Thứ bảy 20/04/2024 18:40

Không thể chủ quan việc bảo đảm an toàn tại các công trường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc để xảy ra tai nạn tại các công trình, hiện trường đang thi công không những "mang họa" cho chính nạn nhân, mà đi cùng với đó là trách nhiệm liên đới của chủ đầu tư, nhà thầu.
Bên trong công trường xây dựng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khó lường                                                                                Ảnh: Khánh Huy
Bên trong công trường xây dựng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khó lường. Ảnh: Khánh Huy

Sự nguy hiểm luôn rình rập

Những ngày qua, vụ cháu bé 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông tại công trình thi công ở xã Phú Lợi (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã khiến dư luận lo ngại về vấn đề công tác quản lý, bảo đảm an toàn khu vực có dự án đang xây lắp.

Trên thực tế, bên trong công trường xây dựng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khó lường, đặc biệt với người không phải trong đội ngũ thi công bởi vì ngay cả những công nhân xây dựng có chuyên môn cũng có thể gặp phải tai nạn lao động.

Đơn cử, tháng 8/2020, tại công trình xây dựng nhà ở liền kề trên địa bàn xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 2 người tử vong tại chỗ và 6 người khác bị thương. Vụ tai nạn xảy ra khi các công nhân đang tiến hành tháo giàn giáo mái che cửa sổ tầng một thì phần mái che bằng bêtông rơi xuống nhóm công nhân đang làm việc. Do sự việc xảy ra quá bất ngờ nên nhóm công nhân không kịp tháo chạy, khiến 2 người tử vong tại chỗ và 6 người khác bị thương.

Điều đáng nói, ngành xây dựng là lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người nhất, khi nguyên nhân đến từ tổ chức, điều kiện lao động; Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; Không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không đảm bảo; Không huấn luyện an toàn hoặc chưa đầy đủ cho người lao động.

Anh Nguyễn Trung Quân (trú tại Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thời điểm cuối năm nhiều công trình dân dụng gần nhà anh đang gấp rút thi công, sửa chữa. Có nhiều công trình không trang bị lưới chắn bảo vệ an toàn hoặc nếu có thì cũng chỉ qua loa; giàn giáo bằng sắt thép nhưng lót thêm ván làm chỗ đi lại, nhất là giai đoạn tô vữa và sơn ngoài. Nguy hiểm hơn là công nhân còn không mặc đồ bảo hộ, đầu trần vô tư đi lại.

Đi tìm nguyên nhân

Bình luận về thực trạng này, theo quan điểm riêng của ông Trần Văn Hòa - GĐ Cty TNHH đầu tư và xây dựng Hòa Thành cho biết, việc quản lý an toàn các công trình xây dựng cầu cống rất khó vì dự án có thể trải dài, quy mô lớn, huy động nhiều nhân công, máy móc để có thể quây hàng rào hoặc tôn như những công trình xây dựng dân dụng.

"Trên thực tế, chi phí xây dựng hàng rào và giám sát cũng tương đối phức tạp; nhiều trường hợp chỉ dùng dây và giám sát camera. Ngoài ra, nếu các dự án thi công ở vùng xa hầu hết các công trình đều bị người dân và các cháu nhỏ xung quanh đó vào trong, chơi đùa hoặc ăn cắp vật liệu xây dựng đem bán" - ông Hòa phân tích.

Còn với quan điểm của chuyên gia vật liệu xây dựng, Thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho rằng, nhiều cai thầu, sau khi được "khoán trắng" về việc an toàn ở công trường hoặc các DN xây dựng nhỏ, không thể duy trì được đội ngũ công nhân chuyên nghiệp (do lương, bảo hiểm...) nên khi có việc thường thuê nhân công thời vụ, lao động tự do vào làm nên trong quá trình thi công không tuân thủ an toàn hoặc coi nhẹ gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người khác.

"Cần phải đặt nặng vấn đề bảo đảm an toàn cho đơn vị thi công, công nhân cũng như nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm với các công trình, dự án trong quá trình triển khai, xây dựng. Đặc biệt hơn nữa là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, trẻ em đi chơi, người lớn thường hay gặp mặt uống rượu say..." - Thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết.

Thạc sĩ Luật Lê Sơn Tùng cho rằng, pháp luật quy định rất rõ đối với những trường hợp đơn vị thi công không đảm bảo an toàn cho công nhân và những người dân ở xung quanh hoặc trong vùng dự án, nếu để xảy ra tai nạn dẫn tới tử vong sẽ bị truy cứ trách nhiệm hình sự. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội là cần thiết để tạo một môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, không có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.

"Công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, ngành trong việc kiểm tra trong một số ngành, lĩnh vực để xảy ra nhiều tai nạn lao động như xây dựng, những công cụ có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cũng như cải thiện điều kiện làm việc" - Thạc sĩ luật Lê Sơn Tùng cho hay.

Nghị quyết số 19/NQ-CP ban hành chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ nêu rõ 08 mục tiêu bao gồm: Trung bình giảm 4% tai nạn lao động chết người/năm; Trung bình tăng 5% số người được khám chữa bệnh/năm; 90% người quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác ATVSLĐ cấp quận huyện, ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực.
Tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học
Chương Mỹ công bố 13 quán karaoke không đảm bảo an toàn PCCC
Hà Nội nâng cao khả năng “thực chiến” trong xử lý, đảm bảo an toàn thông tin ở các cơ quan Nhà nước
Gia Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động