e magazine
10:19 | 06/08/2022
Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

10:19 | 06/08/2022

Một nhà thiết kế (NTK) nổi tiếng từng nói: Trong sáng tạo của một NTK thì truyền thống là gia tài. Bạn mà không biết cách sử dụng, giữ gìn nó thì chắc chắn gia tài sẽ mất đi mỗi ngày và bạn sẽ không bao giờ giàu có được cả ở nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Không có cái đó, ai nhận ra bạn trong "thế giới phẳng" này? Một trong những người luôn đi tìm dáng hình đất nước - những giá trị truyền thống thấm đẫm tâm hồn Việt trong những “đứa con tinh thần” của mình chính là NTK La Phạm.
Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

Một nhà thiết kế (NTK) nổi tiếng từng nói: Trong sáng tạo của một NTK thì truyền thống là gia tài. Bạn mà không biết cách sử dụng, giữ gìn nó thì chắc chắn gia tài sẽ mất đi mỗi ngày và bạn sẽ không bao giờ giàu có được cả ở nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Không có cái đó, ai nhận ra bạn trong "thế giới phẳng" này? Một trong những người luôn đi tìm dáng hình đất nước - những giá trị truyền thống thấm đẫm tâm hồn Việt trong những “đứa con tinh thần” của mình chính là NTK La Phạm.

Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

NTK La Phạm (SN 1977, tên thật Phạm Ngọc Anh) sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghiên cứu khoa học. Bản thân chị từng có 20 năm sinh sống, học tập và làm việc về ngành Hóa môi trường tại đất nước Thụy Sĩ. Tuy có công việc ổn định, thu nhập tốt nhưng La Phạm vẫn luôn thấy “thiếu” thứ gì đó trong cuộc sống của chính mình. Khi được cùng bạn bè tham gia một số buổi biểu diễn thời trang dạ hội tại nước ngoài, La Phạm mới nhận ra đam mê đích thực của mình bấy lâu, chính là thiết kế thời trang. Ban đầu, chị chỉ thiết kế cho người thân, bạn bè nhưng sau đó, cơ duyên đưa đẩy, có người phụ nữ nước ngoài mong muốn chị thiết kế riêng áo dài cho họ và La Phạm nghĩ đã đến lúc mình cần thay đổi.

Năm 2013, La Phạm đưa ra quyết định trọng đại nhất cuộc đời, bỏ công việc của một nhà khoa học để theo đuổi thời trang. Khi đó, bố chị lo lắng và hỏi con gái: “Con đang có công việc ổn định mà giờ chuyển sang thiết kế có ổn không?”. Biết tính La Phạm nói là làm, lại hiểu được khát khao của con gái nên gia đình hết lòng động viên.

Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới
“Đó có thể nói là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời thiết kế của tôi. Khi bắt tay phác thảo vài trang phục, ngọn lửa đam mê vẫn luôn le lói lâu nay lại được nhen nhóm và cháy lên. Vì thế, mặc dù gần 40 tuổi nhưng tôi vẫn quyết định quay trở về Việt Nam để sáng lập thương hiệu La Phạm vào năm 2016 và chính thức bước vào làng thời trang”, La Phạm chia sẻ.
Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

Các thiết kế của La Phạm thường là áo dài và áo dáng dài dành cho phụ nữ. Chia sẻ về lý do lựa chọn áo dài để theo đuổi, chị bảo: “Tôi chọn áo dài vì mỗi thiết kế mang trong mình câu chuyện của riêng nó, về những người phụ nữ, về tình yêu cái đẹp và sự dịu dàng nhất của tâm hồn. Tôi luôn khát khao sáng tạo ra những bộ trang phục khiến phụ nữ cảm thấy tự tin và hạnh phúc nhất, dù họ có là ai đi nữa”.

20 năm xa quê hương, La Phạm gửi hết sự thương nhớ vào từng tà áo, nâng niu chúng như báu vật. Dường như với chị, được cầm bút phác thảo mẫu thiết kế, được tận tay lựa chọn từng tấm vải, khâu từng mũi chỉ, đính từng chiếc cúc, hay giây phút được ngắm nhìn những người phụ nữ khoác lên mình tà áo dài với tâm thế tự tin,… đều là những khoảnh khắc hạnh phúc vô cùng.

Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

Từng kiểu dáng, đường nét, màu sắc, hoa văn, điểm chấm phá trên trang phục do La Phạm thiết kế đều được lấy cảm hứng từ những trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người,…của những vùng đất mà chị từng đi qua. La Phạm đã đi đến nhiều đất nước, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, tham quan các bảo tàng thời trang trên thế giới, ngắm nhìn di sản thiết kế đồ sộ từ hàng thế kỷ trước để lấy cảm hứng và học hỏi.

Về nước, chị cũng đặt chân đến nhiều vùng quê, cảm nhận được những giá trị thiêng liêng, tình yêu xứ sở. Cảm xúc lúc nào cũng đong đầy giúp La Phạm luôn hứng thú, có thể thiết kế bất kỳ lúc nào, ở đâu. Nhiều thiết kế thể hiện các giai đoạn lịch sử, sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nền văn hóa trên thế giới. Cho dù những mẫu thiết kế của chị là chủ đề nào, phong cách nào thì cũng đều thấm đẫm tâm hồn Việt, đồng thời mang hơi thở thời đại.

“Do tính chất công việc, nhà thiết kế thời trang thường nghĩ ra ý tưởng trong khoảnh khắc và phải nghĩ trước cho mùa sau. Vì thế, các ý tưởng thiết kế được vẽ ra đúng cảm hứng của khoảnh khắc ấy. Sau đó, phải để cái đầu trống rỗng hoặc tạm quên đi những thiết kế đó để nghĩ đến một ý tưởng hoàn toàn mới. Vì thời trang là sự thay đổi không ngừng nên tôi luôn tìm thấy niềm vui trong công việc và không bao giờ cảm thấy nhàm chán. Đôi lúc, khi sản phẩm được hoàn thiện, tôi thậm chí còn quên mất mình đã từng vẽ ra và thấy bất ngờ, vui mừng vì kết quả làm ra. Mỗi sản phẩm đều giống như một món quà”, La Phạm kể.

Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

Để gây dựng, phát triển thương hiệu thời trang thành công như hiện nay, đối với La Phạm là cả sự nỗ lực rất lớn. Mặc kệ việc bắt đầu sự nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh do không được đào tạo bài bản về thiết kế thời trang, những khó khăn bủa vây thủa đầu đi theo tiếng gọi trái tim…, La Phạm đối diện với mọi thử thách bằng tinh thần lạc quan, không gục ngã. Càng yêu thương, trân trọng những tà áo dài, La Phạm càng nhủ lòng mình phải mạnh mẽ bước về phía trước.

“Có những ngày phải làm việc đến gần 20 tiếng nhưng tôi không cảm thấy mệt mỏi vì giây phút đó tôi cảm thấy tôi được là chính mình, được theo đuổi đam mê và hiện thực hóa ước mơ. Hơn nữa, theo đuổi ngành thời trang, tôi không nhận được nhiều sự ủng hộ từ bạn bè vì họ cho rằng quyết định này quá mạo hiểm khi tôi đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Thế nhưng tôi vẫn kiên định vì nếu lúc đó không làm thì rất có thể sẽ không bao giờ được làm. Tôi rất mong muốn được một lần thực hiện giấc mơ thiết kế thời trang ấp ủ bấy lâu nay”, La Phạm chia sẻ.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công của nghề thiết kế là phải tìm được một ê-kíp ăn ý. Trong những tháng đầu thành lập, La Phạm lặn lội về các làng nghề may mặc nổi tiếng khu vực miền Bắc để tìm thợ may. Tuy nhiên, nhiều thợ may đến rồi đi bởi không “chịu” được tính cẩn thẩn đến từng chi tiết của La Phạm. Chị đưa ra tiêu chí cho thợ may là hãy làm cho khách hàng như cho chính mình, dù là lớp trong hay ngoài đều phải đẹp như nhau, từng đường kim, mũi chỉ đều phải tỉ mẩn nhất.

Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

Thậm chí, có nhiều chiếc áo dài, La Phạm chọn vải bên trong đẹp và đắt hơn bên ngoài vì nó sát với làn da, người mặc sẽ cảm nhận được cái đẹp, sự dễ chịu chứ không phải chỉ là mặc cho người khác nhìn. “Tôi tin rằng, khi chúng ta thấy bản thân đẹp từ bên trong thì chúng ta sẽ thấy mọi thứ xung quanh cũng trở nên đẹp hơn”, La Phạm bày tỏ.

Ông trời không phụ lòng người. Những chuyến đi, ước mong tìm được những cộng sự cùng chung chí hướng của La Phạm cũng được hồi đáp. Chị đã tìm được những người bạn tài năng, có tâm với nghề, sau này trở thành thành viên trong gia đình La Phạm. Khó khăn nào rồi cũng qua đi. Sự chăm chỉ, cần mẫn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo đã mang lại những thành công cho La Phạm.

Tính đến nay, La Phạm đã cho ra đời lượng thiết kế “khủng”, với hàng trăm kiểu dáng, màu sắc để phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của làng giải trí Việt, người nước ngoài. Năm 2017, Hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam, hoa hậu Ngô Phương Lan khi làm MC cho một chương trình, đã chọn 2 chiếc áo dài của La Phạm.

Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

Sau đó, nhiều người biết đến La Phạm hơn. Hai BST gây được tiếng vang lớn là “Sleep no more” kể về lịch sử thời trang những năm 1920, được lấy cảm hứng từ vở kịch cùng tên mà La Phạm đã xem ở New York và BST mini về thổ cẩm diễn ở Thụy Sĩ trong cuộc thi Dress Award tháng 3 năm nay. Mỗi năm, La Phạm cho ra đời 1 BST Xuân Hè bằng các chất vải lụa, vải gai & BST Thu Đông bằng các chất liệu vải nhung. Ngoài ra, mỗi năm đều ra mắt một BST nhỏ vải thổ cẩm và một BST mini áo dài cưới thân thiện với môi trường.

“Chính đam mê và sự đón nhận của mọi người là nguồn động lực giúp La Phạm từng bước vượt qua những khó khăn. Đứng trước thử thách, La Phạm luôn dặn lòng mình: “Xin hãy cố lên vì giấc mơ sắp thành hiện thực rồi. Đừng từ bỏ!”. Nếu được lựa chọn lại lần nữa, tôi vẫn quyết định theo đuổi đam mê vì mỗi khi được làm công việc này, tôi được là chính mình, cảm thấy hạnh phúc và nhiều năng lượng”, La Phạm xúc động.

Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

Càng đi, La Phạm càng nhận ra ở những làng nghề, sự phát triển của kinh tế thị trường khiến nhiều người không còn tha thiết giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của cha ông. Những nghề như dệt lụa, thổ cẩm, may, thêu…đã mai một rất nhiều. La Phạm muốn bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đó. Chị đã lựa chọn chính những chất liệu vải truyền thống của dân tộc để làm nên những tà áo dài mang hồn Việt. Hơn nữa, mỗi mét vải còn tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình nên sẽ góp phần giúp đỡ bà con làng nghề.

Học ngành Hóa môi trường và chứng kiến môi trường ngày càng bị tàn phá do thời trang nhanh, La Phạm nghĩ rằng mình cần phải hành động thông qua những công cụ mình có và khả năng của bản thân. Chị hy vọng có thể sử dụng tài năng thiết kế như một công cụ để mang lại giá trị cho xã hội và niềm vui cho người sử dụng. Mỗi năm La Phạm đều ra mắt các thiết kế mới, thể hiện những câu chuyện khác nhau nhưng đều sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường trong từng khâu sản xuất. Đây chính là những giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu La Phạm nên chị sẽ duy trì định hướng này.

Theo La Phạm, một thiết kế đẹp trước hết là cho thấy sự chỉn chu trong tất cả các khâu từ phác thảo, lựa chọn chất liệu, kỹ thuật may, khiến người mặc cảm thấy hài lòng và ưa thích. Ở cấp độ cao hơn, một thiết kế đẹp còn chứa đựng giá trị về môi trường, bền vững, văn hoá, nhân văn, giúp cho người mặc thể hiện được phong cách sống bền vững và lan tỏa giá trị tốt đẹp.

Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

“Chúng tôi luôn nghiêm túc và nghiêm khắc với bản thân mình trong từng BST và thiết kế, xuyên suốt quá trình lên ý tưởng cho đến khi BST được ra mắt. Mỗi BST, mỗi một dự án đều ẩn chứa câu chuyện và giá trị mà chúng tôi muốn truyền tải, gửi gắm. Các thiết kế của La Phạm được sản xuất từ chất liệu tự nhiên, không gây hại cho môi trường, trong đó có những bộ trang phục, phụ kiện phối với thổ cẩm. Để những giá trị truyền thống được đón nhận hơn, chúng tôi luôn cố gắng biến những sản phẩm bền vững tưởng chừng như khó mặc trở thành sản phẩm có ứng dụng cao”, La Phạm cho biết.

Tháng 3 vừa qua, La Phạm vinh dự được xuất hiện tại một trong những sự kiện về thời trang lớn, uy tín của châu Âu UN Sustainable Fashion Show & Award, là thương hiệu Việt Nam và châu Á duy nhất trong số 24 thương hiệu trên toàn thế giới. Tham gia chương trình UN - Dress đã mở ra những cơ hội mới cho La Phạm ở châu Âu. Với La Phạm, hạnh phúc nhất là được giới thiệu sản phẩm truyền thống, văn hoá nước mình trên những kệ hàng quốc tế thông qua BST Mini-collection “Invitation of Nature”.

Được biết, BST này của La Phạm sử dụng chất liệu vải từ sợi tự nhiên như lá dứa, vải gai, lụa tơ tằm… Các chất liệu thiên nhiên được kết hợp với các họa tiết dân gian thổ cẩm, sáp ong được dệt, vẽ thủ công từ đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các bà, các mẹ, các chị tại làng dệt truyền thống như Mai Châu, Hòa Bình, nơi Empower Women Asia (thuộc tổ chức phi chính phủ KIBV - Keep It Beautiful Vietnam, có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giúp đỡ các chị em dân tộc thiểu số tại các làng nghề truyền thống phía Bắc và gìn giữ vẻ đẹp của nền văn hoá Việt Nam dần bị lãng quên) đang triển khai dự án.

Bộ sưu tập như một lời giới thiệu đến tất cả mọi người cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp, những sắc màu rực rỡ trong các thiết kế bắt nguồn từ thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam; ca ngợi những người phụ nữ chăm chỉ, thầm lặng, tôn vinh giá trị lao động của những người phụ nữ làng nghề; kết nối thời trang trong nước với bạn bè quốc tế,…Trong dự án này, La Phạm góp phần hỗ trợ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật của xưởng dạy nghề Hoa Ban tại bản Lác, Mai Châu.

Đáng chú ý, BST được thực hiện trong một thời gian rất ngắn. La Phạm đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong đợt dịch COVID-19 vì giãn cách xã hội. Các thành viên lần lượt bị COVID-19 nên BST bị trì hoãn liên tục và phải thực hiện gấp rút cho đến ngày hạn cuối cùng. Chưa kể đến khoảng cách địa lý do việc bay sang Thụy Sĩ trong thời điểm dịch gặp nhiều khó khăn. Vì thế, thành công lớn nhất của BST là cả ê-kíp đã vượt qua mọi khó khăn về dịch bệnh và khoảng cách địa lý để thực hiện đến cùng dự án này.

Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

“Khi các người mẫu trình diễn BST, La Phạm cảm thấy rất xúc động và biết ơn sự đóng góp lớn của tất cả mọi người trong ê-kíp vào thời điểm khó khăn đó. Tự hào hơn hết là thổ cẩm Việt Nam được đưa đến gần hơn với người tiêu dùng bởi những thiết kế ứng dụng cao nên được đề cử và đón nhận nhiệt tình”, La Phạm tâm sự.

Mỗi một dự án hay một BST đều chứa đựng câu chuyện, giá trị mà La Phạm hướng tới và mong muốn lan toả không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Dự án túi xách mà La Phạm hợp tác cùng Comay Craft do NKT Doãn Hùng sáng lập cũng hướng tới đưa thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vươn ra thế giới. La Phạm và Comay Craft nhận thấy có cùng mong muốn bảo tồn tinh hoa dân tộc và mang văn hóa tới gần hơn với bạn bè quốc tế. Đối với La Phạm, thời trang chính là thể hiện phong cách sống và lan tỏa giá trị của chính người sử dụng.

Có rất nhiều người thích thổ cẩm, nhưng thị trường chưa có nhiều sự lựa chọn thổ cẩm ứng dụng. Nhiều người tiêu dùng cũng đang tìm kiếm trang phục giúp họ thể hiện phong cách sống và lan tỏa giá trị truyền thống. Vậy nên, La Phạm và Comay Craft rất muốn được tạo “trend” (xu hướng) và mong nhiều NTK cùng tham gia sử dụng thổ cẩm trong các thiết kế của mình để giúp cho người tiêu dùng dần dần nhìn nhận khác về sản phẩm thổ cẩm, đồng thời ủng hộ làng nghề, bảo tồn văn hoá và tạo thêm kế sinh nhai cho bà con dân tộc thiểu số.

Có thể nói, dự án này hội tụ tương đối nhiều giá trị mà La Phạm muốn hướng tới trong các thiết kế tương lai, đó là thúc đẩy thời trang bền vững, bảo tồn nét văn hoá truyền thống, hỗ trợ bà con các làng nghề,...

Kỳ 1: Dáng hình Việt Nam trong tà áo dài vươn mình ra thế giới

Không chỉ tài năng, La Phạm còn có một trái tim nồng nhiệt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Quỹ từ thiện Nhịp cầu trí thức - Bridge of Knowledge Project mà chị đồng sáng lập cùng với hoa hậu Ngô Phương Lan cách đây 12 năm vẫn đang tiếp tục hoạt động để giúp đỡ trẻ em nghèo Quảng Nam có cơ hội được đến trường học, phát triển tri thức và đóng góp lại cho đất nước trong tương lai. Nhiều em học sinh đã học lên đến đại học, tốt nghiệp, đi làm, một số em học sinh xuất sắc được nhận học bổng đi học ở nước ngoài, trở thành tấm gương vượt khó cho các em nhỏ.

“Đại Lộc năm nào cũng bị ảnh hưởng bão rất nặng nên nhiều em nhỏ bị mất bố mẹ, mùa màng chết, trường học thường xuyên xảy ra tình trạng ngập. Thế nhưng, các thầy cô và tình nguyện viên vẫn hết lòng, hết sức thực hiện sứ mệnh của mình bất chấp hoàn cảnh thử thách để trao cho các trẻ em nghèo cơ hội học tập. Chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng và được tiếp thêm sức mạnh rất nhiều để có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, giúp đỡ được nhiều em hơn trong thời gian tới”, La Phạm chia sẻ.

Bài viết: Hồng Giang - Khánh Huy

Trình bày: Khánh Huy

Ảnh: NVCC