Thứ sáu 29/03/2024 13:49
Giải đáp chính sách

Bỏ sót vợ hoặc chồng tham gia tố tụng...

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 18/4/2022, VKSND TC có Hướng dẫn số Số 25/HD-VKSTC hướng dẫn một số nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi được biết, VKSND TC vừa có hướng dẫn một số nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Xin quý báo cho biết về vi phạm phổ biến trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “tranh chấp hợp đồng tín dụng”?

(Nguyễn Anh Minh, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Ngày 18/4/2022, VKSND TC có Hướng dẫn số Số 25/HD-VKSTC hướng dẫn một số nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Trong đó, một số vi phạm phổ biến và những vấn đề cần lưu ý trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “tranh chấp hợp đồng tín dụng” được VKSND TC lưu ý như sau:

Bỏ sót vợ hoặc chồng tham gia tố tụng đối với trường hợp tài sản thế chấp đứng tên một người trong thời kỳ hôn nhân

Nhiều trường hợp Tòa án chỉ căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên một người vợ hoặc chồng thế chấp, nên chỉ đưa người này tham gia tố tụng mà không đưa người còn lại vào tham gia tố tụng dẫn đến những thiếu sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, vì liên quan nguồn gốc, công sức đóng góp hình thành tài sản, những thỏa thuận về tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Quá trình giải quyết vụ án không phát hiện thiếu sót này dẫn đến nhiều vụ án bị hủy ở cấp giám đốc thẩm.

Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn Ngân hàng S với bị đơn Cty Đ, người liên quan là bà Nguyễn Thị C, Nguyễn Thị T... Tại Bản án phúc thẩm số 10/2015/KDTM-PT ngày 20/8/2015 của TAND cấp cao quyết định: giữ nguyên bản án sơ thẩm buộc đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền 24.760.000.000 đồng, nếu không thanh toán được xử lý tài sản thế chấp, trong đó có nhà đất tại 477 Nguyễn Văn Cừ...

Trong vụ án này, tài sản thế chấp (TSTC) là nhà đất tại 477 Nguyễn Văn Cừ, thành phố H, có nguồn gốc năm 1995 bà C mua có hợp đồng công chứng, nhưng chưa sang tên. Ngày 16/2/2001, bà C cùng chồng là ông Nguyễn Thiện C1 bán nhà đất 477 Nguyễn Văn Cừ này cho ông Nguyễn Văn Th với giá 1.200.000.000 đồng. Nhưng năm 2004, bà C tự làm thủ tục kê khai và được cấp GCN QSDĐ và thế chấp Ngân hàng S cho Cty Đ vay tiền. Vụ án có liên quan đến ông C1, nhưng Tòa án chưa thu thập chứng cứ làm rõ quan hệ hôn nhân giữa ông C1 và bà C và quyền lợi của ông C1 đối với nhà 477 Nguyễn Văn Cừ; đồng thời hành vi dùng 1 tài sản thực hiện nhiều giao dịch là có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng Tòa án chưa làm rõ việc bà C có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không để xử lý hình sự, là không đúng.

Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trường hợp tài sản đứng tên một người thời kỳ hôn nhân không chỉ xem xét nội dung GCNQSDĐ, mà còn phải căn cứ Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung vợ chồng, đặc biệt có trường hợp phải áp dụng Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 (quy định: “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”) và những quy định có liên quan để xem xét kỹ nguồn gốc hình thành tài sản, tài sản nhận chuyển nhượng hay được tặng cho, được thừa kế, nếu đứng tên riêng thì xem xét những thỏa thuận về tài sản riêng của vợ hoặc chồng; những tài liệu, chứng cứ kèm theo; trường hợp cần thiết phải xác minh hồ sơ cấp GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất để xem xét về nguồn gốc hình thành tài sản. Phải xem xét đưa chồng hoặc vợ (người không đứng tên trong GCNQSDĐ) vào tham gia tố tụng với tư cách đương sự để giải quyết triệt để, toàn diện vụ án.

Đ.P
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động