|
Từ những chiếc lá Bồ Đề tưởng như phải bỏ đi, anh Kiều Cao Dũng đã giúp chúng tái sinh trong một hình dạng mới và lưu giữ trọn vẹn những giá trị truyền thống văn hoá Việt Nam |
Kiều Cao Dũng đã từng là người làm “khuynh đảo” cộng đồng làm hoa bất tử khi trở thành người đầu tiên làm cho những bông hoa và lá sen có thể sống mãi. Không bằng lòng với những gì đã có, không chịu ngồi yên một chỗ anh tiếp tục nghĩ ra ý tưởng mới với mong muốn tiếp tục thử thách bản thân và góp phần đưa giá trị, bản sắc văn hoá Việt Nam ra thế giới với các sản phẩm từ lá Bồ Đề bất tử.
Anh chàng “dở hơi” và ý tưởng “không tưởng” |
Kiều Cao Dũng (quê Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội) là một người có học vấn cao, anh là một du học sinh, một thạc sỹ và vốn có một công việc quản lý nhà hàng khách sạn với thu nhập rất tốt. Hơn 15 năm trong ngày, Dũng nhận thấy nhu cầu tìm mua quà lưu niệm thổ sản của các du khách nước ngoài khi tới Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, vì đã quá lọc lõi trong ngành, Dũng rất đau đáu khi nhìn từng gian hàng lưu niệm tại Việt Nam giờ đây quá nửa đã lai tạp và không rõ nguồn gốc xuất xứ, không còn lưu giữ được quá nhiều bản sắc của đất nước Việt Nam.
Cơ duyên đưa anh trở thành học trò của Nghệ nhân nhân Nguyễn Bá Mưu - người được mệnh danh ông tổ của ngành hoa khô Việt Nam. Đam mê điên dại với những đoá hoa bất tử, Dũng bỏ nghề du lịch. Từ những bài học bí quyết của thầy, Dũng đã dành ba năm nghiên cứu để sáng tạo ra những sản phẩm gắn liền với tên tuổi mình, như hoa sen bất tử, tranh Đông Hồ, tranh Hàng trống trên lá sen... Không dừng ở đó, Dũng lại tiếp tục có một ý tưởng phiêu lưu khác khi chọn “bất tử hoá” chiếc lá Bồ Đề và tái sinh trong một hình dạng mới, mang đầy đủ những giá trị tinh thần của Việt Nam trong chiếc nón lá.
“Lá Bồ Đề có rất nhiều ở Việt Nam, chiếc lá có một hệ thống xương chằng chịt rất chắc chắn và sẽ là một chất liệu tốt để làm nón. Tôi nghĩ rằng, mình làm nón lá Đề bởi cũng chưa có ai ở Việt Nam làm cả” – Kiều Cao Dũng chia sẻ.
Những ngày giữa năm 2021, khi cả nước đang ở thời kì gần như đóng băng bởi dịch COVID-19, anh Dũng lại không chịu ngồi yên một chỗ khi anh liên tục đi đến nhiều nơi để học hỏi kĩ thuật làm, tác xương lá Bồ Đề. Kết hợp kỹ thuật của những người đi trước với kiến thức học hỏi từ các chuyên gia hóa sinh, Dũng rút ngắn được thời gian từ 60 xuống 30 ngày, cuối cùng chỉ còn một ngày. Tuy nhiên, với phương pháp này anh gặp tình trạng xương lá bị mềm dẻo, không thể làm nón.
“Rốt cuộc mình đã gặp vấn đề ở đâu, tôi cũng chẳng biết. Cả một đêm, tôi cứ cầm chiếc lá lên nhìn chằm chằm, rồi bỗng một ý tưởng loé lên, tôi nghĩ mình đã ngộ ra được sai lầm bấy lâu nay. Chiếc lá Bồ Đề có khung xương chằng chịt, thu nhỏ dần từ cuống, giữa cho tới ngọn lá. Sai lầm trước nay của tôi là luôn tác động lá trên tổng thể trong khi chiếc lá có ít nhất ba phần. Thử nghiệm suốt một đêm, đến sáng hôm sau tôi đã có được chiếc lá đúng như mong muốn. Thậm chí có thể nắm chặt, vò trong tay nhưng không hề bị mục nát ra” – anh Dũng chia sẻ.
Giờ đây, Dũng đã là “chuyên gia” về lĩnh vực này, thậm chí chỉ cần cầm chiếc lá Đề lên là anh có thể luận được số tuổi lá, cần làm gì, tác động lực như thế nào. Vấn đề mấu chốt của lá Bồ Đề đã được giải quyết, nhưng với Dũng thì bây giờ mới là giai đoạn khó khăn nhất. Bởi lẽ, có được nguyên liệu chỉ là bước khởi đầu trong quá trình hiện thực hoá ý tưởng “không tưởng” của mình.
Từ lá Bồ Đề khai sinh ra kỹ thuật làm nón mới |
Mang trong mình tâm huyết nhiệt thành và điên dại với chiếc nón lá, Dũng lại một lần nữa lặn lội tìm người đồng hành cùng mình trong dự án mà nhiều người gọi là phi thực tế này. Ăn nằm cả tuần ở làng nón Chuông, những người thợ giỏi nhất cũng phải đưa ra câu trả lời “không” khi chỉ vừa mới cầm trên tay tệp lá Bồ Đề. Không ai tin tưởng rằng những chiếc lá mỏng manh ấy có thể làm được nón.
Không nhụt chí, Dũng tiếp tục tìm đến làng nón Phú Mỹ (Quốc Oai, Hà Nội). Sau những lời từ chối, cuối cùng Dũng cũng được bà Doãn Thị Thái đồng ý nhận lời thực hiện chiếc nón với chất liệu mới.
Hàng chục chiếc nón thử nghiệm bị bỏ đi, từ áp dụng phương pháp làm nón lá bàng Huế cho tới cải biên kỹ thuật chằm nón cũ, những chiếc nón ra đời vẫn không được ưng ý. Hàng nghìn chiếc lá tâm huyết bị bỏ đi không thương tiếc. Thế nhưng, những sản phẩm thất bại vẫn được Dũng cất giữ để nhắc nhở và trân trọng từng quá trình mà mình đi qua.
Sau nhiều lần thử nghiệm, sự nhiệt thành của Dũng và bàn tay khéo léo của người thợ chằm nón già đã được đền đáp. Chiếc nón làm từ xương lá Bồ Đề đã thành hình trong niềm vui sướng vỡ oà. Từ đó, anh Dũng lại tiếp tục sắp xếp lại hệ thống lá và lớp lá để tạo tính thẩm mỹ cho chiếc nón. Thành phẩm cuối cùng của Dũng là một chiếc nón lá Bồ Đề 1 màu, cầm trên tay chiếc nón không hề để lộ ra đường chỉ. Lúc ấy, Dũng cùng bà Thái mới nhận ra rằng mình đã tạo ra một kỹ thuật chằm nón mới không lộ chỉ.
Chiếc nón lá Bồ Đề của Dũng được tạo thành từ trên 500 chiếc lá với 9 tầng lá xếp lên nhau. Tầng dưới cùng là những chiếc lá lớn nhất được lựa chọn, kích thước giảm dần cho tới đỉnh xếp theo hình xoáy trôn ốc, giúp chóp nón cứng, bền, che mưa nắng tốt hơn các nón thông thường. Cầm trên tay chiếc nón thành phẩm, Dũng không khỏi xúc động nhớ lại những ngày tháng khó khăn nhất.
“Có thời gian, gần như cả ngày tôi chỉ ngồi một góc bên chậu nước với chiếc bàn chải để tách xương lá. Bố mẹ nhìn thế thì xót con nhưng luôn ủng hộ bởi bố mẹ biết tôi đang làm gì, và đã làm thì sẽ cố đến cùng. Những chiếc nón ban đầu tôi vẫn giữ đây, thất bại nhiều cũng có lúc nản lắm. Đã có lúc tôi thực sự bất lực bởi lẽ mình không phải thợ chằm nón, thành hay bại lại nhờ người khác. Nhưng tôi biết, tôi đã đến gần lắm rồi, thành công hay không là ở bước này mà thôi, chỉ còn một bước nữa thôi” – Dũng tâm sự.
Những ngày tháng giãn cách xã hội, Dũng lại tự chặn luôn con đường lùi của mình, vì thế anh chỉ còn cách tiến về phía trước cùng với những chiếc lá Bồ Đề. Để có kinh phí theo đuổi lý tưởng, Dũng chấp nhận làm đủ mọi nghề, thậm chí tự tay trèo hái từng quả bưởi ở quê nhà rồi tự chở lên Hà Nội bán. Những đồng lãi từ đủ mọi nghề vừa đủ để anh duy trì cuộc sống rồi lại tái đầu tư cho việc hiện thực hoá nón lá Bồ Đề. Giờ đây, những ngày tháng khó khăn nhất đã qua đi, chỉ còn những chiếc nón lá Đề hoàn thiện ở lại.
Nón lá Bồ Đề mang hồn Việt ra thế giới |
Chia sẻ về ý tưởng của mình, Kiều Cao Dũng không khỏi nhớ đến những ngày đầu tiên. Đó là những ngày tháng mà anh gọi mình bị chôn chân ở quê và hoang mang khi không biết làm gì trước hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Giãn cách xã hội đã đưa đến cho anh cơ hội mới mà theo Dũng đó là “trong lúc trầm nhất thì vẫn có tia hi vọng”, điều đó đưa anh đến với lá Bồ Đề bất tử.
“Ý tưởng dùng xương lá bồ đề làm tranh, làm đồ lưu niệm đã có ở nhiều nơi nhưng tôi muốn dùng đôi bàn tay của mình làm cho chiếc lá Bồ Đề hồi sinh ở một hình dạng mới. Tôi muốn sản phẩm này phải đặc trưng cho văn hoá Việt và tôi nghĩ đến chiếc nón lá cùng hoa sen. Tôi muốn sử dụng chất liệu lá Bồ Đề để thể hiện cả hai yếu tố ấy” – Kiều Cao Dũng chia sẻ.
Theo lời Dũng kể, chiếc nón lá Bồ Đề thành phẩm ẩn chứa nhiều ý niệm và văn hoá đậm chất dân gian Việt Nam. Nón bồ đề phải được kết từ 9 tầng lá, mỗi tầng tương ứng với một kích cỡ khác nhau, nối trùng trùng điệp điệp tạo hình như một bông hoa sen đang nở rộ. Số 9 cũng là con số tâm linh trong Cửu phẩm liên hoa của kiến trúc chùa tháp Việt Nam, đem lại sự bác ái, bình yên và may mắn.
Quan sát chiếc nón lá Bồ Đề của Dũng, người nhạy cảm sẽ dễ dàng phát hiện hình ảnh hoa sen Việt Nam đã được tái hiện, cách điệu trên chiếc nón. Những tầng lá Bồ Đề được sắp đặt có ý tứ thể hiện vẻ đẹp của hoa sen từ lúc còn là búp cho tới khi nở rộ và héo tàn. “Tôi yêu thích hoa sen, hoa sen cũng là một sản phẩm trước đó tôi đã làm. Nếu để chọn cái gì để du khách nhớ tới Việt Nam thì có lẽ nón và hoa sen sẽ gây ấn tượng tốt nhất. Hoa sen được đề xuất là Quốc hoa của Việt Nam, nón lá thì đã quá quen thuộc rồi” – Cao Dũng chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, lấy ý nghĩa từ Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, giờ đây nón lá Bồ Đề của Dũng cũng mang ý nghĩa tương tự. Vạn vật có sinh có mất, luân hồi theo triết lý Phật giáo nhân sinh. Lá Bồ Đề khi còn trên cây toả bóng xanh mát, nay được hồi sinh và chuyển sinh sang một hình dạng mới và vẫn tiếp tục sứ mệnh che mưa che nắng cho con người. Bên trong mỗi chiếc nón lại có một bức thư pháp chữ nôm, chữ Quốc ngữ với những lời răn trong Phật Giáo, hướng con người đến với Chân Thiện Mỹ. Chỉ một chiếc nón nhưng chứa đựng trong đó biết bao giá trị văn hoá đúc kết hàng ngàn năm của đất Việt.
Để lưu giữ và lan toả giá trị truyền thống, Dũng đã liên kết cùng với một số tổ chức và trường học thực hiện các buổi Workshop hướng dẫn làm nón lá Bồ Đề tại quê nhà. Hiện nay, chiếc nón lá Bồ Đề Cao Dũng đã được đăng ký thương hiệu độc quyền và xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử từ đầu năm 2022 vừa qua. Không chỉ dừng lại ở đó, hình ảnh của chiếc nón mang giá trị văn hoá Việt Nam của Dũng cũng đã vượt qua biên giới và được nước bạn biết tới.
Dũng chia sẻ, đã có những người bạn ở Mỹ liên lạc và đặt hàng số lượng lớn nón lá Bồ Đề. Một đơn vị bán hàng trực tuyến chuyên về đồ thủ công handmade ở Nhật Bản đã liên hệ trực tiếp với Dũng để có thể đưa các sản phẩm của anh sang thị trường nước bạn. Theo Dũng, việc đưa sản phẩm nón lá Bồ Đề lên các sàn thương mại điện tử là một trong những cách góp phần quảng bá giá trị văn hoá Việt và tạo nguồn thu ổn định, đặc biệt trong thời kì dịch COVID-19.
Những chiếc nón lá Bồ Đề mang đậm văn hoá Việt Nam đã mang hồn Việt tới với bạn bè Quốc tế đúng như mong muốn mà Dũng ấp ủ từ những ngày đầu theo đuổi. Sự nhiệt thành, lòng quyết tâm và sự trăn trở mà Dũng mang theo đã biến một ý tưởng “không tưởng” trở thành hiện thực. Điều đáng quý của chàng trai này đó là cái tâm của một người nặng lòng với văn hoá dân tộc. Mỗi sản phẩm mà anh làm đều chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống.
“Văn hoá là truyền thống nhưng văn hoá cũng vận động theo dòng chảy lịch sử. Chúng ta không nên làm văn hoá theo những lối mòn mà cần linh hoạt và làm cho văn hoá trở nên sống động hơn, đi vào cuộc sống hơn. Cũng là giá trị ấy, hãy làm mới nó trong một hình thức khác, hiện đại hơn và trẻ trung hơn. Giới trẻ không hề quay lưng với văn hoá, quan trọng là chúng ta sẽ làm văn hoá “sống” như thế nào mà thôi” – Kiều Cao Dũng tâm sự.
Bài: Khánh Huy - Hồng Giang Ảnh và trình bày: Khánh Huy |