e magazine
07:05 | 14/11/2022
Bài 3: Những nốt trầm còn lại

07:05 | 14/11/2022

Mặc dù đã và đang đạt được nhiều khởi sắc, song du lịch cộng đồng tại Sơn La nói chung vẫn còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ. Giống như con ngựa sơn cước cần được nới lỏng dây cương để phi nước đại về phía trước.
Bài 3: Những nốt trầm còn lại

Mặc dù đã và đang đạt được nhiều khởi sắc, song du lịch cộng đồng tại Sơn La nói chung vẫn còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ. Giống như con ngựa sơn cước cần được nới lỏng dây cương để phi nước đại về phía trước.

Yếu về hạ tầng và nguồn vốn, thiếu đồng bộ về đầu tư

Dạo bước quanh khu tổ hợp của Tráng A Chu, mọi thứ được đầu tư bài bản và đồng bộ, đầy đủ tiện nghi. Khu công trình phụ được đưa ra khỏi nơi ở nhưng thuận tiện, wifi phủ sóng căng đét toàn khu nhà nhưng vẫn không rời bỏ văn hoá truyền thống.

Từ những nếp nhà sàn được giữ nguyên vẹn tới từng chi tiết nhỏ trong nhà như ống đựng giấy vệ sinh hay ống đựng đũa cũng được chăm chút sao cho mang trọn vẹn bản sắc văn hoá nhất. Homestay của A Chu từ một ngôi nhà sàn ban đầu nay được mở rộng thành một khu rộng rãi, thoáng đãng phù hợp cho đa dạng nhu cầu lưu trú, đáp ứng được yêu cầu cho đoàn khách lớn vài chục người hay khách cần riêng tư theo đoàn nhỏ 2-4 người.

Tuy vậy, anh chàng Giám đốc 8x này vẫn không khỏi trăn trở khi nhắc đến cơ sở hạ tầng tại địa phương. Đơn cử, tuyến đường chạy qua bản vẫn còn hơn 1km là đường đất. Nếu trời đẹp thì là một hành trình đẹp còn nếu gặp trời mưa thì du khách cũng đành phải ngậm ngùi bởi con đường lầy lội.

Bài 3: Những nốt trầm còn lại

Bài 3: Những nốt trầm còn lại
Điểm ngắm hoàng hôn ở Suối Bon rất đẹp nhưng đường đi vẫn còn nhiều hạn chế, phải đi và khó đi cho một khoảnh khắc ngắn

Với quan điểm tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực bản địa, A Chu luôn tìm tòi khám phá những địa điểm đẹp mà ít người biết rồi tự mình “Viral” trên mạng xã hội thành địa điểm thú vị tại chỗ.

Có thể nhắc tới khu Suối Bon được A Chu nhắc tới như là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất tại bản Hua Tạt. Thế nhưng con đường để đến đây vẫn là một hành trình thử thách khi xe máy cũng khó đi đến tận nơi. Quanh khu này chỉ có một con suối chảy qua với vài lều trông vịt, du khách muốn đến chỉ có thể “cuốc bộ” xa dài băng qua đồng ruộng chỉ để thưởng thức 15 phút hoàng hôn.

Không chỉ hạ tầng yếu, những hộ làm du lịch cộng đồng còn gặp khó khăn do nguồn vốn đầu tư hạn chế bởi thực tế để xây dựng một homestay cần nguồn vốn 500 - 700 triệu đồng, thậm chí nếu đầu tư nhiều hạng mục thì lên tới hơn 1 tỷ đồng. Đây là con số không tưởng đối với người dân vùng cao quanh năm chỉ có nương ruộng trên đồi.

Theo lời Tráng A Chu, Vân Hồ nói chung có nhiều yếu thế hơn so với Mộc Châu khi không có nhiều địa danh, thắng cảnh đẹp. Sự kết nối theo tuyến du lịch vì thế mà gặp hạn chế. Trông chờ vào nguồn lực tự nhiên tại địa phương khiến người dân vẫn rụt rè khi đầu tư làm du lịch cộng đồng

“Quanh khu này giờ chỉ còn 6 hộ làm du lịch cộng đồng. Nói là làm nhưng thực chất chỉ là tự phát, khách của họ nhiều khi là A Chu đông khách quá, không đáp ứng được nhu cầu lưu trú thì mình giới thiệu sang họ để ở còn ăn uống thì vẫn ở nhà mình” – A Chu chia sẻ.

Sự tự phát, lẻ tẻ, thiếu kết nối khiến bản Hua Tạt chưa có được sự đồng bộ thành một bản văn hoá du lịch cộng đồng gắn kết. Theo lời kể của ông chủ 8X, để khiến người dân ở đây nghe theo thì phải làm trước và cho họ thấy lợi ích thì mới nói họ xuôi được. Nhưng thuyết phục để làm theo thì rất khó.

Bài 3: Những nốt trầm còn lại
Kinh phí quá lớn, thời gian thu hồi vốn lâu là một rào cản khiến nhiều hộ chưa dám mạnh dạn đầu tư làm du lịch cộng đồng

Ngại học hỏi, sản phẩm chưa đa dạng

Theo lời A Chu, đưa được khách đến đã là khó, làm thế nào để kéo dài thời gian lưu trú của khách và khiến khách sẵn sàng móc hầu bao mới là điều còn khó hơn rất nhiều. Để làm được điều đó, đa dạng sản phẩm du lịch là điều cần thiết, và để làm được thì không thể thiếu đi sự học hỏi và sự sáng tạo.

“Nhiều người thấy A Chu làm được rồi họ cũng thử rồi làm theo. Họ chỉ thấy được cái A Chu được chứ không nhìn thấy cái A Chu đã phải bỏ ra. Trước đấy, A Chu cũng đi học Đại học dưới Hà Nội, rồi cũng phải đi khắp nơi để học hỏi xem người ta làm thế nào rồi mình làm từ từ. Có những lúc khó khăn quá đã định đốt bỏ hết, lỗ bao lâu rồi khi vừa được một chút thì dịch COVID-19 nay mới dần làm lại được. Phải học hết đấy chứ đâu tự nhiên mà làm ra được” – A Chu nói thêm.

Đó là thực trạng còn tồn tại đáng buồn trong công tác làm du lịch cộng đồng tại Hua Tạt khi nhiều hộ không được đào tạo và không muốn học hỏi. A Chu nói, anh sẵn sàng nhận người đến làm tại Homestay của mình rồi xem cách mình làm, học cách mình làm thì mới làm được. Thế nhưng đến nay con số người chịu đi theo để học vẫn còn rất khiêm tốn. Đó là lí do mà đến nay Hua Tạt cũng chỉ có duy nhất A Chu Homestay là điểm sáng duy nhất, chưa có thêm ngôi sao mới.

Bài 3: Những nốt trầm còn lại

Đến Hua Tạt, du khách khó có thể ở lâu dài hơn khi sản phẩm không đa dạng. A Chu cũng liên tục đưa ra các sản phẩm du lịch phụ trợ như các đêm văn nghệ đậm màu sắc truyền thống hay các tour du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống tại địa phương nhưng cũng không đủ sức để níu du khách ở lại lâu hơn 3 ngày.

Sản phẩm thổ sản cũng không khá hơn khi đồ thổ cẩm hay cây trái không đa dạng như các địa phương khác. Du khách dù có tiền cũng không tiêu được vào đâu.

Anh Vũ Hải Nam (Du khách tại Hà Nội) chia sẻ: “Vân Hồ mới làm du lịch cộng đồng. Điều duy nhất khiến tôi muốn đến chỉ đơn giản là còn nguyên sơ, bản sắc văn hoá, đến vào mùa hoa quả thì còn đẹp chứ thực chất không có gì để tôi sẵn sàng đến hàng năm. Thay vào đó, Bắc Hà lại đang là địa điểm khá mới mẻ và nhiều hộ đang làm du lịch cộng đồng rất bài bản, đa dạng các sản phẩm du lịch để níu chân du khách. Chưa kể đến việc Bắc Hà còn có những sản phẩm bản địa bản sắc như lễ hội đua ngựa, lễ hội mận, chợ phiên Bắc Hà… Sơn La hiện cũng đang cố gắng đa dạng các hình thức du lịch nhưng chưa quá mới mẻ đặc sắc và mang bản sắc riêng”.

Bà Thái Huyền Nga (Nguyên cán bộ dự án CRED) cho biết: “Không như Bắc Hà có những điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguyên sơ. Sơn La nói chung và Vân Hồ nói riêng có nguồn lực tự nhiên khá khiêm tốn, đường xá chưa thực sự thuận tiện khi vẫn còn nhiều đường đất. Địa phương nói chung nên cải thiện về cơ sở hạ tầng đường xá để phục vụ nhu cầu di chuyển và liên kết trong nội bộ bản và kết nối các vùng du lịch khác nhau để tạo thành một chuỗi liên kết vùng. Bên cạnh đó, địa phương cũng nên có các chương trình tập huấn và hướng dẫn bài bản trong công tác làm du lịch cộng đồng để các hộ được đi đúng hướng”.

Ông Trần Xuân Việt (Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La) thừa nhận, du lịch cộng đồng tại Vân Hồ gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nguồn vốn hỗ trợ. Để hỗ trợ người dân, tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết, hàng năm hỗ trợ người dân vốn để cải tạo cảnh quan, đầu tư hạ tầng, phục vụ thiết yếu để phát triển du lịch và phát triển gia đình có nhu cầu, nguyện vọng phát triển du lịch ở những bản có trong kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ về công nghệ thông tin, lắp đặt wifi miễn phí, đào tạo, đi tham quan, học tập các mô hình để ứng dụng.

Bài 3: Những nốt trầm còn lại

Nút thắt đến từ cơ chế đất đai

Làm du lịch cộng đồng ở vùng cao gặp không ít khó khăn, một trong những hạn chế ấy đến từ cơ chế đất đai khiến nhiều hộ và đơn vị vẫn còn dè dặt không dám đầu tư. Điển hình có thể kể đến tại bản Hua Tạt hiện đang vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế đất đai, đầu tư xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tráng A Chu cho biết, ngay tại bản Hua Tạt nói riêng dù nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, nhưng homestay xây dựng xong không được cấp sổ đỏ vì liên quan đến quy hoạch sử dụng đất. Mà không có sổ đỏ thì cơ sở không thể đăng ký kinh doanh cũng như làm hồ sơ nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, dẫn tới không vay vốn được ngân hàng.

Vì lí do đó, để có thể làm kinh tế bền vững, A Chu cũng như nhiều hộ tại đây mong muốn sẽ sớm được tháo nút thắt về cơ chế đất đai. Theo đó, chính quyền nên xem xét và có những ưu tiên nhất định về cơ chế và thủ tục hành chính trong đất đai cho các hộ làm du lịch cộng đồng nhưng cam kết chỉ xây cơ sở để kinh doanh tại chỗ, không được bán Homestay đi.

Bài 3: Những nốt trầm còn lại

Liên quan đến khó khăn về cơ chế chính sách, ông Đặng Phi Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hồ) cho biết, người dân trên địa bàn xã chủ yếu canh tác đất nông nghiệp, đất thổ cư trước đây chủ yếu được cấp không quá 400m2 trong không gian vườn nhà. Muốn phát triển được mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, phải giải quyết được vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân.

“Người dân có thể được giao cả một quả đồi nhưng diện tích thực tế để xây nhà chỉ khoảng 200-400m2 thôi. Người dân cứ nghĩ đất của họ, họ muốn xây thế nào thì xây, thế nhưng đất ở thực tế chỉ có vậy thôi, muốn chuyển đổi sang mục đích khác phải tuân thủ quy định pháp luật. Nhiều người dân khi làm nhà sàn, nhà trên đất nông nghiệp để phát triển du lịch, chúng tôi tạo điều kiện bằng cách yêu cầu phải ký cam kết khi Nhà nước có sử dụng mục đích khác thì người dân phải chấp nhận thu hồi” – ông Đặng Phi Hùng chia sẻ.

Bài 3: Những nốt trầm còn lại

Bài viết: Khánh Huy

Ảnh: Khánh Huy - A Chu

Thiết kế và trình bày: Khánh Huy