Huyện Thanh Trì hình thành 4 vùng quy hoạch nông nghiệp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 24-9, ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì thông tin: 4 vùng quy hoạch nông nghiệp của huyện gồm vùng trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc, có diện tích hơn 100ha cho thu nhập tốt. Trước đây vùng này trồng ngô, huyện thực hiện dồn điền đổi thửa chuyển sang trồng cây ăn quả. Mô hình này mang lại thu nhập cao cho người nông dân;
Vùng sản xuất rau an toàn ở xã Yên Mỹ, Duyên Hà có diện tích 145ha, trong đó trên 50ha được cấp giấy chứng nhận VietGap, còn lại theo mô hình rau an toàn liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp và bà con theo hình thức ký hợp đồng trực tiếp nên tiêu thụ tốt. Doanh nghiệp thu mua tại ruộng, người trồng phải theo yêu cầu về tiêu chuẩn, loại hình mà doanh nghiệp đặt ra.
Cùng đó là vùng lúa tập trung ở xã Tả Thanh Oai, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, quy hoạch vùng lúa chất lượng cao. Huyện phối hợp với viện Quy hoạch nông nghiệp đưa giống lúa vào, cho năng suất chất lượng cao.
|
Vùng quy hoạch thứ 4 là nuôi thuỷ sản ở Đại Áng và Đông Mỹ. Huyện bắt đầu triển khai và thu được tốt từ mô hình “sông trong ao” áp dụng công nghệ của Mỹ, tạo dòng chảy cá bơi ngược dòng. Năng suất trong bể cá lớn so với nuôi cá truyền thống; kiểm soát tốt an toàn sinh học theo mô hình tập trung; có hệ thống kiểm soát nguồn nước tốt. Đây là mô hình lớn nhất toàn TP với 15 bể, tổng kinh phí chục tỷ đồng do người dân tự bỏ tiền đầu tư (trung bình 700 triệu/bể/hộ). “Huyện đang có gắng trên cơ sở liên kết chuỗi nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện có cơ chế hỗ trợ riêng để thành mô hình điểm, nhưng so với số tiền dân bỏ ra chỉ mang tính chất động viên vì dân bỏ ra rất lớn”, ông Đặng Đức Quỳnh nhấn mạnh.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng 8 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện 8 tháng đầu năm đạt 6.081 tỷ 659 triệu đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018; Tổng thu ngân sách huyện 8 tháng đầu năm thực hiện 1.017 tỷ 212 triệu đồng, đạt 66,1% dự toán.
Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 403 tỷ 810 triệu đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ. Gieo trồng 1.267,7 ha lúa xuân và 1.151,8 ha lúa mùa đúng khung thời vụ, năng suất ước đạt 64,4 tạ/ha, sản lượng đạt 8.157 tấn… Cơ cấu cây trồng có sự thay đổi rõ rệt, diện tích trồng lúa, rau màu giảm, diện tích trồng cây ăn quả lâu năm tăng dần. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản trong cân đối ngân sách huyện là 684 tỷ 250 triệu đồng, phân bổ chỉ tiết cho 65 dự án. 8 tháng đầu năm đã trình TP phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách TP, phê duyệt chủ trương đầu tư 09 dự án, khởi công xây dựng 14 dự án và bàn giao đưa vào sử dụng 7 dự án. Khối lượng thực hiện và ước giải ngân là 251 tỷ 800 triệu đồng (đạt 36,8% kế hoạch)...
Huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các dự án, đảm bảo tiến độ quy định. Ban hành Quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 11 dự án, Quyết định thu hồi đất đối với 504 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, Quyết định giao đất tái định cư cho 12 trường hợp, Kế hoạch và thông báo thu hồi đất đối vói 433 trường hợp để thực hiện các dự án trên địa bàn. Phê duyệt 633 phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư 13 dự án với tổng số tiền 52 tỷ 220 triệu đồng, diện tích thu hồi 75.475ha.
Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đất đai, trật tự xây dựng được tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. 8 tháng đâu năm trên địa bàn huyện xảy ra 76 trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng; đã xử lý dứt điểm 62 trường hợp, 14 trường hợp còn lại đang giải quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì nêu rõ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại