Chưa khi nào, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh khó khăn như năm nay, khi diễn biến dịch bệnh phức tạp và ở phổ rộng. Trường hợp không mong muốn nhất là việc ở hội đồng thi xuất hiện thí sinh F0, khiến việc bị đình chỉ điểm thi cũng đã xảy ra. Rất vất vả, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đến thời điểm này, sự thành công của kỳ thi đợt 1 là rất đáng ghi nhận. |
Với gần 1 triệu thí sinh cả nước tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của ngành giáo dục, mỗi địa phương đã lên phương án thi từ rất sớm. Ví như Hà Nội, bắt đầu năm học mới là chuẩn bị phương án thi cho lớp 10 và lớp 12. Suốt từ đầu năm học đến nay, cả nước và một số địa phương chịu tác động của nhiều đợt dịch, ảnh hưởng nặng nề, thậm chí, phổ dịch còn rộng, tính chất dịch lại còn phức tạp hơn năm 2020. Học sinh phải tạm dừng đến trường 2 lần. Nhưng rất ghi nhận sự chuyển đổi số nhanh nhẹn của ngành giáo dục. Các em dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Học sinh lớp 12 được tạo mọi điều kiện để yên tâm học và ôn tập tốt. Bộ GD&ĐT đã lên phương án thi từ rất sớm, chủ động điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật cho phù hợp với tình hình mới. Càng đến gần ngày thi đợt 1, diễn biến dịch ở một số địa phương càng phức tạp hơn. Nhưng kỳ thi vẫn được tổ chức đúng lịch. Nhưng có những khó khăn, có những điều không mong muốn vẫn xảy ra. Đội ngũ thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT đến từ các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ phải điều chỉnh liên tục đến sát ngày thi; trong giờ thi vẫn phát hiện, truy vết thí sinh thuộc diện F khiến một số điểm thi phải dừng hoặc điều chỉnh phương án tổ chức. |
Sáng 7-7, Phú Yên dừng khẩn cấp tổ chức thi tốt nghiệp tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Tây Hòa và điểm thi Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa. Nguyên nhân là hai điểm thi này có yếu tố về dịch tễ. Hơn 700 thí sinh sẽ thi vào đợt 2. Điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM có thí sinh dương tính với SARS-CoV-2. Tại điểm thi Trường THCS Đặng Trần Côn, quận Tân Phú, TP.HCM có 1 thí sinh F0 đến làm thủ tục. Một học sinh của Trường THPT Lạng Giang số 3, tỉnh Bắc Giang đến trường để làm thủ tục dự thi, sau đó về trạm y tế xã để xét nghiệm nhanh COVID-19, kết quả dương tính với SARS-CoV-2, Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Bắc Giang quyết định điều chỉnh phương án thi đối với điểm thi tại Trường THPT Lạng Giang số 3, cho 472 thí sinh chuyển sang thi đợt 2. Dù là diễn biến không hề mong muốn, nhưng phải khẳng định đây là những diễn biến không hề bất ngờ, bởi trong phương án chuẩn bị thi của các địa phương đã có sự giả định, đặt tình huống từ trước. Tất cả các điểm thi có diễn biến bất ngờ đều được xử lý đúng quy trình, báo ngay và lên phương án phù hợp. Một mùa thi vất vả, với rất nhiều việc: Từ dạy và học cho đến tổ chức thi, nhưng với kinh nghiệm từ lần tổ chức thi năm 2020 và nhiều năm trước, với sự chuẩn bị chu đáo, có thể khẳng định: Chúng ta không bất ngờ, không lúng túng, không bị động. PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT nói: "Chúng ta phải nhìn nhận rằng, ở thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện tại, thì phải chọn giải pháp tối ưu nhất cho thời điểm này mà thôi, chứ không có giải pháp chung, tốt nhất đối với tất cả các tỉnh, thành. Tuy nhiên, ứng xử của các địa phương khi có F0 theo đánh giá của tôi là chủ động, phù hợp với quy chế". |
Đến thời điểm này, dẫu vẫn còn gần 24.000 thí sinh trên khắp cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch, chờ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, thì cũng có thể khẳng định, kỳ thi đợt 1 đã được tổ chức thành công. Và quan trọng nhất, sự an toàn của thí sinh và các lực lượng tham gia kỳ thi đã được đảm bảo. Ngay cả TP.HCM, địa phương phức tạp nhất ở thời điểm hiện tại về dịch bệnh, công tác tổ chức kỳ thi cũng rất đáng ghi nhận. Bởi học sinh, không chỉ riêng TP.HCM mà cả nước đều mong muốn được thi đúng lịch. Các phương án tổ chức kỳ thi đã đặt quyền lợi của các em lên trên hết. Đảm bảo an toàn kỳ thi, nhưng cũng đảm bảo an ninh, sự nghiêm túc và công bằng không chỉ trong kỳ thi mà còn xét tuyển ĐH, CĐ cho các em. Các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã sát sao suốt trước, trong và sẽ là cả sau kỳ thi. Các địa phương nghiêm túc quy định phòng dịch. Việc xét tuyển ĐH, CĐ được điều chỉnh để sắp tới sẽ đợi cả thí sinh đợt 2 thi xong mới thực hiện. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu phải quan tâm đến thí sinh mọi mặt, động viên các em vững tâm thi tốt. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng đánh giá sau khi kết thúc khâu coi thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm nay cho biết: Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức, với sự chủ động từ trước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực đặc biệt của 63 tỉnh, thành trên cả nước để việc tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn, thành công. Mỗi địa phương đều thành lập BCH cấp tỉnh, nhiều tỉnh có BCH cấp huyện, có sự phân công hợp lý, có sự giám sát, chỉ đạo chặt chẽ các công việc. Việc lên phương án phòng chống dịch Covid-19 là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận từ tất cả các địa phương. |
Nhấn mạnh tổ chức kỳ thi bảo đảm mục tiêu kép, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói: Mục tiêu số 1 là an toàn để thí sinh yên tâm đến trường thi, và đã đến trường thi thì phải được an toàn. Đó là tính nhân văn của kỳ thi. Do đó, người lớn có thể vất vả một chút, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Ngoài ra, khi có công việc phát sinh, cần dựa trên quyền lợi của thí sinh để giải quyết. Đánh giá kỳ thi năm nay là kỳ thi vất vả là hoàn toàn đúng. Nhưng trong sự vất vả ấy mới càng trân trọng hơn sự cố gắng của tất cả các lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi, có cả sự cố gắng học tập của chính các học sinh, có cả sự đồng hành sẻ chia với nhà nước, với ngành giáo dục của các phụ huynh. Đã từ lâu rồi, hình ảnh các lượng lượng an ninh, y tế, thanh niên tình nguyện… hỗ trợ thí sinh và người nhà đã trở thành thân quen, nhưng trong bối cảnh năm nay, những sự hỗ trợ đó càng trân quý hơn nữa. Đánh giá về những bài học để tổ chức tốt kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Đó là tổng hợp các yếu tố: Sự quan tâm của Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đến kỳ thi; Sự đồng thuận của nhân dân đối với kỳ thi; Việc làm chủ tình hình (như đối với Bộ GD&ĐT thì đã hướng dẫn địa phương tổ chức thi trong những kịch bản, tình huống cụ thể, đề thi được chuẩn bị dày dặn hơn… ); Phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan hiệu quả như: Ngành công an, y tế, giao thông… Và quan trọng là luôn luôn đặt học sinh vào trung tâm của quá trình giáo dục và mọi hoạt động giáo dục. Những biến chuyển của thế giới, trong đó có dịch bệnh mà con người phải đối mặt có lẽ sẽ khó nói trước về thời gian kết thúc. Trong bối cảnh đó, tất cả mọi mặt của đời sống, có giáo dục đã ảnh hưởng nghiêm trọng. Giữ cho tình hình học tập được ổn định, các kỳ thi được tổ chức đúng lịch và an toàn đó là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị. Nhờ sự chủ động từ tất cả các lực lượng, đến thời điểm này có thể nói kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng mục tiêu, thành công. |