e magazine
08:00 | 15/11/2022
Bài cuối: Đi xa thì phải đi cùng nhau

08:00 | 15/11/2022

Để xây dựng các “điểm nóng” vùng cao thành một điểm đến du lịch hấp dẫn cần sự chung tay của nhiều nguồn lực và của cả hệ thống. Theo nhận định từ các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế, chuyên gia du lịch, Sơn La vẫn còn nhiều việc phải làm để xứng tầm đầu tư và quan trọng nhất là không thể để du lịch đi một mình.
Bài cuối: Đi xa thì phải đi cùng nhau

Để xây dựng các “điểm nóng” vùng cao thành một điểm đến du lịch hấp dẫn cần sự chung tay của nhiều nguồn lực và của cả hệ thống. Theo nhận định từ các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế, chuyên gia du lịch, Sơn La vẫn còn nhiều việc phải làm để xứng tầm đầu tư và quan trọng nhất là không thể để du lịch đi một mình.

Bài cuối: Đi xa thì phải đi cùng nhau

Du lịch cộng đồng rất phù hợp, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, hỗ trợ tích cực cho phát triển nông nghiệp vì sản phẩm nông nghiệp do bà con làm ra có giá trị rất cao khi phát triển du lịch cộng đồng, phục vụ khách du lịch. Bảo tồn các không gian văn hóa, cả kiến trúc, cảnh quan, văn hóa của đồng bào. Đây là một loại hình rất mới và du khách rất thích tìm những bản còn nguyên sơ, giữ được giá trị đó cho du khách trải nghiệm. Việc này cũng tạo được sinh kế cho người dân, đặc biệt là khi sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa, hàng thủ công mỹ nghệ chỉ tự sản xuất, tự cung tự cấp nhưng khi phát triển du lịch thì nó sẽ thành một sản phẩm du lịch để phục vụ khách, hiệu quả kinh tế cao.

Hàng năm, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân vốn để cải tạo cảnh quan, đầu tư hạ tầng thiết yếu để phát triển du lịch, đặc biệt là các hộ dân có nhu cầu, nguyện vọng phát triển du lịch ở những bản nằm trong quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân về công nghệ thông tin, lắp đặt wifi miễn phí, đào tạo, đi tham quan, học tập các mô hình để ứng dụng vào thực tế.

Định hướng của tỉnh Sơn La là phát triển sản phẩm để vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa phục vụ phát triển du lịch. Ví dụ nông sản, trước đây chỉ trồng nông sản, 100ha mận của khu Nà Ka của Mộc Châu chỉ để thu hoạch quả giá trị kinh tế không cao. Tuy nhiên, khi mở cửa cho tham quan thì khách du lịch rất thích. Vào mùa hoa, có dịch vụ ngắm hoa chụp ảnh hay tổ chức giải chạy marathon đường mòn chạy qua vườn mận. Đến mùa quả thì tổ chức Ngày hội hái quả cho khách tham quan trực tiếp hái, thưởng thức và mua những trái mận tươi ngon trong vườn.

Hiện nay, ngành văn hóa đang tham mưu cho tỉnh để có những hỗ trợ và các liên kết phát triển du lịch, đặc biệt là cùng phối hợp với tỉnh bạn về nguồn nhân lực, về các định hướng về khai thác, phát triển du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành để kết nối các tour du lịch đảm bảo thuận lợi, nhất là các cái quy định về thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập cảnh, thị thực…

Ngoài ra, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm về vấn đề nhân lực tại chỗ, đối với du lịch, cần phân loại để đào tạo riêng các nhóm. “Riêng đối với du lịch cộng đồng, chúng tôi cũng đã có và đang đề xuất những giải pháp riêng cho đào tạo nguồn nhân lực để phát huy bản sắc địa phương chứ không phải là học theo những cách mà chúng ta hiện đại hóa lên” – ông Trần Xuân Việt chia sẻ.

Bài cuối: Đi xa thì phải đi cùng nhau

Phát triển du lịch kết hợp với xây dựng nông nghiệp sẽ đem lại nhiều lợi ích, người dân được tiếp cận và nâng cao dân trí, cảnh quan được chỉnh trang sạch đẹp. Bên cạnh đó, người nông dân cũng bán được sản phẩm mà mình sản xuất ra. Hơn nữa, thông qua du lịch sẽ phát triển các ngành nghề truyền thống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 hiện đang thực hiện nhiều giá trị kinh tế đa dạng như: cung cấp vật tư khoa học kỹ thuật; tư vấn nông nghiệp cho nông dân; chế biến nông sản; chăn nuôi; sản xuất rau sạch và phát triển du lịch nông nghiệp.

Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 phát triển du lịch từ năm 2014, xây dựng thành hệ thống lưu trú cách vùng nguyên liệu không xa. Tại đây, du khách có thể trực tiếp thăm và trải nghiệm vùng sản xuất, mua hàng tại chỗ để tự chế biến hoặc sẽ có người chế biến giúp. Các sản phẩm ẩm thực hoàn toàn được sản xuất từ các sản phẩm nông nghiệp do đơn vị tự cung cấp.

Trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp và du lịch nông nghiệp tạo thành một chuỗi giá trị kinh tế khép kín. Do đó, trong hai năm dịch Covid-19 vừa qua, mặc dù có ảnh hưởng nhưng Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 vẫn "sống khoẻ", lợi nhuận trong năm 2021 vẫn đạt trên 20 tỷ đồng

Theo ông Mai Đức Thịnh, phải đặt du lịch vào trong một chuỗi giá trị kinh tế để có thể bổ trợ cho nhau, đa dạng nguồn thu. Không để tình trạng thiếu việc làm trong lúc nhàn rỗi.

Bài cuối: Đi xa thì phải đi cùng nhau
Bài cuối: Đi xa thì phải đi cùng nhau

Ở Hua Tạt trước đây cũng có nhiều hộ tự làm du lịch, tự nhận đón khách khi thấy những kết quả mà A Chu làm ra. Tuy nhiên, do không học hỏi bài bản, không định hướng lại thêm dịch Covid-19 khiến nhiều người dần bỏ làm du lịch để quay lại nương rẫy, có người lại bán Homestay cho người ngoài. Nhìn những cảnh đó, A Chu hết sức đau xót và tiếc cho một đống của cải người dân đã bỏ ra.

“Làm du lịch cộng đồng không dễ, phải cực kì yêu nó, tin nó, 5 năm hay 10 năm cũng được chứ không phải cứ làm là có luôn. Giống như nuôi con bò cho sữa vậy, mình cũng phải chăm chút, cho nó ăn đều đặn, chăm sóc kĩ thì mới cho sữa. Làm du lịch cộng đồng cũng phải đầu tư, nâng cấp và đổi mới theo thời gian, không thể cứ một sản phẩm làm mãi, như thế thì như vắt kiệt sữa con bò vậy” – Tráng A Chu chia sẻ.

Bên cạnh đó, hiện nay giá thuê Homestay và khách sạn gần như là tương đương. Tuy Homestay không được đầy đủ tiện nghi như khách sạn nhưng cái giá mà du khách bỏ ra là được trải nghiệm những giá trị văn hoá địa phương. Vì thế, rất cần việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp và liên tục làm mới các sản phẩm du lịch để níu chân du khách ở lại. Tiện nghi kém, dịch vụ không tốt, sản phẩm du lịch không đa dạng đương nhiên lượng khách đến sẽ ngày càng ít. Có tiền tỷ đầu tư làm Homestay nhưng phải học cách quản lý, phục vụ và kỹ thuật làm du lịch và tái đầu tư hàng năm.

Nếu hộ nào muốn làm du lịch Homestay lâu dài, cho cả đời con cháu, thì A Chu sẽ tư vấn miễn phí từ A đến Z, thậm chí có thể đến ăn ở nhà A Chu để học cách bài trí, nấu nướng, phục vụ khách. Nhưng nếu chỉ làm như trước, xây dựng xong căn homestay rồi bán lại cho doanh nghiệp khác thì sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn của những người xung quanh, làm họ mất niềm tin vào mô hình này.

Bài cuối: Đi xa thì phải đi cùng nhau
Bài cuối: Đi xa thì phải đi cùng nhau

Du lịch cộng đồng ở Tây Bắc nói chung đều gặp những khó khăn cơ bản là thiếu vốn để cải tạo nhà cửa và trang bị đủ chuẩn đón khách; Việc cải tạo nhà cửa mang tính bắt chước nhau, thiếu sự sáng tạo để tạo bản sắc riêng. Đặc biệt sau dịch covid, thói quen đi du lịch của người Việt thay đổi, họ muốn trải nghiệm việc lưu trú tại Homestay, nhưng lại muốn không gian riêng tư, điều này đặc biệt gây khó khăn cho những cơ sở lưu trú trước đây đã quen phục vụ khách nước ngoài. Thiếu mạng lưới dịch vụ phụ trợ: cung cấp thực phẩm, dịch vụ đưa đón, hướng dẫn khách, các dịch vụ cho khách trải nghiệm

Đặc biệt những người không làm du lịch trong cộng đồng chưa được hưởng lợi ích từ việc phát triển du lịch của địa phương, do vậy họ không hỗ trợ, thậm chí là phá đám việc kinh doanh của những người làm dịch vụ Homestay lưu trú.

Do đó, địa phương cần tạo các quỹ/nguồn vốn để phát triển du lịch có lãi suất giống như vay sản xuất nông nghiệp. Kết nối với doanh nghiệp du lịch để địa phương – doanh nghiệp – người dân cùng thiết kế sản phẩm du lịch phù hợp. Đặc biệt, cần có hành lang chính sách địa phương để người không làm du lịch cũng được hưởng lợi ích từ phát triển du lịch địa phương, từ đó tạo cảnh quan chung cho cả một điểm đến.

“Một mô hình có thể nhắc đến cho việc cả bản cùng hưởng lợi ích từ làm du lịch cộng đồng đó là bản Sin Suối Hồ. Tuy nhiên, đây là một địa phương đặc thù nên khó có thể lấy làm tiêu biểu và nhân rộng ra. Vì thế, rất cần tới chính sách hỗ trợ từ địa phương. Ví dụ, những hộ đang làm du lịch cộng đồng đã được địa phương hỗ trợ thì có thể sẽ tạo một quỹ chung để chỉnh trang bản làng, giữ gìn vệ sinh cảnh quan. Giống như người làm du lịch nhưng nhà bên cạnh cũng được sạch đẹp hơn. Phải đi từ những cái nhỏ để người dân thấy được lợi ích rồi mới có thể vận động họ được” – bà Nga cho biết thêm.

Bài cuối: Đi xa thì phải đi cùng nhau

Dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT) đang hợp tác với các đối tác để phát triển ngành du lịch bền vững tại Lào Cai và Sơn La. Du lịch đóng vai trò quan trọng ở vùng Tây Bắc Việt Nam vì ngành này một khối lượng lớn việc làm và cơ hội tăng thu cung cấp nhập cho người dân, đặc biệt là cho phụ nữ và thanh niên. Với đặc điểm thu hút nhiều lao động, ngành du lịch không có nhiều rào cản gia nhập đối với các công việc trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cũng như các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

GREAT hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Vân Hồ từ năm 2019 thông qua tiểu dự án du lịch cộng đồng do AOP thực hiện. Các hỗ trợ gồm: Nâng cao nhận thức DLCĐ, tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo tập huấn kỹ năng, hỗ trợ tiếp cận tài chính và kỹ thuật để nâng cấp nhà cửa làm homestay tiêu chuẩn, xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch, kết nối thị trường, quảng bá marketing, thành lập hợp tác xã du lịch cộng đồng

Với việc đầu tư phát triển các mô hình và cơ sở du lịch cộng đồng, các đối tác đang làm việc cùng chính quyền địa phương và các đơn vị lữ hành đề đảm bảo nâng cao năng lực địa phương và các điểm đến du lịch được quảng bá liên tục. GREAT cũng đang thử nghiệm các mô hình du lịch cộng đồng tư nhân để chuyển sang phát triển du lịch cộng đồng bền vững hơn về tài chính.

Tuy nhiên, khó khăn của du lịch cộng đồng vùng cao là kỹ năng số để tương tác và quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch, đặt phòng trên các nền tảng internet yếu, nhất là nhóm dân tộc Mường theo 1 khảo sát gần đây của GREAT.

Vì thế, cần có các giải pháp can thiệp tổng thể và lâu dài, cần thúc đẩy kết nối hợp tác với doanh nghiệp lữ hành, và đẩy mạnh quảng bá marketing online, tiếp cận các kênh đặt phòng trực tuyến để thu hút khách du lịch cho các bản DLCĐ. Thúc đẩy kết nối tour tuyến. Tiếp tục nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng quản lý để duy trì và cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Bên cạnh đó, cần xây dựng các điểm du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường, đậm bản sắc văn hóa dân tộc, giàu lòng hiếu khách, và chất lượng du lịch cao. Quảng bá mạnh mẽ các đặc tính mới này tới du khách.

Bài cuối: Đi xa thì phải đi cùng nhau

Bài viết: Khánh Huy

Ảnh: Khánh Huy, NVCC

Thiết kế và trình bày: Khánh Huy