Thứ bảy 20/04/2024 19:07

D.Trump để lại cho J.Biden "bãi mìn Trung Đông"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra nhiều tổn thất khi đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử Mỹ và chiến thắng của đối thủ Joe Biden. Việc ông Trump từ chối chấp nhận kết quả cuộc bầu cử không chỉ gây ra nhiều rắc rối ở trong nước mà còn làm tổn hại tới hình ảnh của nước Mỹ ở nước ngoài. Điều này, cùng với những chính sách mà ông để lại đang tạo ra một quá trình chuyển đổi đầy hỗn loạn cho ông Biden ở trong nước và có lẽ là một khởi đầu khó khăn ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Đông.

Thay đổi cách tiếp cận

Trong những tuần gần đây, chính quyền Trump đã dành sự quan tâm chưa từng có đối với khu vực này. Ít nhất 4 quan chức Mỹ đã đến thăm Israel và các đồng minh vùng Vịnh trong những tuần gần đây: Ngoại trưởng Mike Pompeo, Đặc phái viên phụ trách các vấn đề Iran và Venezuela - Elliott Abrams, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề chính trị-quân sự R.Clarke Cooper và cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner.

Trong khi đó, ông Trump đang tăng cường trừng phạt Iran và bị nghi ngờ đã "bật đèn xanh" cho Israel sát hại nhà khoa học hạt nhân Iran- Mohsen Fakhrizadeh. Các đồng minh ở Trung Đông của chính quyền sắp mãn nhiệm có thể đã chúc mừng ông Biden, nhưng họ cũng tạo ấn tượng sẽ "chung tay" với ông Trump và phe chính trị đối lập với đảng Dân chủ ở Nhà Trắng mà ông Trump sẽ sớm là người lãnh đạo.

Tuy nhiên, những đồng minh này, cùng với phần còn lại của Trung Đông, đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, dường như đang có khuynh hướng muốn giải quyết tranh chấp với Qatar và xoa dịu quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ; ông cũng thận trọng hơn về việc bình thường hóa quan hệ với Israel. Thái tử Saudi Arabia đang nhắm đến mục tiêu xoa dịu các căng thẳng để ông có thể có khởi đầu tốt đẹp với chính quyền Biden.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi dường như đang thực hiện các động thái hòa giải. Chính phủ Ai Cập đã thả các tù nhân chính trị trong những tuần gần đây. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảm thấy bớt áp lực hơn khi để Berat Albayrak- con rể của ông - thôi giữ chức Bộ trưởng Tài chính, cho dù tới tận gần đây Albayrak vẫn là người có mối liên hệ không thể thiếu được với Nhà Trắng. Iran cũng đang cố gắng tránh leo thang căng thẳng trong khu vực, hy vọng có khả năng khôi phục các cuộc đàm phán hạt nhân với ông Biden và được Mỹ nới lỏng trừng phạt.

Dường như các nhà lãnh đạo Trung Đông đang mong đợi nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden sẽ hoàn toàn đối lập với nhiệm kỳ của ông Trump và "hồi sinh" các cách tiếp cận trước đây của ông Barack Obama. Tuy nhiên, những lựa chọn gần đây của ông Biden cho các vị trí phụ trách vấn đề an ninh quốc gia cho thấy điều đó có thể sẽ không xảy ra. Mặc dù vậy, chính quyền mới chắc chắn sẽ thay đổi cách mà chính sách đối ngoại Mỹ đang được triển khai theo ít nhất là 3 hướng sau.

Đầu tiên, việc tuân thủ thể chế khi đưa ra các quyết sách sẽ được khôi phục ở Washington. Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Trump đã bị cá nhân hóa một cách nguy hiểm bởi một nhà lãnh đạo có khuynh hướng độc đoán và chỉ quan tâm tới bản thân, điều này đã giúp các nhà lãnh đạo nước ngoài có thêm ảnh hưởng trong Nhà Trắng. Các quan chức thách thức quyền lực của ông đã bị sa thải hoặc buộc phải từ chức, và những người ở lại là những người trung thành hoặc cơ hội. Việc hoạch định chính sách đối ngoại truyền thống cũng như việc phối hợp giữa các cơ quan bị loại bỏ. Trump không tin tưởng những thể chế quan trọng như Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao, những cơ quan đã bị cắt giảm bớt ngân sách hoạt động hoặc bị gạt ra ngoài lề dưới thời chính quyền của ông.

dtrump de lai cho jbiden bai min trung dong
Tổng thống Trump (trái) để lại cho ông Biden một “bãi mìn” ở Trung Đông. Ảnh tư liệu

Những dự đoán

Một khi Biden và đảng Dân chủ chính thức nắm quyền, các nhà lãnh đạo Trung Đông sẽ không còn có thể trao đổi tin nhắn tới tận đêm muộn qua ứng dụng WhatsApp với con rể của Tổng thống Trump hay cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ quan không có vai trò quan trọng. Họ sẽ phải chuyển sang ngoại giao truyền thống, giải quyết mọi việc thông qua đại sứ quán và các phái viên chính thức.

Thứ hai, chính quyền Biden sẽ khiến chính sách đối ngoại Mỹ trở nên dễ đoán hơn giống như trước đây. Tình trạng rối loạn ở trong nước trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump - các cuộc điều tra cấp cao, luận tội, căng thẳng sắc tộc, tranh cãi trên Twitter, sự thay đổi nhân sự liên tục,...- không chỉ ảnh hưởng đến chính trị Mỹ mà còn tác động tới cả các động lực chính trị ở nước ngoài.

Vị tổng thống sắp mãn nhiệm có khuynh hướng thực hiện các động thái chính sách đối ngoại không theo quy tắc nào - sử dụng thuế quan như một công cụ chính trị, tấn công các đồng minh, đe dọa sử dụng vũ lực một cách bừa bãi và phát triển quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên và Taliban của Afghanistan - cũng khiến bối cảnh quốc tế trở nên bất ổn. Ông Biden có thể sẽ mang lại sự tương tác tích cực với các đồng minh truyền thống, đặc biệt là ở châu Âu, và trở lại với những chính sách đối ngoại có thể dễ dự đoán hơn.

Thứ ba, có khả năng sẽ có một sự thay đổi lớn trong các ưu tiên của Mỹ tại Trung Đông. Chính quyền Biden rất có thể sẽ có cách nghĩ giống với giới quyền uy tại Washington, tìm cách rút các nguồn lực của Mỹ ra khỏi Trung Đông để tập trung vào việc ngăn chặn Nga và Trung Quốc- một động thái mà Trump đã khiến khó có thể thực hiện hơn khi ông tìm cách chống lại Iran.

Chính quyền Biden sẽ tìm cách giảm thiểu xung đột trên khắp Trung Đông và rất có khả năng sẽ vấp phải sự phản kháng từ các bên có liên quan vốn đang tìm cách tối đa hóa địa vị chiến lược của họ. Sự thay đổi các ưu tiên chiến lược của Washington dưới thời chính quyền Biden nhằm ngăn chặn Nga và Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu có lẽ sẽ bị các nhà lãnh đạo Trung Đông một lần nữa coi là dấu hiệu thể hiện sự yếu kém và như một lời khẳng định về giới hạn sức mạnh của Mỹ.

Hồng Phúc
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động