Thứ năm 28/03/2024 18:31
Sau vụ việc bé 10 tuổi tử vong do điện giật:

Chuyên gia khuyến cáo các biện pháp an toàn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong sinh hoạt, tránh bị điện giật dẫn đến hậu quả đáng tiếc, khi có sự cố liên quan đến thiết bị, bố mẹ khuyên trẻ nên báo cho bố mẹ hoặc người lớn trong gia đình biết xử lý thay vì trẻ tự tìm cách xử lý.

Ngày 10-9, một bé trai 10 tuổi ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã không may bị điện giật dẫn đến tử vong. Thời gian này, cháu bé đang tham gia học online trên máy tính. Cụ thể, khoảng hơn 7g cùng ngày, bé trai sinh năm 2011 cùng em gái ở nhà sử dụng máy tính để học online. Trong khi học, cháu bé đã đã bất ngờ cầm que lấy ráy tai chọc vào lỗ giắc cắm điện và bị điện giật.

Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, nạn nhân là cháu H.H.D., sinh năm 2011, địa chỉ tại phố Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Cháu H.H.D. hiện là học sinh Trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa.

Ngay trong ngày 10-9, thông qua Phòng GD&ĐT Đống Đa, Sở GD&ĐT đã gửi lời chia buồn tới gia đình học sinh bị tai nạn, đồng thời chỉ đạo ngành GD&ĐT Đống Đa và nhà trường thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ gia đình học sinh.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó GĐ Sở GD&ĐT chia sẻ, những tai nạn thương tích xảy ra trong hay ngoài nhà trường với học sinh đều hết sức đau lòng và một lần nữa nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường cần hết sức lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ.

Trong thời gian học sinh và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và cha mẹ học sinh, gia đình học sinh, đặc biệt là sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên từ giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn cha mẹ học sinh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ.

Còn theo khuyến cáo của CATP, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, học sinh, trẻ nhỏ phải học online tại nhà, nhiều gia đình đã để trẻ nhỏ tự quản, tự sinh hoạt tại nhà mà không có sự kèm cặp của người lớn, hoặc có nhiều gia đình cho con nhỏ tự do chơi tại khuôn viên nhà.

Trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh, cha mẹ cần đảm bảo rằng bé đã có khả năng tự chăm sóc cơ bản cho bản thân; chú ý khóa bình ga, tắt bình nóng lạnh, dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà. Dạy bé nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, đồng thời nghiêm cấm bé không được sờ vào...

Chuyên gia hướng dẫn giúp trẻ toàn khi sử dụng thiết bị điện
Ảnh minh họa.

Dưới góc độ chuyên môn, TS. Bùi Hùng Thắng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ - Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khuyến cáo: Để nâng cao sự an toàn về điện cho trẻ, các phụ huynh nên trang bị aptomat chống giật cho hệ thống điện của gia đình, như vậy khi xảy ra sự cố điện giật aptomat sẽ tự ngắt hệ thống điện để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Bên cạnh đó các phụ huynh cũng có thể lựa chọn phương án sử dụng ổ cắm điện chống giật cho các thiết bị mà học sinh thường xuyên sử dụng cũng như các thiết bị để học online. Loại ổ cắm điện này cũng được trang bị aptomat chống giật nên sẽ tự động ngắt ổ khi xảy ra sự cố rò điện hay bị điện giật.

Trẻ em vốn hiếu động và tò mò nên các gia đình cần hạn chế tối đa điều kiện để trẻ nghịch dẫn đến xảy ra các sự cố về điện. Phụ huynh nên kiểm tra kỹ các đường dây điện gọn gàng, kiểm tra xem các đường dây có bị sự cố, bị vật nuôi hay chuột cắn không. Đồng thời, các gia đình cần hạn chế tối đa các thiết bị điện không cần thiết xung quanh không gian trẻ như ấm đun nước điện, máy sấy tóc, đèn ngủ, sạc điện thoại, ... Các phụ huynh cũng nên loại bỏ các đồ vật mà trẻ có thể nghịch và cắm vào ổ điện, đặc biệt là những đồ vật dạng que làm bằng kim loại.

Các ổ điện nên là loại có chốt an toàn chỉ cắm được khi dùng phích điện, các trường hợp khác như dùng que để nghịch thì không thể cắm được. Bên cạnh đó việc sử dụng nút bịt ổ điện không dùng đến là cần thiết để trẻ nhỏ không nghịch ổ điện.

Ngoài ra, các phụ huynh cũng nên lựa chọn sử dụng loại phích điện có cấu trúc phần thân chân phích được bọc nhựa, phần đầu chân phích là kim loại, như vậy sẽ an toàn và tránh sự cố trong trường hợp trẻ cầm vào 2 chân phích rồi cắm vào ổ điện.

Song song đó, để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, các bậc phụ huynh cần giải thích cho trẻ hiểu điện không phải là đồ chơi, vì vậy không nghịch và chơi với các thiết bị điện nói chung, đặc biệt là các ổ cắm và phích cắm. Dặn trẻ tuyệt đối không được tự ý sử dụng các thiết bị điện hay rút bất kỳ phích cắm điện nào nếu không có sự cho phép và hướng dẫn của bố mẹ, không cầm sợi dây điện để rút phích cắm ra khỏi ổ.

“Bố mẹ nên hướng dẫn con thuần thục các bước bật tắt máy tính và thiết bị, cách sử dụng phần mềm học online, ... dặn trẻ tuyệt đối không nên tự ý thực hiện các thao tác về điện ngoài hướng dẫn, như vậy cũng tránh được sự rủi ro. Đặc biệt, khi có sự cố liên quan đến thiết bị, bố mẹ khuyên trẻ tốt nhất là nên báo cho bố mẹ hoặc người lớn trong gia đình biết xử lý thay vì trẻ tự tìm cách xử lý”, TS. Bùi Hùng Thắng khuyến cáo.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động