Ngày 20-11 đặc biệt của những nhà giáo mang blouse trắng
Nghề giáo vốn đã là nghề cao quý trong xã hội, có những nhà giáo đặc biệt hơn khi vừa là nhà giáo vừa là thầy thuốc. Họ là những người vừa vững tay lái đò kiến thức vừa phải trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch trong thời đại COVID-19. |
Những nhà giáo trên mặt trận phòng dịch
T Thời gian thấm thoát thoi đưa, đã tới ngày lễ 20-11, đó là ngày trọng đại với những người làm nghề chở chữ cho đời. Nhưng khác hẳn mọi năm, Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay diễn ra đặc biệt hơn. Không còn những buổi tựu trường với lễ hội đầy sôi động nhưng cũng ấm áp. Không còn những lứa học sinh đã ra trường ríu rít như đàn chim non trở về với thầy cô. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã đưa những điều thường nhật, bình dị nhất cũng trở nên khác đi. Ngày 20-11, ngày nhà giáo Việt Nam vốn là một dịp để tri ân các thầy cô cũng đã phải tạm nhường chỗ khi dịch vẫn chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Nhưng có những thầy cô giáo thật đặc biệt khi họ vừa là những nhà giáo tận tuỵ trên giảng đường, vừa là những chiến sĩ xung kích ở tuyến đầu phòng chống dịch. Đó là những nhà giáo mang trên mình chiếc áo Blous trắng. |
Bác sĩ, nhà giáo Trần Huyền Trang (Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ, đặc thù của bệnh viện đại học Y Hà Nội là bệnh viện đào tạo. Vì lí do đó, việc đảm nhận nhiệm vụ song song vừa công tác vừa giảng dạy vốn dĩ đã là một công việc thường nhật. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, tính chất đó đã được thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. "Mỗi ngành đều có đặc thù khác nhau, kiến thức ngành y đặc thù cập nhật theo giờ, đặc biệt là trong dịp COVID-19 này, các kiến thức và phương án điều trị mới luôn được cập nhật luôn cần thiết. Vừa phải nâng cao kĩ năng và kiến thức mới, vừa xung kích trên tuyến đầu chống dịch thực sự là một thử thách rất lớn đối với những bác sĩ nói chung và với các bác sĩ - nhà giáo nói riêng" - Bác sĩ Trang tâm sự. |
Bác sĩ Trang là một trong những nhân sự của bệnh viện Đại học Y Hà Nội tham gia công tác phòng dịch làm việc tại bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) từ những ngày đầu đi vào hoạt động. Giống như bao bác sĩ khác, bác sĩ Trang cũng vừa đảm nhận công việc phòng chống dịch, điều trị vừa phải lo cả công tác giảng dạy tại trường. Việc vừa phải đảm bảo tốt công tác ở cả hai mặt trận cũng khiến quỹ thời gian của cô dường như trở nên eo hẹp hơn so với trước đây. "Gia đình mình cả 2 vợ chồng đều là bác sĩ cấp cứu, thời gian của gia đình dịp COVID-19 này vì thế cũng đã trở nên khá là gấp gáp. Đơn cử như thời gian vừa rồi, do áp lực số lượng bệnh nhân nặng tăng hơn, trong một tháng mình có thể phải làm ca đêm từ 10-12 buổi, và chồng mình cũng như vậy. Nhưng may mắn là gia đình hai bên đều rất hiểu cho công việc và tạo điều kiện thuận lợi hết mức có thể. Chính vì thế mà mình cũng cố gắng hoàn thành công việc để gia đình có thể có những giây phút quây quần bên nhau, cũng chính vì thế mà mình cũng trân trọng những thời gian đó hơn" - bác sĩ Trang chia sẻ thêm. |
Nghề y – nghề của tài năng và lòng nhân ái. Những người thầy thuốc cũng là thầy, cô giáo đã đào tạo bao thế hệ bác sĩ giỏi chuyên môn và giàu lòng y đức, thực hiện nhiệm vụ cao cả chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong thời đại dịch COVID-19, những người thầy cô ấy lại xung phong ở tuyến đầu chống dịch. Trong số đó, phần lớn các bác sĩ cũng là những người cha, người mẹ, và họ chấp nhận hi sinh đi quỹ thời gian ở bên gia đình vốn đã rất ít ỏi để hoàn thành sứ mệnh cao cả của một bác sĩ, một nhà giáo. "Công việc của mình bận rộn và thời gian cho gia đình cũng ít đi. Mình đang có một bạn nhỏ mới 2 tuổi thôi, mỗi khi mẹ về thì thường rất bám, nhiều khi đi làm thì phải trốn chứ nếu không là sẽ bị giữ không cho đi. Do công việc đã chọn thì đương nhiên sẽ có những khó khăn hơn một chút, mình cũng chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc để mọi thứ quay về cuộc sống bình thường" - bác sĩ Trần Huyền Trang kể. |
Ngày 20-11 đặc biệt ở bệnh viện điều trị bệnh nhân covid-19
Ngày 20-11 hàng năm đối với các thầy cô giáo là một dịp đặc biệt. Đó là ngày những nhà giáo được tri ân và được gặp gỡ những lứa học trò mà mình đã từng dìu dắt. Tuy nhiên, ngày 20-11 năm nay của những nhà giáo - bác sĩ lại trở nên đặc biệt hơn khi không có giảng đường mà thay vào đó là những buồng bệnh và bệnh nhân quen thuộc. Tại bệnh viện điều trị COVID-19 (Yên Sở) là những bệnh nhân nặng thuộc tầng thứ 3, là tầng cao nhất trong phác đồ chữa bệnh COVID-19 của Bộ Y tế, đã được chuyển tới đây để điều trị. PGS.TS Hoàng Bùi Hải (PGĐ Bệnh viện điều trị COVID-19, Trưởng khoa Cấp Cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội): "Tất cả bệnh nhân vào đây đều là người bệnh ở tầng 3, tức là tầng cao nhất theo phân tầng của Bộ Y tế, bệnh nhân từ các bệnh viện khác chuyển tới có diễn biến rất nặng như Thanh Nhàn, Đống Đa. Hầu hết các bệnh nhân được chuyển đến đây đều đã phải thở bằng máy". |
Do ở đây điều trị các bệnh nhân nặng nên việc tránh lây nhiễm chéo là cực kỳ quan trọng để hạn chế bệnh nhân bị nhiễm đa kháng kháng sinh. Chính vì vậy, bên cạnh việc theo dõi điều trị COVID-19, công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện cũng được giám sát chặt chẽ. Bác sĩ Hoàng Khắc Toàn, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, "việc kiểm soát rất quan trọng, các khâu phải tiến hành chính xác. Chúng tôi sẽ bố trí giám sát và nhắc nhở các bác sĩ, nhân viên y tế khi tiếp xúc gần với các bệnh nhân. Các biện pháp an toàn giúp giảm thiểu việc lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế". Những y bác sĩ đang làm việc tại đây vẫn đang miệt mài mà dường như họ đã suýt quên đi cái ngày của mình, ngày nhà giáo Việt Nam. Vừa là một bác sĩ, vừa là một nhà giáo, trách nhiệm vì thế mà cũng hơn gấp bội lần. Y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Cảm động hơn, những người bác sĩ - nhà giáo đã không màng nguy hiểm, luôn ở tuyến đầu, những nơi dịch cao nhất để tận tâm cứu chữa người bệnh. Ngày 20-11 của những nhà giáo ấy không hề qua đi vô ích mà trái lại lại càng thêm ý nghĩa và cao quý hơn. |
"Giỏi tay nghề, sáng y đức"
Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải (PGĐ Bệnh viện điều trị COVID-19, Trưởng khoa Cấp Cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), khi thời đại COVID-19 ảnh hưởng toàn thế giới, diễn biến ngày càng phức tạp và không biết tới khi nào mới dừng lại. Công tác giảng dạy của các nhà giáo - bác sĩ trong thời kì COVID-19 cũng vì thế mà phải thay đổi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến điều trị của các bác sĩ. "Chúng tôi phải tăng cường đào tạo ngày đêm, chắc chắn phải đào tạo dù là bằng cách trực tiếp, gián tiếp. Không chỉ là những bài học mà còn đào tạo về tất cả các khía cạnh của câu chuyện chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Ngay cả việc chống nhiễm khuẩn, mặc bảo hộ cho phù hợp, việc hành xử với bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân thể nhẹ nặng như thế nào cũng được tập huấn với các sinh viên. Bởi lẽ, đối với bệnh nhân COVID-19, các y bác sĩ điều dưỡng không thể chăm sóc trực tiếp mà phải qua nhiều lớp bảo hộ, những công việc hàng ngày bệnh nhân không tự phục vụ được. Hay thậm chí không dùng thuốc một cách bình thường đường được mà phải dùng theo cách đặc biệt. Rất nhiều thứ đã thay đổi, vì lẽ đó mà cách giảng dạy cũng phải thay đổi" - bác sĩ Hải nói thêm. |
Nghề giáo và nghề y là hai nghề cao quý đều được xã hội tôn là người thầy giáo và thầy thuốc, vì vậy điều này càng đặt lên vai những người thầy ấy trách nhiệm làm sao để đào tạo ra các thế hệ thầy thuốc trẻ vững về chuyên môn, giỏi về tay nghề nhưng cũng trong sáng về y đức. "Bản thân tôi cũng luôn tự nhủ, là một người thầy giáo đồng thời là một người thầy thuốc thì cần lắm một tấm lòng. Trách nhiệm của những thầy giáo khoác áo blouse trắng là rất lớn. Đào tạo sinh viên ngành y phải đặt vấn đề nhân bản lên trên hết, đó là y đức" - Bác sĩ, Nhà giáo Hoàng Bùi Hải chia sẻ. Thấm nhuần tâm tư và y đức được các thầy cô giảng dạy, biết rằng có nhiều vùng dịch nguy cơ cao nhưng các sinh viên ngành Y vẫn xung kích dấn thân vào để hỗ trợ công tác phòng dịch, chẩn đoán. Trong thời gian dịch cao điểm, bản thân trường Đại học Y Hà Nội cũng cử rất nhiều sinh viên vào các vùng dịch nguy cơ cao, phần lớn các bạn còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức nhưng ở các bạn là lòng nhiệt thành và cái tâm của nghề thuốc. "Tinh thần của các bạn rất cao, không sợ và e dè. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng đã có những buổi tập huấn và kiểm chuẩn lại, khi các bạn đạt yêu cầu, đảm bảo yêu cầu an toàn thì các bạn mới được tham gia trực tiếp điều trị chứ không vội vàng. Cá nhân tôi thấy tinh thần thực chiến ngành Y của các bạn sinh viên ấy rất tốt, tôi chưa gặp trường hợp nào mà các bạn e sợ cả, thậm chí có những lúc chúng tôi cũng phải kìm lại 1 chút tinh thần đó chứ không thì các bạn lúc nào cũng muốn xông pha nơi tuyến đầu" |
Đối với các bác sĩ nói chung, trong thời kì COVID-19 đòi hỏi mỗi người phải làm việc nhiều hơn bình thường, điều đó vô hình chung tạo nên một áp lực với các chiến sĩ áo trắng. Có thể nói, ngành Y học hiện đại Việt Nam chưa từng gặp một lượng bệnh nhân lớn như thời kì COVID-19. Theo bác sĩ Hải, việc đầu tiên phải hoàn thành đó là phải làm được tất cả những công việc thuộc về trách nhiệm của một bác sĩ. Việc thứ 2 đó là phải làm sao đào tạo thật nhiều và nhanh để thay thế và bổ sung cho yêu cầu phòng dịch hiện tại. Đặc biệt, đối với những bác sĩ, nhà giáo lại phải đảm bảo cả ba mũi nhọn đó là Điều trị - nghiên cứu - giảng dạy. "Nhìn thấy được những tổn thất lớn trong đại dịch thì phải vượt qua áp lực về tâm lí. Các đồng nghiệp của chúng tôi chống dịch nhiều ngày tháng trong điều kiện khắc nghiệt, áp lực của chúng tôi là những người làm ở tuyến đầu và tham gia công tác nghiên cứu. Vì thế, khi tham gia công tác phòng dịch thì chúng tôi cũng vẫn phải đảm bảo có các công trình nghiên cứu, sáng kiến nhất định để áp dụng vào việc chống dịch cho hiệu quả. Chúng tôi nhận ra rằng Nhân dân và đồng bào áp lực, bản thân chúng tôi cũng có những áp lực riêng. nhưng nếu chúng tôi cũng vượt qua những áp lực đó và cố gắng thì cũng mang lại hiệu quả lớn đối với cộng đồng, những người bệnh nhân đang trải qua những đại dịch như thế này" - bác sĩ Hoàng Bùi Hải chia sẻ thêm. |
Ngày 20-11 đã tới, những nhà giáo - bác sĩ của bệnh viện Đại học Y Hà Nội vẫn đang miệt mài và tận tâm, cùng với những bệnh nhân COVID-19 thể nặng chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, xin được tri ân và gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến những người Thầy thuốc, những nhà giáo - bác sĩ đang hết lòng tận tuỵ cùng người bệnh, những nhà áo mang áo Blous trắng đang ở tuyến đầu phòng dịch. Cảm ơn vì sự cống hiến và hy sinh thầm lặng để bảo vệ sự an toàn của người dân trước dịch bệnh và những tâm huyết không ngừng nghỉ để truyền lửa và chắp cánh ước mơ cho những thế hệ thầy thuốc tương lai. |
Bài: Khánh Huy Ảnh: Khánh Huy - Nam Nguyễn |