Thứ sáu 29/03/2024 14:32
Bạn đọc viết:

Nên kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm phim trên không gian mạng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nội dung dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đưa ra 2 phương án về phổ biến phim trên không gian mạng.

Phương án 1 (hậu kiểm): Các DN, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng phải tự kiểm duyệt nội dung, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo tiêu chí quy định, cung cấp công cụ xử lý vi phạm cho cơ quan quản lý Nhà nước về phát hành, phổ biến phim; bảo đảm không vi phạm pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim phổ biến. Bộ VH,TT&DL phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông "hậu kiểm", kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.

Phương án 2 (tiền kiểm): Dự thảo luật quy định chỉ được phổ biến phim khi có giấy phép phân loại phim do Bộ VH,TT&DL, UBND cấp tỉnh cấp hoặc quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình được phép phổ biến trên không gian mạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này. Theo đó, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chọn phương án 1.

Diễn viên Quỳnh Lương trong phim “Gái ngàn đô”    	Ảnh: Đoàn làm phim
Diễn viên Quỳnh Lương trong phim “Gái ngàn đô” Ảnh: Đoàn làm phim

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết Thường trực Ủy ban đề xuất thêm phương án 3 là kết hợp "hậu kiểm" và "tiền kiểm" một cách hợp lý. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng cần phải có cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm, chứ không chỉ cực đoan chọn 1 trong 2. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đồng tình phương án kết hợp, nhưng đề xuất cơ quan soạn thảo không trình ra Quốc hội 3 phương án, mà sau khi thống nhất cao rồi thì chỉ nên trình ra một phương án.

Phương án tự kiểm là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giảm thiểu gánh nặng chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý, tăng cường hội nhập quốc tế, thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, phương án này tạo ra sự phân biệt, thiếu công bằng giữa các phương thức phổ biến phim. Hơn nữa, việc tự kiểm cũng sẽ tạo nên nguy cơ trong việc để lọt các sản phẩm phản ánh sai trái lịch sử, nội dung bạo lực, khiêu dâm, xâm hại trẻ em, nội dung về ma túy,…gây tác động tiêu cực đến xã hội.

Vì vậy, theo tôi, nên kết hợp cả hai phương pháp tiền kiểm và hậu kiểm. Đặc biệt là phải tiền kiểm đối với phim có đề tài về chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và việc kiểm tra phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần có quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng, nhất là những phim có vấn đề liên quan tới quốc phòng, an ninh, hải đảo, dân tộc, tôn giáo, trẻ em,… Cùng với đó, cần quy định rõ, chi tiết hơn về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.

Tường Vy

(Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động