Thứ năm 25/04/2024 18:07

Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, khoảng 194.000 tỷ đồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các DN phân phối hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đã tăng mức dự trữ lên từ 3 - 5 lần và làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung phục vụ Nhân dân trong mọi tình huống.

Đây là thông tin được Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết tại buổi họp thông tin về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 do Thành uỷ, UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 24-7.

Cụ thể, Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ Nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, TP khoảng 21.500 tỷ đồng.

Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, khoảng 194.000 tỷ đồng
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ Nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng

Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…“Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ Nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc là 5359,05 tỷ đồng" - bà Phương Lan nêu rõ.

Hiện hàng hóa đang rất dồi dào. Các hệ thống phân phối đều tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng 30 - 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu). Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, khoảng 194.000 tỷ đồng
Người dân Thủ đô đi chợ dân sinh (ảnh Khánh Huy)

Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, Thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.

Sở Công Thương cũng đã đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép 132 xe ô tô, xe sitec của 20 DN được hoạt động 24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu Nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiếp tục trình thành phố cho phép thống nhất phương án chấp thuận cho xe các tỉnh, thành phố và xe của doanh nghiệp lưu thông 24/7ngày phục vụ vận chuyển hàng hóa phòng chống dịch.

Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an TP Hà Nội tạo điều kiện cho 495 xe ô tô chở hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu tỉnh Bắc Giang (đã bảo đảm các quy định phòng chống dịch về người, phương tiện, hàng hóa) được phép lưu thông trên địa bàn Hà Nội, qua các chốt, trạm kiểm dịch theo quy định để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Còn theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Vũ Văn Viện, có 3 đối tượng ưu tiên đi lại trong thời gian giãn cách, trong đó có xe chở hàng hoá đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá trên “luồng xanh” quốc gia, có lộ trình đi qua thành phố Hà Nội sẽ chạy theo đường vành đai 3 và phân đi các tỉnh, không chạy vào bên trong trung tâm.

Với xe chở hàng hoá thiết yếu cho thành phố Hà Nội của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và phục vụ các công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 của UBND TP. Ngoài “luồng xanh” thì đối với hàng hoá mau hỏng cần phải vận chuyển nhanh thì có thêm phù hiệu “hàng hoá mau hỏng”, đảm bảo nhanh gọn lưu thông.

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động