|
Với niềm đam mê mãnh liệt với lịch sử và thời trang, Nguyễn Đức Lộc, một chàng trai 9X Hà thành đã quyết định sáng lập ra thương hiệu Ỷ Vân Hiên, chuyên sáng tạo, lan tỏa cổ phục Việt - dấu ấn đậm nét bản sắc Việt. |
Đắm mình trong tình yêu mãnh liệt với cổ phục |
Nguyễn Đức Lộc từng theo học ngành quay phim tại trường Cao đẳng Truyền hình. Ra trường, anh làm ở một đài truyền hình lớn trong vài năm nhưng bản thân vẫn cảm thấy “không đâu vào đâu” vì niềm đam mê lớn, lúc nào cũng bùng cháy trong trái tim anh chính là lịch sử và thời trang. Lộc chia sẻ hồi học phổ thông, anh vốn là học sinh chuyên Sử, nhà lại có nghề may truyền thống nên lúc nào cũng cảm thấy háo hức không thôi với thời trang lẫn lịch sử, văn hóa Việt. Tình yêu cổ phục Việt trong Lộc được khơi nguồn cảm hứng từ cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, thôi thúc anh đi đến quyết định chính thức theo đuổi thời trang, sáng tạo thương hiệu Ỷ Vân Hiên. Cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ từ năm 2014. Tại thời điểm đó, nhiều hội nhóm tập hợp những người cùng chung đam mê văn hóa dân tộc ra đời, trong đó có “Đại Việt Cổ Phong”. Với mong ước tái hiện lại văn vật của nước Việt xưa một cách chuẩn xác nhất, fanpage “Đại Việt Cổ Phong” hoạt động tích cực, tạo thành một diễn đàn để những người trẻ yêu văn hóa cổ Việt Nam nói chung, yêu cổ phục Việt nói riêng, cùng chia sẻ kiến thức, tình yêu với lĩnh vực này. Niềm yêu thích thời trang, lịch sử một lần nữa lại nhen nhóm trong Nguyễn Đức Lộc. Anh cũng là một trong những thành viên đầu tiên tham gia “Đại Việt Cổ Phong”, đồng thời tham gia nhiều buổi tọa đàm, chương trình nói về cổ phục. |
Càng “đào sâu” văn hóa xưa, Lộc càng cảm thấy cổ phục mới là đam mê của mình và muốn gắn bó với công việc thiết kế nó. Ngày 8/8/2018, thương hiệu Ỷ Vân Hiên chính thức ra đời. Chàng trai trẻ đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty CP Ỷ Vân Hiên, vạch ra những chiến lược rõ ràng để đưa thời trang cổ phục Việt trở thành niềm yêu thích của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. “Tôi nhận ra rằng nếu muốn phát triển, nhân rộng văn hoá truyền thống, đặc biệt là cổ phục thì phải có định hướng, chiến lược rõ ràng. Rất nhiều người nghĩ rằng có thể “tuổi thọ” của cổ phục không dài vì các nhóm này hoạt động không có đường hướng cụ thể. Nhưng, tôi muốn chứng minh điều ngược lại bằng việc thành lập Ỷ Vân Hiên hoạt động với đường hướng phát triển riêng”, Lộc cho biết. |
Không thể “tay không bắt kho báu” |
Để sáng tạo nên một bộ cổ phục là cả một chặng đường dài, vất vả. Mỗi sản phẩm của Lộc được ra đời bằng cả tình yêu, mồ hôi và nước mắt của đội ngũ trong Ỷ Vân Hiên. Các sản phẩm được sản xuất có giới hạn chứ không đại trà và phải đảm bảo được tính lịch sử và thời trang trong đó. Dù sáng tạo bao nhiêu thì thời trang Ỷ Vân Hiên vẫn phải đảm bảo yếu tố khoa học, lịch sử, mang tâm hồn văn hóa xưa của đất nước. Bên cạnh khâu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, vấn đề kinh tế, quảng bá,... cũng cần phải đầu tư, tính toán thận trọng sao cho hiệu quả nhất. Muốn thực hiện chí lớn, không thể “tay không bắt kho báu”. Muốn đi tìm những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại không thể không học, không đọc. Để chinh phục ước mơ, Lộc đã dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu và không ngừng học hỏi. Đam mê của anh cũng nhận được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè cũng như sự cổ vũ, cộng tác nhiệt tình từ những nhân vật tiếng tăm như tác giả “Ngàn năm áo mũ” - nhà nghiên cứu Trần Quang Đức; họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Mạnh Đức; nghệ nhân, nhà phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc,… |
Trước khi quyết định khởi nghiệp, Lộc đã cất công lặn lội đi đến nhiều vùng đất, tìm đến những di tích, làng nghề, gặp gỡ nhiều nghệ nhân - những người hiểu sâu rộng văn hóa cổ, trong đó có cổ phục để tích lũy trải nghiệm, kiến thức, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo. Từ một người không được đào tạo về kinh doanh, phải học từ đầu những kiến thức về thị trường, quản lý kinh doanh… nhưng Lộc vẫn nỗ lực hết mình để vận hành tốt Ỷ Vân Hiên. Từng đường hướng hoạt động đều được vạch ra rõ ràng, sẵn sàng nhận tất cả lời khen chê của dư luận, lấy đó làm động lực cố gắng, phát triển. “Xác định làm thời trang như làm dâu trăm họ. Có người khen, có người chê. Không ai thích bị chê, hay “đứa con” mình bị tranh cãi, nhưng chúng tôi xác định tư tưởng rõ ràng, đó là sự cầu tiến, luôn nhận tất cả những hồi đáp của khán giả. Bản thân từng thành viên trong gia đình Ỷ Vân Hiên cũng thường xuyên “tranh cãi” để đưa ra những ý tưởng, quan điểm, con đường đi của mình. Có như vậy, mới biết được điểm mạnh, điểm chưa mạnh để có những giải pháp kịp thời” - Lộc chia sẻ. Với mỗi mẫu thiết kế, Lộc cùng với thương hiệu của mình phải sáng tạo không ngừng, vận dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất. Anh chia sẻ: “Chúng tôi giản lược một số công nghệ may, thay vì ngày xưa thêu tay toàn bộ thì bây giờ, chúng tôi may thêu khoảng 50-60%. Về mặt hoạ tiết, hoa văn, các cụ ngày xưa vẽ bằng tay thì chúng tôi vẽ trên máy bằng công nghệ vẽ 3D”. Lộc chia sẻ Công ty anh hướng đến nghiên cứu, phục dựng những giá trị văn hoá truyền thống, đưa chúng trở lại đời sống hiện đại trong hơi thở mới, sức sống mới nhưng vẫn giữ nguyên bản giá trị lịch sử. Có lẽ, sự kết hợp giữa thời trang và lịch sử, giữa quá khứ và hiện tại, truyền thống và hiện đại đã giúp cho những thiết kế của Ỷ Vân Hiên bay cao, bay xa hơn. “Chúng tôi đã làm và đã thành công vì hướng đi đúng, bằng cách làm uyển chuyển, không cách tân những giá trị truyền thống một cách bừa bãi mà đi theo hướng gần với nghiên cứu, lý luận, tôn trọng giá trị lịch sử”, Lộc tâm sự. |
Sau 4 năm thành lập, Ỷ Vân Hiên trở thành đơn vị phỏng dựng cổ phục nổi tiếng trong thị trường thời trang Việt. Từ điện ảnh, MV âm nhạc, sân khấu, sàn diễn thời trang, đám cưới, dịp lễ Tết,... đâu đâu cũng đều có sự xuất hiện của cổ phục Ỷ Vân Hiên. Nếu ai đã từng xem phim “cung đấu” Phượng Khấu hay MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của nữ ca sĩ Hòa Minzy,... sẽ không khỏi trầm trồ về những trang phục đẹp mắt, như mang cả hơi thở thời đại vào trong đó. Nếu như phần nội dung của Phượng Khấu ít nhiều gây tranh cãi, còn trang phục lại nhận được “cơn mưa” lời tán thưởng của khán giả, góp phần tạo nên thành công của tác phẩm này. Hàng trăm bộ cổ phục được các nghệ sĩ khoác lên mình đã tạo nên diện mạo mới mẻ, hấp dẫn trong chính bối cảnh phim thời xưa. Vì thời trang trong phim quá đẹp, thành công trên cả mong đợi nên nhiều người đồn đoán chắc phần trang phục “ngốn” rất nhiều tiền, đâu đó chừng 5-7 tỷ, nhưng Lộc tiết lộ chi phí rơi vào khoảng 3 tỷ - một con số lớn đối với một doanh nghiệp trẻ vừa mới thành lập trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng, Lộc cho rằng việc đầu tư này mang lại hiệu quả lớn vì đã lan tỏa rộng khắp cổ phục đến với mọi người. Nhiều người tìm đến cổ phục, dành cho nó sự trân trọng, yêu thương và gắn bó. Mỗi khi có dịp, họ đều háo hức được khoác lên mình bộ trang phục nền nã, dịu dàng và quan trọng là mang đậm tâm hồn, bản sắc Việt. |
Tham vọng đưa cổ phục Việt vươn ra thế giới |
Trước dịch Covid-19, Ỷ Vân Hiên không hết việc nhưng khi dịch ập đến, giống như nhiều doanh nghiệp, Cty gặp rất nhiều khó khăn. May mắn các thành viên đều kiên định, đồng lòng cố gắng vượt qua. Mong ước của Lộc là khôi phục toàn bộ hệ thống cổ phục Việt Nam qua các triều đại. Đó là tham vọng rất lớn đòi hỏi nguồn lực khổng lồ nên Lộc cần có thời gian, lộ trình để từng bước chạm đến ước mơ. “Tôi sẽ đi từ triều đại gần với mình nhất, còn nhiều tư liệu để tham khảo nhất, rồi ngược trở lại quá khứ. Để khôi phục được hệ thống cổ phục Việt Nam qua các triều đại, không phải chuyện một sớm một chiều”, Lộc bày tỏ. Hiện nay, Ỷ Vân Hiên đang tham gia “Hùng thiêng Đất Việt”, dự án phim về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, từ các triều đại phong kiến đến các cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Ước mơ của Lộc là không chỉ phát triển cổ phục Việt trong nước mà còn khát khao làm được điều gì đó để đưa văn hoá truyền thống của đất nước vươn ra thế giới như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc đã làm. Theo Lộc, khi nhìn sang thị trường thời trang cổ phục các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, anh nhận ra Việt Nam vẫn còn khoảng trống lớn. Trong khi nhiều quốc gia khác đã khai thác, ứng dụng trang phục trong đời sống, thậm chí xuất khẩu cổ phục thì tại Việt Nam, xu hướng quay về cổ phục chỉ mới xuất hiện vài năm. “Những người trẻ lớn lên trong thế giới hiện đại từ Trung, Hàn, hay nhiều nước châu Âu... đều có nhu cầu được "trở về quá khứ" để tìm hiểu về lịch sử của cha ông. Điều đó tạo nên xu hướng giới trẻ tìm hiểu về văn hoá xưa, trong đó có cổ phục và chắc chắn thời trang này sẽ còn đi xa hơn nữa trong thời gian tới và bản thân tôi cũng như Ỷ Vân Hiên đều có tham vọng đưa những “đứa con tinh thần” của mình xuất khẩu ra nước ngoài”, Lộc chia sẻ. Để thực hiện “tham vọng” ấy, Lộc cùng cộng sự tìm nhiều cách để lan tỏa thời trang này đến nhiều người, bằng các kênh khác nhau như nghệ thuật, mạng xã hội, sự ủng hộ của chính khách,...Không chỉ xuất hiện trong giới nghệ thuật thông qua các show diễn thời trang, sản phẩm ca nhạc, sân khấu, phim ảnh,...mà Ỷ Vân Hiên còn may cổ phục cho các lãnh sự quán nhiều nước, góp phần lan tỏa cổ phục nhiều hơn, sâu rộng hơn và theo cách hiện đại nhất. “Chúng tôi không phỏng dựng một trang phục nào đó để rồi mang vào bảo tàng hay chỉ để trưng bày mà muốn giới thiệu sản phẩm của mình với công chúng. Chúng tôi quyết tâm đưa trang phục lên khắp các “mặt trận”, theo hướng hiện đại nhất để lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất”, Lộc cho biết. |
Chẳng ai đánh thuế ước mơ, nhất là khi ước mơ ấy trong tầm tay, cộng thêm tài năng, sự đam mê, quyết tâm chinh phục. Với Lộc, anh luôn biết mình là ai trên cuộc hành trình sáng tạo thời trang và luôn khát khao khẳng định mình. “Tôi có một tham vọng phục hưng văn hoá truyền thống, đưa cổ phục trở lại với đời sống hiện đại. Bạn phải có ước mơ trong cuộc đời này để biết mình là ai và phải có tham vọng để nỗ lực khẳng định mình. Tôi sẽ cố gắng hết sức thực hiện mơ ước, tham vọng mà mình đặt ra nhưng làm đến đâu thì do duyên, cũng như năng lực của bản thân. Nhưng, tôi ý thức được mình đang đi về phía trước và sẽ không dừng lại”, Lộc nói. Chia tay chàng trai đầy nhiệt huyết này, văng vẳng bên tai tôi là câu nói chắc nịch của anh: “Tôi quyết tâm sống chết với nghề. Đã chọn nghề thì tất nhiên phải yêu, phải cống hiến hết mình vì nó”. |
Hồng Giang - Khánh Huy Trình bày: Khánh Huy |