Thứ tư 24/04/2024 22:40

Cần trang bị kỹ năng cơ bản khi đi rừng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian vừa qua, cộng đồng xôn xao về việc bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963) trú tại Mỹ Đình, quận Từ Liêm, TP Hà Nội, sống sót sau 7 ngày rơi xuống vực ở khu vực Yên Tử. Cơ quan chức năng đã khẳng định, đây là sự việc có thật và việc thoát hiểm của người phụ nữ là trường hợp hy hữu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo những nhà leo núi chuyên nghiệp, người bị lạc đôi khi không thiệt mạng vì thiếu thức ăn, nước uống mà đa phần do lạnh. Ở các vùng núi, nếu nhiệt độ ban ngày là 30 độ thì về đêm ở trong rừng, dưới thung lũng, nhiệt độ sẽ xuống còn khoảng 10 -15 độ. Mùa Đông hay Xuân, nhiệt độ về đêm ở trong rừng chỉ khoảng 0 - 5 độ.

Mùa hè năm 2016, chàng thanh niên 22 tuổi người Anh, một bán chuyên gia leo núi mạo hiểm, đã bỏ mạng ở Fansipan. Anh này đã chủ quan khi leo núi trong thời tiết nắng nóng của mùa hè nên mặc mỗi một áo phông. Anh đã bị ngã nên không thể di chuyển để giữ thân nhiệt ấm. Khi tìm được xác anh, người ta thấy anh đắp các tảng rêu lên người để chống lạnh. Nếu vẫn di chuyển được để giữ thân nhiệt ấm, nếu mang theo một cái bật lửa để đốt lửa sưởi ấm về đêm và chuẩn bị cho mình áo khoác, anh ta đã không sao.

Tháng 5-2021, một phượt thủ 34 tuổi từ Sài Gòn cũng bỏ mạng trên đường chinh phục đỉnh Pusilung (Lai Châu) do cảm lạnh. Trong quá trình leo núi, anh không đi giày, cũng không mặc áo mưa khi trời đổ mưa. Anh này buổi tối về ngủ ở lều (khu vực này không có lán) đã bị cảm cộng với kiệt sức và ra đi trong giấc ngủ.

Các chuyên gia leo núi, dã ngoại cho biết, chúng ta cần trang bị kỹ năng cơ bản trước khi tham gia du lịch vùng rừng núi. Trước khi đi đến bất kỳ địa điểm nào, điều đầu tiên và cần thiết nhất đó chính là tìm hiểu về khu vực bạn sẽ thám hiểm. Chúng ta có thể tìm hiểu trên mạng hoặc bản đồ khu vực, và bản đồ đó hãy luôn mang theo suốt hành trình, điều này sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ bị lạc trong rừng. Bên cạnh đó, bạn nên nói cho những người thân về chuyến đi bạn đang dự định, về địa điểm và dự kiến thời gian đi - trở về, để nếu bạn có lạc vào rừng sâu cũng sẽ có người biết và gọi cứu hộ.

Hãy mang theo các đồ dùng, thiết bị để giúp bạn sinh tồn trong rừng như dao, dây thép, còi, chăn không gian (mỏng nhẹ nhưng giữ ấm rất tốt), gương phản chiếu, diêm để trong hộp không thấm nước, la bàn, điện thoại có pin sạc dự phòng … Đừng quên bộ sơ cứu vết thương cá nhân và thuốc men vì chẳng có thể nói trước được điều gì trong rừng sâu.

Mỗi người chúng ta hãy tự tìm hiểu, trang bị những kỹ năng cơ bản để thoát hiểm trước khi đi du lịch tại vùng rừng núi. Chính kỹ năng tốt sẽ cứu chúng ta sống sót khi gặp sự cố bất ngờ.

Tường Vy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động