Thứ bảy 20/04/2024 18:32
Định vị bản sắc Thủ đô qua không gian sáng tạo:

Bài cuối: Kiến tạo từ giá trị cũ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sức hút từ các “không gian sáng tạo” đã và đang hỗ trợ cộng đồng bởi nó mở ra cơ hội chia sẻ, gặp gỡ, hợp tác trong hoạt động sáng tạo văn hóa và công nghệ, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Hồi sinh từ mô hình “không gian sáng tạo”

Giữa lòng Hà Nội, ngồi nép mình trong một quán cà phê được thiết kế độc đáo với gam màu trầm đan xen, trộn lẫn với những bức tranh về phố xưa, nhà cổ hoài niệm về một Hà Nội hào hoa xưa. Gian phòng bừng sáng khi vang lên thanh âm từ bản nhạc quen thuộc: “Dù có đi bốn phương trời/Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu/Một thời đạn bom, một thời hòa bình… ("Nhớ về Hà Nội"). Bất chợt, lòng người thổn thức bình yên đến lạ. Những âm thanh vang vọng trong lời bài hát “Nhớ về Hà Nội” hiện lên trong tiềm thức của mỗi người bằng sự trân trọng, yêu mến.

Khi mới bước vào, “Ơ kìa Hà Nội” đơn thuần là quán cà phê với không gian gần gũi, gợi nhớ nét đẹp văn hóa trong đời sống. Có mục sở thị mới thấy rằng, đây là không gian sáng tạo được nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp ấp ủ với mong muốn tạo ra “điểm hẹn nghệ thuật” với những người yêu điện ảnh và văn học có cơ hội gặp gỡ và trao đổi để cùng phát triển khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.

Bài cuối: Kiến tạo từ giá trị cũ
Không gian sáng tạo "Ơ kìa Hà Nội" từng tạo ấn tượng với nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật

Với nhiều người yêu thích nghệ thuật thì lựa chọn những quán cà phê kết hợp với nghệ thuật như trên là một sự thú vị mang vẻ đẹp bình dị nhưng không tầm thường. Cà phê “Manzi”, “Tổ chim xanh” cũng là cái tên quen thuộc đối với những ai vừa yêu cà phê vừa đam mê nghệ thuật.

Nếu Manzi nổi trội trong không gian thiết kế chính là việc quán nằm trong khuôn viên căn biệt thự Pháp từ những năm đầu thế kỷ 20 trên con phố Phan Huy Ích có vị trí gần hồ Tây lẫn phố cổ, có phòng triển lãm tranh nhỏ và tổ chức sự kiện tranh, ảnh, thì “Tổ chim xanh” là cái tên thân thuộc của những tín đồ mê sách. Dịp tháng 2 vừa qua, “Tổ chim xanh” đã triển khai mở dịch vụ thư viện sách.

Bài cuối: Kiến tạo từ giá trị cũ
Không gian sáng tạo tại "Tổ chim xanh"

Hướng tới không gian làm việc kết hợp với nghệ thuật có thể kể tới “Hanoi Creative City”, “Heritage Space”, “60s Thổ Quan”, “Hub Café”, “Toong”, “282 Design Workshop”,…

Giới yêu nghệ thuật ấn tượng với “Hanoi Creative City” có phong cách hoạt động tối giản, hiện đại và độc đáo, là nơi tập trung không gian làm việc dành cho cộng đồng các nghệ sĩ, nhà thiết kế. “Heritage Space” là không gian dành cho hoạt động triển lãm nghệ thuật, các chương trình trao đổi nghệ thuật đa ngành. “Hub Café” là nơi các nhạc sĩ thực hành âm nhạc và đa phương tiện gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, ứng tác và thể nghiệm, hoàn thiện tác phẩm và biểu diễn.

Đặc biệt, Toong (Tổ ong) không gian sáng tạo hiện đang tạo dựng “thương hiệu” trên thị trường với chuỗi không gian làm việc chung chuyên nghiệp quy mô quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Thành lập từ năm 2015, Toong hiện đã có mặt trên nhiều thành phố châu Á gồm: Phnom Penh, Vientiane, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và mới đây nhất là Nha Trang.

Tại Hà Nội, Toong nổi bật với 2 địa điểm là số 8 Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm) và lầu 2 tòa nhà 25T2 đường Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy). Tại đây, Toong cung cấp nơi làm việc các cá nhân, cộng đồng khởi nghiệp, hợp tác, hỗ trợ các nghệ sĩ đa ngành, nhóm và tổ chức văn hóa về cơ sở vật chất để thực hiện các dự án hay chương trình, sự kiện nghệ thuật.

Không phủ nhận, lợi ích kinh tế từ các “không gian sáng tạo” đã và đang hỗ trợ cộng đồng bởi nó mở ra cơ hội chia sẻ, gặp gỡ, hợp tác trong hoạt động sáng tạo văn hóa và công nghệ. Điểm chung không gian sáng tạo đề cao những hoạt động văn hóa có tính tương tác, sáng tạo.

Chị Vũ Thị Kim Bình - người sáng lập không gian sáng tạo “Tổ chim xanh” cho biết, mục đích ban đầu xây dựng không gian không chỉ là cà phê sách, còn là nơi để hỗ trợ cho là hoạt động sự kiện của nhiều nhóm bạn trẻ có chung niềm đam mê sở thích văn hóa nghệ thuật. Hàng tuần, hàng tháng tại “Tổ chim xanh” có nhiều sự kiện, hội họp, workshoop diễn ra với nội dung đa dạng, điện ảnh, văn học, hội họa, sách, thủ công, mỹ nghệ.

Riêng với 282 Design Workshop (156 Phú Viên, quận Long Biên) là không gian với nhiều góc nhìn khác nhau như quán cà phê vườn, một khu triển lãm gỗ. Cải tạo từ nhà máy sản xuất mũ cối của đơn vị lực lượng vũ trang để lại, đến nay 282 Design Workshop trở thành không gian sáng tạo đúng nghĩa dành cho giới trẻ.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Huy, sáng lập và đảm nhận CEO 282 Design Workshop cho hay, một không gian sáng tạo nhằm tạo sân chơi dành cho các hoạt động thiết kế, thể thao, triển lãm kết hợp sản xuất nhẹ, khuyến khích con người sống lành mạnh và giao tiếp với nhau nhiều hơn.

Bài cuối: Kiến tạo từ giá trị cũ
282 Design Workshop (156 Phú Viên, quận Long Biên)

Hàng tháng, 282 Design tổ chức các lớp học chế tác, tận dụng mẫu gỗ, thanh sắt để chế tác ra sản phẩm nào đó; sau đó đơn vị tổ chức cuộc thi nhỏ, trao thưởng cho các sản phẩm tốt, vừa khuyến khích bảo vệ môi trường, vừa khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của giới trẻ.

Nở rộ các không gian sáng tạo đã góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển và tạo công ăn việc làm cho cộng đồng. Tiêu biểu là Hợp tác xã Vụn Art (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông).

Lấy ý tưởng tận dụng những vải vụn từ làng lụa Vạn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường cùng với những người khuyết tật đã sáng tạo nhiều sản phẩm thủ công từ vải vụn, từ những bức tranh tinh tế theo mẫu dân gian.

Bài cuối: Kiến tạo từ giá trị cũ
Sản phẩm sáng tạo từ tranh ghép vải của Hợp tác xã Vụn Art tại một sự kiện văn hóa Hà Nội năm 2020. (Ảnh Khánh Huy)

Gần đây, các sản phẩm túi vải và áo phông trang trí họa tiết bằng vải vụn độc đáo phục vụ nhu cầu của khách hàng. Sắp tới, Vụn Art sẽ phát triển thêm sản phẩm áo dài với họa tiết làm từ những mảnh vải vụn nhằm tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường.

Tháo gỡ những khó khăn

Những không gian sáng tạo đã hồi sinh những mảng màu cũ từ kiến trúc, không gian, thiết kế để tạo ra không gian mới để trải nghiệm, học tập, khởi nghiệp. Bên cạnh sự phát triển thì rất nhiều không gian sáng tạo tại Hà Nội phát triển chưa tương xứng với kỳ vọng đặt ra. Một trong những khó khăn chung là vấn đề về vốn và pháp lý.

Theo chị Vũ Thị Kim Bình thì khó khăn của “Tổ chim xanh” về mặt chính sách khi chưa có quy định rõ ràng về loại hình hoạt động của không gian sáng tạo. Đối với các không gian sáng tạo khác, tính ổn định về mặt bằng không gian là một trong những thách thức mà hầu hết không gian sáng tạo ở Thủ đô Hà Nội phải đối mặt.

Phải kể tới Hanoi Creative City ban đầu là một tổ hợp đa dạng các lĩnh vực hoạt động, nhưng sau đó mới bộc lộ xung đột với cư dân chung cư bên cạnh về không gian chung, tiếng ồn và nhiều vấn đề khác. Trường hợp tổ hợp 60s Thổ Quan, Heritage Space, Ơ kìa Hà Nội… do vướng mắc về mặt bằng buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc liên tục phải di chuyển địa điểm.

Lý giải nguyên nhân, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh nhận xét rằng, hầu hết không gian sáng tạo do giới trẻ gây dựng với nguồn kinh phí eo hẹp, cộng với chi phí thuê mặt bằng ở Thủ đô cao, chính sách ưu đãi, bảo hộ dành cho các mô hình mang đặc tính phục vụ lợi ích cộng đồng như không gian sáng tạo còn chưa nhiều, dẫn đến việc hình thành, tồn tại và ngừng hoạt động của không ít không gian sáng tạo có chu trình rất nhanh.

Phát triển công nghiệp văn hóa

Để hỗ trợ phát triển không gian sáng tạo một số chính sách đã được triển khai để tăng cường sự kết nối thông qua sự hình thành mạng lưới không gian sáng tạo, phát triển.

Những năm gần đây, TP Hà Nội thực hiện nhiều chủ trương như: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng; thúc đẩy kết nối, tương tác trong hoạt động, phát triển của không gian sáng tạo…

Đặc biệt, kể từ khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Thủ đô tiếp tục đặt ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa những cam kết đã đề ra trong hồ sơ gia nhập mạng lưới, trong đó có việc xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo.

Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH&TT Hà Nội), không gian sáng tạo được xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô hiện nay đã được Thành ủy Hà Nội khóa XVII đưa vào Chương trình số 06/Ctr-TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển, Thành ủy Hà Nội đang triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đang tập trung thực hiện các sáng kiến, đề xuất chăm lo xây dựng nền tảng sáng tạo với các hoạt động giáo dục sáng tạo, như: Thành lập Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; phát triển chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội…

Thời điểm này, cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” do Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động từ tháng 10-2020 đến nay đã nhận được gần 100 phương án thiết kế ấn tượng. Hiện, cuộc thi đang trong thời gian bình chọn tác phẩm xuất sắc vào vòng xét giải.

Bài cuối: Kiến tạo từ giá trị cũ
Thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” chấm điểm các tác phẩm ấn tượng để xét giải

Từ cuộc thi, mô hình chuyển đổi công trình Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành không gian sáng tạo mang tên “Quận đường tàu 4.0”, ý tưởng “Con đường văn hóa nghệ thuật” mục tiêu “tái sinh” những vòm cầu kết nối khu phố cổ với cầu Long Biên hay mô hình du lịch cộng đồng từ cây lúa cho Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) với góc nhìn đổi mới, sáng tạo đã gợi mở những giải pháp cho vấn đề xây dựng, củng cố, khai thác các không gian sáng tạo trên cơ sở cải tạo các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng.

Bài 2: “Viên ngọc ẩn” từ miền ven sông Bài 2: “Viên ngọc ẩn” từ miền ven sông
Bài 1: “Điểm hẹn văn hóa” giữa lòng phố Bài 1: “Điểm hẹn văn hóa” giữa lòng phố
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động