Thứ tư 24/04/2024 15:51

Đằng sau lệnh ngừng bắn ở Nagorny-Karabakh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cuối tháng 11-2020, Armenia và Azerbaijan đã ký thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến giành quyền kiểm soát Nagorny-Karabakh. Thỏa thuận cũng bảo đảm việc thiết lập một hành lang trên bộ nối Nagorny-Karabakh với Armenia và do Nga kiểm soát. Bên cạnh đó là các điều khoản về việc lực lượng Armenia từng bước rút khỏi các lãnh thổ của Azerbaijan quanh Nagorny-Karabakh trước ngày 1-12.

Thỏa thuận trên khiến người Armenia hết sức bất bình, bất chấp thực tế văn bản này ngăn chặn một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng. Trong cuộc xung đột Nagorny-Karabakh lần này, các bên tham chiến đã sử dụng một số loại vũ khí hiện đại như máy bay không người lái, áp dụng chiến lược chiến tranh hỗn hợp và dùng đến cả ảnh hưởng chính trị. Không chỉ là cuộc xung đột đem tới nhiều bài học và kinh nghiệm về quân sự và chiến lược mà có thể áp dụng cho nhiều cuộc chiến trên toàn cầu, những gì diễn ra còn đặt ra một số câu hỏi mà các tổ chức quốc tế và một số quốc gia sẽ không dễ tìm được câu hỏi.

Thỏa thuận ngừng bắn đã khép lại 6 tuần giao tranh ác liệt tại khu vực Nagorny-Karabakh thuộc lãnh thổ Azerbaijan có phần đông là cộng đồng người Armenia sinh sống, và là nơi Baku mất quyền kiểm soát trong cuộc chiến cay đắng hồi những năm 1990. Karabakh tuyên bố độc lập đã gần 30 năm, song không được cộng đồng quốc tế công nhận và theo luật pháp quốc tế thì nơi đây vẫn là một vùng đất thuộc chủ quyền của Azerbaijan. Tranh chấp vẫn âm ỉ hàng thập kỷ bởi phần lớn cư dân tại đó là người Armenia.

dang sau lenh ngung ban o nagorny karabakh
Cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng của các bên tham chiến. Ảnh tư liệu

Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ có những lý do để hoan nghênh lệnh ngừng bắn, song với sự giận dữ ngày càng tăng trong dư luận Armenia và sự bất mãn của người dân Nagorny-Karabakh, chưa rõ “hòa bình” sẽ kéo dài bao lâu. Điều này cũng là dễ hiểu bởi giới lãnh đạo Armenia đã bị rơi vào thế bí, không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải có những quyết định nhằm hạn chế tổn thất sau khi đã mất TP Shusha, khu vực có giá trị chiến lược do nằm ở vị trí có thể quan sát được TP Stepanakert và con đường nối Armenia với Nagorny-Karabakh. Người Armenia không chỉ thất vọng trước sự thờ ơ của các đồng minh và Nga, mà còn tức giận vì bị đẩy vào những hỗn loạn trong khu vực.

Không quá khi cho rằng cuộc xung đột Nagorny-Karabakh đã phơi bày những yếu kém của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) trong việc giúp đỡ các đồng minh của họ khi khủng hoảng bùng phát. Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về mặt chiến lược chính là việc thực tế này đã tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho phong trào cực đoan hóa Hồi giáo, cũng như tham vọng quá mức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - trở thành một “Quốc vương Hồi giáo,” khôi phục Đế chế Ottoman và kiểm soát các đường ống dẫn dầu mỏ cũng như khí đốt trong khu vực. Đây là khu vực có lịch sử thù địch, song người ta cho rằng chính Erdogan là người đã châm mồi lửa làm bùng lên những xung đột gần đây.

Thực tế là Tổng thống Erdogan đã công khai hỗ trợ cuộc xung đột với các loại vũ khí truyền thống và đưa lính đánh thuê từ các quốc gia có chung “chí hướng” như Pakistan và Syria tới chiến đấu dưới danh nghĩa Azerbaijan, giúp Baku giành chiến thắng và từ đó đảm bảo ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đối với các quốc gia cũng như lực lượng vốn tin vào phiên bản cấp tiến của đạo Hồi. Tác động mà người ta có thể thấy ngay chính là thực tế xu hướng cấp tiến đang len lỏi trong lòng EU nhanh hơn những gì họ nghĩ, bởi liên minh này cho đến nay vẫn khoanh tay đứng nhìn cuộc thảm sát nhằm vào người Armenia theo Cơ Đốc giáo và chưa hề có bất cứ động thái nào nhằm trừng phạt Ankara.

Xung đột Nagorny-Karabakh cũng cho thấy sự chia rẽ trong NATO bởi tổ chức này không thể có những hành động mang tính quyết định nhằm đương đầu với mối đe dọa mà đồng minh phải đối mặt. Bất chấp vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ và thực tế nhiều hệ thống vũ khí của NATO đang được triển khai tại quốc gia này, đã đến lúc NATO phải sắp đặt lại trật tự trong “ngôi nhà chung” của mình bằng cách trừng phạt Erdogan. Trong khi Mỹ và Pháp đang đối mặt với không ít rối ren nội bộ, NATO như “rắn mất đầu” và trở nên mất phương hướng. Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu thời đại của các liên minh đã chấm dứt trong một thế giới kết nối đầy phức tạp như hiện nay hay chưa? Và liệu có còn cơ hội để các nền dân chủ tập hợp lại cùng nhau tại các khu vực khác như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chống lại mối đe dọa như Trung Quốc đang đặt ra với thế giới hay không?

Mất mát lớn nhất là danh tiếng của Nga, quốc gia lựa chọn vai trò trung gian, bán vũ khí cho cả hai bên tham chiến, bất chấp việc Moscow có liên minh quân sự với Armenia và vẫn đang duy trì căn cứ quân sự tại nước này. Nga khẳng định họ không bị lôi kéo vào xung đột với Azerbaijan, trừ khi chính lãnh thổ Armenia bị đe dọa. Nga đã phơi bày sự yếu kém trong việc kiểm soát Erdogan, ngăn chặn thảm họa diệt chủng đối với người dân thuộc lãnh thổ Liên Xô trước đây, và thậm chí là kích động các tay súng cấp tiến tại Syria đối đầu với những người Cơ Đốc giáo trong khu vực. Việc thúc đẩy thỏa thuận hòa bình đơn phương và triển khai các binh sỹ gìn giữ hòa bình của Nga tại vùng lãnh thổ tranh chấp tại Caucasus để đảm bảo kết nối hành lang trên bộ tới Nagorny-Karabakh, cùng với việc rút người Armenia khỏi Nagorny-Karabakh là một phản ứng quá hời hợt và quá chậm.

Cuộc xung đột cho thấy chiến tranh hỗn hợp là một thực tế, thậm chí là trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia. Ý tưởng thuê các lính đánh thuê hay những kẻ khủng bố, lợi dụng niềm tin tôn giáo của những đối tượng này, là điều hoàn toàn khả thi - đúng như cách mà Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đã làm. Đây là một xu hướng nguy hiểm cần sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Hồng Phúc
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động