Thứ bảy 20/04/2024 09:09
Cẩm nang dành cho cán bộ cơ sở

Khích lệ hòa giải viên - Nâng cao nhận thức xã hội về hòa giải ở cơ sở

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc khen thưởng hòa giải viên ở cơ sở có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự ghi nhận những đóng góp, nỗ lực của hòa giải viên, sự động viên, khích lệ đối với hòa giải viên, đồng thời là dịp tăng cường nhận thức xã hội về công tác hòa giải ở cở sở.

Điểm b Khoản 2 Điều 29 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định UBND cấp xã có trách nhiệm “Chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở”.

Có ý kiến cho rằng, việc sơ kết, tổng kết, đánh giá, khen thưởng, động viên, tôn vinh trong công tác hòa giải ở cơ sở, tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp tư pháp cho hòa giải viên ở cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, gây khó khăn trong việc động viên, khích lệ đối với hòa giải viên, nâng cao nhận thức xã hội về công tác hòa giải ở cở sở. Vì vậy, để kịp thời động viên, khuyến khích hòa giải viên ở cơ sở, địa phương cần thực hiện tốt quy định này trong luật.

Bà Phạm Thị Nhịp được nhận kỷ niệm chương ngành Tư pháp vì hoạt động hòa giải tích cực
Bà Phạm Thị Nhịp được nhận kỷ niệm chương ngành Tư pháp vì hoạt động hòa giải tích cực

Việc tặng kỷ niệm chương trong lĩnh vực này thực hiện theo quy định xét tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp tư pháp ban hành tại Thông tư số 06/2018/TT-BTP ngày 07-6-2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Theo đó, cá nhân là hòa giải viên ở cơ sở được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 10 năm trở lên liên tục trực tiếp làm công tác hoà giải tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố hoặc có đủ 08 năm trở lên liên tục trực tiếp làm công tác hoà giải và có thành tích xuất sắc được khen thưởng từ 3 Giấy khen hoặc 1 Bằng khen của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác hoà giải. Đối với hòa giải viên nữ thì thời gian làm công tác hòa giải quy định tại khoản này được giảm 2 năm (Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 06/2018/TT-BTP). Vì vậy, hòa giải viên đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện nêu trên gửi hồ sơ về Bộ Tư pháp để được Bộ xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” theo quy định.

Thực tế đã cho thấy, ở địa phương nào có nhận thức đúng đắn, quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó, công tác này đều đạt hiệu quả cao và đồng thời với đó là hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên.

Tại những vùng sâu, vùng xa, do đi lại khó khăn, mật độ dân cư sinh sống thưa thớt, có những nơi khoảng cách giữa hộ dân này với hộ dân kia là cả quả đồi, hòa giải viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc gặp gỡ các bên để tiến hành hòa giải. Đó là chưa tính đến có những vụ việc phức tạp, hòa giải viên phải nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với các bên. Từ đó có thể thấy rõ công sức hòa giải viên bỏ ra để có kết quả hòa giải thành tại những địa phương này không phải là ít. Và đối với những vụ việc như vậy thì dù được chi tối đa 200.000 đồng/vụ việc như quy định hiện tại thì cũng chưa tương xứng được với tinh thần trách nhiệm, công sức và sự nhiệt tình mà các hòa giải viên đã bỏ ra...

Các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hơn nữa, nhất là về kinh phí để địa phương có thể tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên; tổ chức thi hòa giải viên giỏi; phổ biến kinh nghiệm hòa giải; cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật cần thiết phục vụ công tác hòa giải; tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng, động viên, khuyến khích hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở nhằm tạp điều kiện để các địa phương nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Anh Hùng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động