Thứ năm 25/04/2024 12:23

Hành vi mạo danh EVN để lừa đảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước tình trạng xuất hiện những đầu số mạo danh nhân viên của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) gọi đến cho người dân thông báo nợ tiền điện và dọa cắt điện, mới đây, EVN đã ra cảnh báo cho người dân về tình trạng này. Theo đó, đây được xác định là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu lừa đảo.

Mới đây, trên trang thông tin chung của cư dân CT1 Thạch Bàn (Long Biên) đã có người đăng lên hỏi về hai số điện thoại tự xưng là nhân viên của EVN. Theo đó, anh P.T.A đã nhận được hai số điện thoại là +7 (488) 586 76 89+84 928 098 862 gọi đến báo chưa đóng tiền điện và dọa cắt điện.

Sau khi thông tin đăng tải, một số các cư dân của tòa nhà cũng chia sẻ những trường hợp mình đã gặp. Chị T.H chia sẻ: "Nhà em bị gọi vào số cố định. Mẹ em nghe máy, họ kêu nợ cước 8 triệu, dọa cắt điện thoại di động. Không hiểu họ lấy đâu ra đầy đủ họ tên, nghề nghiệp cũng như nơi làm việc của em...". Anh N.Q.H cho biết, trước đó anh cũng nhận được cuộc gọi xưng là của EVN thông báo nợ tiền điện, tuy nhiên không bị dọa… cắt điện. Trước đó, anh P.T.A còn cho biết, sau dịp 30-4, 1-5, anh cũng bị những số điện thoại tương tự gọi thông báo anh bị phạt nguội khi tham gia giao thông…

Những cuộc gọi với nội dung tương tự như trên không phải mới xuất hiện ở Việt Nam. Từ vài năm nay, các đối tượng lừa đảo đã từng mạo danh tòa án, công an để gọi điện dọa nạt, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.

Hành vi mạo danh EVN để lừa đảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi lừa đảo qua điện thoại có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nạn nhân được nhắm đến thường là người cao tuổi, nội trợ... ít giao tiếp xã hội. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo, nhưng không ít người vì bị dọa mà hoảng sợ nên nghe lời hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo này để chuyển cho chúng số tiền lên đến vài trăm triệu đồng.

Nhằm tiếp cận nạn nhân, ban đầu các đối tượng thường đưa ra lý do như nạn nhân đang nợ cước điện thoại hoặc có quà gửi, bưu phẩm,… sau đó dẫn dắt khai thác thông tin cá nhân. Tiếp đó, chúng phân vai các đối tượng mạo danh cán bộ thuộc cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… thông báo những thông tin cá nhân này đã được dùng để mở tài khoản ngân hàng, có phát sinh giao dịch liên quan đến hoạt động phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (ma túy, rửa tiền…), đồng thời đe dọa sẽ ra lệnh bắt nạn nhân để phục vụ điều tra và thậm chí làm giả cả lệnh bắt của cơ quan thực thi pháp luật.

Chúng thường yêu cầu nạn nhân kết bạn qua các ứng dụng OTT, mạng xã hội như Zalo, Viber để trao đổi; các cuộc gọi cũng thường kéo dài, không cho nạn nhân có thời gian trao đổi với người thân hoặc đe dọa nếu tiết lộ thông tin thì cả người thân cũng bị liên lụy. Ðến khi nạn nhân hoảng sợ, chúng yêu cầu muốn chứng minh trong sạch phải chuyển tiền đến các tài khoản do chúng chỉ định để kiểm tra. Ngay sau khi tiền được chuyển, các đối tượng lập tức rút tiền mặt hoặc chuyển tiếp qua nhiều tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.

Nói về hành vi có dấu hiệu lừa đảo của EVN cũng như các cuộc điện thoại mạo danh trước đây, luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật Hoàn Hưng cho biết, theo quy định của pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm, hành vi lừa đảo qua điện thoại có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bởi cũng theo quy định của pháp luật, để giải quyết các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng phải làm việc trực tiếp với công dân. Đồng thời, cũng không có quy định nào cho phép cơ quan chức năng được yêu cầu công dân nộp tiền qua điện thoại.

Luật sư Hướng cho biết, hành vi lừa đảo qua mạng là một trong những hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt của hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác là phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng.

Nặng hơn nữa, hành vi gọi điện lừa đảo qua điện thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu lừa đảo số tiền từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành, đã phạm tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…

Ngoài ra, tội này còn quy định các khung hình phạt tăng nặng khác.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động