Thứ năm 25/04/2024 18:05

Chuyện chưa kể về những “bông hồng thép” mang áo blouse trong tâm dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi mọi người đang cùng cả nhà đoàn tụ, ở nhà chống dịch Covid-19 trong lúc dịch diễn biến phức tạp, khi cuộc chiến với dịch hết sức cấp bách, cam go thì hiện hữu ở những điểm nóng, những “vùng đỏ” là hình ảnh của hàng vạn cán bộ y tế, trong đó có cả những “nữ chiến sỹ” can trường...

Gác lại những bộn bề lên đường vào tâm dịch !

Qua báo đài thông tin, nhìn những hình ảnh nơi tâm dịch tại TP HCM đang hết sức cam go, đồng nghiệp đang ngày đêm phải gồng mình với nhiệm vụ, chồng chất khó khăn, vất vả và những hiểm nguy dịch bệnh luôn rình rập...

Khi Bộ Y tế kêu gọi cán bộ y tế ngành y xung kích tham gia tăng viện hỗ trợ cho TP HCM, hàng nghìn cán bộ y tế khắp mọi miền đã viết đơn, đăng ký xin được tình nguyện vào miền Nam, với mong mỏi duy nhất là được cùng các đồng nghiệp nơi tâm dịch cam go ấy “chia lửa” cùng nhau và hơn thế đó là nhiệm vụ vì sức khỏe Nhân dân.

Trong hàng nghìn cán bộ y tế vào miền Nam tăng viện, hỗ trợ chống dịch luôn hiện hữu những cán bộ nữ, những “bông hồng thép” mang áo bllouse với những hành trang đơn sơ và một tinh thần mạnh mẽ, lên đường hướng về nơi tâm dịch.

Là câu chuyện cảm động về nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hải, công tác tại Khoa Tai Mũi Họng BV Sản Nhi Nghệ An cùng bao đồng nghiệp cơ quan, với những ngày “nóng nhất” trong tâm dịch. Nhìn qua người phụ nữ ấy, ít ai tin rằng trong chị lại tồn tại những điều đẹp đẽ ấy, là những nỗi niềm không thể chợp mắt mỗi đêm khi nghe tin dịch bệnh tại miền Nam, là mong mỏi được vào nơi ấy để san sẻ với đồng nghiệp, là ý chí và tinh thần tình nguyện xung kích, sẵn sàng tình nguyện vào nơi dịch đang rất nóng, rất phức tạp.

Con mới hơn 2 tuổi, chồng thì đi làm ăn xa, việc nhà, việc cơ quan bộn bề trăm thứ, thế nhưng chị Hải vẫn sẵn sàng gác lại mọi niềm riêng, đăng ký tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP HCM khi Sở y tế Nghệ An kêu gọi hướng về TP HCM.

Không phải đợt dịch này, mà từ những đợt dịch trước ở một số tỉnh miền Bắc, chị Hải đã bắt đầu ấp ủ dự định về việc mong mỏi được vào nơi tâm dịch để san sẻ công việc chống dịch cùng bao đồng nghiệp khác nơi ấy. Và trong lần này, với sự kiên quyết của bản thân, gia đình chị đã tạo mọi điều kiện để chị an tâm lên đường vào TP HCM. Ngay sau khi vào tới TP HCM, chị Hải cùng đoàn tăng viện của tỉnh Nghệ An đã được phân công vào làm nhiệm vụ tại BV điều trị Covid-19 Trưng Vương.

Chuyện chưa kể  về những “bông hồng thép” mang áo blouse trong tâm dịch
Sự dịu dàng, tình yêu thương của những nữ cán bộ y tế giúp người mẹ, các em bé sơ sinh trong tâm dịch nơi bệnh viện chữa Civid-19 lớn nhất TP HCM vượt qua những gian nguy ( Ảnh nhân vật cung cấp)

"Lúc đầu vào tới nơi cũng khá là trăn trở nhiều điều, gặp đồng nghiệp nơi tâm dịch ai cũng hồ hởi chào đón, thấy vui và an tâm hơn, anh chị em trong đó hỗ trợ rất nhiều, và rất quan tâm. Đặc biệt là sự hỗ trợ từ cơ quan, gia đình nên lần đi này thật sự rất thuận lợi, dù rằng con còn nhỏ, nhưng sự mong mỏi và kiên quyết đã giúp bản thân mình vượt qua mọi khó khăn. Những khó khăn nhanh chóng được khắc phục, toàn tâm toàn lực cho công việc, đêm muộn, nếu có thời gian rỗi thì sẽ gọi về cho mẹ để được gặp con, nhìn con qua điện thoại, lại rưng rưng nước mắt, nhưng đó là động lực mạnh mẽ để bản thân cố gắng để mong dịch sớm đẩy lùi, để được về với con, về với cuộc sống thường nhật...” – Chị Hải bộc bạch.

Là người mẹ đã hai con, cháu đầu năm nay 14 tuổi, cháu thứ 2 mới 7 tuổi, dù rằng ngoài công việc chuyên môn ở bệnh viện, thì sau mỗi giờ làm, chị Ngô Thị Hằng, Điều dưỡng trưởng khoa Sản BV Đa khoa Phủ Diễn, vẫn luôn phải tất bật với chuyện con cái, nội ngoại hai bên vì chồng là bộ đội, công tác xa nhà, hiếm hoi mới nghỉ phép về với mẹ con.

Thế nhưng, chị Hằng cũng như 15 đồng nghiệp nữ khác cùng cơ quan, sẵn sàng gác lại mọi niềm riêng, khó khăn, bộn bề để tình nguyện vào TP HCM tham gia phòng chống dịch Covid-19. Chung những mong mỏi, những trăn trở ở nơi tâm dịch đang phức tạp, chị cũng như bao đồng nghiệp khác chỉ mong góp sức mình vào công tác nhiệm vụ phòng chống dịch, sẵn sàng có mặt tại những nơi điểm nóng để hỗ trợ đồng nghiệp, mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi, không còn những gian truân, mất mát.

Ngày lên đường vào TP HCM nhận nhiệm vụ, trong đoàn chị có 31 người thì có tới 15 người là nữ. Họ đều như chị, cũng có bao niềm riêng, gia đình, con cái, những bề bộn lo toan. Nhưng tất cả đều sẵn sàng tạm gác lại mọi thứ với quyết tâm hướng về miền Nam, “chia lửa” với đồng nghiệp, hỗ trợ TP HCM phòng chống dịch bệnh. Nắm chặt tay nhau vượt qua những khó khăn, những rủi ro hiện hữu, họ đã trở về trong niềm hạnh phúc với tâm nguyện thật sự mĩ mãn và TP HCM đã và đang dần trở lại trạng thái mới sau những ngày tháng căng thẳng.

Chuyện chưa kể  về những “bông hồng thép” mang áo blouse trong tâm dịch
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi sau những căng thẳng và rồi họ lại nhanh chóng lao vào nhiệm vụ...

Nói về quyết định xung kích tình nguyện vào tâm dịch, về những ngày tháng nơi tâm dịch, chị Hằng tâm sự: “Chúng mình về được 5 hôm rồi, hiện tại TP HCM mọi thứ đã và đang được kiểm soát tốt, dịch bệnh không còn phức tạp như thời gian trước nữa, nhiều hoạt động đã bắt đầu trở lại bình thường. Sau hơn hai tháng ở trong TP HCM phục vụ công tác phòng chống dịch, nay về tới quê, cả đoàn từ khi nhận nhiệm vụ đến khi về ai cũng mạnh giỏi, chia tay các đồng nghiệp trong ấy ra về mà lưu luyến, xúc động.

Thời gian mới vào làm nhiệm vụ, nhớ con, lo cho hai chị em chúng nó, bố mẹ đều không chăm nom được, con còn nhỏ thấy thương lắm, cứ nghĩ tới là rớm nước mắt. Khi mọi khó khăn ban đầu được khắc phục, anh chị em tập trung sức lực làm nhiệm vụ, mọi thứ cũng dần ổn định, tâm lý tốt hơn và vững vàng hơn, có thời gian rỗi thì điện về nhà, nói chuyện với con để như lấy thêm động lực cho công việc. Những nỗ lực cũng đã hiện hữu những kết quả hết sức khả quan, giờ về cách ly rồi, chờ ngày về với con, thấy TP HCM “dần khỏe lại” là an tâm và an lòng lắm...”.

Trắng đêm lấy mẫu, chạy đua với tiêm chủng!

Chưa khi nào chúng ta phải chứng kiến một cuộc “bào sức” hết sức ghê gớm mà dịch Covid-19 khiến đội ngũ y bác sỹ, tuyến đầu xuống dịch phải cam qua như vậy. Tuyến đầu cam go, nơi đối đầu trực diện với dịch bệnh, hình ảnh những nữ cán bộ y tế trong bộ đồ bảo hộ kín mít kiệt sức ngất xỉu tại nơi làm việc khiến chúng ta ai nấy cũng trăn trở, lo lắng cho sức khỏe của họ.

Và có lẽ, trong câu chuyện ấy, chắc hẳn ai cũng không thể quên những mệt nhọc mà một “đội quân” thường trực tại các chiến dịch xét nghiệm nhằm khẩn trương bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để điều trị và dịch bệnh nhanh được kiểm soát. Trong những chiến dịch xét nghiệm cộng đồng quy mô lớn tại TP Vinh nói riêng, trên toàn tỉnh Nghệ An nói chung, người ta vẫn thường thấy hiện hữu những “đội quân tóc dài” trong công tác cấp bách ấy. Không kể giờ giấc, không kể mưa hay nắng, nửa đêm hay rạng sáng, nhiệm vụ đặt ra rồi là cứ thế xông pha, hết khu dân cư này sang khu dân cư khác, việc xét nghiệm nhằm bóc tách F0 trở thành một trong nhiệm vụ hết sức cấp bách và quan trọng trong thời điểm xuất hiện nhiều ca nhiễm cộng đồng chưa xác định được nguồn lây.

Chuyện chưa kể  về những “bông hồng thép” mang áo blouse trong tâm dịch
Lội suối xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Tương Dương, Nghệ An

Như chiến dịch xét nghiệm cộng đồng quy mô lớn tại TP Vinh vào đợt dịch vừa qua, ở điểm nào xó xét nghiệm cộng đồng, ở đó có những nữ cán bộ y tế tham gia nhiệm vụ. Và để hoàn thành việc lẫy mẫu nhanh nhất có thể, bắt buộc họ phải làm việc xuyên đêm, xuyên ngày trong bộ đồ bảo hộ chỉ còn lại đôi mắt. Nhiều người đã ngã khụy sau nhiều ngày liên tục bám công việc, kiệt sức vì thiếu ngủ, vì căng não chạy đua với dịch bệnh nhằm lấy mẫu nhanh nhất, sớm ngăn chặn sự lây lan cộng đồng của dịch.

“Cứ nghe lệnh là lên đường, anh chị em cứ thế nhóm mấy người theo kế hoạch lại tỏa đi khắp các ngõ ngách, phường xã, đến tại các điểm lấy mẫu đã bố trí để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho bà con. Có hôm lấy xong thì trời cũng vừa sáng, mệt rã rời, trong bộ đồ bảo hộ, áo ướt sẫm mồ hôi, đeo bao tay cao su khiến da tay nhăn nheo, trắng bệch...” - Chị K một cán bộ y tế chuyên tham gia các chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng chia sẻ.

Như câu chuyện xúc động về hình ảnh nữ cán bộ y tế tên Hằng ngã ngụy, kiệt sức khi tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại huyện Diễn Châu. Do liên tiếp cả tháng trời gần như tham gia chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, là người tham gia cùng đoàn công tác y tế tỉnh Nghệ An vào Hà Tĩnh hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, khi tình hình dịch Covid-19 tại huyện Diễn Châu diễn biến phức tạp, chị Hằng cũng đoàn công tác ngành y tế tỉnh Nghệ An đã phải chia tay nhiệm vụ tại tỉnh bạn, quay trở về huyện Diễn Châu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương. Do làm phải mặc đồ bảo hộ liên tục trong thời tiết nóng nực, cộng thêm việc thường xuyên làm việc, thiếu ngủ nên chị Hằng đã bất ngờ gục xuống khi đang làm nhiệm vụ, và đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của đồng nghiệp.

Là những lúc cam go, dù làm nhiệm vụ gần nhà nhưng cả tháng vẫn chẳng bao giờ ghé về nhà, lại gặp con và cả người thân trong tình cảnh chờ đến lượt được lấy lấy mẫu, mẹ con đứng nhìn nhau khóc nức nở. Đó chắc hẳn sẽ mãi là một kỷ niệm mà chị Nguyễn Thị Vân Anh, cán bộ y tế phường Vinh Tân, TP Vinh cùng hai con sẽ không bao giờ quên được. Vì công việc, chị phải tham gia vào nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, sau giờ làm thì phải về cơ quan nghỉ ngơi, có lệnh lại phải đi làm, công việc triển miên và hết sức vất vả. Chồng là Bộ đội biên phòng, nên khi hai vợ chồng đều vắng nhà, các cháu lại phải cậy nhờ ông bà chăm nom.

Nhìn con cùng bố mẹ chờ lấy mẫu xét nghiệm, chị chỉ biết đứng xa dặn dò con đủ thứ, nhớ nghe lời ông bà, chăm ngoan đợi ngày mẹ về. Thèm một cái ôm con vào lòng, một cử chỉ âu yếm với con nhưng cũng không thể, những giọt nước mắt cứ thế lăn dài phía sau lớp khẩu trang và bộ đồ bảo hộ kín mít.

Chuyện chưa kể  về những “bông hồng thép” mang áo blouse trong tâm dịch
Kiệt sức, ngã quỵ vì xuyên đêm trong chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm cộng động

Đó là những nữ cán bộ y tế cần mẫn, miệt mài trong nhiệm vụ tiêm chủng. Họ đã phải tham gia tập huấn, tham gia các lớp hỗ trợ công tác tiêm chủng và rồi khẩn trương lao vào công việc mỗi khi có vaccin được phân bổ. Họ đã phải căng mình, chạy đua với nhiệm vụ, và phải gác lại chuyện gia đình, con cái cho những chiến dịch tiêm chủng lớn, quy mô. Là những nữ nhân viên bệnh của các bệnh viện, họ đều phải sẵn sàng với tâm thế lao vào công việc bất kỳ lúc nào, thời gian nào để luôn bảo đảm rằng vaccin được tiêm chủng nhanh nhất, sớm nhất sau khi được phân bổ.

Vậy đó, họ đã sống hết mình, gồng gánh mọi trọng trách và sẵn sàng với mọi nhiệm vụ. Những hình ảnh ấy càng tô thắm lên sự đẹp đẽ về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, những “bông hồng thép” tỏa hương trong đại dịch.

Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động