Thứ năm 18/04/2024 09:07
Vụ người phụ nữ bám cửa ôtô bị kéo lê trên đường

Lái xe bị xem xét xử lý trong trường hợp nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo chuyên gia pháp lý, hành vi của lái xe là nguy hiểm khi điều khiển ô tô với tốc độ lớn, lạng lách cho người phụ nữ đang bám vào cánh cửa rơi xuống đường.
Hình ảnh người phụ nữ bám vào cửa xe ô tô bị kéo lê trên đường gây xôn xao dư luận (Ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh người phụ nữ bám vào cửa xe ô tô bị kéo lê trên đường gây xôn xao dư luận (Ảnh cắt từ clip)

Phòng CSGT - CA Hà Nội cho hay, cơ quan này đã tiếp nhận clip phản ánh về một chiếc xe Mazda CX-5 kéo lê 1 người phụ nữ bám bên cánh cửa. Qua xác minh, thời điểm xảy ra vụ việc vào khoảng 14h ngày 1/5/2022 trên đoạn đường vành đai 3 qua cầu Thanh Trì nhập vào QL 5.

Theo nội dung clip, một người phụ nữ cố gắng kéo, mở cửa bên phụ chiếc Mazda CX-5 BKS 89A - 141.XX. Tuy nhiên, cửa xe không những không mở mà người điều khiển xế hộp cho xe tiếp tục chạy kéo lê người phụ nữ bám vào cánh xe.

Sau khoảng 10 giây, người phụ nữ tuột tay, ngã ra đường còn chiếc Mazda tiếp tục tăng ga chạy đi. Hiện Phòng CSGT - CA TP Hà Nội đã giao Đội CSGT số 5 làm rõ.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của người lái xe ô tô trong tình huống nêu trên có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ khi lạng lách, đánh võng khiến người phụ nữ rơi xuống đường, bất chấp hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra...

Điều nguy hiểm hơn trong vụ việc này là người điều khiển chiếc xe ô tô có dấu hiệu cố ý muốn hất người phụ nữ xuống đường khi đã tăng ga, lạng lách dù biết người phụ nữ đang bám vào cửa xe bên phải, thực tế người phụ nữ đã rơi xuống nhưng may mắn đã xảy ra khi bánh sau xe ô tô không đè lên người.

Luật sư Thái cho biết, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển chiếc xe ô tô này để xác định mục đích của hành vi là gì, có nhận thức được nạn nhân có thể bị thiệt mạng hay không để xác định lỗi đối với hành vi vi phạm.

“Về mặt lý luận, nếu cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm, nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì có thể xem xét xử lý về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Tuy nhiên, với diễn biến như vậy thì rất khó để xác định là lỗi cố ý gián tiếp.

Trừ những hành vi người điều khiển phương tiện trực tiếp tông xe và người khác, hành vi di chuyển xe với tốc độ cao để hất người đeo bám xuống đất rất khó có thể xử lý hình sự về tội giết người.

Trong một số tình huống lái xe do sợ hãi hoặc bực tức mà cố gắng chạy thoát chứ không có mục đích giết người. Trong tình huống này thường có thể xem xét xử lý lỗi cố ý với hành hành vi vi phạm giao thông và vô ý đối với hậu quả xảy ra”, luật sư Thái cho hay.

Theo luật sư Thái, trong một số tình huống nguy hiểm, dù hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra nhưng cũng có thể xử lý hình sự theo Khoản 5, Điều 260 BLHS 2015, với hình phạt có thể là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự (hậu quả là chưa nghiêm trọng, người lái xe ô tô không có động cơ mục đích sát hại nạn nhân, không nhận thức được sự việc có thể dẫn đến nạn nhân thiệt mạng và không bỏ mặc hậu quả nạn nhân thiệt mạng) thì cũng sẽ xử phạt hành chính lái xe với mức phạt có thể tới 12.000.000 đồng theo quy định tại khoản 7, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP và tước giấy phép lái xe tới 4 tháng.

Hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi: Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường. Ngoài ra, Điểm c và Điểm d Khoản 11 Điều 5 Nghị định quy định, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tới 4 tháng.

“Như vậy, người điều khiển phương tiện ô tô lạng lách, đánh võng mà hành vi chưa đến mức xử lý hình sự thì cũng sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng trong trường hợp vi phạm lần đầu. Nếu tái phạm thì thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe là từ 3 tháng đến 5 tháng", luật sư Thái cho biết.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động