Thứ sáu 19/04/2024 18:23

Đại dịch Covid-19 tại Indonesia: Vì sao khủng hoảng ngày càng trầm trọng?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau 9 tháng liên tục vật lộn với đại dịch Covid-19, dường như Indonesia - quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á - vẫn thất bại. Kể từ khi Indonesia tuyên bố các trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên vào tháng 3-2020, đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành.

Số trường hợp mắc Covid-19 hàng ngày vẫn tiếp tục phá vỡ kỷ lục bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, từ việc thực hiện các chiến dịch giãn cách xã hội đến việc phong tỏa cục bộ ở một số TP.

Tuần trước, Indonesia đã phá kỷ lục về số ca nhiễm mới hàng ngày với 6.267 trường hợp, trong khi cách đó chỉ 5 ngày, con số kỷ lục là 5.534 trường hợp. Số trường hợp được xác nhận mắc Covid-19 đã lên tới con số 534.266.

Đây là con số cao nhất ở Đông Nam Á, và trên thực tế, số ca nhiễm có thể còn cao hơn. Hơn 95% các quận trên khắp Indonesia đều có ca nhiễm. Năng lực xét nghiệm của Indonesia cũng rất hạn chế. Tỷ lệ tử vong 3,1% của Indonesia cũng cao hơn tỷ lệ tử vong toàn cầu (2,4%).

Theo báo Jakarta Post, có ít nhất 3 yếu tố cho thấy sự yếu kém của Chính phủ Indonesia trong xử lý đại dịch Covid-19: Thứ nhất, phản ứng chậm: Các hành động ngay lập tức của Trung Quốc, Mông Cổ, New Zealand và Uruguay như hạn chế các chuyến bay quốc tế, đóng cửa các cơ sở công cộng, cách ly các trường hợp được xác nhận, thực hiện theo dõi và xét nghiệm tiếp xúc cũng như tuyên truyền đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên đã ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 ở các nước này.

Câu chuyện từ những quốc gia này cho thấy hành động nhanh chóng có thể làm chậm đường gia tăng đại dịch như thế nào trước khi nó trở thành cấp số nhân.

dai dich covid 19 tai indonesia vi sao khung hoang ngay cang tram trong
Indonesia đang phải gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19. Ảnh tư liệu

Điều này có thể giúp chính phủ có thời gian quan trọng để chuẩn bị hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế công cộng.

Tuy nhiên, Indonesia đã không hành động nhanh trong giai đoạn quan trọng này. Khi các quốc gia khác nghiên cứu về việc thực thi các biện pháp đóng cửa khi bắt đầu đại dịch, chính phủ Indonesia đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Chính phủ nước này được cho là bận rộn để cứu vớt nền kinh tế. Ngoài ra, khi các quốc gia khác đều thận trọng về việc gỡ bỏ tình trạng phong tỏa, Indonesia đã hành động ngược lại vì những lý do kinh tế. Vậy nhưng, nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng.

Giống như các nền kinh tế khác trên thế giới, đại dịch đã tàn phá nền kinh tế Indonesia. Tính đến tháng 10-2020, ít nhất 6,4 triệu người mất việc làm. Đất nước suy thoái. Ít nhất 1,64 triệu người Indonesia rơi vào cảnh nghèo đói trong tháng 7 vừa qua do đại dịch Covid-19 và con số này có thể lên tới 8,5 triệu người vào cuối năm 2020.

Thứ hai, các chiến lược huy động nguồn lực y tế kém hiệu quả: Đại dịch đã làm tăng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và hệ thống y tế công cộng. Những điều kiện địa lý của Indonesia, cùng với sự khác biệt giữa miền Đông và miền Tây của đất nước về khả năng tiếp cận các cơ sở công cộng, khiến cho việc thực hiện một chiến lược phân bổ nguồn lực y tế nhanh chóng và hiệu quả gần như không thể.

Trong thời gian đại dịch, có rất nhiều thông tin về tình trạng thiếu trang thiết bị bảo vệ cá nhân để trang bị kịp thời cho các nhân viên y tế ở miền Đông Indonesia.

Tình trạng này xảy ra tương tự với những năng lực xét nghiệm. Mặc dù tỷ lệ xét nghiệm hàng tuần đã tăng lên 0,903/1.000 người (chỉ thấp hơn 1/1.000 do WHO khuyến nghị), sự chênh lệch giữa Java và phần còn lại của đất nước là rất lớn. Tính đến tháng 11-2020, các tỉnh Jakarta, Banten và Trung Java có tỷ lệ xét nghiệm lần lượt là 6,9, 1,5 và 1,4/1.000 người. Tuy nhiên, ít nhất 16 tỉnh ngoài đảo Java đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu xét nghiệm với tỷ lệ 1/1.000.

Thứ ba, thiếu sự tham gia của cộng đồng. Các hệ thống cộng đồng là trọng tâm của các ứng phó khẩn cấp trong xã hội tập thể của Indonesia. Cho đến nay, chính phủ đã không thông báo về các rủi ro và các biện pháp phòng ngừa đối với Covid-19.

Thay vào đó, chính phủ đưa ra các chính sách không nhất quán ở cấp quốc gia và địa phương. Điều này có thể thấy trong việc thực thi yếu kém các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn. Chính phủ cần thu hút sự tham gia của cộng đồng vì họ có thể giúp phát triển các chiến lược tốt hơn để xác định nhu cầu thực tế của người dân địa phương và những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như hộ nghèo hoặc cư dân khu ổ chuột, cần sự hỗ trợ đáng kể từ chính phủ và phải được hỗ trợ một cách hiệu quả. Những nhóm này không chỉ dễ bị nhiễm Covid-19 hơn mà còn có nhiều nguy cơ không tuân theo các biện pháp y tế công cộng vì lý do kinh tế.

Cộng đồng có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách là cầu nối giữa chính phủ và các nhóm này. Họ có thể giúp thúc đẩy các chiến dịch Covid-19 của chính phủ, phân phối trợ giúp xã hội và triển khai các hệ thống giám sát để giảm rủi ro lây nhiễm tại địa phương.

Việc liên kết các biện pháp y tế công cộng và tăng cường sự tham gia của cộng đồng có thể giúp các nhóm dễ bị tổn thương bảo vệ sức khỏe của chính họ. Ví dụ, chính phủ có thể hỗ trợ các hộ nghèo về các nhu cầu cơ bản của họ trong thời gian bị cô lập thông qua các chương trình hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại địa phương hoặc các chương trình trợ giúp xã hội của chính phủ.

Chính phủ nên áp dụng hệ thống hỗ trợ dựa vào cộng đồng để xác định nhu cầu cụ thể của các nhóm dễ bị tổn thương.

Chính phủ có thể sử dụng hệ thống này để phân phối trợ giúp xã hội và về lâu dài, hệ thống có thể tăng cường sự gắn kết xã hội, giảm sự phân tán xã hội và cải thiện mạng lưới hỗ trợ để huy động cộng đồng tham gia các trường hợp khẩn cấp trong tương lai.

Điều quan trọng nữa là phải yêu cầu tất cả người dân Indonesia đeo khẩu trang và rửa tay. Chính phủ cần sự giúp đỡ từ các cộng đồng để đảm bảo mọi công dân tuân theo các biện pháp phòng ngừa này.

Hồng Phúc
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động