất đai nhờ phân tích cái lý, cái tình
Mai Dung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động