Thứ năm 12/12/2024 02:30
Gieo “hạt giống đỏ” trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội

Kỳ 3: đưa nghị quyết vào cuộc sống: khi người đứng đầu nhận việc khó

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có dễ không? Đúng là không dễ và làm cách nào để thu hút, lôi cuốn quần chúng là đồng bào DTTS đến với Đảng là điều trăn trở của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Về vấn đề này, Pháp luật và Xã hội có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội.
Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ IV năm 2024.
Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ IV năm 2024.

- Thưa ông, những năm gần đây, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở các xã vùng đồng bào DTTS của Hà Nội đã có sự thay đổi như thế nào?

- Có thể nói, trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở các xã vùng DTTS tại Hà Nội được quan tâm, đẩy mạnh; chất lượng và hiệu quả các hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp được nâng lên. Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện đều có chương trình, nghị quyết chuyên đề về việc củng cố, xây dựng các tổ chức Đảng; phân công cấp ủy viên có năng lực, kinh nghiệm phụ trách địa bàn các xã vùng DTTS miền núi; các Đảng ủy xã phân công cấp ủy phụ trách chỉ đạo các thôn; tăng cường cán bộ có năng lực cho cơ sở và thôn khó khăn, giúp địa phương giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở.

Tính hết năm 2023, tại 13 xã vùng DTTS, tỷ lệ Đảng bộ xã, chi bộ thôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm trên 80%; không có Đảng bộ, chi bộ yếu kém. Năng lực quản lý, điều hành của HĐND và UBND các xã miền núi chuyển biến tích cực, chất lượng các kỳ họp và hoạt động giám sát của HĐND xã được nâng lên, công tác tiếp xúc cử tri đi vào nền nếp; công tác quản lý Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã ngày càng bài bản, chất lượng, hiệu quả hơn do áp dụng công nghệ thông tin, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong giải quyết các công việc, thực hiện văn hóa công sở...

- Sự sát sao của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các địa phương đã đem đến những hiệu quả gì trong công tác phát triển kinh tế - xã hội của bà con Nhân dân vùng đồng bào DTTS của Hà Nội, thưa ông?

- TP Hà Nội có trên 9 triệu dân, trong đó có hơn 107.000 đồng bào DTTS (chiếm 1,3% dân số) sinh sống đan xen cùng dân tộc Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Đồng bào DTTS của Hà Nội cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì (7 xã), Thạch Thất (3 xã), Quốc Oai (2 xã), Mỹ Đức (1 xã), Chương Mỹ (1 xã), với trên 56.690 người chiếm 52,345 người DTTS trên toàn TP, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường và Dao.

Vùng dân tộc, miền núi của Hà Nội có diện tích trên 30.000ha với địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm, dân cư sinh sống phân tán, điều kiện còn khó khăn. Giai đoạn năm 2018 về trước, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 35 – 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao trên 9,49%. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của TP, sự năng nổ, nhạy bén của các cấp ủy, sự sát sao, gần dân của cán bộ ở cơ sở, đời sống bà con đồng bào DTTS trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều khởi sắc.

Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân của bà con Nhân dân vùng đồng bào DTTS đạt 65 triệu đồng/người/năm, có xã đạt 73 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quan trên 10%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,49% xuống còn 0,22%, dự kiến hết năm 2025 không còn hộ nghèo; đến nay 13/13 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Thành quả ấy phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở từng chi bộ, Đảng bộ xã đã bám sát đời sống Nhân dân để kịp thời đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.

- Bên cạnh những thuận lợi, cán bộ, đảng viên cơ sở hiện nay đang phải đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?

- Phải nhìn nhận một thực tế, đối với đặc thù vùng đồng bào DTTS, người cán bộ thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cán bộ cơ sở phải tích cực, chủ động lĩnh hội chỉ đạo của TP để từ đó triển khai đến từng đảng viên, từng chi bộ. Quan trọng hơn, họ phải tuyên truyền để đồng bào phát huy được nguồn lực TP đầu tư cho vùng đồng bào DTTS từ đó chủ động vươn lên phát triển kinh tế, giảm đói nghèo. Từ cơ sở tất nhiên vẫn có sự phát triển không đồng đều trong chất lượng cán bộ, đảng viên. Có những cán bộ, đảng viên mẫn cán, nhiệt tình nhưng vẫn có cán bộ chưa thực sự năng nổ, nhạy bén trong công việc. Đó là thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận, khắc phục.

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ấy, tôi nhận thấy, những năm qua, cán bộ, đảng viên vùng đồng bào DTTS đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Điều đó giúp đồng bào DTTS tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, nỗ lực vươn lên thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương vùng dân tộc, miền núi trên địa bàn TP Hà Nội.

- Theo ông, để thu hút quần chúng ưu tú trong đồng bào DTTS đến với Đảng, cán bộ, đảng viên cùng các cấp chính quyền từ cơ sở cần thực hiện những nội dung gì?

- Như tôi đã chia sẻ ở trên, vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc phát triển Đảng trong vùng đồng bào DTTS không chỉ coi trọng số lượng mà cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng. Đặc biệt, cần phát huy được vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ đảng viên giàu kinh nghiệm, đảng viên trẻ. Để dân quý, dân tin, dân yêu, tổ chức Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh. Người đảng viên phải thật sự là tấm gương mẫu mực, tiên phong trong mọi lĩnh vực để quần chúng Nhân dân noi theo.

Đồng thời, cần tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở địa bàn DTTS; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn cán bộ phát triển đảng; thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chương trình, dự án vùng DTTS theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; vận động quần chúng Nhân dân vùng DTTS chấp hành trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, ngăn chặn âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.

- Xin cảm ơn ông!

Kỳ 1: Tiến Xuân “mùa gieo hạt giống đỏ” Kỳ 1: Tiến Xuân “mùa gieo hạt giống đỏ”

Đảng bộ xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội, là Đảng bộ vững mạnh với 15 chi bộ trực thuộc, gồm 384 đảng viên, ...

Kỳ 2: cánh tay nối dài nơi “rẻo cao” của Hà Nội Kỳ 2: cánh tay nối dài nơi “rẻo cao” của Hà Nội

Những năm qua, công tác phát triển đảng viên nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng luôn được Đảng ...

Nhật Nam - Nguyễn Phương – Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động