Thứ bảy 20/04/2024 04:35
Viết tiếp loạt bài: “Cảnh báo cơn sốt đất đang bị đẩy xa hơn giá trị thực tế”

Hà Nội điểm tên một loạt dự án “ôm đất”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo khuyến cáo của các Bộ Xây dựng, TN&MT cùng các chuyên gia kinh tế, bất động sản, “liều thuốc” giúp cơn sốt đất hạ nhiệt chính là việc các địa phương phải công bố rõ ràng các quy hoạch, các dự án (DA), tiến độ triển khai các DA, đồng thời có chỉ đạo kịp thời nhăm ngăn chặn những thông tin không đúng thực tế liên quan đến quy hoạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các DA ma, DA chậm tiến độ. Tất cả những khuyến cáo trên đang được Hà Nội thực hiện bài bản, có hiệu quả.

Hà Nội công khai một loạt dự án “ôm đất”

Nhằm ngăn chặn cơn sốt đất, Thành uỷ Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã có những chỉ đạo kịp thời tới các sở ngành, quận, huyện. Cùng với đó UBND TP Hà Nội công khai một loạt DA “ôm đất” không chịu triển khai, đồng thời đưa ra những định hướng tháo gỡ cho nhiều DA khác.

Thống kê từ Sở Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, đến 31-3-2021, trên địa bàn TP có 2.907 DA đầu tư ngoài ngân sách, vốn đăng ký 1,65 triệu tỷ đồng, trong đó: đã hoàn thành 967 DA. DA mới có chấp thuận triển khai, chưa thực hiện thủ tục đầu tư 466 DA; đang triển khai 1.292 DA (378 DA chưa được giao đất, cho thuê đất). Hiện có 977 DA triển khai chậm tiến độ, 182 DA bị chấm dứt hoạt động, thu hồi.

Sau cơn sốt đất, không ít DA lâm vào cảnh đìu hiu. Ảnh: K.H
Sau cơn sốt đất, không ít DA lâm vào cảnh đìu hiu. Ảnh: K.H

Cũng trong tháng 3, Hà Nội tiếp tục đưa vào danh sách 29 DA “ôm” hơn 1.840ha. Những DA này chậm triển khai bị Sở TN&MT đề nghị thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt DA đầu tư. Qua rà soát của UBND TP cho thấy, có 383 DA có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 DA đã được giao đất, cho thuê đất; 88 DA chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 DA có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.

35 DA với tổng diện tích 57ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn thu hồi đất mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền trên đất.

Cùng với Thành uỷ và UBND TP, về phía Hội đồng nhân dân TP cũng quyết liệt rà soát các DA chậm tiến độ. Ngoài việc đề nghị UBND TP báo cáo những DA chậm tiến độ trên địa bàn TP, tháng 4-2021, Thường trực HĐND TP Hà Nội thực hiện giám sát tình hình quản lý các DA vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Kết quả, phát hiện 29 DA sử dụng đất chậm được triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó có 2 DA đã được UBND TP ra quyết định thu hồi, giao cho UBND quận Bắc Từ Liêm quản lý; 8 DA chậm được triển khai có vấn đề chậm GPMB; 3 DA còn nợ về nghĩa vụ tài chính; 4 DA chậm triển khai đã được Sở TN&MT đưa vào danh sách thanh tra; 5 DA chưa có quyết định bàn giao đất, cho thuê đất. Đối với 5 DA được Đoàn giám sát HĐND TP chỉ đạo kiểm tra ở lần giám sát trước, đến nay UBND quận Bắc Từ Liêm đã đôn đốc thanh tra, xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ và đã có những chuyển biến tích cực.

Nhằm minh bạch thông tin các DA cũng như kiểm soát cơn sốt đất, tháng 4, trong Văn bản 1153/UBND-ĐT về tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn TP, UBND TP.Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và chính quyền địa phương trong việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các DA phát triển hạ tầng, các DA bất động sản, việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn nhằm đẩy giá bất động sản để trục lợi bất hợp pháp.

UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống người dân; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, DA bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý... vi phạm về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan...

Hạ cơn sốt đất bằng cách minh bạch quy hoạch, thông tin dự án

Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cơn sốt đất sôi sục khắp nơi đã khiến giá BĐS tăng chóng mặt, trung bình trong tháng 3-2021, giá đất tăng 10%. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Tuy nhiên giá đất tăng không phải nhà đầu tư nào cũng hưởng lợi, nhiều người lao vào thị trường ngay tâm điểm sốt giá, không kịp thoát hàng nên rơi vào tình trạng mua đỉnh bán đáy.

Ngược dòng thời gian, “bong bóng” bất động sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực tài chính. Điển hình là khủng hoảng tài chính tại khu vực Đông Nam Á vào năm 1997. Ở nước ta, hầu hết những cơn sốt đất gần đây đa phần đều xuất phát từ những thông tin chưa rõ ràng về DA, quy hoạch. Minh chứng rõ nhất là vụ sốt đất ảo xảy ra tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chỉ vì “ăn theo” thông tin về hai DA của một tập đoàn lớn đề xuất nghiên cứu, triển khai cộng với việc “thổi” giá bằng nhiều chiêu trò của đám cò mồi đất khiến giá đất xung quanh DA tăng chóng mặt, không ít người bị thua lỗ vì chỉ sau vài tuần giá đất đã trở về với điểm xuất phát ban đầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc và có những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm hiện tượng sốt đất ảo ở một số địa phương. Cụ thể, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt về mặt trình tự, thủ tục đầu tư.

Ông Sinh đề nghị tiếp tục thực hiện công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các DA nhằm minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ để đẩy giá, trục lợi một số DA đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, cần có biện pháp chặt chẽ không để tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách phân lô, bán nền tại một số khu vực chưa được phép đầu tư. Phải quản lý và kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần nhằm kiểm soát tốt hơn việc tăng giá đất, nhất là thông qua biện pháp quản lý thật tốt các tổ chức, cá nhân trong giao dịch, môi giới kinh doanh bất động sản.

Tháng 4-2021, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu biện pháp hạn chế tình trạng "sốt đất" hiện nay. Liên quan đến lĩnh vực đất đai, Thủ tướng còn giao Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý tình trạng chiếm đất ven sông Hồng.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện quy định pháp luật để công bố hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Bộ TN&MT nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đất đai, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp,… không để chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích. Bộ Xây dựng đề xuất, dưới góc độ tín dụng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tránh rủi ro kép, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản. Các địa phương phải khẩn trương thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn hiện tượng "sốt" đất, kiểm soát, ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn. Cụ thể như hoàn thiện phê duyệt các đồ án quy hoạch; trong đó, chú trọng tới các DA phát triển đô thị, nhà ở đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Về phía doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục về đầu tư, giao đất, xây dựng, kinh doanh và triển khai thực hiện DA theo đúng quy định pháp luật…

Khắc Hạnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động