Thứ năm 25/04/2024 01:17

Bước tiến mới trong hợp tác tư pháp song phương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt - Lào hứa hẹn được lên một tầm cao mới, góp phần thiết thực kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác pháp luật giữa hai nước vào năm 2022.
Tiếp tục đưa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt-Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất
Tiếp tục đưa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt-Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất

Ký kết nhiều văn kiện hợp tác song phương Việt - Lào

Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào đã ký kết trước đây thực hiện các chương trình hợp tác về: giáo dục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển bền vững vùng biên giới, văn hóa - thông tin, kết nối cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch đồng thời duy trì hoạt động và nâng cao năng lực các dự án hợp tác. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân hai nước đang sinh sống, học tập, lao động và làm việc trên lãnh thổ của nhau.

Tại cuộc Hội đàm mới nhất giữa hai nước diễn ra trong tháng 8 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị phía Lào tiếp tục phối hợp duy trì cơ chế định kỳ tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới giữa 2 nước; xúc tiến đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự; tăng cường hợp tác trong đào tạo luật, đặc biệt là cử thêm sinh viên, học viên sang học tập tại Đại học Luật Hà Nội và các cơ sở đào tạo luật; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án ODA do Bộ Tư pháp Việt Nam hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào (Học viện Tư pháp quốc gia Lào) trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp Lào...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào và Chủ tịch nước Việt Nam đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác song phương. Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long và Bộ trưởng Tư pháp Lào Phayvy SIBOULYPHA đã tiến hành ký Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp CHDCND Lào năm 2022.

Quan hệ hợp tác pháp luật thêm sâu sắc

Chương trình hợp tác này là sự kế thừa những nội dung của Chương trình hợp tác các năm trước, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung mới để cập nhật với tình hình mới. Nội dung cơ bản của Chương trình hợp tác năm 2022 bao gồm: Bộ Tư pháp Việt Nam cử 2 Đoàn công tác sang Lào (Đoàn cấp Vụ chia sẻ kinh nghiệm về công tác hòa giải cơ sở; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp sang giao lưu với Đoàn Thanh niên NDCM Lào thuộc Bộ Tư pháp Lào); Bộ Tư pháp Lào cử 2 Đoàn công tác sang Việt Nam (Đoàn cấp Vụ sang trao đổi kinh nghiệm phục vụ sửa đổi Luật Công chứng; Đoàn Bộ trưởng Tư pháp Lào sang thăm luân phiên kết hợp tham dự Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới lần thứ 5 và tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp 2 nước).

Về đào tạo, bồi dưỡng: hai Bên tiếp tục tích cực triển khai có hiệu quả Kế hoạch năm 2022 của Dự án ODA hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào; Trường ĐH Luật Hà Nội Nội và Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam triển khai có hiệu quả các Thỏa thuận hợp tác đã ký với Học viện Tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Lào; về hợp tác địa phương: Bộ Tư pháp 2 nước khuyến khích và tạo điều kiện tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp, thi hành án địa phương của 2 nước theo Kết luận của các Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới giữa 2 nước; về hợp tác đa phương: hai Bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm tham gia, phối hợp tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế đa phương về pháp luật, đặc biệt là phối hợp trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN (ALAWMM) và Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM).

Việc ký kết chương trình hợp tác là sự kế thừa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với bề dày gần 40 năm qua giữa 2 nước, tiếp tục đưa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa 2 nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, thông qua cơ chế Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới định kỳ giữa 2 nước và trao đổi các đoàn công tác cũng như văn bản, tài liệu pháp luật. Một yếu tố quan trọng mà cả hai bên xác định là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, Bộ Tư pháp 2 nước cần đẩy mạnh hình thức làm việc trực tuyến.

Về công tác quốc tịch, Bộ Tư pháp Việt Nam đề nghị Bộ Tư pháp Lào làm việc với các cơ quan chức năng của Lào đẩy nhanh tiến độ nhập quốc tịch cho người Việt Nam có đủ điều kiện theo Thỏa thuận về giải quyết vấn đề di dân tự do giữa 2 nước (tỷ lệ giải quyết phía Việt Nam hiện nay là 82% nhưng phía Lào mới chỉ đạt gần 30%). Đề nghị nước bạn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ ủy thác tư pháp do phía Việt Nam gửi, đồng thời hai Bộ phối hợp sớm tổ chức đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự.
Đăng Đạt
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động