e magazine
06:00 | 09/03/2024
"Đánh cắp mặt trời" chiếu sáng non cao

06:00 | 09/03/2024

"Nếu không có điện tại sao chúng ta không Đánh Cắp Mặt Trời. Và cũng chính từ lúc đó, trong tâm tôi đã mong muốn làm chương trình này và hi vọng một ngày nào đấy không xa sẽ có thể mang điện cũng như ánh sáng đến với nhưng người dân của đất nước mình" - Én đồng Thành Trung chia sẻ
"Nếu không có điện tại sao chúng ta không "đánh cắp mặt trời"? Và cũng chính từ lúc đó, trong tâm tôi đã mong muốn làm chương trình này và hi vọng một ngày nào đấy không xa sẽ có thể mang điện cũng như ánh sáng đến với những người dân của đất nước mình" - "Én đồng" Thành Trung chia sẻ.

Mỗi khi đêm xuống, người dân các bản vùng cao, vùng sâu vùng xa nơi chưa có điện sẽ chìm trong bóng tối, mọi hoạt động sẽ được tạm dừng cho đến khi bình minh ngày hôm sau chiếu rọi. Ánh sáng mặt trời là thứ duy nhất có thể chiếu sáng và giúp người già nhìn thấy đường đi, người lớn có thể làm việc và trẻ em sẽ được học tập.

Những địa điểm vùng cao, vùng sâu vùng xa mà Từ Thiện Thật trực tiếp đến khảo sát và tiền trạm đều là những nơi người dân đã phải trải qua hàng chục năm chưa có điện, những đứa trẻ lớn lên tại nơi ấy gần như không được tiếp xúc sớm với nền văn minh, không xem được các thông tin báo đài bổ ích, không được học kiến thức thông qua các chương trình trên ti vi và điều diễn ra thường ngày của một đứa trẻ đang đi học đó là ánh đèn để học bài mỗi tối cũng không có sau khi ánh sáng mặt trời biến mất.

“Một ngày nọ, tôi vô tình bắt gặp một bài báo nước ngoài viết về chủ để năng lượng xanh, năng lượng mặt trời. Tôi vào đọc và xem video về chương trình ấy. Theo dõi và đọc hết bài báo tôi đã vô tình được nghe một cụm từ “Nếu không có điện tại sao chúng ta không đánh cắp mặt trời”. Và cũng chính từ lúc đó, trong tâm tôi đã mong muốn làm chương trình này tại Việt Nam và hi vọng một ngày nào đấy không xa sẽ có thể mang điện cũng như ánh sáng đến với nhưng người dân của đất nước mình, vì tôi biết còn rất nhiều nơi trên tổ quốc, người dân vẫn chưa có điện do quãng đường đi đến họ thật sự rất khó khăn vất vả và gian nan”, Thành Trung, Chủ nhiệm CLB Từ Thiện Thật, chia sẻ.

Cái tên “Đánh cắp mặt trời“ đã được sinh ra từ đó.

“Có điện rồi”

Ngày điện về, anh Triệu Quý Tiến đứng dưới chân nhà, xung quanh là mấy đứa trẻ con cũng đang háo hức nhìn chăm chú các anh kỹ thuật điện đang leo thang trèo trên mái nhà để lắp đặt từng tấm điện năng lượng mặt trời. “Vui lắm, háo hức lắm, hơn 20 năm rồi giờ bản mới thực sự có điện” – Anh Tiến nói to và hân hoan.

Một nhà được lắp điện, những nhà xung quanh cũng háo hức kéo đến xem điện mặt trời nó là cái gì. Bởi trong suy nghĩ của những người dân bản, biến mặt trời thành điện để đun nấu giống như biến không thành có như một phép màu. Ai cũng mong nhanh xong nhà này để đến lượt nhà mình được lắp. Cả bản có hơn chục hộ nhưng tiếng nói cười râm ran vui như ngày Tết.

“Nhà mình được lắp điện mấy hôm rồi, lắp đợt trước rồi. Trước kia phải dùng điện tuabin nước, phải kéo dây mấy trăm mét nên không được ổn định, chỉ dùng bóng điện tù mù và thiết bị nhỏ thôi. Nắng quá thì nước không đủ để có điện, mưa quá, nước to thì trôi hoặc hỏng máy, bất tiện. Lại phải thay bi thường xuyên” – anh Triệu Quý Tiến nói.

Rất nhanh, anh Tiến nghĩ đến việc sẽ mua một vài thiết bị điện trong gia đình sau khi có điện mặt trời. Theo lời các kỹ thuật điện, lượng điện tạo ra đủ để sử dụng cho nhiều mục đích nên anh Tiến đang nghĩ sẽ mua máy xát nhỏ để xát lúa cho mình và bà con.

Cách đó khoảng nửa km, ông Triệu Đức Phẩy đi xe máy ra để chỉ đường cho các kỹ thuật điện đường đến nhà mình. Rất mong ngóng được lắp điện bởi nhà ông Phẩy hơn 20 năm nay cũng chỉ có điện nước phập phù.

Ngày 14/1/2024, CLB Từ Thiện Thật đã đặt xuống những tấm pin năng lượng mặt trời cuối cùng, chính thức đưa điện tới 100% hộ dân tại bản Khuôn Kặt, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Bản Khuôn Kặt từ một địa danh không xuất hiện trên bản đồ Google nay đã được chiếu sáng.

Việc đưa điện mặt trời về với bản Khuôn Kặt là sự nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân. Một bộ điện năng lượng mặt trời bao gồm một tấm pin diện tích 1mx2m tạo ra lượng điện 500Wh/h, một bộ đổi điện và một bộ lưu trữ điện.

Lượng điện tạo ra tương đối lớn, đủ để dùng vài thiết bị điện có công suất từ 500Wh trở xuống. Công suất điện này là thoải mái để sử dụng cho một hộ dân tại đây có thể chiếu sáng cả ngày, sạc điện thoại, sạc đèn, chạy ti vi, tủ lạnh nhỏ hay nồi cơm thấp tần…

Đưa điện lưới tới các bản làng heo hút trong rừng sâu hay cheo leo nơi vách núi chưa bao giờ là điều dễ dàng do địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt hay đặc thù phân bố quần cư. Trong thời gian đó, điện mặt trời là lựa chọn lý tưởng nhất.

Ông Nguyễn Trần Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, do đặc thù của bản Khuôn Kặt nên UBND huyện chưa có chủ trương đưa điện lưới Quốc gia về đây, Từ Thiện Thật đưa điện mặt trời tới là một hoạt động ý nghĩa dành cho bà con nơi đây, đóng góp lớn cho sự phát triển của địa phương.

Trong hơn 20 năm qua, bản Khuôn Kặt luôn là bản nghèo và khó khăn nhất tại huyện Lâm Bình. Do hộ dân không nhiều, lại phân bố rải rác khiến việc đưa điện lưới về bản gặp nhiều khó khăn. Giờ đây, đã có điện mặt trời, công suất điện tạo ra cũng khá lớn, có điện rồi, người dân sẽ làm được nhiều việc như nghe đài, xem tivi. Người dân cũng sẽ được lắp loa truyền thông của thị trấn, rất tiện trong việc tuyên truyền, vận động người dân trong bản thực hiện các chính sách của Đảng, nhà nước.

“Trước đây, khi không có điện, người dân có khi còn phải chạy ra ngoài thị trấn chỉ để sạc pin điện thoại nhưng nay thì khác rồi. Có nguồn điện tại chỗ, người dân bản Khuôn Kặt sẽ chủ động về công việc và có sự thay đổi về cuộc sống. Với việc Từ Thiện Thật lắp đặt điện mặt trời tại bản Khuôn Kặt, đến nay 100% người dân tại thị trấn Lăng Can đã thật sự có điện” – ông Nguyễn Trần Tiến cho biết.

3 năm cho một hành trình

Để theo đuổi dự án, cách đây 3 năm, Thành Trung cùng các thành viên cốt lõi của CLB Từ Thiện Thật đã đi nhiều bản vùng cao từ miền Trung ra Bắc để khảo sát.

Bản Xía Nọi (Thanh Hoá) là nơi đầu tiên mà anh ấp ủ sẽ đưa điện tới khi lần đầu đặt chân tới đây. Tác giả cũng may mắn được tham gia hành trình ấy, hình ảnh một ngôi làng nhỏ xinh đơn sơ hoàn toàn không có dấu vết của công nghệ, không có điện lưới, cũng chẳng có ti vi, những dòng điện nhỏ từ những chiếc tuabin điện nước chỉ đủ chiếu những ánh đèn lờ mờ khi tối trời và phe phẩy nhẹ chiếc quạt khi trời nóng. Trung nhìn và mường tượng ra những đổi thay khi nơi này sẽ có điện về.

“Tuy nhiên, ngay sau chuyến khảo sát của chúng tôi, bản Xía Nọi đã được UBND tỉnh thực hiện kéo điện lưới về. Buồn vì chúng tôi không thể làm được nữa nhưng vui hơn nhiều vì bà con đã có điện. Chúng tôi cũng liên tục có những chuyến khảo sát nữa và cuối cùng đã chọn bản Khuôn Kặt (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) để thực hiện thí điểm. Chúng tôi đã làm được, chúng tôi thực sự đã đợi 3 năm để cho khoảnh khắc này” – Thành Trung chia sẻ.

Bùi Xuân Trường (tên thật của chàng Rapper đắt giá nhất hiện nay – Double2T) được nhiều người biết tới sau bản hít À Lôi và đặc biệt trở thành cái tên được nhắc tới nhiều sau khi đăng quang ngôi vị quán quân Rap Việt mùa 3.

Bên cạnh những câu chuyện truyền cảm hứng từ anh thợ tóc làng đến Rapper đắt giá, ít người biết Double2T cũng là một trong những tình nguyện viên của Từ Thiện Thật, từ chính những mong ước của bản thân thuở nhỏ và những lý tưởng của người anh Thành Trung, Xuân Trường nhận thấy dường như đây chính là cái mà người ta vẫn gọi là “đúng người, đúng thời điểm”. Cuộc gặp gỡ của hai tâm hồn đồng điệu cùng hướng về cộng đồng đã cùng vun đắp thêm niềm tin và mong muốn về những bản cao sẽ có điện.

Mọi thứ đến đều rất tự nhiên, trong cả cuộc gặp gỡ và trong cả tâm thức. Trường ý thức được rằng mọi thứ dường như đã được an bài để cậu gặp được người có thể truyền thêm động lực và cảm hứng để Trường có thể thắp sáng bản làng nơi quê hương. Từ tận sâu trong lòng, chàng Rapper Double2T hiện tại vẫn nhớ như in những ngày tháng thiếu thốn điện và cậu muốn làm điều ý nghĩa cho những đứa trẻ lớn lên giống như mình trước đây.

“Ngày em sinh ra thì vào lúc nửa đêm, vì ở khu vực đó chưa có điện và bệnh viện, nên bố em phải lần mò chạy đi tìm bà đỡ đẻ, và cứ thế em được sinh ra. Tuổi thơ của em gắn liền với chiếc đèn dầu. Rồi sau này có máy phát điện tự chế, đặt ở dưới thác nước, nếu mùa mưa thì điện đủ để thắp sáng, còn mùa khô thì không có điện. Em nhớ hồi đó chỉ khoảng 7-8h tối là mọi người đã đi ngủ hết rồi, vì không có điện thì cũng chẳng biết làm gì, đi đâu” – Bùi Xuân Trường nhớ lại.

“Đánh cắp mặt trời đến với em như một cái duyên, khi em được nghe về dự án và nghe bản demo “Đánh cắp mặt trời”. Em muốn viết một bản Rap về cuộc sống chưa có điện của mình hồi nhỏ. Và khi nghĩ đến cuộc sống khó khăn của những người dân ở nơi chưa có điện, em muốn tham gia và thực hiện chiến dịch này” – Double2T chia sẻ.

Ngay sau khi đăng quang quán quân Rap Việt mùa 3, Double2T từng chia sẻ, bây giờ anh chàng sẽ muốn về quê mở tiệc khao cả làng, mở một phòng thu miễn phí cho trẻ em yêu âm nhạc và thực hiện dự án mang điện lên bản cao.

“Mọi người có thể thấy mình mang âm nhạc dân gian, âm hưởng miền núi vào trong nhạc rap mình có lí do riêng.

Thứ nhất là em rất yêu bản sắc nơi mình sống. Thứ hai đó là dự định, ước mơ từ đầu vì em sinh ra ở một nơi không có điện và đến bây giờ cuộc sống đã tốt hơn. Em đã có phần thưởng, mình hi vọng trong năm nay mình có thể thực hiện dự án ước mơ của mình: mang điện lên bản làng, thắp sáng những bản làng trên vùng cao".

Chiếu sáng non cao

Tại Khuôn Kặt - bản nghèo khó khăn nhất của thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên QUang, khoảng 11 hộ dân với chủ yếu là người dân tộc Dao từ bao đời nay đã quen với những khó khăn vất vả và với cả bóng tối. Không có điện lưới, đồng bào phải tiết kiệm từng chút điện nước với nguồn điện nhiều khi không đủ để sạc điện thoại.

Không có điện, đồng nghĩa với việc người dân không có cơ hội được tiếp cận với các nguồn thông tin, tiến bộ mới. Không có điện, đồng nghĩa với việc đứng ngoài dòng chảy phát triển chung của xã hội. Cuộc sống mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy của cái nghèo.

Do đặc thù về vị trí địa lý và quần cư với số hộ dân chỉ mười mấy hộ, các hộ lại cách xa nhau nên chưa thể kéo được điện lưới. Trong 20 năm qua, những ánh đèn tù mù từ điện nước, ánh mặt trời, ánh trăng là nguồn sáng duy nhất của bà con. Điện năng lượng mặt trời là một nguồn sáng mới, thắp sáng bản làng và cả tương lai nơi đây.

Chàng trai Rapper Double2T Bùi Xuân Trường vẫn còn nhớ như in cái cảm xúc khi lần đầu mang điện về với quê hương của mình. Theo lời Trường kể, khi cậu cùng với các kỹ thuật viên đưa điện về, những người dân bản làng rất tò mò không biết kia là “cái thứ gì” mà có thể biến ánh sáng thành điện – thứ xa xỉ mà gần như cả cuộc đời của họ chưa từng được sử dụng thoải mái.

“Khi em cùng mọi người mang những tấm pin năng lượng mặt trời về, người dân hầu hết vẫn chưa hiểu đấy là gì. Em nhớ cảm xúc khi em tự tay bật cầu dao lên, mọi người đều hô lên “có điện rồi” em rất xúc động và hạnh phúc khoảnh khắc đó” – Trường chia sẻ.

Hành trình “cõng điện” lên bản Khuôn Kặt là một hành trình không dễ dàng. Địa hình phức tạp, đường giao thông chỉ là đường đất, một hành trình chỉ khoảng hơn 2km nhưng hơn 20 năm mới thực sự có điện.

Kỹ thuật viên Đỗ Hồng Dương (Công ty điện mặt trời Sunemit) cho biết: “Tôi thực sự rất xúc động khi được tham gia vào dự án ý nghĩa này. Chúng tôi đã tham gia lắp đặt điện nhiều nơi nhưng bản Khuôn Kặt này là nơi cho chúng tôi nhiều cảm xúc nhất. Nhận thấy những giá trị ý nghĩa của CLB Từ Thiện Thật nên ban lãnh đạo Công ty cũng đã chỉ đạo để chúng tôi thực hiện nhanh nhất, cẩn thận nhất, toàn bộ công lắp đặt sẽ là miễn phí”.

Những ngày đầu năm mới, các hộ dân vui mừng nhìn cái thứ “phép thuật” kì diệu biến ánh sáng mặt trời thành điện, và hơn thế là vui mừng khi cuộc sống từ nay đã thật sự đổi thay vì đã có điện.

Ông Bàn Văn Thông (55 tuổi) vừa phụ vợ trong bếp nấu cơm, vừa vui cười kéo thêm một bóng đèn điện nữa xuống gian bếp tù mù ánh đèn. “Từ nay vợ tôi không phải nấu cơm trong bóng tối nữa rồi. Điện về, đèn sáng cả một gian. Ăn cơm cũng sáng sủa hơn bao nhiêu” – ông Thông nói.

Cách đó chỉ vài bước chân, nhà anh Triệu Quý Tiến cũng vừa xong mâm cơm, vừa hồ hởi bày cơm ra giữa nhà, vợ chồng anh Tiến vừa kéo mọi người vào cùng chung mâm vì “chả mấy khi nhà sáng đèn, đông người như hôm nay”. Anh Tiến kể, trước đây điện nước chỉ đủ cho phát ánh đèn mập mờ, sạc điện thoại cũng phải chạy ra ngoài, nay thì đèn sáng cả gian nhà to, sạc điện thoại xả láng cũng chẳng lo.

Ở ngay bên cạnh, vợ anh Tiến cũng nói chêm vào đôi câu: “Mấy hôm nữa mua cho tôi cái máy sấy tóc nữa, mùa đông lạnh gội đầu xong không cần phải chịu lạnh đợi khô tóc nữa. Các con cũng được sấy sưởi cho ấm người”.

Chiếu sáng tương lai

Thành Trung tâm sự, đối với Từ Thiện Thật, giúp một đứa trẻ có thể biết ước mơ của mình là gì và có thể thực hiện hóa nó thì đây là điều tuyệt vời nhất của một chương trình từ thiện. Mang điện đến muôn nơi chính là sứ mệnh lớn nhất của “Đánh Cắp Mặt Trời“.

Và mục đích của chương trình là muốn thông qua “Đánh cắp mặt trời“ những người dân tại các bản vùng cao, vùng sâu vùng xa sẽ có được một nguồn điện ổn định hơn, có thể thắp sáng bản vào ban tối, có thể cho con em mình xem 1 chương trình ti vi bình thường như những đứa trẻ ở thành phố hay có thể cho một người mẹ già yếu 1 chiếc quạt mát trong ngày hè nóng nực và đôi khi chỉ là một bữa cơm ngon hơn khi có ánh đèn sáng chiếu rọi…

“Khi ánh đèn được bật lên. Tôi vô cùng hạnh phúc, cảm xúc rất khó tả. Nước mắt cứ ứa ra khi thấy họ có ánh sáng và nghĩ cuối cùng sau 3 năm ấp ủ thì chiến dịch cũng đã bắt đầu được khởi động. Tôi kì vọng năm 2024 sẽ có thể tháp sáng thêm được 3 bản chưa có điện và song song với Đánh Cắp Mặt Trời còn có dự án Em Bé Chất mang khu vui chơi và thư viện cho các em nhỏ vùng cao. Hi vọng rằng các em sẽ có 1 tương lai tốt đẹp hơn” – Thành Trung sự.

Dường như có một sự liên kết vô hình giữa Trung và Trường khi cả hai cùng có chung một tâm niệm đó là mong ước mang điện đến những bản làng xa xôi, giúp các em nhỏ có nguồn ánh sáng ổn định để học bài.

“Càng vào sâu các vòng sau, em càng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là người miền núi. Em thấy mình truyền được cảm hứng và động lực cho những người có cùng xuất phát điểm như em. Nên càng ngày em càng cố gắng nhiều hơn.

Mình càng thành công, càng nổi tiếng thì mình sẽ giúp được nhiều người, lan toả được nhiều thứ. Em muốn làm một điều gì đó cho quê hương, cho những nơi còn khó khăn, và đặc biệt em muốn thực hiên tâm nguyện mang điện về bản.

Hơn thế nữa, em cũng góp chút sức nhỏ để nâng đỡ và giúp các em nhỏ ở quê hương có quyền được ước mơ và thực hiện ước mơ” – Xuân Trường tâm sự.

Những con đường di chuyển vào bản làng rất khó khăn, có những điểm cách xa vài km đường rừng. Khi gặp mưa thì không thể di chuyển bằng xe máy mà phải đi bộ. Những địa điểm được Từ Thiện Thật chọn đều là những nơi người dân đã rất lâu rồi sống trong cảnh không có điện vì ở đó rất xa các trạm điện của nhà nước. Cũng rất khó có thể kéo điện vào đó vì người dân họ ở cách xa nhau chứ không tập trung.

“Đánh cắp mặt trời” đã thực sự vào guồng quay, sự ấp ủ và chuẩn bị trong ba năm để chiến dịch được khởi động đã được đền đáp. Những ánh đèn đã sáng lên, cuộc sống của nhiều người đã thay đổi và tương lai của những đứa trẻ nơi bản cao cũng sẽ tươi sáng hơn.

Nội dung: Khánh Huy

Ảnh: Khánh Huy, NVCC