Thứ sáu 29/03/2024 20:37

Mô tô, xe máy bắt buộc phải bật đèn nhận diện khi tham gia giao thông

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 2-6, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Bộ GTVT tổ chức hội thảo lấy ý kiến DN góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Đây là dự luật có liên quan đến mọi người dân và đang được khối DN đặc biệt quan tâm.

Mọi người dân, DN cần quan tâm, góp ý

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, sửa Luật GTĐB lần này phải là luật giao thông “thông minh”, phải mở đường cho các xu thế phát triển mới.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, việc sửa Luật GTĐB lần này, Bộ GTVT xác định sửa để ổn định ít nhất trong 10 năm. Trong đó, có tầm nhìn, dự báo những yếu tố mới, đưa được hành lang pháp lý mà đối tượng chi phối trong luật ổn định. Hiện dự thảo Luật đang được đăng tải xin ý kiến của nhân dân và các thành phần kinh tế. Ông Thọ cũng mong muốn mọi người dân, DN quan tâm, góp ý.

Trình bày một số điểm chính của Dự luật, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ GTVT cho biết, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2020 có nhiều quy định mới, cả về quy tắc giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng GTĐB, phương tiện tham gia giao GTĐB, người điều khiển phương tiện, kinh doanh vận tải GTĐB…

Trong đó, nhìn chung mọi người dân đều cần chú ý đến các quy định mới về quy tắc giao thông như quy định liên quan đến đèn nhận diện, đây là nội dung luật hóa theo quy định tại Điều 32 Công ước về Giao thông đường bộ. Trên cơ sở ý kiến góp ý của người dân, Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cứng bật đèn nhận diện thành quy tắc giao thông mà chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện.

Đồng thời, Dự thảo quy định thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu đường bộ, quy định cụ thể hơn về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông. Theo đó, tín hiệu đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao.

mo to xe may bat buoc phai bat den nhan dien khi tham gia giao thong
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: P.Thảo

Sẽ theo dõi số lần vi phạm hành chính và tai nạn để thu hồi GPLX

Đáng quan tâm, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định cho phép người lái xe sử dụng giấy xác nhận của tổ chức tín dụng để thay thế khi giấy đăng ký xe được giữ làm tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng;

Đồng thời, điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) phù hợp Công ước quốc tế về giao thông đường bộ tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam, theo đó các hạng của giấy phép lái xe đã được bổ sung thêm hạng A0 (xe dưới 50cm3) và C1 (xe có trọng lượng 7400kg). Việc phân hạng GPLX này sẽ không làm phát sinh TTHC cấp lại cho các GPLX đã cấp và đang còn hiệu lực.

Bên cạnh đó, Dự luật cũng bổ sung quy định theo dõi số lần vi phạm hành chính và số lần tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng của người lái xe trên cơ sở dữ liệu quản lý GPLX để thu hồi GPLX nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Góp ý vào Dự luật, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Dự thảo mới qui định tuyên truyền theo một chiều, trong khi luật này có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, nên cần có điều khoản qui định về nơi người dân, tổ chức có thể phản ánh, kiến nghị về GTĐB.

Về sử dụng đèn của phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng tham giao thông, ông Quyền đề nghị bỏ quy định này, chỉ khuyến cáo các phương tiện tham gia giao thông trong điều kiện thời tiết có sương mù và mưa to. “Việc bật đèn cả ban ngày trong điều kiện thời tiết nhiệt đới, sử dụng mô tô, xe máy là chính, nếu tất cả đều bật đèn sẽ gây nhiều tác dụng phụ, gây hiệu ứng chói mắt cho người đi ngược chiều, khi bật đèn sẽ tiêu tốn lượng điện, tăng tiêu thụ nhiên liệu gây lãng phí và tăng khí thải gây ô nhiễm môi trường”, ông Quyền nói.

Cho phép người học tự chọn cách học lái xe phù hợp?

Bà Ngô Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về việc có thể bổ sung thêm Giấy phép lái xe nước ngoài (tương đương hạng A1 - xe máy) từ các quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam chiếm tỷ trọng cao (như Hàn Quốc, Nhật Bản…).

Về sát hạch lái xe, bà Thảo đề nghị không bắt buộc người học phải đi học tại cơ sở đào tạo lái xe đã đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo. “Nên cho phép người học tự chọn giáo viên là người đã được cấp chứng chỉ để dạy, phù hợp với nhu cầu, trình độ và khả năng tiếp thu của người học.

Hiện nay, do quy định, nên người học bắt buộc phải đăng ký tại các cơ sở đào tạo lái xe. Trên thực tế, nhiều người chỉ đóng tiền học để đáp ứng yêu cầu pháp luật, nhưng phải tự bỏ tiền để đi học ở bên ngoài, do yếu tố thời gian và chất lượng dạy. Điều này chứng tỏ việc bắt buộc phải đến học ở một cơ sở đào tạo là không hiệu quả và không phù hợp với nhu cầu xã hội”, bà Thảo nói.

Bà Thảo cũng cho hay, nhiều quốc gia trên thế giới cho phép người học tự chọn cách học lái xe phù hợp nhất với mình, miễn là đủ điều kiện để vượt qua kỳ thi sát hạch.

Hiện dự thảo Luật đang được Bộ GTVT gửi lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương, các hiệp hội; đăng tải rộng rãi trên Công thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT để lấy ý kiến rộng rãi người dân, DN.

Điều 27. Quy tắc sử dụng đèn của phương tiện tham gia giao thông

1. Phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau) hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn sau:

a) Đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần; đèn sương mù trong điều kiện sương mù (đối với xe có trang bị đèn sương mù theo thiết kế của nhà sản xuất);

b) Đèn chiếu hậu;

c) Đèn định vị được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.

2. Phương tiện phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần trong các trường hợp:

a) Khi lưu thông trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động;

b) Khi xe xin vượt chuẩn bị vượt xe phía trước;

c) Để không chói mắt người điều khiển phương tiện theo chiều ngược lại.

(PA1) 3. Xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải sử dụng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.

(PA2) 3. Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động