e magazine
12:03 | 24/01/2022
Đội thiện nguyện vượt hơn 2.000 cây số để tri ân Hà Nội

12:03 | 24/01/2022

Đang ngồi trực tại điểm thu dung bệnh nhân Covid-19 tại Trường Đại học Thuỷ Lợi, quận Đống Đa, anh Hiếu - thành viên tổ thiện nguyện Nhất Tâm nhận được điện thoại đến hỗ trợ bệnh nhân cấp cứu ở phố Trần Quang Diệu. Đây là trường hợp bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền và đang trong tình trạng khó thở.
Đội thiện nguyện vượt hơn 2.000 cây số hỗ trợ F0 để tri ân Hà Nội

Trước tình huống cấp bách đó, anh Hiếu cùng kíp trực đã nhanh chóng "ốm" vô lăng, bật định vị để đến điểm cấp cứu một cách kịp thời nhất. Nhưng trớ trêu là bệnh nhân lại ở khu tập thể cũ với cầu thang bộ, đội hỗ trợ không thể đẩy cáng cứu thương vào tận nhà người bệnh. Không chần chừ, anh Hiếu đã ghé vai cõng bệnh nhân chạy qua mấy tầng cầu thang xuống đất-nơi có cáng và xe cứu thương đang chờ.

Rất khẩn trương, bệnh nhân được đặt vào cáng và đẩy lên xe cứu thương, đưa đến cấp cứu tại bệnh viện. Đây là trường hợp bệnh nhân 60 tuổi ở phố Trần Quang Diệu, phường Quang Trung, quận Đống Đa nhiễm Covid-19 trong tình trạng có nhiều bệnh nền (huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính), bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin và dương tính ngày 19-1-2022. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của thành viên nhóm thiện nguyện, bệnh nhân khi đưa vào bệnh viện đã ổn định hơn.

Đây là một trong rất nhiều ca bệnh trên địa bàn quận Đống Đa được thành viên của nhóm thiện nguyện Nhất Tâm hỗ trợ trong suốt 3 tuần qua.

Giảm áp lực cho nhân viên y tế

Chia sẻ về hoạt động của nhóm, anh Nguyễn Xuân Thăng, Điều phối chung công tác cấp cứu và ô xy, Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm cho biết: Cả nhóm hiện có 8 thành viên thay phiên nhau trực vận chuyển F0 trên địa bàn TP Hà Nội (chủ yếu là hỗ trợ quận Đống Đa và đang mở rộng hỗ trợ sang quận Thanh Xuân, Hà Đông). "Không chỉ có Hiếu mà tất cả anh em trong tình huống cấp bách đều đã trực tiếp cõng người bệnh ra cáng để chuyển lên xe cứu thương. Bởi mọi người đều hiểu đối với bệnh nhân Covid-19 khi đã rơi vào tình trạng khó thở, giảm SpO2 thì mỗi giây phút trôi qua đều vô cùng đáng quý".

Có mặt tại Hà Nội từ ngày 8-1, nhóm thiện nguyện của anh Thăng đã chọn địa bàn quận Đống Đa (khu vực phức tạp nhất về dịch tại thời điểm đó) để hỗ trợ. Trải qua 3 tuần hỗ trợ vận chuyển F0 trên địa bàn với số lượng 80-90 trường hợp mỗi ngày, sự hỗ trợ của các tình nguyện viện trong nhóm đã giúp giảm tải rất nhiều về công việc cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

Khi tôi hỏi "Động lực nào thôi thúc đoàn thiện nguyện lặn lội hơn 2.000 cây số rong đoàn xe cứu thương từ TP Hồ Chí Minh ra Bắc để hỗ trợ Hà Nội vận chuyển F0?", anh Thăng mở lòng: Người sáng lập ra nhóm thiện nguyện Nhất Tâm là anh Trần Thanh Long đã mở ra 22 chuỗi hàng ăn 0 đồng ở Sài Gòn. Khi dịch Covid-19 bùng lên, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ nhóm mua thêm xe để tham chống dịch cùng Sài Gòn. Sau khi Sài Gòn đỡ thì đi hỗ trợ An Giang, Tiền Giang, Vĩnh long.

"Theo dõi tình hình dịch trên cả nước thấy Hà Nội có số ca mắc Covid-19 tăng lên 1.700-1.800 ca mỗi ngày thì anh Long bàn đến chuyện tri ân. Trong đợt dịch ở TP Hồ Chí Minh lực lượng y bác sỹ và 50% tình nguyện viên ở ngoài Bắc vào. Ngoài ra có các nhà hảo tâm hỗ trợ tịnh tài, vật chất để cùng TP Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch. Vì thế, anh em đã nghĩ đến sự trị ân với Nhân dân miền bắc và lực lượng y bác sỹ nên quyết tâm đưa xe ra hỗ trợ. Đúng lúc ấy Hà Nội bùng phát số ca mắc nên chúng tôi đã chọn Hà Nội làm điểm hỗ trợ và ban đầu chọn quận Đống Đa-nơi có nhiều ca mắc ở thời điểm đó. Đến nay nhóm đã mở rộng phạm vi hoạt động sang quận Thanh Xuân. Đồng thời đang triển khai hỗ trợ ô xy cho F0 tại nhà", anh Thăng trải lòng.

Lần này ra Hà Nội nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã bố trí 4 xe, mỗi xe 2 người tham gia hỗ trợ nhau "ôm vô lăng" từ 11g trưa đến khi nào hết bệnh nhân và luân phiên nhau trực đêm, đảm bảo hoạt động thông suốt 24/24g. Gần như ngày nào các xe cũng hoạt động hết công suất. Khắc phục những khó khăn khi mới ra Hà Nội như chưa quen thời tiết, chưa thuộc đường anh em đã vận chuyển an toàn người bệnh đến cơ sở thu dung. Thậm chí có nhiều trường hợp người bệnh từ chối đi điều trị, anh em tài xế và các bạn tình nguyện viên phải vào tận nhà động viên, thuyết phục để đưa họ đi.

Đội thiện nguyện vượt hơn 2.000 cây số hỗ trợ F0 để tri ân Hà Nội

Đánh giá về sự hỗ trợ của nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, ThS-BS. Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Đống Đa bày tỏ: Đội thiện nguyện đến đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc vận chuyển F0 đi khu thu dung. Từ khi có nhóm thì đã đảm bảo việc vận chuyển F0, hỗ trợ tốt cho việc vận chuyển bệnh nhân. Các thành viên trong nhóm xuống phối hợp với người nhà và y bác sỹ ở trạm vận chuyển từ trong nhà ra: cần cáng có cáng, cần xe đẩy có xe đẩy để đưa bệnh nhân ra xe nhanh hơn.

"Nhóm thiện nguyện đã giúp giảm tải rất nhiều cho nhân viên y tế. Trước kia đi đón bệnh nhân có 1 xe thì nhân viên y tế phải đi cùng, giờ mọi thủ tục từ đón bệnh nhân rồi bàn giao hồ sơ bệnh án cho cơ sở thu dung đều do nhóm hỗ trợ từ đầu đến cuối. Họ làm độc lập, không cần chuyên khoa hỗ trợ, chi trong trường hợp cấp cứu mới cần y bác sỹ của Trung tâm đi cùng. Việc vận chuyển F0 đến cơ sở thu dung thường từ chiều đến 7-8g tối là xong chứ không phải làm đêm như trước đã giảm sự vất vả cho cán bộ y tế ở trạm", BS. Nguyễn Chí Thành nói.

Sáu tháng không về nhà vì mải... hỗ trợ chống dịch

Có một điều đặc biệt ở các tình nguyện viên này là họ đã tham gia chống dịch kéo dài đằng đẵng suốt 6 tháng tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây. Suốt thời gian ấy, họ dành hoàn toàn tâm trí, sức lực cho công việc thiện nguyện mà không có thời gian dành cho gia đình. Trong số họ, có nhiều người đã 6 tháng không về nhà, thậm chí gác lại cả việc làm kinh tế để đi làm tình nguyện.

"Anh em trong nhóm thường ngày làm nhiều công việc khác nhau, nhưng từ khi dịch bùng phát ở TP Hồ Chí Minh tất cả đều gác lại để tham gia suốt 6 tháng và giờ lại di chuyển ra Hà Nội. Mọi người đều xác định làm vì cái tâm của mình. Anh em gạt đi những lo toan vật chất để tham gia thiện nguyện mà không nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào", anh Thăng tâm sự.

Từ tâm nguyện ấy, anh Thăng và các thành viên trong nhóm cứ như vậy mải miết theo các chương trình. Bản thânh anh Thăng vốn làm doanh nghiệp xây dựng chủ yếu ở phía Nam, khi dịch bùng phát anh cho nhân viên nghỉ và tham gia thiện nguyện. Suốt hơn 6 tháng qua từ Nam ra Bắc anh chưa ghé thăm nhà dù hiện chỉ ở cách nhà vài chục cây số bởi sợ lây dịch cho gia đình. "Cũng vui là vợ em đã hiểu rằng chồng đi làm thiện nguyện để tích đức cho con nên cũng cảm thông và ủng hộ". Trải qua những ngày đầu xuýt xoa với cái rét của mùa Đông miền Bắc và cả trận cảm lạnh, xổ mũi khiến mọi người nghĩ đến tình huống nhiễm Covid, đến nay anh Cao Thanh Hiếu (40 tuổi ở quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã quen hơn với nhịp sống, những cung đường ở Thủ đô.

Anh Hiếu cho biết, do công việc chính hàng ngày của anh là tài xế chạy xe nên khi tham gia tình nguyện cũng không gặp trở ngại gì ngoài chuyện chưa quen đường Hà Nội. Quá trình hỗ trợ F0 tại TP Hồ Chí Minh nên anh có nhiều kinh nghiệm. Gặp tình huống F0 ở trong những hẻm, ngõ ngách nhỏ hoặc ở khu tập thể cũ không thang máy không không thể đưa cáng lên tận nhà anh và mọi người đều xử lý nhanh chóng, cõng bệnh nhân ra xe...

Kể về cơ duyên khiến anh gắn bó với việc thiện nguyện suốt nửa năm qua, anh Hiếu trải lòng: Khi ở TP Hồ Chí Minh dịch bùng phát em thấy bà con khổ quá nên tham gia hỗ trợ ở phường. Lúc biết đến hội thiện nguyện Nhất Tâm có nhiều hoạt động hỗ trợ nên em đã tình nguyện tham gia khi xóm hết cách ly. Cứ như thế em làm chứ không quan niệm là làm bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày và cũng không đặt ra giới hạn thời gian dừng lại, nhóm đi tới đâu em đi tới đó. "Lúc đầu ba mẹ, gia đình hỏi hết mùa dịch này con tính đi làm không, nhưng em bảo con thấy dịch này bị nhiều quá ba mẹ cho con xin hết năm để con phụ với họ con làm. Gia đình bảo nếu con thích làm việc tốt thì con cứ làm, ba mẹ đều ủng hộ", anh Hiếu bộc bạch.

Cứ như vậy, nhóm thiện nguyện chuyển dịch từ nơi này đến nơi khác để hỗ trợ cho các địa phương chống dịch. "Ban đầu có những bạn gia đình phản ứng đơn giản nhất là lo sợ bi nhiễm bệnh. Nhưng khi mọi người đi làm, gia đình thấy được hiệu quả tốt đẹp giúp đời nên đã ủng hộ. Nếu như mọi người đều từ chối thì xã hội sẽ khó hơn nhiều, khổ hơn nhiều. Bản thân anh em xác định Tết sẽ trực lại ở Hà Nội và cũng được gia đình ủng hộ", anh Thăng thông tin.

Trực xuyên Tết, mở rộng hỗ trợ F0 tại nhà

Những ngày này không khí Xuân đang len lỏi khắp các ngõ ngách, đường phố Hà Nội. Trong những ngày cuối năm ai ai cũng đều hướng đến sự đoàn tụ, sum vầy với gia đình. Các tình nguyện viện ở đây cũng có gia đình đang mong ngóng, tuy vậy họ đã gác lại tình cảm riêng tư ấy để phục vụ cho công việc chung-một công việc không thù lao mà chỉ có cái tâm hướng đến điều tốt đẹp cho cộng đồng.

"Mọi người đã sẵn sàng trực xuyên tết nên giao thừa không phải là điều mọi người hướng đến. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là dịch sớm chấm dứt để anh em tình nguyện viên trở về cuộc sống bình thường lo cho gia đình chứ một đêm giao thừa chưa chắc đã phải mùa Xuân".

Ban đầu, nhóm có mục tiêu hỗ trợ cho địa bàn nhiều phức tạp nhất nhưng sau quá trình hỗ trợ, họ nhận ra rằng còn nhiều F0 chưa tiếp cận kịp thời được với y tế cơ sở nên đã nảy ra ý tưởng mở thêm đường dây nóng hỗ trợ F0 tại nhà.

"Trong những ngày vừa qua, nhóm đã bắt đầu nhận được cuộc gọi từ bên ngoài khi gọi đến y tế mà chưa được đáp ứng ngay. Trước tình trạng ấy nhóm đã có ý tưởng thành lập thêm hotline để hỗ trợ cho các F0 tại nhà. Nhóm đã chuẩn bị 200 bình ô xy, kể cả thuốc do các bác sỹ đầu ngành kê đơn để hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân điều trị tại nhà trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội. Sau 2 tuần được thành lập, mạng lưới này đã hỗ trợ được khoảng 15-20 ca mỗi ngày", anh Thăng cho biết.

Đội thiện nguyện vượt hơn 2.000 cây số hỗ trợ F0 để tri ân Hà Nội

Nói thêm về ý tưởng hỗ trợ F0 tại nhà, anh Thăng tiết lộ: Nhận thấy tình hình dịch tại Hà Nội căng hơn, nhóm đã kết nối mạng lưới hỗ trợ online nhằm hỗ trợ cho F0 tại nhà gồm 120 y, bác sỹ tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các bác sỹ có kinh nghiệm về dịch để tư vấn, hỗ trợ online cho bệnh nhân. Mọi người sẽ phân ra từng khu vực ở khu vực nào hỗ trợ bệnh nhân khu vực đó. Nhóm thực hiện vai trò trung chuyển, bác sỹ không đến được nhưng chỉ định nhóm đến đo khám. Cần thuốc gì thì nhóm trung chuyển, hỗ trợ đi mua thuốc, mang ô xy đến hoàn toàn miễn phí cho người bệnh. F0 trên địa bàn Hà Nội khi có nhu cầu hỗ trợ chỉ cần gọi đến tổng đài hotline: 0795. 686970 hoặc 0988682235 sẽ được đưa lên trang hỗ trợ Zalo của nhóm y bác sỹ online. Bác sỹ sẽ chủ động liên hệ với bệnh nhân để thăm khám.

F0 trên địa bàn Hà Nội khi có nhu cầu hỗ trợ chỉ cần gọi đến tổng đài hotline: 0795. 686970 hoặc 0988682235 sẽ được đưa lên trang hỗ trợ Zalo của nhóm y bác sỹ online. Bác sỹ sẽ chủ động liên hệ với bệnh nhân để thăm khám.

Đội thiện nguyện vượt hơn 2.000 cây số hỗ trợ F0 để tri ân Hà Nội

"Để chiến đấu với Covid yếu tố tinh thần rất quan trọng. Lúc họ đang lo lắng mà không tiếp cận được với y tế thì rất mệt, tỉ lệ trở nặng cao. Khi chúng tôi hỗ trợ ít nhiều về tâm lý sẽ giúp họ vượt chướng ngại tâm lý trong lúc chờ các trạm y tế lưu động, các nhân viên đến thăm khám cũng góp phần giảm đi tình trạng bệnh. Nhóm muốn chung tay, chung phần nhỏ bé với y tế ở các tuyến để chia sẻ bớt gánh nặng", anh Tiến-một thành viên khác của nhóm bộc bạch.

Đến nay, nhóm đã thiết lập được một số trạm ô xy ở Nguyễn Xiển, Bắc Thăng Long. Trạm này kết hợp với y tế cơ sở để khi có trường hợp cần hỗ trợ về ô xy sẽ được tiếp nhận. Với tần suất công việc hiện nay, anh em trong nhóm thiện nguyện đã có phần quá tải nhưng chưa ai nghĩ đến chuyện sẽ buông mà đều cố gắng hỗ trợ tốt nhất. "Nhóm đang điều thêm 2 xe từ TP Hồ Chí Minh ra và mong muốn tình nguyện viện ngoài Bắc đồng hành với nhóm đễ hỗ trợ tài xế, dẫn đường để di chuyển cho nhanh", anh Thăng bày tỏ.

Là địa bàn nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa bày tỏ: Đội thiện nguyện đã hỗ trợ rất tốt. Trước đây khi chúng tôi gọi 115 đến vận chuyển bệnh nhân thì quá tải nên hàng tiếng đồng hồ mới có. Quận đã chủ động thuê công ty vận chuyện cấp cứu bên ngoài với có 5-7 xe nhưng vẫn bị quá tải. Nhóm Nhất Tâm đã đến hỗ trợ 24/24g nên lượng F0 được vận chuyển đi cơ sở thu dung, điều trị rất nhiều. Sự hỗ trợ này vô cùng quý báu. Mặc dù đội thiện nguyện không yêu cầu hỗ trợ nhưng Trung tâm Y tế đã đề xuất UBND quận bố trí chỗ ăn nghỉ cho họ ở khu thu dung trạm y tế lưu động của quận để giúp anh có chỗ ăn, nghỉ để đảm bảo sức khoẻ trong khi chờ vận chuyển bệnh nhân.

Thịnh An thực hiện

Ảnh: X.T-P.C