Thứ sáu 19/04/2024 22:33

Huyện Hoài Đức: Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở trong năm 2021

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trải qua những khó khăn và thách thức không nhỏ trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, huyện Hoài Đức, Hà Nội luôn coi trọng công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, trong đó có hòa giải ở cơ sở. Từ đó đã hóa giải được nhiều vụ việc mâu thuẫn tại khu dân cư, góp phần vào sự ổn định và đoàn kết của người dân trên địa bàn.
Hà Nội: Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở
Thực hiện có hiệu quả mô hình “5 tốt” trong hòa giải ở cơ sở
"Hội nghị công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở" diễn ra vào ngày 13-7

Chú trọng công tác PBGDPL

Huyện Hoài Đức là địa bàn có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh do quá trình đô thị hóa trong những năm qua. Khi đời sống vật chất được nâng cao cũng kéo theo những mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ đời sống nhân dân có nguy cơ phát sinh. Năm 2020, khi xuất hiện dịch Covid-19, việc nâng cao khả năng tuyên truyền về phòng dịch cho các tầng lớp nhân dân lại càng đóng vai trò quan trọng, góp phần vào công tác phòng dịch chung của TP và cả nước. Từ thực tế đó, đội ngũ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và hòa giải ở cơ sở càng phải thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ của mình. UBND huyện Hoài Đức đã sớm kiện toàn và có các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Phóng, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hoài Đức nhấn mạnh, ngay từ cuối năm 2019, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch 291 ngày 18-12-2019 về Phối hợp PBGDPL, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn huyện năm 2020. Công tác phối hợp PBGDPL tiếp tục được tập trung chỉ đạo, đặc biệt là việc tuyên truyền sâu rộng trên phương tiện truyền thanh từ huyện đến cơ sở liên quan đến các văn bản mới có hiệu lực thi hành; tuyên truyền chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, phòng chống dịch Covid-19, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn huyện.

Huyện Hoài Đức: Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở trong năm 2021
Huyện Hoài Đức luôn chú trọng đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở.

Đồng thời, huyện cũng triển khai cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng”, tổ chức lựa chọn báo cáo viên, tuyên truyền viên chuẩn bị các điều kiện tham gia cuộc thi theo hướng dẫn, điều lệ của thành phố. Kết quả cuộc thi, huyện Hoài Đức đạt được 1 giải Nhì, 1 giải Ba cấp thành phố. UBND huyện Hoài Đức, BTC cuộc thi xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập BTC, văn bản hướng dẫn và đôn đốc triển khai tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường” theo kế hoạch. Kết quả, có 37.016 người trên toàn huyện tham gia, đứng thứ 2/25 đơn vị thuộc khu vực thi số 2 và được thành phố trao tặng 1 giải Nhì tập thể.

Hội đồng phối hợp PBGDPL cùng các đoàn thể của huyện, xã/thị trấn đã tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền pháp luật trợ giúp pháp lý. Nội dung tuyên truyền trợ giúp pháp lý liên quan đến các văn bản mới có hiệu lực thi hành như các luật: An ninh mạng, Đất đai, Dân sự, Bảo vệ môi trường, Hôn nhân gia đình, Hòa giải ở cơ sở, một số quy định về thừa kế - thế chấp…

Huyện cũng chuyển cấp phát nhiều tài liệu tuyên truyền như: 4.000 tờ gấp về Luật phòng chống tác hại của bia rượu, 200 cuốn sổ tay pháp luật cho cư dân sống ở chung cư, 26.000 tờ gấp pháp luật về “Tìm hiểu 13 hành vi bị xử phạt trong phòng, chống dịch Covid-19”, tìm hiểu một số quy định của pháp luật về “Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và trách nhiệm pháp lý đối với một số hành vi” đến toàn bộ 20 xã/thị trấn và một số cơ quan trên địa bàn huyện. UBND huyện cũng ban hành văn bản kiện toàn các thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL và công nhận báo cáo viên pháp luật huyện, tiếp tục triển khai đề án nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên pháp luật huyện Hoài Đức giai đoạn 2020 – 2023.

Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện thường xuyên chỉ đạo sâu sát tới các thành viên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để triển khai các hình thức tuyên truyền PBGDPL cho người dân toàn huyện đạt được kết quả tốt, nhất là tháng cao điểm thực hiện chủ trương cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. Trong số các hoạt động đó, hội đồng tiến hành hướng dẫn các xã/thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thường xuyên, có trọng điểm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhân dân về ý thức chấp hành pháp luật. Vận động người dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, tệ nạn xã hội. Tuyên truyền thực hiện hai bộ “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố”.

Xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”

Huyện Hoài Đức: Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở trong năm 2021
Hòa giải viên xã Song Phương, huyện Hoài Đức (bìa trái) đang chia sẻ với phóng viên về những câu chuyện hòa giải năm 2020.

Là một trong các hoạt động quan trọng nằm trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở luôn được lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức quan tâm để nâng cao chất lượng cho đội ngũ hòa giải viên. Toàn huyện hiện có 132 tổ hòa giải với 1.035 hòa giải viên, trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 5- 7 thành viên. Thành phần chủ yếu của tổ hòa giải bao gồm những người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, đại diện của hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, người cao tuổi… Theo thống kê đến hết tháng 10 năm 2020, toàn huyện ghi nhận 228 vụ việc tranh chấp, tiến hành hòa giải 195 vụ. Trong đó hòa giải thành công 159 vụ (chiếm 81,5%), 36 vụ hòa giải không thành, 33 vụ đang hòa giải. Kết quả này đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, hạn chế xảy ra những vụ mâu thuẫn, xích mích kéo dài dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra.

Ngoài ra, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo UBND các xã/thị trấn duy trì và tích cực triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”. Trong năm 2020, hầu hết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn được tổ hòa giải phát hiện kịp thời và tập trung giải quyết ngay tại cơ sở. Trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên đã chú trọng phân tích, giải thích và thuyết phục các bên với phương châm “Một điều nhịn là chín điều lành”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”… để hóa giải các xung đột, xích mích, chấp hành quy định của pháp luật, tránh vi phạm pháp luật. Những người tham gia công tác hòa giải đều là người có hiểu biết về pháp luật, có uy tín ở cộng đồng dân cư nên nhiều vụ tranh chấp đã được hóa giải kịp thời. Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn huyện trong những năm qua luôn đạt trên 80%.

Bên cạnh những mặt đạt được, huyện Hoài Đức cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế. Do tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19 tới mọi mặt đời sống nên công tác tuyên truyền PBGDPL của một số ngành và địa phương còn chậm so với kế hoạch đề ra. Số lượng, thành phần tham dự hội nghị cũng bị cắt giảm do đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Công tác xây dựng xã/thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Việc hỗ trợ kinh phí và trang thiết bị, tài liệu phục vụ cho công tác này còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vai trò chủ động phối hợp thực hiện của cán bộ, cơ quan tư pháp ở cấp xã còn hạn chế, hoạt động tuyên truyền pháp luật còn thiếu chiều sâu do công chức làm công tác tuyên truyền phải kiêm nhiệm những nhiệm vụ chuyên môn khác. Năm 2021, huyện sẽ duy trì tốt các kết quả đã đạt được, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ các cấp.

Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Về công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố và Sở Tư pháp, huyện Hoài Đức đã thành lập hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng quy chế hoạt động của hội đồng, ban hành văn bản hướng dẫn về xây dựng, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. UBND huyện đã ban hành quyết định công nhận 19/20 xã/thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ động triển khai các nhiệm vụ liên quan đánh giá, chấm điểm các xã/thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020; tổ chức kiểm tra, hoàn thiện, đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020 và tham gia đánh giá hoàn thiện hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với hai xã Yên Sở và Minh Khai theo hướng dẫn, chỉ đạo của thành phố. Năm 2020, UBND huyện đã bố trí nguồn kinh phí chung cho công tác tuyên truyền PBGDPL, xây dựng các xã/thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với tổng số tiền là 1 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ chi cho các tổ hòa giải là 160 triệu đồng. Tùy theo điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, mỗi xã/thị trấn bố trí nguồn kinh phí cho công tác này trung bình khoảng 100 triệu đồng/năm.

Đình Tuệ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động