Thứ năm 18/04/2024 23:43

Có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Trên thế giới đã xuất hiện biến chủng mới, vì thế cần cảnh giác với làn sóng dịch bệnh thứ 5.
Thời gian tới còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng (ảnh minh họa-P.C).
Thời gian tới còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ảnh minh họa-P.C

Đây là một trong những nội dung được nêu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua.

Kết quả ban đầu trong công tác điều trị Covid-19 tại Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng phiên bản thứ 7 về hướng dẫn điều trị Covid-19 với rất nhiều cập nhật, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đưa nhiều thuốc mới vào điều trị. Về cơ bản, trong cuộc chiến chống dịch lần thứ 4 khi dịch bùng phát ở các địa phương thì Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống. Đến 30-9 cơ bản kiểm soát được dịch, trong thời gian đó đã thu dung, điều trị, hướng dẫn điều trị được thay đổi nhiều lần.

Chúng ta đã làm nhiều thử nghiệm lâm sàng về các loại thuốc điều trị Covid-19. Qua đó giới y học của chúng ta đã cố gắng xây dựng nhiều phác đồ, đưa ra 3 điểm quan trọng: Thứ nhất, tại TP Hồ Chí Minh, ngành y tế đã xây dựng được gói thuốc A, gồm những thuốc thông thường như hạ nhiệt, giảm ho, thuốc bồi bổ sức khỏe.

Thứ hai là đưa thuốc kháng viêm, kháng đông đưa trực tiếp vào vào sử dụng sớm theo hướng dẫn của bác sĩ trực tuyến, trực tiếp. Thứ ba là Việt Nam đã áp dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng.

"Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc này bước đầu hết sức khả quan, tỷ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72%-93%. Ngoài ra, chúng ta đã giảm tỷ lệ tử vong khoảng 50% so với nhóm không sử dụng thuốc Molnupiravir. Đây là kết quả hứa hẹn về việc sử dụng các loại thuốc này với những bệnh nhân nhiễm ngay từ đầu", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Ngoài ra, các thuốc tốt, hứa hẹn trong điều trị bệnh nhân nặng cũng được sử dụng như các thuốc kháng thể đơn dòng, đã đem lại thành công. Bộ Y tế cũng chuẩn bị một số phương án và có kế hoạch phân bổ cho các địa phương một số thuốc khác để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, như thuốc favipiravir, thuốc Avigan...

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, từ 1-10 chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt theo Nghị quyết 128 và đã cho thấy tín hiệu khả quan. Tỉ lệ mắc ở các địa phương giảm, tỉ lệ tử vong giảm-số hàng ngày có lúc giảm chỉ 57-58 ca trên toàn quốc. Đây là những đóng góp hết sức to lớn của ngành y tế nhờ chiến lược thử nghiệm và điều trị bằng đường uống tại nhà.

Cảnh giác trước đợt dịch thứ 5 luôn rình rập

Tại Hội nghị, PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh-Bộ Y tế thông tin: Đến nay Việt Nam đã có hơn 1,1 triệu ca mắc, với hơn 24.000 ca tử vong. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%. Trong đó, tử vong chủ yếu tại TPHCM (gần 73%), Bình Dương (gần 11%), Đồng Nai (khoảng 3%), Long An (2,4%), Tiền Giang (2%)…

Bộ Y tế nhận định số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Lý do là mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.

Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng-nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

Vì thế, trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng-đặc biệt là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.

"Tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới. Các nhà chuyên môn, nhà khoa học nhận định Việt Nam phải hết sức cảnh giác, một đợt dịch thứ 5 luôn rình rập. Chúng ta không được lơ là, phải sẵn sàng ứng phó đợt dịch thứ 5", TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Còn theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện Bộ Y tế đã nhận được đề xuất chi viện của một số địa phương như Tây Ninh, Cần Thơ… Bộ Y sẽ cử đoàn công tác do Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối đến các địa phương nơi dịch có diễn phức tạp. Sau khi đoàn hoàn thành nhiệm vụ, trong tuần tới Bộ Y tế sẽ có những quyết sách để hỗ trợ các tỉnh ngoài TP Hồ Chí Minh để tăng cường năng lực về thu dung điều trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, khi số ca mắc tăng, điều quan trọng là tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, sử dụng các loại thuốc đúng chỉ định một cách sớm nhất để giảm bệnh nhân nặng và tử vong.

"Chúng ta đều biết trên thế giới, một số nước như Nhật Bản số mắc đang giảm xuống nhưng làn sóng thứ 5 theo dự báo của WHO là vẫn có thể, nguy cơ tiềm tàng xảy ra ở một số quốc gia khác. Chúng ta cũng phải đối đầu thách thức này".

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, truy vết nhanh nhất có thể.

Đồng thời, sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. Các địa phương chủ động sẵn sàng nguồn lực, xây dựng các phương án đáp ứng dịch bệnh; giám sát chặt chẽ người về từ vùng dịch.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tiếp tục chuẩn hóa, liên thông dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Đến 30-11, về cơ bản Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên 70% dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động