e magazine
17:45 | 30/06/2021
Động lực mới trong giảm nghèo bền vững tại huyện Bắc Hà

17:45 | 30/06/2021

Cây trồng dược liệu, du lịch và nông nghiệp hữu cơ được coi là những nguồn lực mới, hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững tại huyện Bắc Hà (Lào Cai).

Động lực mới trong giảm nghèo bền vững tại huyện Bắc Hà

Trải nghiệm thú vị nhất ở Bắc Hà có lẽ là đi xuyên qua các bản làng và mỗi tối nghỉ lại các homestay khác nhau. Mỗi dân tộc lại có cách tiếp đón khách, các món ăn và những tiết mục văn nghệ riêng biệt. Ở bản người Tày thì có homestay Nâng Cân, Hà Thông; ở bản người Mông thì có cơ sở của Hoàng Seo Chô, Lý Vần Sồ….

Homestay của người Mông được hiện đại hóa và đón khách chuyên nghiệp hơn, còn homestay của người Tày còn nguyên sơ và hầu hết là khách và chủ ở cùng nhà sàn. Với sự hỗ trợ của một số tổ chức như CRED, GREAT…; những homestay được điều chỉnh một chút để phù hợp cho khách du lịch.

Người dân có ý thức hơn về di dời chuồng trại, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra họ còn được huấn luyện kỹ năng nấu ăn cho các đối tượng khách khác nhau, kỹ năng đón tiếp khách và cả tiếng Anh. Giường, đệm, rèm, ga gối, nhà vệ sinh hay tất cả những gì thiết yếu để đón khách đều được đầu tư bài bản. Buổi tối, văn nghệ cộng đồng như các điệu múa sinh tiền, múa xoè… Ẩm thực địa phương mang đậm đà bản sắc dân tộc với xôi tím, gạo khẩu hang, gà nướng mắc khén…

Động lực mới trong giảm nghèo bền vững tại huyện Bắc Hà

Du khách đến Bắc Hà có thể ghé thăm và trải nghiệm rất nhiều nghề truyền thống khác như làm cốm, đan lát, hái chè, làm bánh chưng đen, bánh dày… Nón lá cọ ở đây không giống bất cứ nơi nào khác, vì nón dùng nguyên cả tàu lá, được xếp và khâu vô cùng khéo léo.

Bà Vàng Thị Hoa (dân tộc Tày, xã Na Kim, Bắc Hà, Lào Cai) cho biết: “Hiện tại, nghề làm nón lá giờ đã mai một và không còn ai giữ được nghề, tôi là người cao tuổi còn lại duy nhất còn giữ được những kỹ thuật làm nón lá người Tày”.

Chị Thái Huyền Nga, cán bộ dự án CRED, cho biết: “Nghề làm nón tại Na Kim, Bắc Hà là một trong những đặc sắc của người Tày. Hiện nay, người Tày làm nón ngoài việc để phục vụ cho công việc đồng áng thì người Tày ở Na Kim được dự án hỗ trợ để gìn giữ và phát triển nghề thành một sản phẩm du lịch cộng đồng tại Bắc Hà”.

Động lực mới trong giảm nghèo bền vững tại huyện Bắc Hà
Du lịch cộng đồng tại Bắc Hà đặc sắc bởi những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc được lưu giữ.

Động lực mới trong giảm nghèo bền vững tại huyện Bắc Hà

Vùng đất Bắc Hà hôm nay không chỉ có lúa, ngô mà còn có những cánh đồng dược liệu cát cánh. Đây là lợi thế được kì vọng sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Xã Tả Van Chư là một trong những xã của huyện Bắc Hà nằm trong vùng quy hoạch trồng dược liệu có sự liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý). Hiện nay, cây cát cánh là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần tạo thu nhập ổn định, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, nên chính quyền đang vận động Nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng trong những năm tới.

Mô hình này đang được nhân rộng khắp các xã ở Bắc Hà. Dựa vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương phù hợp phát triển nhiều cây dược liệu quý, huyện Bắc Hà có chủ trương vận động bà con trồng cây dược liệu, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật giúp nhiều gia đình đổi đời.

Động lực mới trong giảm nghèo bền vững tại huyện Bắc Hà

Bà Trương Thị Quỳnh Phương, cán bộ dự án GREAT cho biết, vùng trồng cát cánh tại Bắc Hà là một trong những vùng ưu tiên của dự án do đặc thù tài nguyên đa dạng sinh học và đời sống người dân còn khó khăn, ít lựa chọn phát triển kinh tế.

Hiện, bà con nông dân huyện Bắc Hà đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích 43,2ha cây đương quy, đạt trữ lượng trên 244 tấn củ tươi và 28,8ha cây cát cánh, trữ lượng 192 tấn củ, trong đó riêng xã Tả Văn Chư đạt trên 153,9 tấn. Các sản phẩm củ tươi sau thu hoạch được Trung tâm DVNN huyện thu mua hết với giá đã cam kết ổn định (cát cánh 25.000 đồng/kg củ, đương quy 20.000 đồng/kg củ). Sau đó, toàn bộ sản phẩm được chuyển về trung tâm huyện sơ chế, sấy khô và cung ứng, bán cho các Cty dược trong nước.

Với cây dược liệu cát cánh, ngành nông nghiệp huyện Bắc Hà đánh giá, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, đạt từ 80-90 triệu đồng/ha, gấp 5-6 lần so với cấy lúa, trồng ngô. Do đó, bà con rất hăng hái mở rộng diện tích. Huyện Bắc Hà phấn đấu đến năm 2025 trồng được khoảng 200ha dược liệu.

Động lực mới trong giảm nghèo bền vững tại huyện Bắc Hà

Từ một xã vùng sâu vùng xa, thuộc diện khó khăn, Nậm Đét hôm nay vươn mình “trỗi dậy” sau lộ trình 10 năm xây dựng nông thôn mới, đạt 19/19 tiêu chí và là xã thứ 4 của huyện Bắc Hà đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong quá trình ấy, có sự góp sức không nhỏ của một loài cây được coi là cây “xoá nghèo” của người Nậm Đét. Thành quả đó có đóng góp rất lớn từ cây quế, nhất là trong việc thực hiện 2 tiêu chí khó về hộ nghèo và thu nhập. Phong trào trồng quế đã lan ra các xã hạ huyện Bắc Hà như: Nậm Lúc, Cốc Lầu, Bản Cái, Cốc Ly...

Toàn huyện Bắc Hà có 8.200ha quế, trồng mới năm 2019 được 400ha; trong đó, diện tích đến thời kỳ thu hoạch hơn 3.850ha. Từ đầu năm 2019 đến nay, giá trị thu được từ quế gồm: vỏ, lá, hạt, gỗ quế... ước đạt 294 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với năm 2018. Nguồn thu trên 200 tỷ đồng từ sản phẩm quế góp phần giúp Bắc Hà có 1.335 hộ thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Tiến Hồng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà: “HTX quế hữu cơ Nậm Đét được xác định là chủ thể “đủ mạnh” trong việc liên kết, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm ngành hàng quế, có thể đảm nhận việc phát triển sản phẩm OCOP - “Quế hữu cơ Bắc Hà”.

Động lực mới trong giảm nghèo bền vững tại huyện Bắc Hà

Trước đây, gia đình ông Triệu A Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, quanh năm chỉ biết làm nương, trồng lúa, lo chạy ăn từng bữa.

Năm 1998, từ chương trình hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông Sơn đã đăng ký hơn 4.000 cây quế về trồng trên diện tích gần 1ha. Sau hàng chục năm chăm sóc, đến năm 2005, đồi quế của gia đình ông Sơn đã cho thu hoạch. Mỗi năm, bình quân tỉa thưa vườn quế để bán, gia đình thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng. So với năm 2019, thu nhập của gia đình ông Sơn đã đạt khoảng 200-400 triệu đồng, tăng gấp đôi.

Từ bài học sản xuất nông nghiệp của gia đình, ông Sơn mạnh dạn vận động nông dân tại địa phương chuyển đổi diện tích đất hoang, đất đồi bạc màu sang trồng quế. Cách làm của ông đã được nông dân trong thôn hưởng ứng và làm theo.

Đến nay, thôn Bản Lắp là một trong những địa phương có diện tích quế nhiều nhất xã Nậm Đét. Toàn thôn có hơn 500ha quế; trong đó, 400ha đang cho thu hoạch, với thu nhập 700 -800 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo nhờ thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện toàn thôn chỉ còn 8/78 hộ nghèo, 50/78 hộ xây nhà kiên cố.

Động lực mới trong giảm nghèo bền vững tại huyện Bắc Hà

Bài, ảnh: Khánh Huy

Thiết kế: Thanh Tuấn