Thứ bảy 20/04/2024 11:41
Kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2019):

Người “lính già” trên mặt trận văn hóa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hôm nay, 10-10, kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954 – 10-10-2019). Trong không khí chào mừng ngày lịch sử của dân tộc và cũng trong tiết trời thu trong xanh chúng ta lại nhớ về những thời khắc đã ghi dấu ấn đậm nét của Thủ đô Hà Nội từng quật cường trong kháng chiến và mạnh mẽ tiến bước trong giai đoạn hội nhập.

Xen giữa niềm tự hào và truyền thống đó chúng ta lại nhớ về những chứng nhân lịch sử, những người đã có nhiều đóng góp với sự phát triển của Thủ đô từ quá khứ cho tới hiện tại. Và PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ là một người như thế. PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, SN 1937, nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình luôn dành tình yêu cho Hà Nội, với những công trình nghiên cứu, dịch thuật mẫu mực về Thăng Long - Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ sinh ra, lớn lên tại Hà Nội. Càng học lên cao, chàng trai Hà Nội ấy càng yêu thích lịch sử Việt Nam. “Tốt nghiệp THPT ở một trường danh giá nhất Hà Nội thời bấy giờ, tôi trở thành sinh viên khóa I, khoa Lịch sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, cùng lớp với những tên tuổi nổi danh của nền sử học nước nhà sau này, như Nhà giáo nhân dân Phan Đại Doãn, Vũ Dương Ninh, Lê Mậu Hãn… Nhưng khác với nhiều bạn bè, khi cầm tấm bằng ĐH, tôi được điều động đi dạy Lịch sử cho học sinh THPT ở tỉnh Hà Nam Ninh”, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ nhớ lại.

nguoi linh gia tren mat tran van hoa
PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ (bên trái) chụp ảnh kỉ niệm cùng nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Thủy Liên

Những tưởng người thầy giáo trẻ sẽ an phận với việc dạy học. Nhưng không, với tình yêu đặc biệt dành cho Hà Nội, vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, ông là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam làm nghiên cứu sinh trong nước và chọn Hà Nội là đối tượng nghiên cứu. Để có nguồn tư liệu, thầy Hỷ sử dụng vốn ngoại ngữ của mình để tìm tòi, chắt lọc, dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án nhiều tư liệu gốc của nước ngoài, chưa từng được khai thác. Nhờ nội dung có nhiều điểm mới và cách trình bày khoa học, luận án “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX: Kết cấu kinh tế - xã hội của một thành thị trung đại” của ông được giới khoa học đánh giá cao.

PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ nhớ lại: “Ngày ấy, các thầy khuyên tôi làm một đề tài khác. Nhưng tôi nghĩ, mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Trong khi đó, nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa của Hà Nội lại chưa được làm rõ. Như vậy có thiếu sót và có lỗi với Hà Nội hay không? Vì vậy, tôi đã chọn đề tài nghiên cứu về Hà Nội”.

Khi bắt tay vào công việc, ông nhận thấy phần lớn các sách vở, tư liệu về Hà Nội của các học giả như Hoàng Ðạo Thúy, Doãn Kế Thiện, Trần Huy Bá… đều là những tư liệu hồi cố, những ghi chép về văn hóa dân gian, di tích, chứ chưa có một đề tài khoa học đúng nghĩa. Giai đoạn từ thế kỷ XVII đến XIX gắn với triều đại Lê Trung Hưng lại càng ít được nghiên cứu. PGS Nguyễn Thừa Hỷ phải tìm khắp các thư viện để kiếm những nguồn tư liệu gốc. “Hồi đó, việc tiếp cận các tư liệu bằng tiếng Anh, Pháp viết về Thăng Long - Hà Nội thời kỳ trung đại khá khó khăn, phải có thẻ đọc đặc biệt. Nhờ thông thạo hai ngoại ngữ này từ thời còn đi học, tôi dần tìm tòi, chắt lọc, tự dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án hàng trăm nguồn tư liệu gốc nước ngoài, trong đó có nhiều tư liệu chưa hề được ai khai thác trước đó”, PGS Nguyễn Thừa Hỷ cho biết.

Cũng nhờ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, ông đã tìm tòi và phát hiện nhiều tư liệu quý của các nhà buôn, nhà truyền giáo phương Tây đến Hà Nội giai đoạn này. Bởi thế, trong công trình của ông, hàng trăm tư liệu của phương Tây về Hà Nội lần đầu được công bố, đem lại cái nhìn đầy đủ hơn, mới mẻ hơn về Hà Nội một thời đã qua. Nhiều năm nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, ông chợt nhận ra rằng những phát hiện về lịch sử, văn hóa, xã hội của TP càng ngày càng khiến ông say mê, gợi mở thêm nhiều vấn đề cần được tìm hiểu. Khi ấy, tình yêu quê hương không đơn thuần là một thứ tình cảm tự nhiên mà trở nên sâu sắc hơn. Mỗi góc phố, mỗi căn nhà đều chứa đựng trong đó rất nhiều câu chuyện thú vị. Và tình yêu ấy khiến ông thấy trách nhiệm của mình với Hà Nội ngày một lớn hơn.

Thời gian làm việc tại khoa Lịch sử - trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, ông đã cho ra đời nhiều công trình mới, tập trung nhất vẫn là những công trình về Thăng Long - Hà Nội. Ông yêu văn hóa Hà Nội một cách khách quan, trung thực và không tô hồng. Ông nhìn thấy cả những điểm mạnh lẫn điểm yếu, cả những điều hay lẫn lẽ dở của Hà Nội. Với ông, Hà Nội là một đô thị kiểu phương Đông, mang trong mình cả dòng văn hóa quý tộc của giới quan lại lẫn văn hóa bình dân; văn hóa cung đình và văn hóa phố - chợ. Sự chung đúc qua năm tháng tạo nên tính cách người Hà Nội trọng danh dự, trọng chữ tín.

Ở độ tuổi ngoài 80, tuy sức khỏe yếu nhưng ông vẫn minh mẫn lạ thường. Ông kể rằng sau cơn bạo bệnh, sách và internet trở thành cứu cánh. Giờ trong nhà, ông giữ khoảng 1.000 cuốn sách giấy và 15.000 cuốn sách điện tử, đủ các thể loại. Dường như trong con người ông không chỉ có trách nhiệm của một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp mà bao trùm lên tất cả là sự say mê, một tinh thần lao động cần cù, bền bỉ và trên hết là một bản sắc riêng, một cách yêu Hà Nội thầm lặng và đặc biệt.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ đã được tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2003; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011. Năm 2012, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ trao cho công trình “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX: Kết cấu kinh tế - xã hội của một thành thị trung đại”. Năm 2019, ông nhận Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 12; được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú 2019.

Thủy Liên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động