Thứ sáu 26/04/2024 03:04

Biến nỗi đau chấn thương thành động lực vươn tới đỉnh cao Olympic Tokyo 2020

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước ngày lên đường tham dự chính thức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, VĐV Lê Thanh Tùng gặp chấn thương viêm gân. Dù quá trình điều trị song song với lịch trình tập luyện, nhưng chưa bao giờ Tùng coi chấn thương là vật cản trên thanh xà đơn, trái lại em luôn nỗ lực “vượt lên chính mình”.

Mục tiêu giành vé vào chung kết Olympic Tokyo 2020

Chào Lê Thanh Tùng! Giải đấu Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 chính thức diễn ra từ ngày 23-7 đến 8-8-2021 tại Nhật Bản, là VĐV môn Thể dục dụng cụ (TDDC) giành tấm vé chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020, Tùng đã chuẩn bị tâm lý thi đấu ra sao?

Hiện, em vừa tập luyện, vừa điều trị chấn thương gót chân phải tại BV Thể thao. Chấn thương do acid uric trong máu tăng cao nên viêm gân. Do gặp chấn thương nên mục tiêu phát triển nội dung nhảy chống và những bài tập khó nội dung nhảy ngựa phải tạm dừng. Em hi vọng sẽ hồi phục chấn thương nhanh để có thể tự tin với giải đấu tại Thế vận hội mà bản thân đã cố gắng đạt được.

Mục tiêu của VĐV Thanh Tùng tại Olympic Tokyo 2020?

Mục tiêu là cố gắng hoàn thành tốt bài thi và vào được chung kết.

Nhìn lại hành trình chinh phục “tấm vé vàng” đến Olympic Tokyo 2020, Tùng đã đánh đổi những giọt nước mắt ra sao với những ngày tháng tập luyện và thi đấu?

Nước mắt thì không có ạ. Chỉ là 4 năm trước tại Olympic Rio 2016 em cũng có khả năng nhưng vì còn kinh nghiệm kém nên bỏ lỡ lần đó. Đặt mục tiêu tại Olympic Tokyo 2020, em trở về tập luyện cố gắng và đã hiện thực hoá được ước mơ của mình.

Biến nỗi đau chấn thương thành động lực vươn tới đỉnh cao Olympic Tokyo 2020
VĐV Lê Thanh Tùng trong một giải đấu

Hơn 20 năm bén duyên với môn TDDC, thể thao đã thay đổi cuộc sống của Thanh Tùng ra sao?

Thể thao thay đổi em rất nhiều từ con người cho đến tính cách và cuộc sống của bản thân và gia đình. Với sự cố gắng, nỗ lực em đạt được nhiều thành tích, giải thưởng thể thao, số tiền từ giải thưởng em hoàn toàn phụ giúp gia đình trang trải kinh tế. Phải tâm sự rằng, việc thi đấu giành thành tích không chỉ là đem vinh quang về cho Tổ quốc, đằng sau những tấm huy chương là cuộc sống thường nhật, mưu sinh. Chính áp lực kinh tế là động lực để em cố gắng đạt thành tích cao. Tuy tiền thưởng và sự yêu mến của môn TDDC không được như môn bóng đá nhưng bản thân em vẫn muốn chinh phục các ước mơ.

Lê Thanh Tùng có thể chia sẻ về “món quà” từ tiền thưởng đã phụ giúp gia đình mình như thế nào?

Từ tiền thưởng tích cóp trong các giải đấu, em phụ giúp gia đình xây một ngôi nhà ở quận 1, TP.HCM vì đó là điều ông ngoại của em mong muốn và mua được 1 căn nhà nhỏ bên quận 4, TP.HCM cho gia đình.

Dự định trở thành huấn luyện viên

Ngoài tài năng, tố chất sẵn có thì môn TDDC đòi hỏi phải tập luyện từ nhỏ và một “ý chí thép”, riêng với Lê Thanh Tùng hành trình chinh phục môn TDDC có điều gì đặc biệt?

5 tuổi em bắt đầu tập tại CLB Trần Hưng Đạo (TP.HCM) và 8 tuổi có mặt trong đội tuyển đi Trung Quốc tập huấn đến năm 16 tuổi. Và 17 tuổi thì bắt đầu có tên trong danh sách đội tuyển quốc gia đến bây giờ. Thời gian em đi tập huấn bên Trung Quốc là khoảng thời gian ám ảnh, mệt mỏi và hầu như ngày nào cũng khóc vì mệt. Với một đứa trẻ từ nhỏ đã phải xa gia đình nên em rèn luyện được tính tự lập nhưng cảm giác nhớ nhà, nhớ gia đình da diết. Có lúc em từng nghĩ hay bỏ cuộc đó là lúc em 14 tuổi. Lý do vì tập luyện với cường độ cao, phải xa nhà và lúc đó bản thân chưa có nhiều thành tích. Sau khi tham dự các giải đấu, em đạt thành tích và là động lực để em quyết tâm theo đuổi đam mê.

Vậy còn quan điểm ra sao về tuổi đời, tuổi nghề của môn thi đấu TDDC được coi là có sự đào thải khắc nghiệt?

Thực sự thì môn TDDC tại Việt Nam vẫn còn rất ít người biết đến và đi tập nên việc đào thải cũng không khắc nghiệt như các quốc gia khác. Còn tuổi đời là do bản thân mình cố gắng được đến khi nào thôi.

Biến nỗi đau chấn thương thành động lực vươn tới đỉnh cao Olympic Tokyo 2020
VĐV Lê Thanh Tùng là "gương mặt vàng" môn Thể dục dụng cụ tại Việt Nam

Gắn bó với TDDC đã 20 năm nay, giải đấu nào để lại ấn tượng đối với Lê Thanh Tùng?

Dấu ấn là năm 2017, em đạt huy chương Vàng nội dung nhảy chống nam tại Cup TDDC thế giới diễn ra ở Doha (Qatar), huy chương Vàng giải châu Á mang về thành tích đầu tiên của đội nam và thành tích 3 huy chương Vàng SEA Games 29. Với thành tích ấn tượng, em giành giải Cup Chiến thắng VĐV xuất sắc của năm.

Với kinh nghiệm chinh chiến nhiều giải đấu khu vực và quốc tế, theo Lê Thanh Tùng mỗi VĐV TDDC cần hội tụ đủ những yếu tố gì?

Đó là phải tự tin và chắc chắn không để tâm lý, áp lực ảnh hưởng đến thi đấu.

Là một trong số những “gương mặt vàng” của làng thể thao TDDC, Lê Thanh Tùng còn ấp ủ dự định nào khác?

Sau Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, em sẽ tập luyện cho giải đấu SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam. Trong sự nghiệp VĐV, em sẽ cống hiến với môn TDDC đến khi nào không còn khả năng thì thôi. Dự định sau này em sẽ trở về Sài Gòn để làm huấn luyện viên (HLV), truyền lửa đam mê TDDC đến với giới trẻ.

VĐV Lê Thanh Tùng (SN 1995 tại TP Hồ Chí Minh). Với tuổi đời 26 và có 20 năm gắn bó với môn thể dục dụng cụ (TDDC), Lê Thanh Tùng là vận động viên tài năng của làng thể thao Việt Nam.

Một số thành tích nổi bật được kể đến, năm 2019, Tùng gặt hái huy chương Đồng nội dung xà đơn tại giải vô địch châu Á giúp TDDC Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương nội dung này.

Năm 2017, Tùng đạt huy chương Vàng nội dung nhảy chống nam tại Cup TDDC thế giới diễn ra ở Doha (Qatar), huy chương Vàng giải châu Á mang về thành tích đầu tiên của đội nam và thành tích 3 huy chương Vàng SEA Games 29.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động