e magazine
15:10 | 08/08/2022
Kỳ 3: Lụa tơ sen đưa hồn Việt ra thế giới

15:10 | 08/08/2022

Dưới bàn tay tài hoa của con người Việt Nam, những bông sen thơm ngát đã phải nhả tơ để tạo nên tấm lụa chứa đựng cả hồn cốt của dân tộc. Những tấm lụa tơ sen đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà và gây tiếng vang với bạn bè Quốc tế.
Kỳ 3: Lụa tơ sen đưa hồn Việt ra thế giới
Dưới bàn tay tài hoa của con người Việt Nam, những bông sen thơm ngát đã phải nhả tơ để tạo nên tấm lụa chứa đựng cả hồn cốt của dân tộc. Những tấm lụa tơ sen đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà và gây tiếng vang với bạn bè Quốc tế.

Bắt tằm tự dệt chăn tơ

Sinh ra và lớn lên ở Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề nuôi tằm, dệt lụa, gia đình bà Phan Thị Thuận nhiều đời ươm tơ dệt lụa. Người làng Phùng Xá quanh năm suốt tháng bám lấy máy dệt thô sơ để giữ nghề cũng như giữ cái kế sinh nhai. Theo năm tháng, dưới tác động của cơn bão thị trường, nghề dệt ngày càng mai một.

Song người phụ nữ này nặng lòng với nghề ươm tơ dệt lụa đã không chấp nhận bị cuốn theo cơn lốc hiện đại hóa. Chính sự đau đáu với nghề đã khiến bà luôn suy nghĩ, trăn trở tìm hướng đi mới, sáng tạo ra cách làm mới để giữ nghề và khôi phục lại thương hiệu của lụa Phùng Xá. Từ những suy nghĩ, trăn trở ấy, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã tìm ra phương pháp dệt lụa mới bằng cách biến những con tằm thành những người thợ để dệt nên những tấm chăn tơ tằm độc đáo.

Ý tưởng trên của bà có được nhờ nhiều năm quan sát loài côn trùng sinh tơ này. Bà Thuận chia sẻ: “Nhiều lần đứng ngắm con tằm làm tơ, đan kén, cách nó ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào tôi bỗng nảy ra ý tưởng rằng tại sao không để chúng dệt lụa thay cho người?”. Từ ý tưởng cho tới lúc những sản phẩm đầu tiên từ phương thức dệt độc đáo này, đã tiêu tốn mất của bà gần chục lứa tằm thử nghiệm và gần 2 năm trời mày mò với từng con tằm ăn rỗi.

Kỳ 3: Lụa tơ sen đưa hồn Việt ra thế giới

Vừa mải miết với khung cửi, bà Thuận vừa giải thích, phải thấu hiểu đầy đủ tâm sinh lý rồi đáp ứng mới mong chúng đền đáp bằng cách thay người dệt lụa. “Tằm khi đan kén trên nong còn có tổ để che chở nên cứ theo bản năng mà miệt mài nhả tơ. Đằng này khi nằm trơ thân trên một mặt phẳng thì chỉ một tia nắng nhẹ, một tiếng động khẽ, một làn gió thoảng qua cũng đủ để cho chúng giật mình sợ hãi mà im tịt không chịu nhả tơ” - bà Thuận chia sẻ.

Chính vì lẽ đó mà xưởng kéo tơ của bà Thuận giống như một cái kén lớn được che kín bốn bề để không một tiếng động, tia nắng, làn gió lạ nào xâm nhập vào. Quan sát từng con tằm bé nhỏ, thật khó tin là chúng có thể chứa trong bụng những sợi tơ dài tới 400-500m. Để nhả hết số tơ đó bên trong chúng phải cúi đầu dùng miệng rút từ trong ruột mình ra khoảng 10.000 lần.

Bà Thuận còn tỷ mẩn tính toán những thông số như khoảng cách thích hợp để cho lũ tằm vươn cổ, nhả tơ vừa vặn nhau nhất mà không va đầu vào nhau. Sau bốn đến năm ngày, tằm tự nhả tơ đan xen vào nhau, tạo thành tấm kén phẳng. Tấm kén đó sẽ được luộc trong vòng bốn giờ, xử lý chất liệu để tạo ra một tấm bông tơ phẳng, mịn, có độ gắn kết chắc chắn mà kỹ thuật may đo dù có tinh xảo đến mấy cũng không bằng.

Từ sự tỉ mỉ đó mà những chiếc chăn lụa được làm từ những sợi tơ tự nhiên thuần khiết ấy xốp, nhẹ nhưng lại rất bền, chắc khác hẳn với phương pháp cũ do con người kéo kén, ươm tơ…

Kỳ 3: Lụa tơ sen đưa hồn Việt ra thế giới

Cầm chiếc chăn bông tơ tằm tự dệt trên tay, bà Thuận nói, chăn bông tơ tằm được tính theo kg, mỗi kg giá 4 triệu đồng. Một chiếc chăn nặng 2 kg có giá 8 triệu đồng, tính thêm tiền công hoàn thiện, tiền lụa nữa sẽ rơi vào khoảng 11 triệu đồng. Còn riêng với áo bông tơ tằm hiện có giá bán từ 2-3 triệu đồng/chiếc.

Cách làm độc đáo này giúp những sản phẩm tơ tằm của bà luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, thậm chí, những năm đầu tiên, bà còn từ chối bán cho đơn đặt hàng lớn của một vị khách hàng người Mỹ bởi sản phẩm chỉ đủ bán trong nước.

Luyện sen nhả tơ

Thành công khi huấn luyện hàng vạn con tằm chăm chỉ rút ruột tự dệt chăn tơ, đem lại khoản lợi nhuận 3 tỷ đồng/năm, người nghệ nhân 65 tuổi Phan Thị Thuận lại là người đầu tiên ở Việt Nam tự mày mò để bắt những cọng sen “nhả” tợ dệt lụa bán giá đắt như vàng.

Chia sẻ về cơ duyên đến với những sợi tơ sen, bà Thuận nói, vào khoảng đầu năm 2017, có người từng đến một ngôi làng nhỏ tại Myanmar và chứng kiến cảnh người dân ở đây dệt lụa bằng tơ lấy từ cuống sen. Sản phẩm của họ được một nhà tạo mẫu Pháp đặt mua toàn bộ với giá rất cao. Về Việt Nam, người này đã gợi ý cho bà Thuận làm loại tơ độc đáo ấy.

Ban đầu, bà Thuận chưa có ý định sẽ làm ra lụa tơ sen bởi lẽ chỉ nội việc loanh quanh với tằm tự dệt cũng đã lấy đi của bà rất nhiều thời gian. Nhưng sau đó, người nghệ nhân già lại suy nghĩ rằng, nước họ làm được thì tại sao mình không làm được, biết đâu rằng đây sẽ là bước đi mới của ngôi làng dệt truyền thống. Hơn nữa, quê bà vốn lắm đầm, nhiều ao, sen mọc rất nhiều. Như vậy, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, bà Thuận chính thức bắt tay vào thử nghiệm làm tơ sen từ đầu năm 2017.

Kỳ 3: Lụa tơ sen đưa hồn Việt ra thế giới

Để tạo nên được những tấm lụa tơ sen phải trải qua nhiều công đoạn, tơ sen tiếng là chỉ việc ra hồ là sẵn có tuy nhiên lại tốn công sức vô cùng vì lúc này con người thay cho vị trí của con tằm để kéo tơ. Cuống sen sau khi được ngắt trực tiếp từ đầm phải rửa qua 2 lớp nước để làm sạch bùn và gai. Cuống sạch thì tơ mới sạch và đẹp.

Cuống nào cũng làm được tơ sen, riêng cuống non cho lượng tơ dẻo mà đẹp. Để lấy được tơ sen, bà Thuận dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời ve cho sợi tơ sen tròn lại. Nếu cắt quá sâu sẽ làm đứt luôn phần sợi tơ bên trong. Tất cả các cọng sen phải được xử lý trong vòng một ngày sau khi thu hái nếu không cọng sẽ bị khô lại, tơ sẽ bị biến chất hoàn toàn.

Bà Thuận đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu cách thức. Tự bỏ tiền túi của mình ra đầu tư mua ruộng trồng sen thử nghiệm. Thế nhưng, việc lấy sợi sen lại khó hơn gấp nhiều lần việc lấy tơ lụa truyền thống.

Không có kinh nghiệm, ở Việt Nam cũng không có ai làm để học hỏi nên thời gian đầu bà liên tục gặp thất bại. Nhiều người khuyên bà từ bỏ, nhưng sau những nỗ lực không mệt mỏi, cuối tháng 8/2017, sản phẩm lụa từ tơ sen đầu tiên của bà đã thành công.

Kỳ 3: Lụa tơ sen đưa hồn Việt ra thế giới

Theo lời bà Thuận, tùy vào độ dày mỏng, dài ngắn mà một tấm khăn lụa tơ sen có thể cần tới cả ngàn cuống sen để làm ra. Tính ra một người thợ chăm chỉ lắm thì một ngày cũng chỉ làm được 300 cuống cho một sợi tơ dài khoảng 300m. Sợi sen thu được rất mảnh, bông, nhẹ và có mùi thơm tự nhiên. Cũng giống như nhiều sản phẩm truyền thống khác, lụa tơ sen do làm thủ công hoàn toàn, mất nhiều công sức, nên giá khá cao, thường gấp từ 7-10 lần so với sản phẩm tương tự làm từ lụa tơ tằm.

Bỏ chiếc khăn dài tới 1,7 mét lên bàn, bà Thuận cho biết, để dệt được chiếc khăn này, bà cần tới 4.800 cuống sen. Trong khi đó, một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống sen. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất khoảng 1 tháng.

Nâng niu trên tay chiếc khăn làm từ lụa tơ sen, người nghệ nhân xúc động khi nhận ra sản phẩm này sẽ mở ra hướng đi mới, giúp phần gìn giữ khung nghề truyền thống của Phùng Xá quê bà.

Tấm lụa tơ sen đưa văn hoá Việt Nam vượt khỏi biên giới

Trên thế giới, Myanmar được xem là nước đầu tiên có nghề dệt vải lụa từ tơ cọng lá và cọng hoa sen. Nghề dệt vải lụa thủ công từ tơ sen của nước này có từ khoảng năm 1910 và khởi nguồn từ ngôi làng KyaingKan (Chaing Kham) – cực nam của hồ Inlay với sản phẩm ban đầu là tấm áo cà sa dâng lên các nhà sư trụ trì trong vùng.

Nặng tình với nghề của quê hương đang mai một, bà Thuận không đành lòng nhìn các thế hệ trẻ đang quay lưng với những sợi tơ tấm lụa. Sự đau đáu ấy đã đưa bà đến với tơ sen. Theo bà Thuận, vẫn là lụa truyền thống nhưng lại được thể hiện bởi một chất liệu mới nhưng lại vẫn thấm đượm tinh thần dân tộc. Tơ lụa và hoa sen đều là những sự vật chứa đựng những giá trị văn hoá, vật chất, tinh thần của Đất Việt. “Cũng là tơ lụa nhưng tơ sen lại là chất liệu mới, cách thể hiện mới, hiện đại hơn và phù hợp với xu hướng ngày nay đó là tận dụng, tái sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Điều quan trọng là văn hoá, truyền thống vẫn luôn hiện hữu, chỉ có cách thể hiện là khác thôi” – bà Thuận chia sẻ.

Không chỉ tạo ra những sợ tơ mền mại, bà Thuận còn tận dụng được phần cuống sen bị bỏ đi, góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường. Bà Thuận kỳ vọng việc sản xuất tơ sen sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng sen đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân trong làng.

Từ ngày làm thành công lụa tơ sen, vào dịp hè nhà bà Thuận thường xuyên có hàng trăm học sinh trong và ngoài huyện đến học cách se sợi, lấy sợ tơ từ thân sen. Nghệ nhân Phan Thị Thuận dành tất cả tâm huyết và tình yêu truyền nghề miễn phí. Bà mong muốn những lớp măng non sau này sẽ kế cận và đủ tình yêu với lụa tơ sen để nhân rộng dòng sản phẩm đặc biệt, quý tộc này như chính cái nôi của làng nghề dệt Phùng Xá nổi tiếng. Nhìn những học viên say mê với từng cọng sen, sợi tơ, miếng lụa, bà Thuận rưng rưng khi biết hoá ra vẫn còn rất nhiều người nặng lòng với nghề lụa, chỉ là lối đi đã mòn, họ cần một lối đi mới cho sản phẩm truyền thống.

Kỳ 3: Lụa tơ sen đưa hồn Việt ra thế giới

Một chiếc khăn làm thủ công bằng lụa tơ sen mất 0,07gr tơ, nhiều người cùng làm trong một tháng và 7 ngày thêu họa tiết. Những mẫu khăn này đã được nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2019 để làm quà tặng.

Từ mong muốn của một người thợ lành nghề, lụa tơ sen chứa đựng hồn cốt dân tộc Việt Nam đã đến với bạn bè Quốc tế và nhận được sự yêu thích đặc biệt bởi sự tỉ mỉ, chất lượng hoàn thiện. Hiện nay, sản phẩm từ tơ sen của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã có mặt ở nhiều quốc gia như: Pháp, Mỹ, Nhật Bản... Hầu hết được đặt hàng từ trước mùa sen.

Bà Thuận ước ngày nào đó không xa, Việt Nam cũng mở rộng được nghề này không kém gì Campuchia, Myanmar. Bởi, không chỉ có vùng nguyên liệu rộng lớn, người thợ dệt của Việt Nam còn có tay nghề rất giỏi và tài hoa. Lụa tơ sen mở ra một hướng đi mới cho ngành lụa truyền thống đất Việt, góp phần quảng bá tới thế giới hình ảnh của Việt Nam, một đất nước vừa đang có sự phát triển vừa chứa đựng, lưu giữ các giá trị truyền thống nghìn năm.

Kỳ 3: Lụa tơ sen đưa hồn Việt ra thế giới

Bài: Khánh Huy - Hồng Giang

Trình bày: Khánh Huy