Thứ sáu 29/03/2024 18:01
1001 nỗi lo của phụ huynh khi vào năm học mới:

Bài cuối: Dạy học trực tuyến không thể cứ phó mặc cho trường học, giáo viên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngoài những nỗi lo về sức khỏe, điều kiện kinh tế… còn nhiều phụ huynh cho rằng việc học trực tuyến không thực sự hiệu quả. Nhưng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì việc học trực tuyến là giải pháp tối ưu hiện nay.

Chị P.H (Bắc Từ Liêm) cho rằng, việc học trực tuyến không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ nhỏ, học trực tuyến còn thực sự không hiệu quả. “Cô và trò mất quá nhiều thời gian để “chấn chỉnh” nhau trong tiết học, hoặc bận giải quyết những vấn đề phát sinh về đường truyền mạng, việc liên tục bị thoát ra của học sinh… Thế nên một tiết học không còn đủ thời gian như mong muốn.” – chị H. cho biết.

Hơn nữa, bởi việc học trực tuyến có hạn chế, thế nhưng theo chị H. chương trình học của các con lại không hề giảm tải. “Sở Giáo dục bảo giảm tải, nhưng thực tế chỉ giảm thời gian luyện tập của các con, còn lượng kiến thức vẫn nguyên. Như vậy còn tệ hơn vì với học sinh tiểu học, việc luyện tập là vô cùng cần thiết.” Cũng theo chị, nếu như trong khi học trực tuyến, gia đình không bám sát trẻ nhỏ, việc trẻ không nắm vững kiến thức là chuyện đương nhiên.

Bài cuối: Dạy học trực tuyến không thể cứ phó mặc cho trường học, giáo viên
Dạy học trực tuyến không thể cứ phó mặc cho trường học, giáo viên. Ảnh minh họa

Nói về câu chuyện học trực tuyến, cô N.T.T, giáo viên một trường tiểu học thuộc huyện Gia Lâm, cho rằng, sở dĩ việc học trực tuyến không đạt kết quả và kỳ vọng của cả giáo viên và phụ huynh có nhiều lý do. Cô cho rằng, chính sự thiếu sáng tạo, đầu tư của một bộ phận giáo viên đã khiến hình thức học trực tuyến trở nên tẻ nhạt, kém hiệu quả. Theo cô T., để có được một tiết dạy trên mạng cho trẻ, giáo viên cần kỳ công chuẩn bị giáo án thông qua việc tìm hiểu, tham khảo nhiều nguồn học liệu cộng với sự sáng tạo của mỗi người. Nếu cứ bê nguyên từ sách mẫu vào như cách một số giáo viên đang làm thì đó là dạy chống chế.

“Muốn dạy trực tuyến hiệu quả, đòi hỏi giáo viên phải nắm kỹ các thao tác sử dụng nền tảng trực tuyến, cách tương tác với học sinh sao cho tiết học không đứt quãng, điều này không hề đơn giản. Dạy trực tuyến, nếu làm nghiêm túc thì mức độ đầu tư giáo án sẽ khó gấp 3 lần bình thường, nhưng bù lại, cả thầy và trò sẽ có những trải nghiệm thú vị, kiến thức được truyền đi theo cách mới đầy hào hứng”. – cô T. nói.

Nói về vấn đề học sinh lớp 1 học online, với kinh nghiệm của mình, cô T. cho rằng, việc chuẩn bị cho học sinh lớp 1 học online cũng là một khâu đặc biệt quan trọng, đó là sự chuẩn bị về thiết bị, phần mềm, tài liệu và sự chuẩn bị về tâm lý. Cùng với những động thái đó, tuần học đầu tiên cho các em không nên dạy kiến thức vội, mà nên tổ chức chương trình định hướng, những buổi làm quen và những bài học về kỹ năng để các con dần quen với môi trường, cách thức học mới.

Ngoài ra, ngoài việc chỉnh sửa cách dậy, cách tiếp cận của giáo viên, chính bản thân các phụ huynh cũng chấp nhận phải tích cực hơn trong câu chuyện học trực tuyến của con em mình. Theo bác sỹ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, việc nghỉ dịch dài dài có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm, sinh lý của trẻ em.

Vì vậy, những thời điểm thế này phụ huynh cần phát huy cao nhất trách nhiệm và cố hết sức để đồng hành với trẻ bằng nhiều hoạt động, định hướng suy nghĩ cũng như thói quen của trẻ. Dù không đến trường nhưng cha mẹ nên tập thói quen cho con mỗi ngày. Cụ thể như cho trẻ ăn ngủ đúng giờ, dậy sớm tập thể dục sau đó trẻ sẽ lên lớp. Ngoài ra, bàn học tập của trẻ làm sao gần giống với lớp học nhất. Mỗi buổi học nên cho trẻ mặc đồng phục để trẻ có cảm giác quen dần với lớp học...

Bên cạnh đó, việc tạo sự tương tác bằng các trò chơi mang tính thi đua, phù hợp với lứa tuổi. Có như vậy học sinh tiểu học không bị tù túng hay bị nghiện điện thoại khi buộc phải tiếp cận sớm.

Tiếp tục câu chuyện khó khăn về trang thiết bị học cho con, cô T. cho biết, bản thân lớp cô dạy cũng có nhiều trường hợp như vậy. “Để tháo gỡ, phụ huynh có thể trao đổi với giáo viên, hoặc nhà trường để cùng tìm phương án phù hợp, giảm áp lực cho cả cô và trò. Đồng thời động thái đó cũng có ý nghĩa để nhà trường, giáo viên nhìn nhận và xử lý từng trường hợp cho phù hợp…”

Hoặc với những trường hợp chưa thể dời khỏi nơi cư trú để quay lại Hà Nội nhập học, cũng có thể chọn phương án nhập học chính nơi học trò đang cư trú để kịp vào đầu năm học mới. “Có thể sau khi dịch giã đã giảm, sẽ tính phương án chuyển về trường con học sau cũng không muộn.” – cô T. nêu phương án.

Việc dạy trực tuyến tại Việt Nam đang có sự khác biệt giữa các khối trường và các địa phương, tạo nên sự chênh lệch lớn. Nếu dịch Covid-19 kéo dài sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong giáo dục nên không thể xem dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế, mà phải có cách để đi đường dài, còn không học sinh sẽ bị gián đoạn kiến thức. Theo các chuyên gia giáo dục, việc phụ huynh than dạy trực tuyến không hiệu quả là có lý do vì các trường, các giáo viên đã mang đến cho con em họ những trải nghiệm chưa như kỳ vọng. Đây không phải là lỗi của dạy học trực tuyến. Vấn đề lớn nhất phải kể đến vai trò của các cơ quan chủ quản vì dạy học trực tuyến đâu thể cứ phó mặc cho trường học, giáo viên.

Các chuyên gia cũng cho rằng dạy trực tuyến là cơ hội vàng để đổi mới giáo dục trong thời đại công nghệ thông tin. Không còn là giải pháp tình thế mùa dịch, trong tương lai gần, dạy học trực tuyến sẽ là hình thức giáo dục được nhiều trường nhắm đến. Vấn đề là làm sao tạo được sự đồng bộ trong hệ thống giáo dục để mọi học sinh trên khắp Việt Nam đều được hưởng chương trình giáo dục trực tuyến với chất lượng tốt nhất có thể. Việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng cần tính toán theo hướng mở để đảm bảo sự công bằng cho những học sinh phải học trực tuyến dài ngày.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động