e magazine
16:17 | 30/07/2021
“Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già

16:17 | 30/07/2021

Hàng chục cây nghiến cổ thụ tại rừng đặc dụng Du Già vừa bị lâm tặc chặt hạ trái phép để cưa lấy thớt. Nhiều người cho rằng, đây là đợt phá rừng nghiêm trọng nhất từ tước tới nay tại Hà Giang.
(“Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già

“Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già

Vườn Quốc gia Du Già, tỉnh Hà Giang có diện tích quy hoạch hơn 21.000 hecta, trải rộng trên địa bàn 6 xã thuộc 3 huyện, gồm: Các xã Lạc Nông, Thượng Tân, Minh Ngọc, Minh Sơn, huyện Bắc Mê; xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên và xã Du Già, huyện Yên Minh. Nơi đây có nhiều loài động vật quý hiếm như vọoc mũi hếch, vượn đen má trắng và nhiều loài gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao như thông, trai lý, nghiến,... Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại đây luôn được coi trọng.

Như đã hẹn với lực lượng kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già đi kiểm tra thực tế tại khu vườn, cùng đi với chúng tôi có anh Thào Đức Chạo - “thợ” tuần tra rừng ở xã Minh Ngọc. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, vật chất cho chuyến đi này, từ giầy, mũ, áo và dụng cụ mang theo thật ngọn nhẹ, nhưng tôi vẫn cần rất nhiều sự hỗ trợ của người “thợ” tuần rừng và anh em kiểm lâm để băng qua nhiều sườn núi đá tai mèo, với nhiều còn dốc dài hết lên rồi lại xuống, có những đoạn vách núi đá dựng đứng sát nhau chỉ hở một khe vừa đủ cho một người đi qua.

Bắt đầu tiến vào khu rừng già, anh Chạo không quên truyền đạt cho tôi một số kinh nghiệm đi rừng, trong đó có việc chỉ cho tôi biết mặt cây lá han đồng thời dặn phải để ý, tránh xa, không được đụng chạm vào loài cây này. Đây là cây mọc hoang trong rừng mà người đi rừng luôn phải tránh xa, nếu ai không may chạm vào nó sẽ bị ngứa, rát như phải bỏng.

“Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già

Tiếp tục luồn lách qua những bụi cây với dây và lá gai góc, vượt qua những mỏm đá tai mèo sắc nhọn, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được khu vực, nơi có hàng chục cây nghiến cổ thụ vừa bị các đối tượng lâm tặc đốn hạ.

Tại hiện trường, nhiều cây gỗ nghiến có đường kính từ 0,8m đến trên 1,2m bị đốn hạ nằm ngổn ngang, dấu vết cho thấy một số cây mới bị chặt hạ, vết cưa còn tươi, cành lá vừa héo, mùi thơm đặc trưng của gỗ nghiến tươi từ những vết cắt, mùn cưa và đống gỗ vụn vẫn còn lan tỏa. Phần nhiều những cây còn lại được xác định đã bị chặt hạ cách đây vài ba tháng. Cả khu rừng hàng chục nghìn m2 tan hoang vì những cây nghiến cổ thụ bị đốn hạ khiến rất nhiều cây cối xung quanh đổ theo.

Tôi hỏi anh Chạo, tổ tuần tra rừng của các anh và lực lượng kiểm lâm thường xuyên đi tuần như thế nào? Người “thợ” tuần rừng cho hay, tổ tuần rừng của anh có 6 người, trước đây thường đi tuần tra 4 lần/tháng. “Nhưng từ tháng 1-2021, hợp đồng tuần tra rừng của chúng tôi với Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già hết hạn nên chúng tôi phải nghỉ, không đi tuần tra nữa. Kể từ khi chúng tôi nghỉ đến nay thì nhiều cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ”, anh Chạo nói.

“Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già

Quá trình dẫn chúng tôi vào kiểm tra thực tế khu vực “nghĩa địa” nghiến cổ thụ, ông Lâm Quang Thắng, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già cho biết, kết quả kiểm tra, khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định có 76 cây gỗ bị chặt hạ để khai thác lâm sản trái pháp luật, trong đó có 68 cây gỗ nghiến (nhóm IIA) và 8 cây gỗ thông thường.

Theo kết quả kiểm tra, tính đến ngày 29-6, lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang xác định tại khu rừng đặc dụng Du Già, thuộc địa bàn xã Minh Ngọc (huyện Bắc Mê) có 68 cây gỗ nghiến bị chặt hạ (bao gồm cả cây bị chặt hạ đã lâu và cây mới bị chặt hạ) với khối lượng đo đếm sơ bộ hơn 700m3. Cơ quan chức năng đã tiến hành lập hồ sơ đối với từng cây nghiến bị chặt hạ, xác định tọa độ, mô tả loại cây, kích thước, đánh số thứ tự.

“Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già

Cũng trên địa bàn xã Minh Ngọc, từ ngày 21 đến 25-6, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê phối hợp chính quyền địa phương tiến hành rà soát diện tích rừng sản xuất trên địa bàn thôn Lùng Càng, đã phát hiện 21 cây gỗ nghiến bị khai thác trái phép, khối lượng hơn 70m3. Đây là rừng sản xuất có yếu tố tự nhiên đã được UBND huyện Bắc Mê giao cho tập thể thôn Lùng Càng, xã Minh Ngọc quản lý. Theo quy định của pháp luật, rừng sản xuất có yếu tố tự nhiên cũng bị nghiêm cấm khai thác.

Còn về trách nhiệm của kiểm lâm đã để xảy ra tình trạng phá rừng, ông Thắng cho biết, tại xã Minh Ngọc có một cán bộ kiểm lâm địa bàn. Để xảy ra tình trạng phá rừng là trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm địa bàn nói riêng và kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già nói chung.

Tuy nhiên, từ đầu 2021 đến nay, do dịch bệnh Covid-19 nên công tác tuần tra, kiểm tra rừng cũng như việc tiếp xúc, trao đổi với người dân, các tổ bảo vệ rừng trước đây của kiểm lâm địa bàn có nhiều hạn chế; việc tổ chức những buổi tuyên truyền bảo vệ rừng tập trung đông người không thực hiện được. Bên cạnh đó, khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho kiểm lâm địa bàn còn thiếu thốn rất nhiều.

“Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già

Dời “nghĩa địa” nghiến cổ thụ giữa rừng đại ngàn, để tìm hiểu người dân nơi đây có biết sự việc lâm tặc chặt phá rừng, khai thác gỗ nghiến trái phép, chúng tôi tìm gặp ông Mã Xuân Hành - Trưởng thôn Lùng Càng, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, - thành viên tổ bảo vệ rừng thôn Lùng Càng.

Đi theo con đường độc đạo - ranh giới giữa rừng khu đặc dụng và rừng phòng hộ, qua nhiều dốc núi quanh co, chúng tôi đến nhà ông Mã Xuân Hành. Nằm cạnh con đường chính trong thôn, ngôi nhà của gia đình ông Hành khá rộng, vừa mới được xây cất xong theo kiểu dáng nhà sàn, cột nhà bằng gỗ, tầng 1 xây tường gạch xung quanh, tầng 2 làm bằng vách gỗ, mái lợp bằng tấm Fibro xi măng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mã Xuân Hành cho biết, thôn Lùng Càng có khoảng 100 hecta rừng đặc dụng, 97 hecta rừng phòng hộ và hơn 91 hecta rừng sản xuất. Trước đây, công tác tuần tra, bảo vệ rừng trong thôn, xã được thực hiện đều đặn và hiệu quả. Đầu năm 2021, kinh phí chi trả cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng không còn nữa nên tổ tuần rừng thôn Lũng Càng cũng như các tổ tuần rừng khác trong xã đều dừng công việc.

“Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già

Khi được hỏi, vậy mà từ đây ra trung tâm xã Minh Ngọc, Quốc lộ 34C, không thấy có một “trạm, chốt” kiểm soát lâm sản nào cả? Ông Hành cho biết, hiện trên tuyến đường từ đây ra trung tâm xã có tới 2 lực lượng kiểm lâm “đóng chốt”, đó là Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già và Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê, nhưng họ không lắp đặt barie nên nhiều người đi qua không biết đó là “trạm chốt” của kiểm lâm.

Được người dân chỉ dẫn, trên đường từ nhà ông Mã Xuân Hành đi ra trung tâm xã Minh Ngọc, chúng tôi ghé vào “trạm, chốt” kiểm soát lâm sản của 2 lực lượng kiểm lâm nêu trên, thì ra đây là Điểm trường tiểu học Lùng Càng, lực lượng kiểm lâm đã mượn tạm một căn phòng của Điểm trường này làm chỗ trú mưa, trú nắng mỗi khi đi tuần rừng trong khu vực Lùng Càng.

Vào thời điểm chúng tôi có mặt, tại “trạm, chốt” này cũng không hề thấy cán bộ kiểm lâm nào túc trực.

“Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già

Ông Nguyễn Trung Kiên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê cho biết, huyện Bắc Mê có tổng diện tích rừng tự nhiên trên 47.000 hecta, trong đó rừng đặc dụng hơn 14.000 hecta, rừng phòng hộ hơn 17.000 hecta còn lại là rừng sản xuất hơn 15.000 hecta. Theo đó, có 3 chủ thể được giao rừng: một là Ban quản lý rừng đặc dụng; hai là Ban quản lý rừng phòng hộ; ba là một số cộng đồng dân cư thôn - tổ bảo vệ rừng thôn. “Việc để xảy ra tình trạng chặt phá rừng trái phép trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ rừng”, ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, tất cả diện tích rừng đã được giao cho chủ rừng và cộng đồng dân cư thôn, thậm chí là giao đến các hộ gia đình, cơ quan kiểm lâm chủ yếu tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện, xã để phối hợp công tác kiểm tra. Khi các chủ rừng có thông tin báo cáo về vi phạm thì kiểm lâm kịp thời có mặt để cùng với chủ rừng đi kiểm tra thực địa.

Khi chúng tôi hỏi, Hạt kiểm lâm huyện Bắc Mê có thành lập “chốt, trạm” kiểm soát lâm sản trên tuyến đường từ thôn Lùng Càng đi ra trung tâm xã Minh Ngọc? ông Kiên cho biết: “Chốt, trạm” này mới được thành lập từ tháng 4-2021, còn trước đây là không có”.

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng khai thác lâm sản trái phép thường lợi dụng sự phức tạp của địa hình, tổ chức khai thác gỗ ở khu vực xa dân cư, ít người qua lại; thường là vào ban đêm, bố trí người cảnh giới, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì thông tin cho đồng bọn tẩu tán, bỏ lại tang vật, phương tiện; Các đối tượng chủ yếu là người dân sở tại, lợi dụng đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép lâm sản, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn.

Trao đổi với phóng viên, bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê nói, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân ven rừng không đi lao động xa được, đất canh tác lại ít ỏi; thu nhập, điều kiện sống của người dân gặp nhiều khó khăn, trong khi đó lợi nhuận từ việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép lại lớn; nhận thức pháp luật của người dân về công tác bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế…

“Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già

Ông Nguyễn Trung Kiên, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bắc Mê chia sẻ, tại thôn Lùng Càng, xã Minh Ngọc, có 3 loại rừng, gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất đều được giao cho các chủ rừng. Rừng đặc dụng được giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý; rừng phòng hộ được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý và rừng sản xuất được giao cho xã và các cộng đồng dân cư thôn bản quản lý.

Cũng theo ông Kiên, các chủ rừng phải có trách nhiệm trông coi bảo vệ rừng, cùng với đó, chủ rừng được hưởng lợi từ các chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Chủ rừng cũng được thu hái những lâm sản phụ theo quy định và được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

“Đối với diện tích rừng sản xuất vừa qua phát hiện 21 cây gỗ nghiến bị khai thác trái phép được giao cho cộng đồng dân cư thôn Lùng Càng, xã Minh Ngọc quản lý. Tổng diện tích rừng sản xuất giao cho thôn này là hơn 91 hecta. Theo đơn giá quản lý, bảo vệ, 150 nghìn/hecta/năm. Như vậy, năm 2020, tổng số tiền cộng đồng cư dân thôn Lùng Càng nhận được gần 14 triệu đồng”, ông Kiên chia sẻ.

Về kinh phí quản lý, bảo vệ rừng, bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết, vừa qua UBND huyện đã làm việc với Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già, được biết từ đầu năm 2021 đến nay, chưa có kinh phí tuần tra, bảo vệ rừng cấp cho người dân nên công tác này đã không được thực hiện thường xuyên, dẫn đến tình trạng rừng bị xâm hại như vừa qua.

Với chính sách bảo vệ phát triển rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long nói, hầu hết các chính sách giai đoạn 2016 - 2020 đã hết hạn thực hiện. “Hiện, chính sách cho giai đoạn 2021 - 2025 chưa có. Tháng 2-2021, Bộ NN&PTNN ban hành văn bản về chính sách bảo vệ và phát triển rừng năm 2021, hướng dẫn một số chính sách bảo vệ phát triển rừng tiếp tục thực hiện như năm 2020, trong khi chờ chính sách mới”, ông Long cho biết.

“Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già

Vẫn xoay quanh nội dung rừng đặc dụng Du Già bị tàn phá và công quản lý, bảo vệ rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long cho biết, đầu tháng 6-2021, lực lượng chức năng phát hiện vụ phá rừng đặc dụng Du Già. “Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, sau đó đã chỉ đạo cho các lực lượng chức năng, Sở NN&PTNT, Chi cục kiểm lâm và Công an tỉnh tiến hành các bước điều tra, làm rõ vụ việc. Hiện, Cơ quan công an đang tiến hành điều tra nên chưa có kết quả chính thức”, ông Long thông tin.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, nguyên nhân dẫn đến các vụ phá rừng gần đây là do lợi nhuận mang lại từ việc khai trái phép gỗ nghiến mang lại giá trị lớn; thứ hai, từ năm 2020 đến nay, người dân Hà Giang chủ yếu đi làm tại các khu công nghiệp và đi xuất khẩu lao động, do dịch bệnh COVID-19 nên người dân trở về địa phương, không có công ăn việc làm ổn định. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng các vụ phá rừng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chia sẻ thêm, lực lượng kiểm lâm tỉnh Hà Giang có gần 200 người, vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh, huyện, đến xã và tới tận thôn bản, hộ dân. Rừng đặc dụng được giao cho các đơn vị quản lý rừng đặc dụng; rừng phòng hộ, rừng sản xuất được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ, huyện, xã, thôn và người dân quản lý. Trách nhiệm bảo vệ rừng là của chủ rừng, do vậy, công tác bảo vệ phát triển rừng là trách nhiệm chung của cả hệ thống.

Trách nhiệm khi để xảy tình trạng ra phá rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, theo Quyết định 07/2012/QĐ-TTg ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng thì cấp nào phải chịu trách nhiệm ở cấp đó, chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm trên toàn tỉnh, chủ tịch huyện chịu trách nhiệm trên toàn huyện và chủ tịch xã chịu trách nhiệm trên toàn xã.

Nội dung: Nhóm Phóng viên

Thiết kế: Thanh Tuấn