Hiệu quả từ hoạt động Thừa phát lại tống đạt văn bản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVăn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Công Phương |
Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Đảng và Chính phủ, hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.
Số liệu của UBND TP Hà Nội cho thấy, trong 3 năm từ 2018-2020, 8 văn phòng trên địa bàn Hà Nội đã tống đạt 225.614 ngàn văn bản của Tòa án; 3418 văn bản của cơ quan Thi hành án. Doanh thu trực tiếp tổ chức thi hành án là 393.746.000 đồng…
Theo báo cáo của Sở Tư pháp TP Hà Nội, năm 2021 các Văn phòng đã thực hiện tống đạt 61.046 văn bản (của cơ quan tòa án), doanh thu trên 3,3 tỷ đồng và lập 10.714 vi bằng, doanh thu hơn 11 tỷ đồng. TP đã đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại đối với 10 trường hợp (đã có quyết định bổ nhiệm đối với 09 trường hợp); đề nghị Bộ Tư pháp miễn nhiệm Thừa phát lại đối với 04 trường hợp; thực hiện thay đổi nội dung Đăng ký hoạt động cho 24 lượt Văn phòng Thừa phát lại.
Hoạt động của Thừa phát lại góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự, trong quan hệ với cơ quan, tổ chức Nhà nước và trong hoạt động tố tụng. Góp phần tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế. Thừa phát lại tống đạt văn bản giúp giảm tải công việc của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật.
Việc tống đạt văn bản giấy tờ của các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn được thực hiện hết sức cẩn thận, chặt chẽ. Việc tổ chức giao nhận, lưu trữ tài liệu tống đạt được thực hiện và quản lý khoa học, tài liệu nhận về, biên bản tống đạt đều có sổ tiếp nhận, sổ bàn giao kết quả tống đạt, hàng tháng được đối chiếu, so sánh và quyết toán với các cơ quan nên không để xảy ra sai sót.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những khó khăn, theo phản ánh của một số Văn phòng Thừa phát thì hoạt động tống đạt chưa được tổ chức chuyên môn hóa; Chi phí cho việc tống đạt rất thấp so với chi phí thực tế của các văn phòng; Việc niêm yết văn bản tại một số UBND phường còn gặp khó khăn trong khâu xác nhận của UBND phường, dẫn đến vi phạm về thời gian niêm yết;
Nhiều người dân chưa hiểu về hoạt động của Thừa phát lại do đó chưa có sự hợp tác tích cực; Nhiều đương sự khi Thừa phát lại đến tống đạt thì cố tình không nhận văn bản, giấy tờ vì cho rằng Thừa phát lại “không phải người Nhà nước”. Một số người khác thì cố tình lẩn tránh…
Theo quy định, nếu đương sự không nhận giấy triệu tập thì thư ký nghiệp vụ sẽ tiến hành thủ tục niêm yết. Các thư ký nghiệp vụ liên hệ với tổ trưởng khu phố và cán bộ tư pháp phường để họ đến chứng kiến và ký tên vào biên bản niêm yết nhưng còn khó khăn do thiếu hợp tác…
Theo Nghị định 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8-1-2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thì thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu sau đây: Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện KSND, cơ quan thi hành án dân sự; Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện KSND trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự trong vụ án hình sự và khiếu nại, tố cáo; tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở theo hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với Tòa án, Viện KSND, cơ quan thi hành án dân sự.
Trường hợp tống đạt ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận với Tòa án, Viện KSND, cơ quan thi hành án dân sự bằng hợp đồng riêng cho từng việc cụ thể.
Thủ tục tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện KSND thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng; Thủ tục tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Để hoạt động tống đạt tài liệu giấy tờ của Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, cần tăng cường công tác truyền thông về Thừa phát lại nói chung, hoạt động tống đạt giấy tờ nói riêng; Xem xét nâng chi phí cho việc tống đạt; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho Thừa phát lại và các thư ký nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho Thừa phát lại thực hiện các thủ tục niêm yết tại cơ sở.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại