Con đường từ nữ công nhân may trở thành nhân lực công nghệ thông tin |
Phàng Thị Di, một cô gái trẻ đến từ xã vùng cao biên giới của tỉnh Điện Biên đã từ bỏ ước mơ làm giáo viên, bác sỹ để về thành phố làm công nhân may. Tuy nhiên, Di vẫn luôn khát khao được phát triển bản thân để không còn phải sống/làm việc như một cỗ máy. Cơ hội đến khi em tham gia khoá đào tạo miễn phí về công nghệ thông tin (CNTT). |
Hàng trăm nữ giới được đào tạo nghề miễn phí |
Em Phàng Thị Di là một trong số hơn 300 học viên nữ nhận được hỗ trợ từ Dự án “Hướng tới tương lai” được tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với Viện REACH và FPT Polytechnic triển khai thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2022. Dự án này dành cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong độ tuổi từ 18 đến 30 (50% là nữ; 60% thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 24). Dự án có mục tiêu thúc đẩy nữ giới tham gia vào lĩnh vực CNTT, giúp thu hẹp khoảng cách nam, nữ trong ngành công nghệ. Năm nay 25 tuổi, em Phàng Thị Di ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên không nghĩ được rằng sẽ có ngày mình có thể thuần thục thiết kế đồ hoạ 3D. Bởi với một người sinh ra, lớn lên ở địa bàn vùng cao biên giới như Di, từ nhỏ ít được tiếp xúc với CNTT thì quá trình tiếp thu kiến thức, học nghề vô cùng khó khăn. Nhớ lại những ngày còn nhỏ, mỗi khi lủi thủi vượt rẫy đến trường, cô bé Phàng Thị Di luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo dạy trẻ mầm non, hoặc sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người nghèo khó. Nhưng cô bé Di đã sớm phải từ bỏ ước mơ do thiếu định hướng nghề nghiệp do bố mẹ không có nhiều hiểu biết về các ngành nghề để tư vấn phù hợp. "Lớn lên, tôi xuống thành phố để làm việc cho một công ty may. Công việc vừa nhàm chán, vừa mệt mỏi. Làm việc tăng ca toàn thời gian thì có thêm thu nhập, nhưng lại không có cơ hội học hỏi và phát triển bản thân. Khoảng thời gian đó, tôi cảm thấy mình không khác gì một cỗ máy, áp lực công việc khiến tôi bỏ cuộc lần nữa", tiếp dòng hồi tưởng, Di chia sẻ. |
Với sự hỗ trợ của các giáo viện tại REACH, Di đã dần làm quen và thành thạo CNTT cũng như tự tin hoà nhập ở môi trường mới (ảnh NVCC) |
Thế rồi số phận của cô gái này đã rẽ sang một ngả mới khi em tìm hiểu thông tin về khoá đào tạo CNTT miễn phí thuộc Dự án "Hướng tới tương lai". "Đến với REACH, em được thầy cô tư vấn nên đã mạnh dạn lựa chọn ngành thiết kế đồ họa 3D. Với người ở vùng cao như em rất ít được tiếp xúc với công nghệ thông tin nên mới đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian theo học tại REACH nhờ có các thầy cô và các bạn học hỗ trợ nhiệt tình mà em đã tự tin hoàn thành khóa học. Ngoài ra, ở REACH em được học kỹ năng sống, 3D và các hoạt động ngoại khóa ngoài trời giao lưu giữa các lớp học trong trường đã giúp Di tự tin, hoà nhập nhanh chóng hơn với cuộc sống mới". Sau khi tốt nghiệp, cô gái nhỏ vùng cao đã được thầy cô tại REACH hỗ trợ tìm việc làm. Mới đầu mức thu nhập không cao nhưng cũng đủ để em ổn định cuộc sống hơn so với trước kia. Và điều mà Di cảm thấy "được" nhiều hơn cả là "sau hơn 1 năm đi làm thì em đã có nhiều cơ hội học hỏi về công nghệ thông tin hơn; nâng cấp phát triển bản thân, thay đổi nhiều cả tư duy lẫn công việc hay lối sống; có mức thu nhập ổn định hơn so với những ngày mới chập chững vào nghề". Mỉm cười, giữ vững niềm tin, yêu và ước mơ vào tương lai tốt đẹp, Di muốn gửi gắm thông điệp đến các bạn vùng cao nói chung và các bạn nữ nói riêng rằng: Học công nghệ thông tin không quá khó, con gái cũng có thể học được, chỉ cần các bạn cố gắng chắc chắn sẽ làm được. |
Em Thương là một người khuyết tật, sau khi tham gia Dự án "Hướng tới tương lai" đã trở thành người có thu nhập chính trong gia đình (ảnh NVCC) |
Tương tự là em Thương-một nữ học viên khuyết tật ở Quốc Oai, Hà Nội đã thay đổi số phận từ sau khi tham gia Dự án "Hướng tới tương lai". chia sẻ: Với những hạn chế về sức khỏe của bản thân và điều kiện khó khăn của gia đình, em đã từng khá bi quan... Nhưng giờ đây, em rất tự hào khi trở thành người có thu nhập chính trong gia đình với vị trí công việc là trưởng nhóm phụ trách chỉnh sửa ảnh. Em cũng rất vinh dự khi được trở thành khách mời của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam với tư cách là nhân vật truyền cảm hứng để thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành CNTT nhân Ngày Nữ giới trong ngành CNTT. |
Thương trở thành khách mời của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam với tư cách là nhân vật truyền cảm hứng để thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành công nghệ thông tin (ảnh NVCC) |
90% nữ giới có việc làm sau khoá học |
Theo bà Phạm Thu Ba, Quyền Giám đốc Quốc gia Tổ chức Plan International Việt Nam, sau 4 năm triển khai, Dự án "Hướng tới tương lai" đã hỗ trợ 800 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó 44% là các bạn nữ được theo học các lớp khóa đào tạo và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp (tăng trên 20% so với trước thời điểm triển khai dự án). Có 629 học sinh đã tốt nghiệp các khóa đào tạo các nghề ngành CNTT và 138 học sinh nữ đang tiếp tục học chương trình cao đẳng để nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng. Tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp 6 tháng đạt 87%, tỷ lệ nữ có việc làm đạt 90%. Các học viên của Dự án cũng được các doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá cao về trình độ chuyên môn và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp. |
Qua Dự án này những bài học đã rút ra sẽ là kinh nghiệm và ý tưởng cho những dự án tiếp theo trong cuộc hành trình mới vì sự thành công của những đối tác và học viên hưởng lợi từ Dự án này, cũng như những thanh niên Việt Nam-đặc biệt là thanh niên nữ, các thanh niên ở nhóm đối tượng dễ tổn thương, thanh niên dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; giúp các em tự tin vượt qua các rào cản và định kiến giới, có cho mình được một nghề nghiệp ổn định và thu nhập thỏa đáng để có một tương lai ổn định và tươi sáng hơn. Về phía nhà tài trợ, bà Nguyễn Thu Hà - Giám đốc chi nhánh Tập Đoàn ADECCO tại Hà Nội chia sẻ: Các khảo sát thường niên của Tập đoàn Adecco cho thấy, kỹ năng về số hóa và CNTT của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Thông qua Dự án, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ các bạn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em gái gia nhập một cách tự tin vào thị trường lao động chất lượng cao như CNTT - nhóm ngành nghề có nhiều tiềm năng và cơ hội. Đánh giá về những giá trị mà Dự án mang lại, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Viện trưởng Viện REACH bày tỏ: Thông qua Dự án, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức trong cộng đồng, tiếp cận các bạn nữ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, tư vấn hướng nghiệp, tiếp động lực để các bạn yêu thích CNTT, tham gia vào các khóa học của REACH. "Con số hơn 80% học viên đào tạo ngành CNTT đã có việc làm sau khi tốt nghiệp trong vòng 6 tháng, đặc biệt tỷ lệ việc làm nữ giới đạt trên 90% cho thấy sự cam kết của Viện REACH, sự nỗ lực của các bạn học viên, đặc biệt là các bạn nữ trong việc gia nhập lĩnh vực CNTT, phá vỡ định kiến về giới trong lựa chọn nghề nghiệp. Việc xóa bỏ rào cản về giới tính trong lựa chọn nghề nghiệp là một công việc bền bỉ, cần sự chung tay của nhiều bên. Chúng tôi tin tưởng các giải pháp của Dự án thực hiện sẽ được tiếp tục nhân rộng nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho thanh niên khó khăn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái”, bà Thanh Tâm nhấn mạnh. |
Thực hiện: Phong Châu |