Thứ sáu 29/03/2024 13:04

Người dân và tiểu thương Thủ đô chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Thủ đô, những cách thức mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm tại Thủ đô được tổ chức thực hiện tương đối linh hoạt song vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Người dân đã quen với việc đi chợ giãn cách

Theo tìm hiểu của PV, nhiều địa phương tại “vùng đỏ” như Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thanh Trì,… đều triển khai phát phiếu đi chợ cho người dân. Trên phiếu đều ấn định rõ khoảng khời gian và ngày được phép đến chợ. Hiệu quả giãn cách của những phiếu đi chợ được thể hiện rõ nét khi số lượng người đến các chợ được bố trí, phân luồng hợp lý theo khung thời gian, từ đó kiểm soát và đảm bảo tuân thủ giãn cách.

Thời điểm này, TP đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 20 của UBND TP Hà Nội, ngoài phương thức đi chợ mua sắm thực phẩm như truyền thống thì hiện trên mạng xã hội cũng lập không ít hội, nhóm “đi chợ hộ”, hoặc các “chợ online” theo từng khu vực.

Công tác kiểm soát kiểm tra người ra vào chợ trên địa bàn Hà Nội được thực hiện nghiêm ngặt
Công tác kiểm soát kiểm tra người ra vào chợ trên địa bàn Hà Nội được thực hiện nghiêm ngặt

Tại khu vực Hà Đông có ít nhất 5 “chợ online” như: Hà Đông bản, chợ cư dân Hà Đông, chợ Hà Đông online… trên các chợ khu biệt phạm vi này, các loại hàng khô, hàng tươi, con tôm, con cá đều được tiểu thương đưa hết lên mạng xã hội. Người dân chỉ cần mở điện thoại và “dạo quanh” các hội nhóm trên ứng dụng Facebook, Zalo là đều có thể mua sắm được các mặt hàng thiết yếu.

Cùng với sự “đổi chiều” mua sắm từ truyền thống sang online, các siêu thị trên địa bàn Thủ đô cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế, áp dụng nhiều chính sách khuyến mại nhằm hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch. Các dịch vụ như thanh toán online hay “đi chợ hộ” đã và đang góp phần tích cực, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt. Chẳng hạn như, với dịch vụ “đi chợ hộ”, người mua sau khi tự chọn các sản phẩm thông qua website, ứng dụng… của siêu thị thì sẽ được đơn vị cung ứng kết nối và giao hàng tận nhà, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn trong mùa dịch.

Cũng theo tìm hiểu của PV, về phía các ban, ngành chức năng hiện cũng đang phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm tạo thuận lợi tối đa cho việc mua sắm của người dân.

Tại quận Ba Đình, bắt đầu từ ngày 4-8, quận Ba Đình đã triển khai các điểm bán hàng lưu động. Đến nay, đã có 10 điểm bán hàng lưu động an toàn có kiểm soát được mở để phục vụ nhân dân trên địa bàn. Qua ghi nhận, tại các điểm bán hàng, các mặt hàng nhu yếu phẩm phong phú, giá cả ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kiểm soát nghiêm tại các chợ, siêu thị

Thời điểm này, Hà Nội vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, để đẩy lùi và từng bước bình thường hóa cuộc sống thì yêu cầu nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại các chợ, siêu thị trên địa bàn là rất quan trọng.

Theo ghi nhận, tại các địa phương kể cả trong “vùng đỏ” đều duy trì và tăng cường các biện pháp giám sát tiểu thương, người đi chợ, nỗ lực để người dân tuân thủ nghiêm quy định giãn cách.

Tại chợ Bông Đỏ, phường La Khê, quận Hà Đông khi người dân ghé đến mua sắm Ban Quản lý chợ yêu cầu người dân có phiếu đi chợ quét mã QR, sát khuẩn trước cổng chợ và căng dây giữ khoảng cách, nên trong chợ luôn bảo đảm giãn cách. Công tác nhắc nhở cũng được triển khai thường xuyên, góp phần giúp ý thức của người bán và mua hàng được nâng cao hơn.

Khi người dân thay đổi thói quen đi chợ thì các tiểu thương cũng thay đổi cách bán hàng đây là nét nổi bật tại khu chợ. Các cửa hàng kinh doanh đều công khai số điện thoại, tên cửa hàng, mặt hàng kinh doanh tại khu vực trước cổng chợ để người dân đặt hàng trước qua điện thoại, nỗ lực tối đa hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Chị Lê Thị Hằng, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Văn La, phường Phú La cho biết, hiện Hà Nội đang thực hiện giãn cách nên chợ tương đối thưa vắng, để đảm bảo giãn cách. Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt việc đi chợ như thế này là rất tốt, mọi người dân trên địa bàn phường và tiểu thương như chị đều rất ủng hộ.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân chủ động thay đổi phương thức mua sắm, tiểu thương chủ động thay đổi phương thức bán hàng tại các địa phương của Thủ đô đã góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động