Thứ bảy 23/11/2024 19:26
Triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất trong lịch sử:

Khám sàng lọc, phân loại đối tượng tiêm xong trong tháng 7

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất trong lịch sử đối với vắc-xin phòng Covid-19 nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng vào năm 2022, Bộ Y tế đang triển khai các công việc liên quan. Theo đó nguyên tắc cơ bản trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 lần này là phải tổ chức trên quy mô toàn quốc và vắc-xin phải được tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất cho người dân nhưng phải đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó.

Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021-2022 đã họp để triển khai các công việc liên quan. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 nhấn mạnh: Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021-202 là một trong những chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để làm sao có vắc-xin về Việt Nam ngày một nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm vào thời điểm này, nên cao điểm vắc-xin về Việt Nam là quý 4-2021. Dự kiến trong tháng 7-2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, để triển khai chiến dịch hiệu quả và đảm bảo chất lượng vắc-xin, tất cả các quy trình phải phối hợp chặt chẽ từ vấn đề bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm, ứng dụng công nghệ thông tin và cả công tác truyền thông cho chiến dịch. Đặc biệt, vấn đề an toàn tiêm chủng phải được đặt lên hàng đầu, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.

Bộ trưởng yêu cầu Tiểu ban An toàn tiêm chủng phải tập huấn cho lực lượng cán bộ tiêm chủng toàn tuyến về an toàn tiêm chủng và xử lý an toàn sau tiêm chủng. Đồng thời tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc phải tiến hành khám sàng lọc và phân loại sẵn tất đối tượng dự kiến tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên để phân loại trường hợp nào được tiêm tại trạm y tế xã phường, trường hợp nào cần phải tiêm ở cơ sở y tế có giường bệnh, trường hợp nào được tiêm tại điểm tiêm di động. Tại điểm tiêm chủng chỉ cần đo nhiệt độ, huyết áp của người đi tiêm để tránh tập trung đông người tại điểm tiêm trong cùng một thời điểm… Các địa phương trong tháng 7-2021 phải xong việc khám sàng lọc trên quy mô này.

Khám sàng lọc, phân loại đối tượng tiêm xong trong tháng 7

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 1 của Hà Nội tại BV Thanh Nhàn. Ảnh: V.H

Tiểu ban An toàn tiêm chủng phải tiếp tục tổ chức tập huấn về xử trí các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Bố trí theo cụm để đảm bảo khoảng cách tiếp cận nhất định giữa điểm tiêm chủng với cơ sở cấp cứu.

Bên cạnh đó, tiểu ban này phải tăng cường giám sát chặt chẽ các điểm tiêm, đảm bảo an toàn mới được khởi động điểm tiêm (có đo huyết áp, nhiệt độ, chuẩn bị sẵn bơm kim tiêm có Adrenalin…)

Đồng thời, chiến dịch tiêm chủng lần này sẽ cắt giảm nhiều thủ tục hành chính để triển khai hiệu quả quy trình tiêm chủng từ đăng ký tiêm chủng, khám sàng lọc, đến tổ chức triển khai tại các điểm tiêm chủng.

“Bằng giải pháp công nghệ thông tin, chúng ta theo dõi thực từng liều vắc-xin được chuyển đến các điểm tiêm; tiêm cho bao nhiêu người, còn lại bao nhiêu người chưa tiêm, bao nhiêu liều vắc-xin còn lại…”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Chiến dịch tiêm chủng lần này được thực hiện ở 19.000 điểm tiêm, trong đó nền tảng cơ bản nhất là trạm y tế xã, phường, các điểm tiêm di động, các cơ sở y tế. Do số lượng điểm tiêm nhiều nên các tiểu ban chuyên môn của Ban Chỉ đạo phải quản lý được điều kiện cơ sở vật chất, con người, địa điểm tiêm... theo nhiệm vụ được giao.

Điều rất quan trọng nữa của chiến dịch tiêm chủng lần này là đã yêu cầu công khai về số lượng vắc-xin, phân bổ vắc-xin để người dân phối hợp và đồng hành cùng Ban Chỉ đạo thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các Tiểu ban liên quan sớm xây dựng nền tảng quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 gồm các hợp phần: Quản lý đối tượng tiêm chủng, vận hành tiêm chủng, quản lý vắc-xin, quản lý hồ sơ tiêm và cấp hộ chiếu vắc-xin.

“Cần làm nhanh ứng dụng này trước khi bấm nút khởi động chiến dịch tiêm chủng để người dân có thể tải ứng dụng về và sử dụng. Đồng thời cần xây dựng trang web về tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trong đó công khai tất cả các thông tin liên quan đến toàn bộ hoạt động tiêm chủng, sử dụng vắc-xin với mục tiêu công khai, minh bạch thông tin đến mọi người dân”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: Tiêm chủng vắc-xin khi đến lượt sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của bản thân, mãi ở bên người thân yêu. Đồng thời giúp giảm gánh nặng cho phòng, chống dịch và nhân viên y tế; sớm quay về hơn với cuộc sống bình thường.

WHO đưa ra 7 gợi ý để trò chuyện với mọi người về vắc-xin phòng Covid-19. Đó là giữ tinh thần cởi mở khi trò chuyện; lắng nghe những băn khoăn, lo lắng của họ; chia sẻ thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như Bộ Y tế và WHO; chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi được tiêm vắc-xin; trấn an họ rằng hơn một tỉ người đã được tiêm phòng và các phản ứng sau tiêm là bình thường, có thể xử trí được; giúp họ đi tiêm vắc-xin khi đến lượt; cùng nhau theo dõi sức khỏe và các phản ứng sau khi tiêm.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động