Thứ sáu 29/03/2024 17:13

Cuộc chơi chính trị của đảng Cộng hòa tại Tòa án Tối cao Mỹ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau khi Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời do bệnh ung thư tụy di căn ngày 18-9, tương lai của Tòa án Tối cao sẽ trở thành vấn đề quan trọng nhất trong những tuần cuối cùng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3-11 tới. Việc Thẩm phán Ginsburg qua đời chỉ 46 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử đã khiến vấn đề tương lai của Tòa án Tối cao và quyền nạo phá thai sẽ trở thành trọng tâm trong những tuần cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử.

Trong nhiều thập kỷ, Tòa án Tối cao đã trở thành “chiến trường” chính cho các trận chiến về chính sách đối với các vấn đề xã hội của Mỹ, thu hút các cuộc tranh cãi đảng phái ngày càng gay gắt, tập trung nhiều vào quyền nạo phá thai của phụ nữ. Bà Ginsburg là lãnh đạo trên thực tế của các thẩm phán có quan điểm tự do tại Tòa án Tối cao và được nhiều người cấp tiến coi như một vị anh hùng bởi sự nghiệp lâu dài của bà đấu tranh cho bình đẳng giới, đầu tiên là với vai trò của một luật sư và sau đó là người phụ nữ thứ hai được bổ nhiệm làm thành viên Tòa án Tối cao. Bà cũng bỏ lá phiếu quan trọng ủng hộ phán quyết trong vụ “Roe kiện Wade” năm 1973.

Tổng thống Donald Trump đã đề xuất nhân sự vào vị trí mà bà mới để lại. Người được Trump lựa chọn là luật gia bảo thủ Amy Coney Barrett, người đã được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án Phúc thẩm khu vực số 7 năm 2017. Bà Barrett là một lựa chọn mang nặng tính chia rẽ đảng phái đối với vị trí này và cũng để đảm bảo khuyến khích các nhóm chủ chốt của đảng Cộng hòa tham gia bỏ phiếu.

Từ cuối những năm 1970, các thành viên của đảng Cộng hòa đã đưa việc phản đối phán quyết vụ “Roe kiện Wade” trở thành ưu tiên chính sách mang tính đặc trưng trong lĩnh vực xã hội, chính trị và pháp lý. Tuy nhiên, những người phản đối nạo phá thai không phải lúc nào cũng tập trung hoạt động vào Tòa án Tối cao Mỹ. Khi xuất hiện ghế trống đầu tiên trong Tòa án Tối cao từ sau vụ “Roe kiện Wade,” các nhóm chống nạo phá thai đã không duy trì hoạt động vận động hành lang trong vấn đề này và không có thượng nghị sỹ nào hỏi các nhân vật được tổng thống đề cử về quan điểm của họ đối với vấn đề nạo phá thai. Thay vào đó, mục tiêu cốt lõi của họ là thúc đẩy bổ sung Tu chính án về Sinh mạng Con người vào trong Hiến pháp.

cuoc choi chinh tri cua dang cong hoa tai toa an toi cao my
Thẩm phán Amy Coney Barrett. Ảnh tư liệu

Giấc mơ sửa đổi Hiến pháp của đảng Cộng hòa đã tan thành mây khói vào năm 1983, khi một biện pháp thỏa hiệp không đạt được đa số quá bán tại Thượng viện, và thiếu tới 17 phiếu để đạt đa số 2/3 để được thông qua tại viện này. Sau sự kiện này, việc đưa người vào các vị trí trống trong Tòa án Tối cao đã trở thành mục tiêu quan trọng đối với những người phản đối nạo phá thai và điều này đã góp phần định hình chiến lược tranh cử của đảng Cộng hòa.

Mặc dù phán quyết vụ “Roe kiện Wade” là chủ đề của cạnh tranh đảng phái gay gắt ở Mỹ song sự ủng hộ của người dân đối với phán quyết này được duy trì ở mức khá ổn định kể từ cuối những năm 1980. Hầu hết người dân Mỹ ủng hộ phán quyết. Tuy nhiên, những người có quan điểm phản đối nạo phá thai cũng quan tâm nhiều hơn tới việc làm cho các chính trị gia tham gia tranh cử có cùng quan điểm với họ về vấn đề này.

Trong vài thập kỷ, họ đã sử dụng vận động hành lang và các cơ sở chính trị của mình để gia tăng số lượng cử tri đi bầu trong các cuộc bầu cử tại bang và trong các cuộc canh tranh nội bộ của đảng Cộng hòa để tác động lên quan điểm của các ứng cử viên có tên trên lá phiếu. Năm 2000, sự can dự sớm trong các cuộc bầu cử sơ bộ của các nhóm chống nạo phá thai và tổ chức Cánh hữu Cơ đốc đã giúp ứng cử viên George W. Bush nổi lên trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Tại một đất nước mà việc bỏ phiếu là không bắt buộc, nhóm cử tri nhỏ nhưng hoạt động tích cực này có thể tạo ra một ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với số số lượng thành viên của họ.

Trump đã đưa vấn đề nạo phá thai và phán quyết trong vụ “Roe kiện Wade” trở thành trọng tâm trong cả hai chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, qua đó thu hút và duy trì được sự ủng hộ của một số lượng lớn cử tri da trắng theo đạo Tin lành, khiến nhiều nhà bình luận ngạc nhiên. Các cử tri Thiên chúa giáo và bảo thủ bỏ qua tất cả những tranh cãi thế tục và đạo đức đối với Trump bởi từ khi lên làm tổng thống, ông đã mang lại cho họ nhiều sự ủng hộ cả về lời nói và hành động.

Ngay cả trước khi Trump công bố đề cử bà Barrett, các thành viên của đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã cho biết, họ có đủ số phiếu để phê chuẩn đề cử nhân vật thay thế vị trí của bà Ginsburg. Nếu bà Barrett được phê chuẩn, đây sẽ là thẩm phán thứ 3 tại Tòa án Tối cao do Trump bổ nhiệm. Phe bảo thủ tại Tòa án sẽ có tỉ lệ đa số 6/3, sự thay đổi cán cân lực lượng gần như chắc chắn sẽ gây ra hậu quả lớn đối với phán quyết vụ “Roe kiện Wade” cũng như đối với hệ thống luật pháp Mỹ nói chung.

Trong khi vấn đề nạo phá thai đang thu sút sự quan tâm nhiều nhất của chính giới, giới luật gia và truyền thông, một thẩm phán bảo thủ khác được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao sẽ có tác động tới một loạt các vấn đề quan trọng, bao gồm Chương trình Obamacare, quyền của người đồng tính, quyền sở hữu súng, vấn đề môi trường và có khả năng tác động tới cả những vấn đề ổn định hơn như quyền bầu cử. Và nếu như xảy ra tranh chấp đối với kết quả bầu cử, Tòa án Tối cao có thể đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định ai là người thắng cử, như trong cuộc bầu cử giữa George W. Bush và Al Gore năm 2000.

Hồng Phúc
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động