Thứ sáu 29/03/2024 21:30

Để thành quả chống dịch được bền vững…

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Suốt 2 tháng qua, các cấp chính quyền TP Hà Nội, đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cả lực lượng CA, Quân đội và các lực lượng chức năng khác đã căng mình, ngày đêm gắng sức để giúp Hà Nội chiến thắng Covid, nhưng có lẽ khi người dân còn chưa nâng cao ý thức của chính mình trong phòng, chống dịch bệnh thì e rằng mọi sự nỗ lực, cố gắng suốt những ngày qua của các cơ quan chức năng khác sẽ đổ xuống sông, xuống biển.
Người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch
Người dân cần nâng cao ý thức và tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu đạt được uổng phí vì sự chủ quan.ảnh: Khánh Huy

Một phút lơ là sẽ làm hỏng mấy chục ngày cố gắng

Tối 21-9, tức đêm trung thu, nhiều tuyến phố tại khu vực trung tâm TP Hà Nội rơi vào cảnh ùn ứ. Hàng ngàn người và phương tiện đổ ra đường. Ngày 21-9 cũng là ngày đầu tiên Hà Nội chuyển thực hiện giãn cách xã hội từ theo Chỉ thị số 16 sang Chỉ thị số 15. Với việc bãi bỏ giấy đi đường, cộng thêm thời gian dài thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 trước đó, nhiều người ùa ra đường với tâm lý “đi hít thở không khí đường phố”. Những người tham gia vào dòng người đêm đó dường như họ quên mất rằng Hà Nội vẫn đang thực hiện công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15, họ quên rằng dịch bệnh vẫn đang hiện hữu và các lực lượng chức năng thì vẫn đang phải ngày đêm căng mình để giữ vững thành quả chống dịch suốt những tháng ngày qua.

Nhiều người cho rằng, Hà Nội “mở cửa” thì dân mới ra đường và tại sao chính quyền lại ra quyết định mở cửa vào đúng dịp Trung thu. Họ cho là vậy nhưng họ không hiểu hết được rằng Hà Nội chỉ điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 15, trong đó cho phép, nới lỏng một số hoạt động chứ đâu đã ra quyết định "mở cửa". Người dân vẫn được yêu cầu chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, không tụ tập quá 10 người nơi công cộng và giữ khoảng cách 2 mét. Bởi, trước khi đưa ra quyết định nới lỏng, điều chỉnh các biện pháp chống dịch, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, đã đưa ra nhận định: “Dù đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng đối với dịch bệnh thì "không thể nói trước điều gì" và hiện tại TP vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Hà Nội vẫn còn F0 ngoài cộng đồng dù đã tầm soát diện rộng và chúng ta phải xác định sống chủ động, sống an toàn với Covid-19”.

Dòng người đổ ra đường đêm Trung thu, chẳng ai biết có bao nhiêu người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thậm chí có người còn chưa tiêm mũi 1, đặc biệt trẻ em dưới 18 tuổi còn chưa được tiêm vắc xin. Dịch bệnh thì chẳng chừa ai cả. Và, vắc xin chỉ là để giảm hậu quả nghiêm trọng nếu không may có mắc Covid-19, chứ có tiêm 2 mũi vắc xin không có nghĩa là miễn nhiễm với Covid-19.

Đến thời điểm này, vẫn còn rất nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế vẫn đang ngày đêm vật lộn với khó khăn, giành giật sự sống cho các F0 (nhất là F0 nặng, rất nặng). Họ không có khái niệm thời gian, không có khái niệm nghỉ ngơi, lấy sức… ngay cả bữa ăn cũng “quên” luôn dù đói lả, giấc ngủ thấp thỏm, chập chờn, những đôi mắt quầng thâm do bao đêm thức trắng. Bao nhiêu ngày họ chưa được về nhà, bao nhiêu ngày họ rời xa người thân, bố mẹ, vợ chồng, con cái để đi vào tuyến đầu chống dịch. Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn dài và sẽ còn nhiều câu chuyện về sự hy sinh chưa được kể.

Chủ quan thì dịch bệnh lại bùng lên

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng, một bộ phận người dân đã quá chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh khi vẫn đi chơi Trung thu rất đông, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, Hà Nội hiện nay vẫn còn nguy cơ dịch Covid-19, chính quyền TP nới lỏng nhưng ý thức người dân lại không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Hiện dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Đây là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, TP Hà Nội cũng phải hết sức thận trọng vì dịch bệnh một số tỉnh vẫn phức tạp. Hà Nội nới lỏng giãn cách là đúng đắn, tuy nhiên sau một thời gian dài giãn cách người dân có tâm lý "muốn ra đường" do vậy cần hết sức chú ý, do tình hình dịch của TP vẫn phức tạp.

Trao đổi với báo chí xoay quanh việc người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu (21-9), Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc làm của người dân như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch; thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, rất đáng trách là rất nhiều phụ huynh đã đưa cả trẻ em đi cùng. Thông qua sự việc đêm 21-9, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong mong rằng mọi người dân đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô hãy rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhất là thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế.

PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, thời điểm này, người dân không nên chủ quan. Càng lúc này, người dân càng phải nâng cao ý thức, nâng cao cảnh giác. Người dân cứ chủ quan lơ là thì dịch bệnh lại bùng lên. Nếu người dân không ý thức phòng dịch thì lúc đó mọi nỗ lực lại phải làm từ đầu, lại giãn cách, phong toả…Do đó, thời điểm này càng cần cảnh giác cao độ vì các hoạt động phòng bệnh của người dân không được kiểm soát một cách nghiêm ngặt như trong thời điểm giãn cách.
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động