Thứ ba 19/03/2024 18:06
Giải đáp chính sách

Hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện trợ giúp pháp lý

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi được biết, người khuyết tật khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý miễn phí. Vậy, xin quý báo cho biết, các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện trợ giúp pháp lý được pháp luật quy định như thế nào? Người được trợ giúp pháp lý có nghĩa vụ gì?

(Phạm Tuấn Hải, quận Tây Hồ, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Theo Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý, các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện trợ giúp pháp lý:

1. Nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện các hành vi sau đây:

a) Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;

b) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;

c) Tiết lộ thông tin, bí mật về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

d) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 45 của Luật này và theo quy định của pháp luật về tố tụng;

đ) Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi;

e) Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

g) Xúi giục người được trợ giúp pháp lý khai, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.

2. Nghiêm cấm người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý thực hiện các hành vi sau đây:

a) Xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý;

b) Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý;

c) Cản trở hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Về nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, Điều 12 nêu:

1. Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

2. Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đó.

3. Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý.

4. Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về một vụ việc đang được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trợ giúp.

5. Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Điều 10. Người được trợ giúp pháp lý

1. Người nghèo.

2. Người có công với cách mạng.

3. Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa.

4. Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

B.A
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động